Hiện nay, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, với dự báo đến năm 2050, 70% dân số sẽ sống ở các thành phố lớn. Điều này tạo ra cơ hội cũng như đặt ra thách thức đối với công tác quản lý và phát triển bền vững của các thành phố như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và sự khan hiếm tài nguyên, chất lượng cuộc sống giảm sút… Thành phố thông minh ra đời là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh- Ảnh 1.

Mạng thiết bị IoT bao gồm cảm biến, thiết bị không người lái như xe tự hành, drone, thiết bị giám sát từ xa (camera, drone…) là thành phần quan trọng trong hạ tầng Vật lý – Số, nền tảng của thành phố thông minh. Tuy nhiên mạng thiết bị này rất đa dạng về chủng loại, số lượng lớn thiết bị, không gian trải dài và có các yêu cầu khác nhau trong sử dụng như độ trễ, băng thông,…

Khi số lượng kết nối lớn và khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra, mạng 4G hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu truyền dữ liệu. Công nghệ 5G ra đời là lời giải cho bài toán siêu kết nối.

Mạng 5G đang trở thành “mạch máu” trong đô thị thông minh thế giới

Theo Ủy ban châu Âu nhận định, có 6 lĩnh vực quan trọng để hoàn thiện thành phố thông minh. Đó là Chính quyền điện tử, Kinh tế thông minh, Giao thông thông minh, Môi trường thông minh, Cư dân thông minh, Cuộc sống thông minh.

Trên thực tế, không ít dự án triển khai thành phố thông minh đã và đang được thực hiện tại các quốc gia đi đầu trong cuộc đua Công Nghệ 5G như Hàn Quốc, Mỹ…

Thành phố Seoul đã triển khai hệ thống quản lý giao thông dựa trên 5G sử dụng dữ liệu thời gian thực để tối ưu hóa lưu lượng giao thông. Hệ thống này đã giảm đáng kể thời gian di chuyển và lượng khí thải carbon trong thành phố.

Thành phố New York sử dụng 5G để tăng cường an toàn công cộng thông qua việc triển khai camera có độ phân giải cao và hệ thống phân tích video thời gian thực. Điều này đã tăng khả năng phản ứng của lực lượng thực thi pháp luật và giảm tội phạm trong thành phố.

5G sẽ thúc đẩy sự phát triển của thành phố thông minh tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, Việt Nam nói chung và các tỉnh thành phố nói riêng đã có những bước tiến đáng kể trong việc triển khai các đô thị thông minh. Các thành phố thông minh đã và đang sử dụng Công Nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy các hoạt động phát triển, góp phần giải quyết thách thức của đô thị và tạo cơ sở hạ tầng bền vững, hỗ trợ Công Nghệ liên kết. 

5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh- Ảnh 2.

Thực hiện hành động trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, hiện tại đã có 48/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng đề án phát triển thành phố thông minh.

Trong giai đoạn tới, việc khai thác sâu hơn tiềm năng của các ứng dụng thành phố thông minh sẽ bước sang trang mới với sự “nhập cuộc” của Công Nghệ 5G tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn. 

Mới đây, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) đã cho ra mắt hệ sinh thái Viettel 5G2B (5G to Business) với trên 100 sản phẩm, bao phủ 7 lĩnh vực trọng điểm chuyển đổi số quốc gia, trong đó có thành phố thông minh. Hệ sinh thái này sẽ thúc đẩy việc chuyển dịch sang các Công Nghệ hiện đại, mở ra các dịch vụ và kết nối chưa từng có.

Hệ sinh thái 5G2B sẽ giải quyết các bài toán tự động hoá và tối ưu quản lý cho thành phố thông minh với ưu thế vượt trội về băng thông rộng, kết nối mật độ cực lớn (cho hàng triệu, thậm chí hàng tỷ thiết bị đồng thời) và độ trễ thấp (có thể đạt ngưỡng 1-5ms) đảm bảo cho hệ thống cảm biến, robot/xe tự hành, camera AI và drone giám sát truyền nhận thông tin về trung tâm điều hành để ra quyết định xử lý tức thời.

Giao thông thông minh là yếu tố then chốt tạo nên giao thông bền vững. Hạ tầng giao thông với số lượng lớn các camera, cảm biến quan trắc, đèn tín hiệu và bảng thông báo thực hiện thu thập dữ liệu giao thông theo thời gian thực truyền tải qua kết nối 5G đến hệ thống giao thông thông minh, tích hợp AI phân tích, giúp đưa ra cảnh báo và lên phương án đảm bảo giao thông cho đơn vị điều hành giao thông.

5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh- Ảnh 3.

Một trong những ứng dụng 5G nổi bật trong giao thông thông minh chính là xe tự lái và điều khiển phương tiện từ xa. Tài xế có thể điều khiển phương tiện từ xa đến địa điểm mục tiêu ở những nơi nguy hiểm như mỏ khai thác, khu vực thiên tai, giúp giảm thiểu rủi ro và tai nạn lao động. Xe tự lái không chỉ đơn thuần di chuyển mà còn có thể giao tiếp với nhau và với hệ thống giao thông, giúp giảm thiểu tai nạn và ùn tắc.

5G cũng sẽ đóng vai trò kết nối then chốt trong việc xây dựng môi trường thông minh, an toàn cho người dân thông qua các giải pháp về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, quản lý mạng lưới điện, nguồn nước… hay quản lý công tác cứu hộ cứu nạn.

Hệ thống cảm biến môi trường được lắp đặt khắp thành phố, cho phép giám sát liên tục chất lượng không khí, nước và đất, phát hiện sớm các vấn đề ô nhiễm. Hệ thống cảnh báo sớm dựa trên 5G hỗ trợ khả năng ứng phó nhanh cho cơ quan quản lý và người dân với các tình huống khẩn cấp như ngập lụt và hạn hán.

5G thúc đẩy việc sử dụng năng lượng xanh. Hệ thống quản lý năng lượng thông minh, kết nối với hàng triệu thiết bị trong thành phố, sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng, giảm thiểu tiêu thụ điện. Việc sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo trở nên dễ dàng hơn. Các tấm pin năng lượng mặt trời được kết nối với mạng lưới điện thông minh, tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời.

5G góp phần xây dựng một thành phố an toàn. Hệ thống camera giám sát thông minh, kết hợp với trí tuệ nhân tạo AI trên hạ tầng 5G, sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn tội phạm hiệu quả. Với sự phát triển của AI, VR/AR, nhận dạng hình ảnh độ nét cao và các Công Nghệ 4.0 khác, các thiết bị giám sát trên khắp thành phố ngày càng được trang bị nguồn cấp dữ liệu độ nét cao và Công Nghệ thông minh.

5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh- Ảnh 4.

Chú thích ảnh

Hiện nay, Viettel Solutions đang tiên phong triển khai hơn 40 hệ thống trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại các tỉnh thành trên cả nước. IOC đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần giúp cho việc điều hành, chỉ đạo của các địa phương được minh bạch, có các bộ KPI giám sát để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.

Bên cạnh đó, IOC cũng giúp cho các địa phương đạt được các giải thưởng trong nước và quốc tế về thành phố thông minh, góp phần nâng hạng trong các báo cáo, xếp hạng về chuyển đổi số, Công Nghệ thông tin.

Đến nay, với việc thương mại hoá 5G phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học, Viettel sẵn sàng cung cấp một hệ sinh thái 5G2B cho thành phố thông minh, giúp khai phóng tiềm năng số, thúc đẩy sự đổi mới trên hạ tầng siêu kết nối 5G để tối ưu hóa quản lý, tự động hóa quy trình, an toàn bảo mật, hướng tới mục tiêu kiến tạo hạ tầng số, xã hội số và cuộc sống số.

Có thể nói, với 5G2B, thành phố thông minh thực sự trở thành nơi mà Công Nghệ phục vụ con người. Trong tương lai, hệ thống đô thị thông minh được vận hành trên nền tảng hạ tầng 5G sẽ thu thập, giám sát nhiều loại thông tin khác nhau và đưa ra hành động quản lý điều hành phù hợp tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.

PV