Trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng với mức độ tinh vi và đa dạng, chiến dịch “Nhận diện lừa đảo” do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Meta phối hợp thực hiện đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng. Đặc biệt, sự tham gia của 3 nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng gồm: NSND Xuân Bắc, Tun Phạm và Khánh Vy đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp phòng chống lừa đảo đến đông đảo người dân.
Chiến dịch truyền thông “Nhận diện lừa đảo” tập trung vào 6 trong số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đã được Cục An toàn thông tin xác định là điểm nóng tại Việt Nam. Trong đó, các nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung sẽ xây dựng tình huống thực tế về các hình thức lừa đảo trực tuyến này, để từ đó đưa ra cảnh báo, khuyến cáo nhằm nâng cao nhận thức người dùng.
Ai cũng có thể là nạn nhân
Lừa đảo trực tuyến không còn là câu chuyện xa lạ mà đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, từ những lời mời chào đầu tư hấp dẫn đến những thông báo trúng thưởng bất ngờ, khiến nhiều người mất cảnh giác và rơi vào bẫy của kẻ xấu.
NSND Xuân Bắc chia sẻ: “Lừa đảo trên mạng bây giờ đã trở thành “phổ biến”. Hầu hết những cuộc lừa đảo là đều nhắm tới những món hời, nhắm thẳng vào cái lòng tham của mỗi người. Và điều đấy ai cũng dễ mắc phải”. Anh cũng nhấn mạnh rằng, không ai là không thể trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là những người lớn tuổi và những người đang gặp khó khăn.
Tun Phạm, một gương mặt trẻ được yêu mến trên mạng xã hội, bày tỏ sự lo ngại về tình trạng lừa đảo cho vay và đầu tư trực tuyến ngày càng tinh vi: “Hình thức lừa đảo cho vay và đầu tư hiện nay ngày càng phổ biến qua hình thức cực kì tinh vi và tiểu xảo trực tuyến như: cam kết có lãi, lợi nhuận cao, kiếm tiền dễ dàng khiến cho không ít nạn nhân sập bẫy, mất số tiền lớn”.
MC Khánh Vy cũng nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn trên mạng xã hội: “Mạng xã hội là một cái nôi giúp cho chúng ta có rất nhiều những lợi ích, công dụng khác nhau tuy nhiên cũng tiềm ẩn những nguy cơ lừa đảo. Việc lừa đảo đang ngày càng phát triển trên diện rộng và càng có nhiều thủ thuật lắt léo, dễ dàng lừa người khác hơn”.
Nâng cao ý thức, trang bị kỹ năng
Với mong muốn nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này, NSND Xuân Bắc, Tun Phạm và Khánh Vy đã đồng hành cùng chiến dịch “Nhận diện lừa đảo” do Cục An toàn thông tin và Meta phát động. Sự tham gia của họ góp phần tăng tính lan tỏa của chiến dịch thông qua những bí kíp hay và dễ nhớ để ai cũng có thể học theo và bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ lừa đảo trên môi trường mạng.
Thông qua tiếng nói và sức ảnh hưởng của mình, các nghệ sĩ cùng với Cục An toàn thông tin và Meta mong muốn truyền tải thông điệp góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp mọi người nhận diện và phòng tránh các chiêu trò lừa đảo.
Tun Phạm gửi gắm lời khuyên đến cộng đồng mạng: “Mọi người cùng nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi chưa xác định chính xác nhân thân, lai lịch của người đó”.
Tham gia chiến dịch, Khánh Vy mong muốn mọi người sẽ thận trọng hơn khi tiếp nhận thông tin trên mạng: “Suy xét kỹ khi nhận bất cứ một luồng thông tin nào mới, yêu cầu mới hay một đường link lạ. Kiểm tra và tuyệt đối không được bao giờ gửi thông tin hình ảnh cá nhân hay chuyển khoản đến những tài khoản không rõ danh tính”.
NSND Xuân Bắc kêu gọi: “Mỗi người dân cần nâng cao ý thức và trang bị kỹ năng tự bảo vệ để tránh nguy cơ mình trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến”.
Dữ liệu đóng vai trò tối quan trọng trong quy trình vận hành ứng dụng. Bởi vì khi người dùng truy cập vào bất cứ ứng dụng nào, dữ liệu sẽ được trả ra để phục vụ họ. Bất cứ sự cố gián đoạn dữ liệu nào cũng đều sẽ ảnh hưởng tới thao tác, thời gian và cảm xúc của người dùng khi không thể sử dụng ứng dụng khi họ cần. Người dùng cần có khả năng truy cập và sử dụng ứng dụng một cách liền mạch bất kể trong khung thời gian nào, bất kể dữ liệu ứng dụng nằm ở đâu. Một số ứng dụng đòi hỏi tính liên tục cao như ứng dụng học trực tuyến, ứng dụng tài chính, ngân hàng, ứng dụng y tế thì đây còn là yếu tố có vai trò quyết định.
Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn gặp phải tình huống cơ sở dữ liệu/database gặp sự cố không thể truy cập được gây gián đoạn ứng dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm người dùng. Nguyên nhân thường gặp phải là do sự cố database vật lý. Bên cạnh đó, bất kỳ sự cố ngừng hoạt động nào của máy chủ đều có khả năng gây mất dữ liệu, gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới hoạt động doanh nghiệp.
Ứng dụng không thể truy cập được vì sự cố database gây gián đoạn trải nghiệm người dùng và thiệt hại khó khắc phục
Ứng dụng học trực tuyến của một trường đại học với quy mô hàng trăm nghìn học sinh trên khắp cả nước đã gặp phải sự cố truy cập tương tự. Ứng dụng được triển khai trên hệ thống LMS và đặt trên hạ tầng vật lý tại datacenter của trường. Trong quá trình vận hành hạ tầng trường đại học gặp phải một số vấn đề, bao gồm sự cố hỏng phần cứng, phần cứng xuống cấp và chưa thể thay thế ngay được. Tình huống này dẫn đến database không thể đáp ứng được nhu cầu cho hệ thống LMS khiến cho hệ thống xử lý chậm và cuối cùng học sinh không thể truy cập được ứng dụng.
Thiệt hại là không thể tránh khỏi, trải nghiệm khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự gián đoạn kéo dài. Gián đoạn xảy ra trong khung giờ có hàng nghìn học sinh đang truy cập học trực tuyến, việc học không thể tiếp tục khiến nhà trường phải thông báo tạm dừng chương trình, chuyển buổi học sang một thời gian khác. Nếu gián đoạn xảy ra giữa kỳ thi thì vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều để khắc phục từ tổ chức thi lại, thay đổi đề thi, ghi nhận kết quả… Tất cả các công việc đều đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, chưa kể việc khắc phục sự cố cho database và hệ thống vật lý. Thêm vào đó quá trình vận hành database cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện backup dữ liệu. Tương tự đối với các ứng dụng tài chính, ứng dụng bán hàng… thì thiệt hại về tài chính do khách hàng không thể giao dịch được sẽ là vô cùng lớn và nặng nề.
Bảo trì và xử lý sự cố tự động giúp đảm bảo truy cập ứng dụng liền mạch và tập trung nhiều hơn cho các công việc phát triển quan trọng
Nhận thấy rằng đây là một sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng và không có gì đảm bảo rằng nó sẽ không xảy ra lần nữa, đội ngũ nhà trường đi đến quyết định thực hiện di chuyển hệ thống lên môi trường Cloud và sử dụng dịch vụ Bizfly Cloud Database để làm hệ thống cơ sở dữ liệu cho ứng dụng dạy học trực tuyến. Cùng với đó đội ngũ Bizfly Cloud phối hợp với đội ngũ nhà trường tạo kết nối với database ở hệ thống vật lý để đồng bộ dữ liệu.
Nhà trường đánh giá hệ thống của Bizfly Cloud an toàn, ổn định, có cơ chế vận hành, bảo trì và xử lý sự cố tự động, có khả năng phân quyền quản trị theo vai trò với chi phí tối ưu. Với Dashboard thân thiện, dễ dùng, nhà trường đã triển khai 1 hệ thống máy chủ cơ sở dữ liệu hoàn toàn tự động, nhanh chóng, dễ dàng chỉ vài thao tác. Bizfly Cloud Database cung cấp các hệ quản trị dữ liệu phổ biến hiện nay như MariaDB (MySQL compatible), MongoDB, Redis, PostgreSQL giúp đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sử dụng của tổ chức, doanh nghiệp. Các tính năng Auto-Failover giúp khắc phục sự cố nhanh hơn.
Thông thường các công việc này sẽ cần có từ một đến vài nhân sự chuyên trách tùy quy mô, một Database as a service hiệu quả có thể giảm bớt gánh nặng của các tác vụ thường xuyên như theo dõi, giám sát database thường xuyên. Qua đó giúp quản trị viên cơ sở dữ liệu có thể tối ưu công việc và góp phần thúc đẩy kinh doanh thành công thay vì tập trung nhiều công sức cho việc duy trì tính nhất quán cho hoạt động của hệ thống, ứng dụng. Thêm vào đó, doanh nghiệp còn phải dành một khoản chi trả hàng ngày cho lương nhân sự, chỗ ngồi, thiết bị chuyên dụng. Khoản chi phí này có thể tăng lên nhiều nếu cần mở rộng hệ thống, trong khi sự cố vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.
Sử dụng hệ thống cloud thì các công việc vận hành, bảo trì sẽ do nhà cung cấp dịch vụ xử lý toàn bộ, giúp hệ thống hoạt động ổn định đến 99,99%. Nhiệm vụ bảo trì dữ liệu với liên tục cập nhật, sửa lỗi và tối ưu hóa cơ sở dữ liệu để đảm bảo chức năng và hiệu suất tối đa cũng được Bizfly Cloud thực hiện thường xuyên. Cung cấp sao lưu, phục hồi tự động giúp ngăn ngừa tình huống mất, lỗi dữ liệu, đồng thời tối ưu tốc độ truy cập và truy vấn dữ liệu.
Doanh nghiệp có thể đặt các máy chủ database tại nhiều datacenter khác nhau với Bizfly Cloud. Thiết lập này đảm bảo cung cấp tính khả dụng cao theo thời gian thực trên nhiều vùng khả dụng và hoạt động liên tục của ứng dụng.
Đội ngũ của nhà trường từ đó không còn mất thời gian để thao tác thủ công hay “đau đầu” vì khắc phục sự cố nữa. Nhà trường cũng cắt giảm được rất nhiều chi phí dành riêng cho công việc quản trị này hàng tháng.
Độc giả quan tâm đăng ký tại link: https://bizflycloud.vn/cloud-database để trải nghiệm miễn phí nhận ưu đãi lên tới 25%.
Tối 21/8, siêu sao Ronaldo khiến dân tình “sốt xình xịch” khi chính thức công bố kênh YouTube riêng của mình mang tên “UR Ronaldo”. Ngay khi vừa lên sóng, Ronaldo đã chiêu đãi người hâm mộ bằng tổng cộng 18 đoạn video với độ dài khoảng dưới 1 phút.
Trước đó, xuất hiện thông tin cho rằng Ronaldo không được YouTube cho phép lập kênh vì “sợ ảnh hưởng đến tài chính của nền tảng này”. Tuy nhiên, siêu sao 39 tuổi đã đập tan nghi vấn này bằng một kênh YouTube chính chủ. “Sự chờ đợi đã kết thúc. Đây là kênh YouTube chính thức của tôi”, Ronaldo viết ngắn gọn.
Chỉ sau khoảng 30 phút lên sóng, lượt đăng ký kênh Youtube của Ronaldo đã tăng chóng mặt lên mức gần 330 nghìn lượt. Nhiều fan dự đoán CR7 sẽ chỉ mất khoảng 3,4 ngày để sở hữu nút kim cương (10 triệu lượt đăng ký). Thậm chí, có người cho rằng Ronaldo có thể cạnh tranh với MrBeast – người sở hữu kênh Youtube nhiều đăng ký nhất lúc này với 311 triệu lượt.
Các video của Ronaldo cũng nhận được sự tương tác khủng. Do lượt xem quá lớn, lượng người xem video trên kênh Ronaldo vẫn chưa được cập nhật.
Youtube trở thành nền tảng MXH tiếp theo của Ronaldo. Trước đó, siêu sao người Bồ Đào Nha đã có tài khoản Instagram, Facebook và Twitter. Chỉ tính riêng lượt theo dõi trên 3 nền tảng này của Ronaldo đã vượt mức 900 triệu – một kỷ lục chưa từng có.
Sáng sớm ngày 22/8 theo giờ Việt Nam, Cristiano Ronaldo hào hứng khoe video đang cùng các con mở quà từ Youtube. Vừa mới lập kênh được 10 tiếng siêu sao Bồ Đào Nha đã “ẵm” ngay nút vàng.
“Cầu thủ bóng đá Cristiano Ronaldo, người được theo dõi nhiều nhất trên mạng xã hội thế giới, sẽ ra mắt kênh YouTube riêng có tên ‘UR Cristiano’ vào ngày 21/8 để thu hút người hâm mộ toàn cầu”, Ronaldo gửi thông báo tới người hâm mộ.
Ronaldo khoe nút vàng với các con
Chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, kênh của Ronaldo đã vượt mốc 1 triệu người đăng ký theo dõi. Đây cũng là kệnh YouTube của Ronaldo đã lập kỷ lục nhận nút vàng nhanh nhất lịch sử. Tính đến 7h00 ngày 22/8 đã có hơn 9 triệu người đăng ký kênh của CR7. Với lượng người hâm mộ đông đảo, kênh YouTube của Ronaldo dự đoán sẽ sớm đạt nút kim cương (10 triệu người đăng ký) trong khoảng ít ngày tới.
Cựu ngôi sao của Real Madrid và Man Utd cho biết anh sẽ sử dụng kênh có tên “UR Cristiano”. Đến thời điểm hiện tại, kênh đã đăng tải 19 video xoay quanh những cuộc phỏng vấn về Ronaldo.
Trong thời gian tới, hứa hẹn Ronaldo sẽ phỏng vấn một loạt khách mời về nhiều chủ đề khác nhau, mặc dù danh tính của những khách mời này vẫn chưa được công bố.
“Tôi rất vui khi biến dự án này thành hiện thực. Tôi đã ấp ủ ý định này từ lâu nhưng cuối cùng chúng tôi cũng có cơ hội biến nó thành hiện thực.
Tôi luôn thích có mối quan hệ thân thiết với người hâm mộ trên mạng xã hội và kênh YouTube của tôi sẽ mang đến cho tôi một nền tảng lớn hơn để làm như vậy và họ sẽ tìm hiểu thêm về tôi, gia đình tôi và quan điểm của tôi về nhiều chủ đề khác nhau.
Tôi rất mong được chia sẻ những cuộc trò chuyện với khách mời và chắc chắn sẽ khiến mọi người ngạc nhiên!”, Ronaldo chia sẻ về dự án cá nhân.
Tối 21/8, siêu sao người Bồ Đào Nha Ronaldo đã lập kênh YouTube của riêng mình. Tài khoản chính thức của Ronaldo có tên “UR Ronaldo” và nhanh chóng thu hút lượng lớn người đăng ký.
Chỉ sau thời gian ngắn đăng tải video đầu tiên, Ronalo đã mang về cho mình Nút Bạc (chạm mốc 100.000 lượt đăng ký) và Nút Vàng (1 triệu lượt đăng ký) từ YouTube.
Cụ thể, khoảng thời gian chính xác mà Ronaldo chạm đến cột mốc mà các nhà sáng tạo mơ ước này là 1 giờ 29 phút. Variety đánh giá, đây là kỷ lục đạt Nút Vàng YouTube nhanh nhất.
Với thành tích này Ronaldo đã phá kỷ lục trước đó của Jennie (BLACKPINK) vốn mất khoảng 7 giờ đã đạt con số 1 triệu lượt sub.
Với đà tăng trưởng này, nhiều khả năng Ronaldo sẽ xô đổ nhiều kỷ lục về tốc độ đạt các danh hiệu Nút Kim Cương cũng như Ruby từ những YouTuber trước đó.
Ngôi vị YouTuber số một của MrBeast với 311 triệu theo dõi ở có khả năng cũng sẽ bị ngôi sao người Bồ Đào Nha soán ngôi trong tương lai ngắn.
Trước đó, từng có nhiều đồn đoán cho rằng, CR7 bị nền tảng video của Google cấm cửa. Nguyên nhân được nhận định là do YouTube lo sợ sức hút khủng khiếp của nam cầu thủ sẽ hút lượng lớn người hâm mộ đổ vào kênh của Ronaldo, gây ảnh hưởng đến tài chính của nền tảng
Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở mức thông tin đồn đoán bên lề.
Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây có cuộc điện thoại qua mạng xã hội X với tỷ phú Elon Musk tại văn phòng của mình. Điều khiến nhiều cư dân mạng chú ý là ngoài chiếc iPhone 15 Pro Max được sử dụng, ông Trump dùng một đế sạc MagSafe có hình thù khá thú vị, với màn hình hiển thị.
Một số cư dân mạng tò mò sau đó đã đi hỏi xem đây là loại sạc MagSafe gì và nhận được câu trả lời là cục sạc dự phòng Qi2 của Anker – một hãng đồ điện tử Trung Quốc. Nhiều người sau đó tỏ ra thích thú và bình luận: “Rõ ràng là nó được sản xuất tại Trung Quốc”, người khác nhanh trí nghĩ ra cách chơi chữ đầy sáng tạo “MAGASafe” (MAGA hay Make America Great Again – Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại là slogan nổi tiếng gắn liền với chiến dịch tranh cử của ông).
Thậm chí, có người còn nhại phong cách nói bình dân ông Trump hay dùng trong các bài phát biểu: ” Nói thẳng ra thì đây là bộ sạc tuyệt vời nhất từ trước đến nay. Tin tôi đi, nó đang sạc cho điện thoại của tôi. Chiếc điện thoại rất tuyệt, điện thoại tuyệt vời. Tim Apple đã tặng nó cho tôi. Một tay tuyệt vời. Anh ta nói với tôi: ‘Wooow Donald, anh luôn có bộ sạc tốt nhất ‘”
Cục sạc dự phòng này sau đó cũng trở nên rất “hot” ngay tại quê nhà, khi tài khoản Douyin của Anker lập tức chớp lấy thời cơ và quảng bá nó là sản phẩm được dùng bởi ông Trump. Giá của sản phẩm là 399 NDT và theo Global Times, chỉ chưa đầy 1 ngày sau khi nổi tiếng, đã có gần 800 cục sạc được bán ra. Ngày 13/8, cổ phiếu của Anker Innovation cũng tăng 0,65% lên 54,27 NDT trên thị trường cổ phiếu hạng A của Trung Quốc.
Điều đặc biệt là cục sạc này cũng được bán phổ biến ngay tại Việt Nam trên một số trang thương mại điện tử, với mức giá khoảng 1,5 -1,6 triệu đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên những lựa chọn cá nhân của Trump mâu thuẫn với những tuyên bố công khai của ông. Nhiều cư dân mạng Mỹ đã chia sẻ việc nhận ra mũ MAGA, biểu tượng trung tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, được sản xuất tại Trung Quốc.
Xuất hiện tại Hội nghị GenAI Summit 2024 vừa được diễn ra ngày 18/8 ở TP HCM, ông Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google và nhà đồng sáng lập Google Brain, Google Translate, Gemini đã có những chia sẻ cùng góc nhìn sâu sắc về tiềm năng của AI trong tương lai thông qua sự phát triển vượt bậc và những ứng dụng của AI ở thời điểm hiện tại.
“Tôi nghĩ mức độ đầu tư hiện nay dành cho AI không phải bởi những khả năng mà nó làm được ở hiện tại mà là đánh giá về tiềm năng trong 5, 10 năm tiếp theo. Hiện tại chúng ta mới chỉ nhận thấy lợi ích rõ ràng của AI trong việc nâng cao năng suất lao động, nhưng trong dài hạn AI có thể sẽ mang đến thay đổi cho cả nhân loại” – ông chi biết.
Ông Jeff Dean cũng nhấn mạnh rằng việc tập trung vào các vấn đề thực tế như y tế, giáo dục sẽ giúp chúng ta khai thác tối đa tiềm năng của AI. Và tại Việt Nam, với những vấn đề xã hội đa dạng thách thức sẽ là một thị trường thử nghiệm lý tưởng cho các ứng dụng AI.
Đồng quan điểm với Jeff Dean, anh Lê Viết Quốc, nhà đồng sáng lập Google Brain, cho rằng: “AI hay GenAI đều được thổi phồng quá mức vì những gì nó có thể làm được trong ngắn hạn nhưng chưa được coi trọng dài hạn đúng mức. Nguyên nhân là cách thức chúng ta nhìn tương lai khá tuyến tính, trong khi thực tế nó đi theo cấp số mũ”. Cùng với đó, anh đưa ra nhận định: “10 năm sau có thể chúng ta xem phim, đọc sách được làm từ GenAI. 5, 10 năm tiếp theo, có thể chúng ta dùng mô hình hiện tại hoặc mới hơn để xây dựng ứng dụng. Điều chúng ta cần tập trung là việc các ứng dụng này làm gì, mang đến lợi ích thế nào”.
Bên cạnh đó, cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh đến khả năng tự học và tự lập luận của AI sẽ còn được nâng cao hơn nữa trong tương lai gần. Tiến sĩ Lê Viết Quốc cho biết, AI đã bắt đầu có khả năng giải quyết các bài toán phức tạp mà con người chưa tìm ra lời giải. Anh cho biết: “Với tiêu chuẩn của tôi, thì AI có thể được xem là đã lập luận được thông qua việc AI có thể giải toán Olympic quốc tế và đạt huy chương bạc sẽ chứng minh điều đó”.
“Nếu nhìn vào sâu hơn về mảng toán học, có nhiều câu hỏi tôi không trả lời được nhưng AI lại có thể giải được, trong khi cả tôi lẫn các cộng sự đều không tìm thấy các dữ liệu hay hướng dẫn giải thuật đầu vào. Dù nó không quá xuất sắc, với 10 bước, nhưng chưa có thứ nào như vậy trước đây nên ở hiện tại tôi nghĩ cũng có thể coi đó là lập luận. Chúng tôi tin vào bằng cách mở rộng quy mô hơn nữa thì thì tương lai sẽ còn rất rộng mở” – anh Quốc chia sẻ. Điều này cho thấy, AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn có thể trở thành một đối tác sáng tạo trong tương lai.
Ở một chiều hướng khác, tiến sĩ Thắng Lương, nhà nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind, cho rằng các mô hình ngôn ngữ hiện tại không chính xác là có thể lập luận tuy nhiên AI sẽ ngày càng có dự báo tốt hơn, với việc cải thiện dữ liệu hoặc có sự giải thích chi tiết của con người. Ông cho rằng việc thiếu đi dữ liệu để kiểm chứng sẽ ép GenAI tự suy luận dựa trên logic và các phép thử phân tích đúng sai. Điều này lặp đi lặp lại đến khi đưa ra được đáp án đúng nhưng cũng sẽ phát sinh nhiều bước và dễ dẫn tới ảo giác AI.
“Nếu siêu trí tuệ lập luận quá nhiều sẽ sinh ra nhiều bước, từ đó dễ dẫn đến ảo giác. Khi không có sẵn dữ liệu, AI sẽ đi đường vòng. Trong việc AI giải toán, rất khó xác định đâu là ảo giác, đâu là lập luận của AI, nhất là với các bài toán kinh điển, chưa có lời giải của thế giới”, ông Thắng nói.
Và để giải quyết cho vấn đề này, ông Jeff Dean cho rằng với mô hình ngôn ngữ hiện tại theo dạng “dự đoán các dấu hiệu tiếp theo” thì việc các nhà phát triển đưa dữ liệu đầu vào một cách tổng hợp chính là nguyên nhân tạo nên ảo giác AI. “Nếu mô hình hiểu rõ bối cảnh của từ ngữ, chúng có thể dự đoán từ tiếp theo chính xác hơn. Nói cách khác, thông tin được đưa vào và giải mã phải được đặt trong một bối cảnh cụ thể thay vì trộn tất cả” – Ông cho biết. Việc này không thể giảm hiện tượng ảo giác AI về không, nhưng sẽ hiệu quả đáng kể.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng xuất hiện nhiều sản phẩm ứng dụng AI hiện đang mang tới những tác động tích cực trong việc hỗ trợ và phát triển nhiều cách thức phục vụ còn người. Có thể kể đến như VinBrain với nền tảng DrAid™ giúp hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y tế bằng AI. Ông Trương Quốc Hùng – CEO VinBrain cho biết sản phẩm này tiên phong ứng dụng GenAI vào DrAid™, có khả năng xử lý và phân tích hàng triệu hình ảnh y tế một cách nhanh chóng và chính xác tới 95%. Giải pháp này hỗ trợ cho các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng, bao gồm ảnh X-Quang, ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT), ảnh cộng hưởng từ (MRI)…
Theo chia sẻ với DrAid™, bác sĩ không cần làm 100% công việc, mà chỉ cần tập trung vào 20% hình ảnh bất thường đã được DrAid™ sàng lọc. Như vậy, hiệu quả làm việc của bác sĩ có thể tăng lên đến 80%.
Bên cạnh đó, ứng dụng AI trong việc dự đoán các kết cấu protein của quỹ Rethink Healthcare Foundation(RHF) cũng mở ra cơ hội lớn cho một giải pháp thay đổi mạnh mẽ trong ngành dược phẩm, y tế. Nhờ vào dự đoán cách Ligand kết nối với Protein thông qua AI mà kết quả có được sẽ nhanh hơn, tăng cường tính chuẩn xác, giúp tối ưu hóa quy trình, hỗ trợ các loại thuốc mới được tìm ra dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc ứng dụng AI và diễn giải các thuật ngữ chuyên môn y tế cũng là cách để người dùng có thể dựa vào các dữ liệu khám mà nắm bắt sơ bộ sức khỏe bản thân.
Bà Vũ Vân – CEO và Co-founder ứng dụng Elsa Speak cũng đã có nhiều chia sẻ và góc nhìn mới mẻ trong việc GenAI mang đến những thay đổi mạnh mẽ trong giáo dục. Bắt đầu từ thắc mắc về việc AI tạo sinh khiến cho người học trở nên thụ động và dựa dẫm vào AI sẽ làm giảm chất lượng giáo dục, bà Vũ Vân chia sẻ: ” Trên thực tế, AI đang có những tác động lớn và thay đổi tích cực trong giáo dục, khi không chỉ hỗ trợ sinh viên học tập, thúc đẩy tư duy sáng tạo mà còn khiến cho các nhà giáo dục cần phải nâng cấp phương pháp dạy học, đánh giá cũng như cách tiếp cận giáo dục theo hướng bao trùm, đa dạng hơn”.
Lấy ví dụ về sản phẩm ứng dụng học tiếng anh của Elsa đã tích hợp AI trong việc đánh giá bước đầu dữ liệu để từ đó đưa ra lộ trình học dựa trên trình độ, mong muốn cũng như nhu cầu học viên. Từ đây giúp tái định hình bối cảnh học tập trở nên cá nhân hoá, mang đến môi trường học tập linh hoạt và thúc đẩy việc học có kết quả tốt hơn. Nhờ đó, AI giúp giải quyết các vấn đề về đảm bảo tính chất học tập công bằng và bao trùm đến tất cả mọi người, để giáo viên có thể tập trung thời gian vào những công việc mang tính chuyên môn cao như soạn giáo án, xây dựng đề cương giảng dạy.
Đối với giáo dục doanh nghiệp, AI cũng thúc đẩy việc tăng cường khả năng đào tạo ngôn ngữ trong bối cảnh hội nhập. Nhờ khả năng tổng hợp, thu thập đồng thời phân tích và xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn mang tính chuyên môn cao hơn, dự vào dữ liệu mục tiêu, thông tin của doanh nghiệp cụ thể. Từ đó tối thiểu hóa ảo giác AI đồng thời cải thiện về khả năng phục vụ người học tốt hơn. Nhờ đó các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn”.
Có thể thấy, GenAI Summit 2024 đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới và những thành tựu nghiên cứu ấn tượng của các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta có thể lạc quan về tương lai của ngành AI tại Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của AI, cũng cần phải tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
“Theo ghi nhận của nhiều người dùng, ứng dụng nhắn tin phổ biến tại Việt Nam là Zalo mới đây đã giảm dung lượng lưu trữ miễn phí từ 1GB xuống còn 500MB. Người dùng có thể kiểm tra sự thay đổi này bằng cách vào ứng dụng Zalo > Cá nhân > Cloud của tôi và bấm vào nút với ba sọc ngang ở góc trên bên phải.
Sự thay đổi “thầm lặng” này của Zalo đã kéo theo nhiều phản ứng, đa số là tiêu cực, từ phía cộng đồng mạng. Một số bình luận tiêu biểu từ người dùng có thể kể đến:
“Như này là cải lùi rồi chứ còn đâu là cải tiến với cả nâng cấp gì nữa” – người dùng Minh Duc Nguyen.
“Cắt giảm tính năng đang dùng bình thường, muốn dùng phải trả tiền hàng tháng” – người dùng Trần Thanh Hòa.
“Khi mà các App khác đều tăng lưu trữ đám mây lên tối đa có thể để lôi kéo người dùng thì Zalo đi ngược lại thị hiếu của đám đông.” –người dùng Nguyễn Thanh Tùng.
“Dù biết không có gì miễn phí mãi nhưng Zalo ơi, cắt giảm quá.” – người dùng Truong Viet Hoang.
Đội ngũ Zalo không đưa ra lý do cắt giảm dung lượng lưu trữ. Một số ý kiến cho rằng đây là cách mà Zalo lôi kéo người dùng đăng ký gói lưu trữ đám mây zCloud.
zCloud là gói dịch vụ lưu trữ đám mây của Zalo, có dung lượng lưu trữ 100GB và mức giá 490.000 đồng/năm. Khi cộng thêm chi phí thanh toán của nền tảng App Store (iPhone) hay Play Store (Android), mức phí mà người dùng phải chi trả bị đội lên 590.000 đồng/năm (Android) và 690.000 đồng/năm (iPhone).
zCloud được sinh ra với mục đích chính là sao lưu dữ liệu trò chuyện của Zalo (trong đó bao gồm ảnh và video). Trong khi đó, “Cloud của tôi” là bộ nhớ lưu trữ đám mây mà người dùng có thể thủ công tải lên các tin nhắn, ảnh, video hay tệp tin và truy cập nhanh khi có nhu cầu. Tuy nhiên khi đăng ký gói zCloud, dung lượng lưu trữ của tính năng “Cloud của tôi” cũng sẽ tăng lên mức 100GB tương ứng.
“Tạo ra vấn đề để bán giải pháp”, người dùng Định Trần bình luận.
Theo báo cáo “The Connected Consumer” do Decision Lab công bố hồi tháng 7 vừa qua, Zalo là nền tảng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam trong Q1 2024 với tỉ lệ sử dụng đạt 82%, bỏ xa vị trí thứ hai là Facebook (61%) và Facebook Messenger (53%).
Mức độ phổ biến của Zalo khiến cho một lượng không nhỏ người dùng dù không hài lòng với ứng dụng này, nhưng vẫn buộc phải sử dụng nó, đặc biệt là trong công việc.
“Nếu không vì công việc thì mình đã gỡ Zalo từ lâu rồi. Ứng dụng tốn bộ nhớ mà cứ một thời gian là lại mất hết tin nhắn. Rất bực mình.” – người dùng Nguyễn Đạt.
Giống với một thế lực khổng lồ có sức ảnh hưởng tới mọi thứ và hoạt động trong bóng tối, Valve nổi tiếng với khả năng giữ bí mật của mình, đặc biệt là cách họ vận hành nền tảng bán game Steam.
Tuy vậy, quy mô Valve lại không tương đồng với những gã khổng lồ khác trong ngành game như EA hay Riot Games với hàng ngàn nhân viên. Theo một bộ dữ liệu mới rò rỉ, thì tới thời điểm năm 2021, số nhân viên của Vave chỉ vỏn vẹn 336 người.
Số dữ liệu này là một phần của tài liệu trong vụ kiện chống độc quyền giữa Wolfire và Valve, trong đó Wolfire buộc tội Valve sử dụng cửa hàng Steam để cạnh trang không lành mạnh và thổi giá game. Mặc dù đã bị che mờ nhiều chỗ, một số dữ liệu vẫn được đưa ra ánh sáng bởi Pavel Djundik, nhà sáng lập SteamDB (Steam Database), một bộ cơ sở dữ liệu về nền tảng bán game Steam.
Những dữ liệu rò rỉ đáng chú ý gồm có số nhân viên của Valve, tổng thu nhập của một số bộ phận trong suốt 18 năm, bên cạnh đó là một số dữ liệu về biên lợi nhuận gộp, qua đó giúp chúng ta đánh giá sơ bộ về hiệu quả hoạt động kinh doanh của Steam.
Dữ liệu nhân viên bị rò rỉ của Valve bắt đầu từ thời điểm 2003, 7 năm sau khi Valve thành lập và cũng là năm Valve chính thức công bố Steam; dữ liệu lộ ra dừng lại ở năm 2021.
Tài liệu bị rò rỉ
Trong tài liệu, tựa đề của cột 3 và cột 4 bị che mờ, nhưng vì bảng có tên “Số nhân viên và Dữ liệu Tổng thu nhập, giai đoạn 2003-2021”, nên tên cột trong bảng dưới đây có thêm tiền tố “phỏng đoán”.
Trong cột hạng mục, chúng ta thấy 4 nhóm nhân viên nhận lương, bao gồm:
– Admin – quản lý
– Games – trò chơi điện tử
– Steam
– Hardware – phần cứng. Chỉ mục xuất hiện bắt đầu từ năm 2011, tuy nhiên phải tới năm 2014, Valve mới công bố sản phẩm phần cứng đầu tiên Steam Machines.
Những con số đáng chú ý
Theo phân tích của phóng viên Jay Peters đến từ The Verge, con số 221 triệu USD của năm 2017 rất đáng chú ý. Trong năm này, Valve đã chi cho nhân viên tới 221 triệu USD để phục vụ công tác “trò chơi điện tử”, tuy nhiên trong năm 2017 Valve không công bố tựa game mới nào. Nhiều khả năng, số tiền khổng lồ được dùng để hỗ trợ Dota 2 và phát triển tựa game mới như Artifact. Đến thời điểm 2021, con số này đã giảm xuống còn 192 triệu USD.
Cũng trong năm 2021, số lượng nhân viên tiếp quản Steam chỉ vỏn vẹn 79 người, một số lượng quá khiêm tốn cho nền tảng phân phối game lớn nhất thế giới.
Bộ phận “Phần cứng” sinh sau đẻ muộn và có lượng nhân viên khá khiêm tốn, chỉ 41 người tính đến năm 2021. Tuy vậy, có thể phỏng đoán rằng số lượng nhân viên của mảng này đã tăng thêm nhiều, nhất là khi Valve đang mở rộng mảng phần cứng của mình với Steam Deck làm sản phẩm flagship.
Trong một bài phỏng vấn được thực hiện cuối năm 2023, lập trình viên Pierre-Loup Griffais, người đang trực tiếp làm dự án Steam Deck, cho hay Valve đang trên đà “trở thành công ty phần cứng toàn phần”.
Số lượng nhân viên ít ỏi cũng giải thích tại sao danh sách sản phẩm của Valve không quá dài. Đây cũng là mục tiêu công kích của Wolfire trong vụ kiện, khi họ cho rằng Valve “dành một tỷ lệ rất nhỏ doanh thu của mình để duy trì và cải thiện Cửa hàng Steam”.
Với tư cách là doanh nghiệp tư nhân, Valve không có nghĩa vụ công bố số nhân viên cũng như dữ liệu tài chính của công ty. Tuy nhiên, Wolfire ước tính rằng Valve sở hữu khoảng 360 nhân viên (một con số có lẽ dẫn nguồn từ chính tuyên bố của Valve hồi 2016), và lợi nhuận trên mỗi nhân viên của Valve rơi vào khoảng 15 triệu USD/năm.
Ngay cả khi con số trên không hoàn toàn chính xác, thì trong chính cuốn Sổ Tay Dành Cho Nhân Viên Mới của Valve, họ tuyên bố “lợi nhuận trên mỗi nhân viên của chúng ta cao hơn cả Google, Amazon hay Microsoft”.
Tuy tài liệu (nay đã bị gỡ khỏi sổ ghi án của tòa) không chứa thông tin về lợi nhuận, những con số rò rỉ đã cho thấy một phần bức tranh toàn cảnh. Chúng có thể ước tính số tiền Valve đang chi trả cho nhân sự là bao nhiêu, và dựa trên những ước đoán về lợi nhuận, có thể thấy chúng chỉ là “muối bỏ bể” so với những gì Valve thu được, từ Steam hay Steam Deck.
Mới đây, hàng ngàn máy tính Windows đang gặp phải trên toàn cầu do sự cố “màn hình xanh” do bản cập nhật của hãng CrowdStrike. Ban đầu chỉ có các bộ phận IT của các công ty phải đối mặt với sự cố, giờ đây vấn đề đã lan sang hàng loạt cơ quan dân sự khác trên toàn cầu.
Trên mạng xã hội X, một người dùng chia sẻ tấm ảnh mô tả sự kiện “có một không hai” này, cho thấy nhân viên hãng máy bay IndiGo của Ấn Độ đã phải viết vé bằng tay để đưa cho khách.
Nhiều khả năng ảnh hưởng của sự cố “màn hình xanh” vẫn sẽ chưa dừng lại, khi các chuyên gia chưa rõ khi nào mới có thể khắc phục triệt để lỗi phần mềm tai hại.