Tại sao SpaceX phải dùng đũa 'gắp' tên lửa mạnh nhất?

 
 
Tại sao SpaceX phải dùng đũa ‘gắp’ tên lửa mạnh nhất?

Phương pháp dùng cánh tay cơ khí của tháp phóng đón tầng tên lửa đẩy Super Heavy trở về. Đồ họa: Primal Space

Starship/Super Heavy là hệ thống phóng phục vụ cho tham vọng đưa con người tới sao Hỏa của Elon Musk, CEO công ty hàng không vũ trụ Mỹ SpaceX. Với chiều cao khoảng 122 m, đây là hệ thống tên lửa lớn nhất và mạnh nhất từng được chế tạo, có khả năng tạo ra lực đẩy gần 8.000 tấn khi phóng.

Trong chuyến bay thử nghiệm hôm 13/10 của hệ thống tàu kết hợp tên lửa Starship/Super Heavy tại bang Texas, SpaceX đã tạo nên kỳ tích khi thực hiện thành công cơ chế “gắp” ngay trong lần thử đầu tiên. Cụ thể, sau khi cất cánh thành công từ tháp phóng Mechazilla, tàu Starship đáp xuống Ấn Độ Dương còn tên lửa Super Heavy quay trở lại, hạ xuống chính xác gần tháp phóng và được cánh tay robot “chopstick” của tháp giữ chặt.

Musk gọi tòa tháp là Mechazilla vì trông giống quái vật khổng lồ Godzilla bằng kim loại với những cánh tay cơ khí lớn. Đây là một cấu trúc đa mục đích, hỗ trợ cả quá trình cất cánh cũng như hạ cánh. Các cánh tay, hay “đũa”, có thể dùng để xếp chồng và di chuyển tên lửa đẩy và tàu vũ trụ tại bãi phóng trước khi cất cánh. Khi tên lửa đẩy trở về Trái Đất, đũa đón lấy nó giữa không trung bằng cách đỡ vào bên dưới vây lưới của tên lửa. Sau đó, Mechazilla sẽ trực tiếp đặt Super Heavy lên bệ phóng vào quỹ đạo, giúp rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị tái sử dụng.

Tên lửa mạnh nhất của SpaceX thu hồi tầng đẩy thành công

 
 
Tên lửa mạnh nhất của SpaceX thu hồi tầng đẩy thành công

SpaceX thu hồi thành công tầng tên lửa đẩy Super Heavy hôm 13/10. Video: Space

Tầm nhìn của Musk là trong tương lai, cánh tay đũa có thể nhanh chóng đưa tên lửa trở lại bệ phóng – cho phép nó cất cánh lần nữa ngay khi được tiếp nhiên liệu – có thể chỉ trong vòng 30 phút sau khi hạ cánh. Với việc cải tiến những chuyến du hành vũ trụ, Musk hy vọng có thể xây dựng một cộng đồng dân cư trên sao Hỏa, biến con người trở thành loài đa hành tinh.

Thu Thảo (Tổng hợp)