Các nhà sản xuất đua nhau làm điện thoại có viền màn hình mỏng nhưng cái gì đẹp đều phải đánh đổi.

Trong khi nhiều người có thể thích điện thoại thông minh có viền mỏng như “dao cạo” vì tính thẩm mỹ hiện đại và bóng bẩy thì một số người lại có suy nghĩ khác. Cái gì đẹp thì phải đánh đổi.

Cây bút Alvin Wanjala từ trang MakeUseOf cho biết anh sẽ không mua điện thoại có viền quá mỏng dẫu cho các nhà sản xuất điện thoại đang ra sức làm cho thiết bị của họ có viền ngày càng mỏng hơn. Dưới đây là lý do.

Tăng nguy cơ hư hỏng

Một trong những nhược điểm lớn nhất của viền mỏng là chúng để lộ các cạnh của màn hình nhiều hơn, khiến điện thoại dễ bị hư hỏng. Mặc dù viền dày làm điện thoại kém sang, nhưng chúng có mục đích quan trọng: bảo vệ màn hình. Chúng có thể hấp thụ lực tác động khi bạn vô tình làm rơi thiết bị, giúp giảm khả năng màn hình bị vỡ.

- Ảnh 1.

Với viền mỏng, màn hình điện thoại của bạn có ít thứ bảo vệ hơn; do đó, ngay cả một cú rơi nhỏ cũng có thể làm gây hại cho điện thoại. Lưu ý rằng, màn hình điện thoại thông minh khi thay thế rất tốn kém.

Ví dụ, theo Samsung, việc thay thế màn hình Galaxy S24 Ultra bị hỏng sẽ tốn 259 USD (6,5 triệu). Tệ hơn, nếu sở hữu iPhone 16 Pro Max, nó sẽ tốn khoảng 379 USD (9,6 triệu).

Chi phí sửa chữa cao này là một trong những lý do khiến các hãng đưa ra những gói bảo hành cao cấp khiến bạn phải tốn thêm nhiều tiền để phòng ngừa rủi ro.

Vô tình chạm vào màn hình

Một nhược điểm khác của điện thoại có viền siêu mỏng là khả năng vô tình chạm vào cao hơn. Nếu điện thoại có viền lớn xung quanh, sẽ có đủ không gian để tay nắm giũ thiết bị. Do đó, khả năng vô tình chạm vào màn hình sẽ thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, nếu viền mỏng, bạn sẽ trải nghiệm điều ngược lại. Với viền hẹp, bạn sẽ có ít diện tích bề mặt để cầm thiết bị. Do đó, rất có thể bạn sẽ vô tình chạm vào các cạnh của màn hình khiến quá trình sử dụng không theo ý muốn.

Điều đó sẽ xảy ra bất cứ khi nào bạn tương tác với thiết bị. Ví dụ, khi đang gõ, lòng bàn tay của bạn thỉnh thoảng có thể chạm vào màn hình, khiến đoạn tin nhắn bị thêm hoặc xóa các ký tự một cách khó chịu. Điều này cũng có thể xảy ra khi chơi game.

Samsung từng gặp phải vấn đề tương tự khi sản xuất điện thoại có màn hình cong (như Galaxy Note Edge và S6 Edge+). Để khắc phục, công ty phải cho phép người dùng điều chỉnh độ nhạy các cạnh xung quanh màn hình bằng ứng dụng chuyên dụng có tên EdgeTouch.

- Ảnh 2.

Khó cầm điện thoại

Viền cung cấp một vùng đệm xung quanh màn hình điện thoại có thể được sử dụng để giữ thiết bị thoải mái, cầm chắc mà không chạm vào màn hình. Đó là lý do tại sao kích thước của viền màn hình lại quan trọng. Một chiếc điện thoại có viền hẹp sẽ có không gian cầm nắm hạn chế, điều này có thể khiến thiết bị trơn trượt và dễ làm rơi.

Với việc điện thoại thông minh ngày càng lớn hơn, bạn sẽ cần có phần viền đủ thoải mái để cầm nắm.

Điện thoại khó sửa

Để đạt được phần viền mỏng các nhà sản xuất điện thoại thông minh phải làm cho thiết kế bên trong của thiết bị phức tạp và nhỏ gọn. Điều này khiến thiết bị khó sửa chữa hơn nhiều và thường tốn kém hơn.

Điều này đặc biệt đúng đối với việc thay màn hình, một trong những dịch vụ sửa chữa điện thoại phổ biến nhất nhưng cũng khó làm nhất nếu không phải thợ chuyên nghiệp.

Bị phản chiếu màn hình

Viền mỏng cũng có thể dẫn đến tình trạng chói và phản chiếu nhiều hơn. Điều này là do viền trên điện thoại giúp giảm độ chói, đặc biệt là khi sử dụng điện thoại ngoài trời. Chúng làm điều này bằng cách chặn ánh sáng bên ngoài, giảm thiểu phản chiếu.

Ánh sáng có thể gây lóa nếu cạnh của màn hình không đủ dày, đặc biệt trong môi trường ánh sáng mạnh.

Tóm lại, điện thoại có viền mỏng trông ấn tượng về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên, tính thẩm mỹ này có nhiều nhược điểm. Từ việc cầm nắm hạn chế đến nguy cơ vô tình chạm vào và hư hỏng cao hơn, cùng khả năng sửa chữa khó khăn, tôi không nghĩ mình sẽ mua một chiếc điện thoại có viền quá mỏng.