Cuối tháng 10, Indonesia không cho phép Apple kinh doanh thế hệ iPhone 16 do không đạt điều kiện TKDN về tỷ lệ nội địa hóa. Cụ thể, sản phẩm bán tại nước này phải có tỷ lệ thành phần xuất xứ trong nước nhất định. Với sản phẩm điện tử như điện thoại di động, tỷ lệ tối thiểu là 35-40%.

Sau một tuần, đến lượt dòng Pixel của Google rơi vào tầm ngắm với nguyên nhân tương tự.

Google Pixel 9, 9 Pro và 9 Pro XL được bán tại Việt Nam trước khi lên kệ tại thị trường Mỹ. Ảnh:Khương Quỳnh

Google Pixel 9, 9 Pro và 9 Pro XL được rao bán tại Việt Nam trước khi lên kệ tại Mỹ. Ảnh: Khương Quỳnh

Febri Hendri Antoni Arief, người phát ngôn Bộ Công nghiệp Indonesia, cho biết: “Chúng tôi thúc đẩy quy tắc này để đảm bảo sự công bằng cho tất cả nhà đầu tư tại đây. Các sản phẩm của Google chưa tuân thủ, nên không thể bán”.

Đại diện Google cho biết dòng điện thoại Pixel chưa được phân phối chính thức tại Indonesia. Người dùng vẫn có thể mua máy ở nước ngoài để sử dụng. Tuy nhiên, Febri cảnh báo có thể xem xét vô hiệu hóa các thiết bị lậu.

Có ba phương án để một hãng đạt điều kiện TKDN tại Indonesia, gồm có kế hoạch sản xuất thiết bị, kế hoạch sáng tạo ứng dụng, hoặc kế hoạch phát triển đổi mới sáng tạo trong nước. Apple chọn phương án thứ ba, thông qua xây dựng các học viện cho nhà phát triển.

Google và Apple không dẫn đầu về thị phần smartphone tại Indonesia. Theo thống kê của công ty nghiên cứu IDC trong quý I/2024, hai thương hiệu lớn nhất tại đây là Oppo và Samsung.

Tuy nhiên, Bhima Yudhistira, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp của Indonesia, đánh giá động thái trên có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. “Điều này tạo tâm lý tiêu cực cho các nhà đầu tư muốn vào Indonesia”, ông Bhima nói.

Huy Đức (theo Reuters)