Là một cặp kỳ phùng địch thủ từ nhiều thập kỷ nay trên sân chơi bộ xử lý máy tính, việc Intel và AMD đột ngột thông báo hợp tác với nhau đã khiến không ít người kinh ngạc – dù chỉ là cùng thành lập một nhóm tư vấn về hệ sinh thái của kiến trúc x86. Mục tiêu của nhóm tư vấn này là “tập hợp các nhà lãnh đạo công nghệ để định hình nên tương lai của kiến trúc máy tính được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.”

Việc hợp tác này không phải là không có lý do – động lực quan trọng nhất phía sau nó chính là hơi nóng từ các bộ xử lý máy tính sử dụng kiến trúc ARM đang vươn lên mạnh mẽ. Đầu tiên là các chip M series của Apple, nhưng tác động mạnh nhất lại đến từ Qualcomm với dòng Snapdragon X Elite.

Cảm nhận được mối đe dọa từ Qualcomm, 2 đại kình địch Intel, AMD bắt tay thành lập liên minh chip x86- Ảnh 1.

x86, một kiến trúc tập lệnh (ISA) đã tồn tại gần 50 năm, là nền tảng của ngành điện toán hiện đại. ISA quyết định cách CPU đọc và thực thi các lệnh. Mặc dù là đối thủ cạnh tranh quyết liệt, AMD và Intel hiện là hai công ty chính sản xuất bộ vi xử lý x86. Bên cạnh hai “ông lớn” này, nhóm tư vấn còn có sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như Microsoft, Google, HP, Dell, Broadcom, Lenovo và Oracle.

Dễ hiểu vì sao cái tên Qualcomm không có trong nhóm này, khi các bộ xử lý nền ARM của hãng, Snapdragon X Elite đang được đưa lên các máy tính của những ông lớn trên và đối đầu trực tiếp với các bộ xử lý x86 của cả Intel và AMD.

Hiện tại một số dự báo cho biết, các bộ xử lý ARM có thể hiện diện trên 40% laptop được bán vào năm 2029 và ngay năm sau thôi, con số này cũng có thể lên tới 20%.

Cảm nhận được mối đe dọa từ Qualcomm, 2 đại kình địch Intel, AMD bắt tay thành lập liên minh chip x86- Ảnh 2.

Theo AMD, mục tiêu của nhóm là “nâng cao tính tương thích, khả năng dự đoán và nhất quán giữa các sản phẩm x86.” Nhưng với nhiều nhà quan sát, mục đích của nhóm tư vấn mới không gì khác ngoài nỗ lực đối phó với mối đe dọa từ các bộ xử lý ARM trên máy tính để bàn và laptop.

Tuy vậy điều này không có nghĩa 2 ông lớn này sẽ làm bạn với nhau. Đại diện AMD khẳng định 2 công ty vẫn sẽ là “đối thủ cạnh tranh quyết liệt”, nhưng họ sẽ cùng nhau thúc đẩy các tính năng và đổi mới cho PC x86, đồng thời đảm bảo khả năng tương thích rộng rãi ngoài hệ sinh thái Windows truyền thống.

Vẫn chưa rõ nhóm cố vấn về kiến trúc x86 này sẽ mang lại đổi mới nào cho thị trường chip xử lý, nhưng rõ ràng các các công ty này đang không xem nhẹ ảnh hưởng của đối thủ mới xuất hiện. Trong khi chip ARM có ưu điểm rõ rệt về năng lượng, và ngày càng gia tăng hiệu năng, giờ đây trở ngại lớn nhất chỉ còn nằm ở việc tương thích với phần mềm.