Lưu trữ Danh mục: Công Nghệ Website

Bị Mỹ cấm vận đủ đường, “Google của Nga” quyết định rời bỏ quê hương để thâu tóm GPU NVIDIA

Yandex – gã khổng lồ công nghệ được thành lập tại Nga, đã chính thức rời khỏi đất nước này. Theo Reuters, các nhà đầu tư Nga đã mua lại toàn bộ tài sản còn lại của Yandex tại Nga, và công ty đã đổi thương hiệu thành Nebius Group, đặt trụ sở tại Hà Lan.

Điểm đáng chú ý là Yandex, vốn bị cấm mua GPU NVIDIA do các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Nga, hiện đang lên kế hoạch tăng gấp 3 lần số lượng chip NVIDIA triển khai tại các trung tâm dữ liệu của mình.

Thỏa thuận này mất khoảng 2 năm để hoàn tất, với việc các nhà đầu tư Nga mua lại 28% cổ phần còn lại của công ty chủ quản Yandex NV (YNV) với giá 5.4 tỷ USD – một mức giá được cho là hời cho phía bên mua.

Mặc dù tuyên bố đã sở hữu trung tâm dữ liệu lớn nhất châu Âu, Nebius Group vẫn lên kế hoạch mở rộng gấp 3 quy mô hiện tại với chip NVIDIA thế hệ mới để cạnh tranh với Amazon, Google và Microsoft trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI).

Bị Mỹ cấm vận đủ đường, "Google của Nga" quyết định rời bỏ quê hương để thâu tóm GPU NVIDIA- Ảnh 1.

Trụ sở của Yandex tại Moscow, Nga

Arkady Volozh, nhà sáng lập Yandex, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times: “Việc đa dạng hóa cơ sở khách hàng là lợi ích của NVIDIA. Họ quan tâm đến những công ty đang phát triển như chúng tôi. Chúng tôi đã có mối quan hệ hợp tác với họ trong nhiều năm. Họ biết và tin tưởng chúng tôi.”

Dự kiến xây dựng lại công ty tại Amsterdam, Volozh sẽ lãnh đạo một đội ngũ 1.300 nhân viên, chủ yếu là cựu nhân viên của Yandex. Thương hiệu Yandex sẽ dần bị loại bỏ vào ngày 31/7. Chủ tịch YNV, John Boynton, bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhân viên của công ty, đặc biệt là Vadim Marchuk, người dẫn đầu các cuộc đàm phán. “Tất cả các mối liên hệ với Nga hiện đã bị cắt đứt,” ông nói với Reuters.

Nebius Group dự định hoạt động trong 4 lĩnh vực trọng tâm về AI: điện toán đám mây, dán nhãn dữ liệu, xe tự hành và công nghệ giáo dục. Đây vốn là những lĩnh vực mà Yandex từng thống trị tại Nga, do đó công ty có nhiều kinh nghiệm. 

Nebius Group hy vọng việc rời khỏi Nga sẽ cho phép Yandex niêm yết trở lại trên sàn giao dịch Nasdaq. Giao dịch cổ phiếu của công ty trên sàn giao dịch này đã bị đình chỉ trong hơn 2 năm qua.

Tất cả đường link rút gọn goo.gl sắp chính thức trở thành “link chết”

Google sẽ sớm đóng góp thêm vào vấn đề “link chết” (link rot) trên Internet bằng việc ngừng hoạt động dịch vụ Google URL Shortener vào năm 2025.

Ra mắt vào năm 2009, Google URL Shortener giúp người dùng rút gọn các đường dẫn dài thành dạng ngắn hơn bắt đầu bằng https://goo.gl. Tuy nhiên, 9 năm sau đó, Google quyết định ngừng cung cấp dịch vụ này và chuyển hướng người dùng sang Firebase Dynamic Links (FDL). Khi đó, Google tuyên bố “Tất cả các đường dẫn hiện có sẽ vẫn tiếp tục chuyển hướng đến trang đích”.

Tuy nhiên, kể từ ngày 25/8/2025, bất kỳ đường dẫn nào được rút gọn bằng Google URL Shortener sẽ không còn hoạt động.

Tất cả đường link rút gọn goo.gl sắp chính thức trở thành "link chết"- Ảnh 1.

Đây sẽ là một “cái chết từ từ” cho dịch vụ. Bắt đầu từ ngày 23/8/2024, một tỉ lệ người dùng truy cập vào các đường dẫn dạng “goo.gl” sẽ bắt gặp một trang thông báo cảnh báo rằng đường dẫn này sắp ngừng hoạt động. Tỉ lệ người dùng nhìn thấy thông báo này sẽ tăng dần theo thời gian cho đến ngày đóng cửa dịch vụ.

Sau ngày 25 tháng 8 năm 2025, các đường dẫn này sẽ trả về lỗi 404 (trang không tìm thấy). Đây chính là lý do Google khuyên các kỹ sư chuyển đổi các đường dẫn “goo.gl” càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chuyển đổi sang đâu? Lời khuyên trước đây của Google về việc chuyển sang FDL có thể hợp lý vào năm 2018, nhưng hiện tại, chức năng này đã bị ngừng hoạt động. Thêm vào đó, đến ngày 25/8/2025, FDL cũng sẽ ngừng hoạt động giống như Google URL Shortener.

Thách thức đối với các kỹ sư là tìm ra tất cả các vị trí chứa các đường dẫn bị ảnh hưởng. “Link chết” – hiện tượng các đường dẫn từng hoạt động giờ trả về lỗi 404 – đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng khi Internet phát triển. Quyết định của Google sẽ khiến vấn đề này thêm trầm trọng.

Duolingo – Startup thua lỗ suốt 10 năm bỗng trở thành hiện tượng với 12,5 triệu người theo dõi, doanh thu từ con số 0 lên hơn 500 triệu USD/năm

Vài tuần trước khi bay đến Lisbon nghỉ mát, Kelli Maria tải lại Duolingo. Cô gái vốn đã sử dụng ứng dụng học ngôn ngữ này trong nhiều năm để ôn tập tiếng Pháp thời trung học, song cuộc sống với sự bận rộn và tính kỷ luật kém đã khiến việc học ngôn ngữ không thể trở thành thói quen thường xuyên.

Lần này, Maria tự nhủ sẽ nghiêm túc với tiếng Bồ Đào Nha. Cô cũng tự hứa với bản thân rằng lần này chắc chắn sẽ khác vì Duolingo rất nỗ lực nhắc nhở người dùng chăm chỉ.

Tuy nhiên, vài ngày trước chuyến bay, Maria khá xao nhãng. Công cuộc chuẩn bị cho kỳ nghỉ khiến cô không thể ghé thăm Duolingo và tích lũy huy hiệu. Một email với giọng điệu có phần chán nản đã được gửi đến hòm thư của Maria: “Đã 3 ngày rồi đó. Bạn chán học Bồ Đào Nha chưa? Có vẻ như bạn đã học được cách nói từ ‘từ bỏ’ trong tiếng Bồ Đào Nha”.

Maria lặng lẽ lưu trữ những email chưa mở. Cuối cùng cô đã hiểu ra rằng mình đã đăng ký học tiếng Bồ Đào Nha từ một chiếc app “dở” nhất App Store.

Trên khắp Internet, rất nhiều các bài đăng, bình luận và blog than thở về cách cư xử thô lỗ của Duolingo trong nỗ lực “tống tiền tình cảm” để thúc đẩy sự tương tác trở lại. Khó chịu không chỉ giới hạn ở dòng tiêu đề email và thông báo đẩy. Nhiều người dùng không hoạt động thường xuyên sẽ có lúc bất chợt nhìn thấy biểu tượng con cú Duolingo trông buồn hơn và già hơn.

Các bậc phụ huynh thậm chí còn phàn nàn rằng con cú thất thường này đang tấn công não của bọn trẻ và khiến chúng khóc. Họ cho rằng thông điệp thao túng của công ty này hoàn toàn vô đạo đức.

Tuy nhiên, đối với Duolingo, sự cằn nhằn không ngừng đó dường như lại là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận ròng. Sau quý I/2024, công ty báo cáo mức tăng trưởng 54% về số lượng người dùng hoạt động hàng ngày và 45% về doanh thu và lợi nhuận. Dù được yêu hay bị ghét, con cú xanh vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Có thể nói tình yêu thương nghiêm khắc là bí quyết thu hút khách hàng Gen Z.

Duolingo - Startup thua lỗ suốt 10 năm bỗng trở thành hiện tượng với 12,5 triệu người theo dõi, doanh thu từ con số 0 lên hơn 500 triệu USD/năm- Ảnh 1.

“Những nhóm tuổi trẻ tham gia tiếp thị đang tìm kiếm một công ty có cá tính đặc biệt, độc đáo, đáng nhớ và có cảm giác chân thực”, Brian Honigman, một cố vấn tiếp thị có trụ sở tại Philadelphia nói và cho biết người trẻ và thanh thiếu niên có xu hướng tìm kiếm những công ty thể hiện giá trị và tính cách riêng biệt.

“Họ đang tìm kiếm thứ gì đó giống một con người hơn”, Honigman nói. “Duolingo đã làm rất tốt vì không giống nhiều thương hiệu khác”.

Sự táo bạo của Duolingo đã thúc đẩy sự tham gia của người dùng. Vào năm 2017, một tài khoản có tên knightcore đã đăng tải bức tranh phiên bản đáng sợ của Duo lên Tumblr. Trong ảnh, cú Duo đang nhắm súng vào những người phớt lờ thông báo của mình.

Được biết, Duolingo đã được vinh danh là Ứng dụng iPhone của năm vào năm 2013 chỉ sau vỏn vẹn 12 tháng phát hành. Thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu giết thời gian nhàn rỗi càng khiến ứng dụng học ngôn ngữ này trở nên phổ biến hơn bất kỳ lúc nào.

Nếu đã dùng Duolingo, bạn sẽ nhận ra ứng dụng này rất chăm nhắc người dùng học bài. Chỉ cần bỏ lỡ bài học một thời gian, chim cú Duo sẽ xuất hiện và hỏi han bạn. Do không phải ai cũng thoải mái với tính năng này, một số người bắt đầu chế meme và đẩy sự “hỏi han” lên một “tầm cao” mới.

Khi gặp cú Duo, bạn sẽ được cung cấp một số bài tập ngắn gọn, tương đối dễ dàng như ghép từ vựng, dịch các cụm từ đơn giản, nghe và lặp lại các câu sử dụng công nghệ nhận dạng và tạo giọng nói bắt chước người bản địa. Người học sau khi hoàn thành bài giảng sẽ được đập tay với cú Duo và với càng nhiều điểm kiếm được mỗi tuần, vị trí trên bảng xếp hạng của họ cũng được cải thiện. Khi đó, người học sẽ kiếm được “đá quý” – một dạng tiền tệ dùng để mua những bài học khó hơn. Toàn bộ công việc chỉ mất khoảng 4 phút, vừa đủ cho một người đợi xe buýt giết thời gian.

Duolingo - Startup thua lỗ suốt 10 năm bỗng trở thành hiện tượng với 12,5 triệu người theo dõi, doanh thu từ con số 0 lên hơn 500 triệu USD/năm- Ảnh 2.

Nhờ hệ thống biên dịch và phân tích dữ liệu từ một tỷ tương tác người dùng mỗi ngày, Duolingo tự do tùy chỉnh từng khoá học sao cho phù hợp với từng cá nhân. Nó biết những lỗi sai từng người hay mắc phải. Nó cũng biết thúc giục ai đó hoàn thành bài học lúc 6 giờ chiều thay vì 6 giờ sáng một cách ngẫu nhiên.

“Chúng tôi muốn thu hút sự chú ý và thời gian của bạn trên điện thoại, như Instagram và TikTok,” Sam Dalsimer, trưởng bộ phận truyền thông toàn cầu của Duolingo, nói. “Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục gia đình bạn chọn chúng tôi để học, chứ không phải để chơi một trò chơi điện tử”.

Luis von Ahn là “cha đẻ” của Duolingo. Công ty niêm yết vào tháng 7/2021 với giá 102 USD/cổ phiếu, sau đó tăng gấp đôi chỉ sau vài tháng.

“Hóa ra là sản phẩm miễn phí của chúng tôi tốt hơn hầu hết các sản phẩm khác”, von Ahn nói, đồng thời cho biết mục tiêu sau cùng là giúp Duolingo lớn mạnh đến mức chỉ cần chuyển đổi một phần nhỏ số người dùng miễn phí thành trả phí. Sứ mệnh của cú Duo, ông khẳng định, là “phát triển nền giáo dục tốt nhất trên thế giới và phổ cập chúng rộng rãi”.

“Không phải tôi phản đối việc kiếm tiền, nhưng nó chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu. Nếu bạn làm một việc có ý nghĩa, tiền sẽ theo sau”, von Ahn nói.

von Ahn là sinh viên Đại học Duke và sau đó là Đại học Carnegie Mellon; đã nhận bằng tiến sĩ nhờ phát minh ra Captcha – công cụ xác thực được sử dụng bởi hàng triệu trang web. Công nghệ này sau đó được anh cải tiến và bán cho Google với giá “hàng chục triệu USD” vào năm 2009.

Thay vì “nghỉ hưu” với tư cách là một triệu phú 30 tuổi, von Ahn bắt đầu nghĩ về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh, với tham vọng bán các bài học ngôn ngữ miễn phí cho bất kỳ ai có điện thoại di động. Cùng với một nhóm nghiên cứu sinh tại Carnegie Mellon, nơi von Ahn hiện là giáo sư khoa học máy tính, họ đã phát triển ra Duolingo.

Duolingo - Startup thua lỗ suốt 10 năm bỗng trở thành hiện tượng với 12,5 triệu người theo dõi, doanh thu từ con số 0 lên hơn 500 triệu USD/năm- Ảnh 3.

Sau một thập kỷ thua lỗ liên tục, Duolingo nổi lên như một ứng dụng với “không quảng cáo, không phí ẩn, không đăng ký, chỉ miễn phí”. Startup này khi đó sở hữu hàng triệu người dùng nhưng không hề có doanh thu.

“Duolingo có một CEO thực sự, nhưng anh ấy không hiểu về kinh doanh và cũng không có bất kỳ sự quan tâm nào với nó”, một chuyên gia nhận xét về von Ahn như vậy.

Mãi đến năm 2017, khi Duolingo ra mắt phiên bản đăng ký gần giống với bản miễn phí, doanh thu mới bắt đầu tăng lên và đạt 70 triệu USD vào năm 2019. Đến năm 2020, con số này tăng gấp đôi khi hàng triệu người dùng bất ngờ phát hiện ra một cách hiệu quả để giết thời gian trong thời kỳ phong tỏa.

“2023 là một năm đặc biệt, vượt qua kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi đã đạt được kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận”, Luis von Ahn, founder Duolingo cho biết. “Chúng tôi đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và tới quý IV đã đạt ghi nhận mức tương tác của người dùng cao kỷ lục. Vào năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào chiến lược: làm hài lòng người dùng, tăng số lượng người đăng ký, giảng dạy tốt hơn và mở rộng sứ mệnh. Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu của hành trình và rất hào hứng với con đường phía trước”.

Trong năm 2023, tổng doanh thu Duolingo đạt 531,1 triệu USD, tăng 44% so với năm trước. Chỉ riêng quý IV, tổng doanh thu là 151,0 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Duolingo hiện có 12,5 triệu người theo dõi trên các nền tảng.

Theo: Business Insider

Muốn nghe nhạc chất lượng cao trên Spotify phải trả thêm “nhiều tiền”

Thông tin về việc Spotify sẽ ra mắt một gói trả phí nghe nhạc chất lượng cao đã có từ lâu. Tuy nhiên, có vẻ như điều này mới chỉ được xác nhận gần đây khi CEO Spotify, Daniel Ek, cho biết công ty sẽ sớm ra mắt một gói nghe nhạc cao cấp hơn cho nền tảng này. Gói cao cấp này được đề cập với tên gọi “Deluxe”, có giá khoảng 5 USD cao hơn so với gói Premium hiện tại.

Trong cuộc phỏng vấn với The Hollywood Reporter, CEO Ek xác nhận rằng gói Spotify Deluxe vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển và có thể có giá khoảng 17-18 USD, tương đương khoảng 450.000 đồng. Ek cũng cho biết gói Deluxe sẽ cung cấp chất lượng âm thanh cao hơn và nhiều tiện ích bổ sung khác.

“Giá có thể khoảng 17 hoặc 18 USD, nhưng là một phiên bản cao cấp của Spotify có tất cả các lợi ích của phiên bản Spotify thông thường, nhưng có nhiều tuỳ chỉnh và chất lượng cao hơn”, Daniel Ek cho biết.

Muốn nghe nhạc chất lượng cao trên Spotify phải trả thêm "nhiều tiền"- Ảnh 1.

Lượng người dùng hoạt động hàng tháng của nền tảng phát trực tuyến âm nhạc này đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 626 triệu người dùng. Các đối thủ của Spotify như Apple Music và Amazon Music đã có gói cung cấp âm thanh lossless hi-fi ngay trong chính các gói tiêu chuẩn của họ với giá khoảng 11 USD. Việc ra mắt một gói trả phí cao hơn gấp 1,5 lần chỉ để người dùng có thêm quyền lợi nghe nhạc chất lượng cao có thể không hẳn là một “deal” hấp dẫn đối với đại đa số người dùng.

Tại Việt Nam, Spotify gói trả phí cho người dùng cá nhân có mức giá 59.000 đồng/tháng, còn gói cho học sinh, sinh viên là 29.500 đồng/tháng, chất lượng nhạc cao nhất mà người dùng có thể stream từ nền tảng này là 320kbps, một chuẩn âm thanh khá phổ biến hiện tại và chưa hẳn được coi là “hi-res”.

Apple Music có giá đắt hơn một chút là 65.000 đồng/tháng cho người dùng cá nhân và 35.000 đồng/tháng cho học sinh, sinh viên, tuy nhiên Apple cung cấp sẵn nhạc chất lượng cao 16-bit/44.1kHz, 24-bit/48kHz và 24-bit/192kHz trong gói này, người dùng chỉ cần có thiết bị âm thanh phù hợp là có thể stream được nhạc “hi-res” mà không cần phải trả thêm bất cứ khoản phí nào.

Xuất hiện chiêu lừa đảo mới: Lập fanpage giả mạo các giải chạy của nhà băng

    Theo ghi nhận của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trong những tháng gần đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện một số fanpage giả mạo các giải chạy Marathon do Vietcombank tổ chức nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người có nhu cầu tham gia đăng ký.

    Cụ thể, các fanpage này đã sử dụng trái phép logo của Vietcombank, thông tin và hình ảnh của các giải chạy do Vietcombank tổ chức hoặc đồng hành tài trợ cùng thông tin sai lệch để lấy lòng tin của người dùng mạng xã hội.

    Xuất hiện chiêu lừa đảo mới: Lập fanpage giả mạo các giải chạy của nhà băng- Ảnh 1.

    Đối tượng lừa đảo mời gọi người dân thực hiện chuyển tiền đăng ký tham gia. Các đối tượng cũng có thể dẫn dắt nạn nhân tham gia các nhóm trên ứng dụng nhắn tin như Zalo/Telegram rồi hướng dẫn làm các “nhiệm vụ” để hưởng thêm nhiều ưu đãi như miễn phí chi phí vận chuyển, tiền ăn tại giải chạy.

    Những nhiệm vụ này thường ở dạng yêu cầu mua các sản phẩm chạy doanh số, chuyển tiền vào tài khoản mang tên pháp nhân, cá nhân rồi được hứa hẹn sẽ hoàn tiền về ngay lập tức. Các đối tượng thường hoàn trả đầy đủ kèm theo lợi nhuận của những giao dịch đầu rồi tăng dần số tiền cần chuyển của nhiệm vụ. Khi số tiền chuyển đi đã đủ lớn, các đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện chặn mọi liên lạc với nạn nhân.

    Vietcombank khẳng định Vietcombank hiện không tổ chức bất kỳ giải chạy nào có thu phí tham gia. Các giải chạy do Vietcombank tổ chức hoặc đồng hành tài trợ chỉ được đăng tải trên website chính thức và fanpage chính thống của ngân hàng, các hình thức tiếp nhận đăng ký khác là giả mạo.

    Ngân hàng khuyến cáo khách hàng và người dân tìm hiểu kỹ các thông tin về giấy phép tổ chức, tư cách pháp nhân của đơn vị tổ chức và tính chính danh của các fanpage trước khi thực hiện chuyển tiền đăng ký bất kỳ giải chạy Marathon nào trên mạng xã hội. Khách hàng và người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất kỳ tài khoản nào nếu chưa làm rõ được thông tin chủ tài khoản và mục đích chuyển tiền.

    Trước đó vào tháng 4/2024, Công an tỉnh Bình Định đã tiếp nhận trình báo của nạn nhân bị lừa đảo 30 tỷ đồng khi đăng ký cho hai con nhỏ tham gia giải chạy Marathon do một báo điện tử lớn tổ chức. Nạn nhân đã đăng ký thông qua fanpage giả mạo trên mạng xã hội và bị dẫn dụ làm các “nhiệm vụ” để hưởng ưu đãi của nhà tài trợ đồng hành cùng giải chạy, sau đó bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Chủ kênh YouTube HieuTV xin lỗi học viên vì bán khóa học đầu tư tài chính 250 USD nhưng bị phàn nàn ‘chưa tương xứng với giá’

    HieuTV là kênh YouTube được xây dựng bởi ông Nguyễn Ngọc Hiếu từ năm 2019 với nội dung về tự do tài chính, quản lý tiền bạc cá nhân, kinh nghiệm đầu tư. Hiện, kênh có hơn 850.000 người theo dõi và hơn 66 triệu lượt xem. Ngoài kênh Youtube, nhà sáng tạo nội dung này còn có kênh Podcast cùng cộng đồng thành viên gần 10.000 người trên Facebook.

    Mới đây, HieuTV đã thông báo sẽ dừng sản xuất podcast trên kênh bởi cảm thấy quá tải sau quãng thời gian dài làm nhiều việc, cũng như đã chia sẻ hết những kiến thức và kinh nghiệm đã tích luỹ trong quãng thời gian đi làm. Cuối clip, nhà sáng tạo này cho biết những người yêu mến vẫn có thể gặp thông qua những khoá học đầu tư mà nam YouTuber đang bán. 

    Hiện, khóa học về chủ đề đầu tư của HieuTV có giá 250 USD (khoảng hơn 6 triệu đồng) trong 6 tháng.

    Chủ kênh YouTube HieuTV xin lỗi học viên vì bán khóa học đầu tư tài chính 250 USD nhưng bị phàn nàn 'chưa tương xứng với giá'- Ảnh 1.

    Tuy nhiên, trái với lời quảng cáo, khóa học của HieuTV lại nhận được nhiều phản hồi tiêu cực như: chất lượng khóa học không được như kỳ vọng; bỏ bê học viên, không xây dựng được công đồng đầu tư như đã hứa; một số thành viên trong khoá học bị xoá hoặc tạm dừng tài khoản; hứa nhiều nhưng không làm.

    Trước lùm xùm liên quan đến khóa học, mới đây, HieuTV đã đưa ra lời giải thích trên trang cộng đồng về những sự việc trong thời gian qua.

    Ông cảm thấy hối tiếc vì đã gây hoang mang cho các thành viên về việc liệu họ có đang tin tưởng đúng người hay không, đồng thời gửi lời xin lỗi đến những học viên đã lên tiếng phàn nàn.

    “Ở góc độ người đang quản lý cộng đồng, tôi xin nhận những khuyết điểm của mình, thời gian qua tôi đã không sâu sát sinh hoạt cùng các anh chị trên cộng đồng này. Dù với lý do gì đi nữa thì đây cũng là một điều tôi chưa làm tốt. Do đó đầu tiên tôi muốn gửi lời xin lỗi đến các anh chị – sau là đưa ra những giải pháp để khắc phục cho thời gian tới”, ông Nguyễn Ngọc Hiếu nói.

    Về ý kiến chất lượng kiến thức trong khoá học không đạt chất lượng, HieuTV cho biết, sẽ cố gắng lắng nghe góp ý của học viên nhiều hơn bởi sự kì vọng của mỗi người khác nhau nên có nhiều trường hợp, khoá học không đáp ứng được nhu cầu. 

    Chủ kênh YouTube HieuTV xin lỗi học viên vì bán khóa học đầu tư tài chính 250 USD nhưng bị phàn nàn 'chưa tương xứng với giá'- Ảnh 2.

    Hiếu TV công khai lên tiếng xin lỗi và giải thích.

    HieuTV cũng thừa nhận chưa thực hiện được những lời hứa với học viên như tạo podcast cho khoá học. Ông Hiếu cũng đưa ra giải pháp và hứa sẽ team hoàn thiện nhanh các podcast này để gửi tới học viên.

    Dù hứa tổ chức gặp mặt cho các thành viên, song HieuTV cho biết: “Tôi không biết làm sao để tổ chức một buổi họp mặt với quá đông người. Và đến nay, thú thật tôi vẫn chưa có giải pháp cho việc này”. Ông Hiếu chia sẻ cũng mong thành viên trong cộng đồng sẽ cùng nghĩ ra giải pháp.

    Theo giới thiệu, Nguyễn Ngọc Hiếu làm việc tại Australia, là cố vấn về Digital Strategy. Trong podcast nói về một triệu đô đầu tiên kiếm được, ông Hiếu kể về thương vụ giúp ông nhân 1,5 triệu USD khi tham gia cố vấn và điều hành cho một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Edtech ở Australia.

    Chính thức ra mắt phần mềm chống lừa đảo nTrust: Kiểm tra số điện thoại, website, số tài khoản ngân hàng, QR code lừa đảo

    Hiệp hội An ninh mạng quốc gia hôm nay chính thức ra mắt phần mềm phòng chống lừa đảo nTrust. Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí dành cho điện thoại thông minh, giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR. Phần mềm cũng hỗ trợ chức năng rà soát các ứng dụng trên điện thoại để phát hiện mã độc hoặc phần mềm giả mạo. Người dùng có thể tải phần mềm từ hai chợ ứng dụng phổ biến là Google Play (cho Android) và App Store (cho iOS).

    nTrust là dự án phần mềm phi lợi nhuận, không sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí được huy động từ nguồn tài trợ xã hội. Phần mềm này đã được giới thiệu vào ngày 13/5 tại Hội thảo Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức. Phiên bản mới ra mắt được cập nhật và hoàn thiện tính năng theo các góp ý từ hàng trăm tình nguyện viên đã tham gia bản thử nghiệm (Beta) trong tháng 6/2024, cải thiện đáng kể khả năng quét mã độc và tối ưu hiệu năng hoạt động của phần mềm.

    Chính thức ra mắt phần mềm chống lừa đảo nTrust: Kiểm tra số điện thoại, website, số tài khoản ngân hàng, QR code lừa đảo- Ảnh 1.

    Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu tư vấn phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho biết: “Hiện tại, cơ sở dữ liệu phòng chống lừa đảo nTrust đã có hơn 1 triệu bản ghi được xác minh, tổng hợp từ nguồn dữ liệu của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức an ninh mạng thành viên của Hiệp hội. Chúng tôi hy vọng sau khi ra mắt, với sự tham gia của cộng đồng người dùng, bộ dữ liệu này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.”

    Người dùng có thể tải nTrust bắt đầu từ hôm nay để bảo vệ điện thoại và tham gia cộng đồng phòng chống lừa đảo nTrust. Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào về lừa đảo, người dùng có thể gửi báo cáo số điện thoại, số tài khoản, đường link, ứng dụng nghi ngờ về trung tâm thông qua tính năng tích hợp sẵn trên phần mềm. Các dữ liệu báo cáo này sẽ được tập hợp, xác minh và cập nhật cho toàn bộ cộng đồng người sử dụng nTrust.

    Phần mềm nTrust đề cao việc đảm bảo tính riêng tư, cho phép người dùng chủ động hoàn toàn trong việc kiểm soát và lựa chọn các thông tin cần kiểm tra, báo cáo. Đặc biệt, khác với các phần mềm nước ngoài có tính năng tương tự trên thị trường, toàn bộ quá trình xử lý liên quan đến kiểm tra cuộc gọi lừa đảo, làm phiền sẽ chỉ được thực hiện trên điện thoại, không gửi bất cứ thông tin gì về máy chủ.

    Chính thức ra mắt phần mềm chống lừa đảo nTrust: Kiểm tra số điện thoại, website, số tài khoản ngân hàng, QR code lừa đảo- Ảnh 2.

    Thời gian qua, các biện pháp phòng chống lừa đảo từ cơ quan quản lý như chuẩn hoá thuê bao viễn thông, phổ biến hướng dẫn về bảo vệ dữ liệu cá nhân và yêu cầu xác thực sinh trắc học đã thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục có những biến tướng với các hình thức công nghệ mới xuất hiện. nTrust sẽ góp phần như một tấm khiên bảo vệ hữu hiệu, hỗ trợ người dùng phát hiện sớm các nguy cơ lừa đảo trước khi giao dịch trên không gian mạng.

    Thông tin chi tiết về phần mềm và hướng dẫn sử dụng có thể xem tại https://nTrust.vn.

    KFC Việt Nam mang gà lên TikTok bán livestream, khách nhận hàng trong 1 giờ, phí ship chỉ 10.000 đồng: Một kỷ nguyên mới sắp bắt đầu?

    KFC Việt Nam mang gà lên TikTok bán livestream, khách nhận hàng trong 1 giờ, phí ship chỉ 10.000 đồng: Một kỷ nguyên mới sắp bắt đầu?- Ảnh 1.

    Hình ảnh trong video quảng bá phiên livestream trên TikTok Shop của KFC Việt Nam.

    “Nằm lướt TikTok” cũng có thể mua gà KFC, nhận hàng trong 1 giờ

    Hôm 13/6, KFC Việt Nam trở thành thương hiệu đầu tiên trong ngành nhà hàng phục vụ nhanh tham gia livestream bán hàng trên nền tảng TikTok. Người dùng có thể vừa đặt món trên livestream vừa tương tác, giải trí và nhận đồ ăn trong 1 giờ, với phí giao hàng chỉ 10.000 đồng.

    Livestream diễn ra vào khung giờ trưa và chiều tối, phù hợp với nhu cầu dùng bữa ăn của khách hàng, thực đơn đa dạng, và không thể thiếu “đặc sản” của TikTok là hàng loạt mã giảm giá để thu hút các thực khách “chốt đơn”.

    Theo đại diện của KFC, bán hàng qua kênh online tạo ra sự trực quan, giúp khách hàng dễ hình dung và lựa chọn món ăn ưng ý, khâu giao hàng cũng có thể được thực hiện chỉ trong thời gian ngắn

    Đây là bước tiến mới trong xu hướng tăng trải nghiệm của khách hàng mà KFC muốn mang đến cho tất cả mọi người. Từ nay, mọi người có thể tiếp cận món gà rán KFC không chỉ tại hệ thống nhà hàng, mà còn thông qua livestream trên nền tảng TikTok được thực hiện thường xuyên và liên tục“, phía KFC Việt Nam cho hay.

    Theo kết quả nghiên cứu do TikTok uỷ quyền Kantar thực hiện vào đầu năm 2024, 81% người mua hàng tại Việt Nam cho biết họ có xu hướng thường xuyên mua sắm trên TikTok Shop. Lý do kích thích người dùng TikTok “chốt đơn” là vừa được tiếp cận các nội dung giải trí, vừa có trải nghiệm mua sắm dễ dàng, liền mạch.

    Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 của Metric cũng chứng minh sự lên ngôi của TikTok Shop, khi đây là sàn TMĐT duy nhất có doanh số 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng dương so với 6 tháng cuối năm 2023, ở mức 24,49%. Xét về doanh số và sản lượng so với 6 tháng đầu năm 2023, TikTok Shop cũng tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các sàn, lần lượt ở mức 150,54% và 242,15%.

    Một kỷ nguyên mới sắp bắt đầu?

    Việc một thương hiệu đồ ăn nhanh lớn mạnh như KFC cũng bắt đầu gia nhập “cuộc đua livestream” trên TikTok dường như cho thấy “chiến địa” này vẫn còn vô vàn tiềm năng để các nhãn hàng khai thác.

    Tại sự kiện Việt Nam Mega Sales 2024 do TikTok tổ chức mới đây, ông Stephen Nguyễn, Co-founder & CGO Byte Media – đơn vị phụ trách triển khai chiến dịch cho KFC Việt Nam – tiết lộ rằng đằng sau những phiên livestream thu hút đông đảo chú ý của thương hiệu này là một chiến lược sản phẩm rõ ràng.

    Nếu chiến lược sản phẩm tốt, chúng ta sẽ có tới 60-70% cơ hội bán hàng“, ông Stephen nhấn mạnh.

    KFC Việt Nam mang gà lên TikTok bán livestream, khách nhận hàng trong 1 giờ, phí ship chỉ 10.000 đồng: Một kỷ nguyên mới sắp bắt đầu?- Ảnh 2.

    Ông Stephen Nguyễn, Co-founder & CGO Byte Media.

    Trong trường hợp của KFC, ông Stephen cho biết các sản phẩm đã được chia làm nhiều nhóm. Trước hết là những sản phẩm giá trị thấp, dễ mua, quá trình mua nhanh nhất có thể để “đẩy số”.

    Trung bình cứ 10 phút chúng ta phải bằng mọi giá đẩy một con số nhất định về doanh số, nếu không sẽ không có organic traffic (lượng truy cập tự nhiên). Sau đó chúng ta mới đi đến những sản phẩm tạo ra doanh số và biên độ lợi nhuận.

    Đối với KFC, những sản phẩm thuần gà – combo 6 miếng, 10 miếng gà – là những sản phẩm kéo số. Cứ đưa những sản phẩm này lên flash sale thì ngay lập tức doanh số chạy rất nhanh“, ông Stephen phân tích.

    Chuyên gia này cho biết thêm rằng những sản phẩm đem lại lợi nhuận tốt là những món khách hàng chưa biết đến nhiều và muốn thử. Ví dụ như KFC tạo ra những combo khác nhau vào buổi trưa, buổi tối, buổi chiều, thứ 7 và chủ nhật.

    Điều này khiến người mua nghĩ rằng hình như combo này cứ đúng khung giờ đó mới có. Họ sẽ có cảm giác đây chắc là món hời và ngon. Đúng là vậy, và sự thật đây là những sản phẩm đem lại lợi nhuận cao hơn. Yếu tố quan trọng nữa là thúc đẩy mọi người mua nhanh hơn.

    Sau 4 phiên livestream của KFC, ROAS (tỷ lệ doanh thu trên chi phí quảng cáo) đã tăng từ 400% lên hơn 1.000% so với trước đây. Tôi cũng không nghĩ con số sẽ tăng đến mức đó

    Đây là một mô hình rất mới, hy vọng sắp tới sẽ có nhiều sản phẩm đồ ăn nhanh gia nhập. Tôi tin điều này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới“, ông Stephen kết luận.

    Sự cố CrowdStrike khiến chúng ta nhớ lại sự kiện Y2K lịch sử của gần 25 năm về trước

    Thứ Sáu, ngày 17 tháng Bảy năm 2024, người dùng máy tính toàn cầu đối diện với sự kiện đang được gọi là “khủng hoảng kỹ thuật số tệ nhất mọi thời đại”. Bản cập nhật phần mềm từ công ty an ninh mạng CrowdStrike khiến xấp xỉ 8,5 triệu máy tính sử dụng Windows toàn cầu dừng hoạt động, liên tục hiển thị “màn hình xanh tử thần – blue screen of death (BOSD)”.

    Dữ liệu từ FlightAware cho thấy các hãng hàng không đã phải hủy 46.000 chuyến bay nội trong một ngày, một hãng hàng không Ấn Độ đã phải viết vé giấy cho khách hàng. Nhiều bệnh viện phải hoãn phẫu thuật. Tại Mỹ, dịch vụ khẩn cấp 911 bị gián đoạn, một số dịch vụ thương mại khác phải chuyển sang sử dụng tiền mặt như những năm 2000.

    Sự cố CrowdStrike khiến chúng ta nhớ lại sự kiện Y2K lịch sử của gần 25 năm về trước- Ảnh 1.

    Hãng hàng không Ấn Độ viết tay vé để giúp khách thông hành – Ảnh: X.

    Microsoft và CrowdStrike nhanh chóng cung cấp giải pháp nhưng không triệt để vào thời điểm ấy, và trục trặc phần mềm kéo dài tới gần một tuần. Các chuyên gia IT lại một lần nữa rao giảng lại bài cũ (mà rõ ràng là chưa được thấm nhuần), là đừng đẩy bản cập nhật lớn vào ngày thứ Sáu.

    Cơ sở hạ tầng hiện đại liên kết ngày một chặt chẽ với mạng internet, chắc chắn khủng hoảng CrowdStrike sẽ không phải sự cố cuối cùng. Nhưng hiển nhiên, người dùng Internet đã trải nghiệm nhiều sự kiện khủng hoảng trước CrowdStrike. Lịch sử ngành điện toán rải rác đầy những sự cố để lại nhiều bài học quý giá cho hậu thế, thậm chí hé lộ cho chúng ta thấy thế giới sẽ ra sao nếu một ngày Internet biến mất.

    Có một cái giá phải trả cho những tiện ích ta đang hưởng thụ”, Ritesh Kotak, một nhà phân tích làm trong ngành an ninh mạng cho hay. “Sự kiện sẽ diễn ra lần nữa, và từ góc nhìn công nghệ mà nói, thì việc khắc phục sự cố CrowdStrike còn tương đối dễ đấy. Lần tới có lẽ ta sẽ không may mắn vậy đâu”.

    Thế còn những lần trước thì sao?

    Khi phần mềm gặp lỗi

    Một trong những sự cố mất mạng quy mô lớn diễn ra hồi năm 1997, xuất phát từ lỗi phần mềm trên hệ thống của Network Solutions Inc., một trong những công ty chịu trách nhiệm quản lý và phân phối tên miền cho các trang web. Theo New York Times đưa tin, lỗi trong cơ sở dữ liệu đã đánh sập MỌI trang web có đuôi “.com” hay “.net”.

    Ước tính, lỗi này khiến gần 1 triệu website dừng hoạt động, một con số khổng lồ ở thời điểm 1997. Email không đến đích, nhiều dịch vụ phải dừng hoạt động, nhưng nhìn chung hậu quả đã không mấy nặng nề.

    1.jpeg

    Hình minh họa.

    Nhưng nếu xét trong bối cảnh hiện đại, nếu lỗi của năm 1997 này tái diễn, chúng ta sẽ khó có thể đo đếm chính xác hệ quả của nó. Điển hình vào năm 2018, một vụ tấn công bằng malware tại một cộng đồng nhỏ tại Matanuska-Susitna, Alaska đã khiến 100.000 người phải “du hành ngược thời gian”.

    Nhân viên không thể truy cập được máy tính làm việc, thư viện địa phương đã phải tắt toàn bộ thiết bị có kết nối mạng. Tại một cơ quan chính phủ, nhân viên đã phải sử dụng máy đánh chữ để tiếp tục làm việc. Sự cố kéo dài tới 10 tuần đã ảnh hưởng lớn tới cộng đồng nhỏ.

    Khi cá mập và phụ nữ luống tuổi cùng một phe: không biết Internet là gì

    Đôi khi lỗi không ở phần mềm, mà ở “phần cứng”. Trong câu chuyện dưới đây, “phần cứng” được nhắc tới không phải cỗ máy tính bạn vẫn biết hay những server khổng lồ, mà là cá mập và người cao tuổi.

    Cách đây ít lâu, kết nối internet trên toàn cõi Armenia phụ thuộc vào một đường cáp quang duy nhất chạy ngang qua Georgia, và điều người ta lo sợ cuối cùng cũng đến. Năm 2011, một người phụ nữ 75 tuổi ngắt kết nối Internet của 2,9 triệu người Armenia bằng một cái xẻng. Khi đào đất tìm phế thải kim loại gần ngôi làng Ksani, bà đã lỡ tay cắt đứt đường cáp quang mong manh.

    Sau sự cố, cảnh sát đã tạm giữ bà cụ nhưng cũng sớm thả ra vì tuổi bà đã cao. Hậu quả bà gây ra cũng không quá nặng nề, khi kết nối internet của Armenia được khôi phục ngay trong đêm hôm đó. Trả lời phỏng vấn, bà cụ 75 tuổi nói: “Tôi chẳng biết internet là gì”.

    Trong một biến cố trên cạn khác tại Châu Phi hồi năm 2017, một chiếc máy kéo đã làm đứt một đường cáp ngầm tại Nam Phi, khiến toàn bộ người dân Zimbabwe mất kết nối internet trong 12 giờ.

    Những đường cáp nổi có thể dễ dàng bảo trì chỉ là một phần nhỏ trong cơ sở hạ tầng cung cấp internet toàn cầu. Dưới đáy biển, hàng ngàn kilomet cáp mạng phải đối mặt với những kẻ săn mồi khét tiếng của đại dương: cá mập. Trên những trang sử về internet còn chưa ráo mực, không chỉ cá mập được “vinh danh” mà còn nhiều loài cá khác cũng đam mê gặm cáp. Những hàm răng sắc nhọn có thể xuyên phá vỏ cáp và gây hiện tượng đoản mạch.

    Video cho thấy câu chuyện cá mập cắn cáp hoàn toàn có thật.

    Từ những năm 1964, người ta đã ghi nhận những trường hợp sinh vật đại dương cắn đường dây điện thoại và điện tín. Ngày nay, Google đã đang bọc cáp biển bằng vật liệu vốn dùng trong sản xuất áo chống đạn để đảm bảo kết nối được an toàn.

    Khi sự cố mất mạng do “nhà đài”

    Mới chỉ 2 năm trước, hơn một phần tư cư dân Canada mất kết nối dịch vụ điện thoại và internet khi sự cố xảy đến với Rogers Communications, một trong những nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất đất nước Bắc Mỹ. Ước tính, 11 triệu người đã nếm thử trải nghiệm mất kết nối giống với sự cố CrowdStrike vừa qua.

    Nhiều dịch vụ công dừng hoạt động, bệnh viện không thể tiếp nhận bệnh nhân, thậm chí siêu sao Weeknd phải hủy một show diễn vì sự cố mất mạng. Theo lời kể của một nhân chứng sống qua thời khắc lịch sử, bạn của anh này đã lỡ bài kiểm tra chuyên môn vì lưu toàn bộ thông tin về buổi thi trên email.

    Bỏ trứng vào một giỏ sẽ thường dẫn đến những hệ lụy quy mô lớn, nhưng buồn thay chỉ những doanh nghiệp lớn mới có khả năng cung cấp dịch vụ rộng rãi.

    Y2K – Sự cố đi vào sử sách

    Sau nhiều năm đầu tư phát triển internet, người dùng có thể nghĩ rằng các công ty, tập đoàn lớn đã sẵn sàng đối phó với những sự cố, đảm bảo mạng kết nối liên tục và xuyên suốt. Nhưng theo nhận định của Casey Oppenheim, giám đốc điều hành công ty an ninh mạng Disconnect, ngành viễn thông đang đối mặt với điều ngược lại.

    Theo tôi, đây mới thực sự là bài học rút ra được từ sự kiện CrowdStrike”, Oppenheim nói. Công ty CrowdStrike nắm trong tay một mảng an ninh mạng lớn, cung cấp dịch vụ cho phân nửa số công ty có mặt trong danh sách Fortune 500 – danh sách 500 doanh nghiệp có tổng doanh thu cao nhất tại Mỹ.

    Hệ sinh thái càng kém đa dạng, bạn càng dễ tổn thương, và sự đa dạng không hề tồn tại ở hạ tầng cấp cao nhất của chuỗi cung ứng internet. Bạn có thể chọn bất cứ lĩnh vực chủ chốt nào của internet, và sẽ chỉ thấy một danh sách ngắn những công ty quản lý nó”.

    2.jpeg

    Cơ sở hạ tầng internet ta đang biết được chắp nối với nhau, phần nhiều bằng niềm tin và hy vọng – Hình minh họa.

    Nói một cách khác, khi xảy ra một màn mất mạng quy mô lớn để lại hậu quả nặng nề, nó là hệ quả tất yếu của việc quyền lực tập trung vào một số thế lực trong ngành công nghệ. Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn, và khi những thế lực cầm quyền mắc sai lầm, họ sẽ khó gánh nổi trách nhiệm.

    Trong lịch sử internet, có một sự cố được cho là sẽ đánh sập hệ thống toàn cầu nhưng thực tế, chỉ là nỗi sợ bị truyền thông thổi phồng. Ấy là 25 năm về trước, công chúng lo sợ lỗi Y2K sẽ khiến hạ tầng internet sụp đổ. Cụ thể, nhiều người nhận định rằng việc nền văn minh bước sang thiên niên kỷ thứ 2, bước vào năm 2000, sẽ khiến máy tính toàn cầu dừng hoạt động.

    Sự cố CrowdStrike khiến chúng ta nhớ lại sự kiện Y2K lịch sử của gần 25 năm về trước- Ảnh 4.

    Bìa tạp chí Time xuất bản ngày 18/1/1999 – Ảnh: Time.

    Những kỹ sư máy tính đương thời tiết kiệm bộ nhớ và họ sử dụng số có hai chữ số để đếm năm, thế nên người ta lo sợ rằng máy móc có thể nhầm lẫn năm 2000 với năm 1900 hay một giá trị vô định, từ đó phát sinh đại họa. Hiện tượng chưa có tiền lệ khiến người trong cuộc không biết rõ chuyện gì có thể xảy ra, và họ đặt cho nó một cái tên rất kêu là Y2K (ký tự “y” trong từ “year – năm”, 2 là số 2, còn K là thuật ngữ chỉ hàng nghìn).

    Thông qua một cái tên dễ nhớ và dễ đọc, nỗi sợ xoay quanh sự kiện Y2K lan truyền với một tốc độ khủng khiếp. Ngọn lửa lo lắng càng bùng lên dưới sức quạt của các đơn vị truyền thông, khi dẫn lời nhiều những chuyên gia thuộc nhiều ngành nghề liên quan tới công nghệ thông tin: các ban quản lý tòa nhà lo rằng thang máy sẽ dừng chạy; các chuyên gia kinh tế e ngại hệ thống tài chính toàn cầu sẽ sụp đổ; quản giáo sợ cửa buồng giam sẽ tự động bật mở, trả tự do cho những kẻ vẫn đang thụ án.

    Nhiều cộng đồng lo lắng về việc mất điện và mất nước, và sẵn sàng phương án ứng phó: họ xả nước vào tất cả những thiết bị có sức chứa, từ xô chậu cho tới bồn tắm.

    Nhưng hành động này lại khiến vấn đề thêm tệ hại. Ở những thành phố lớn, hệ thống cấp nước không thể tải được nỗi lo của một lượng lớn dân cư, và không thể một lúc đổ đầy hàng trăm ngàn bồn tắm. Khi người dân thấy mất nước, họ lại càng lo lắng rằng chính Y2K đã cắt mất nguồn nước ngọt.

    Có những người dựng hẳn hầm trú ẩn và dự trữ nhu yếu phẩm, sẵn sàng đối mặt với viễn cảnh hậu tận thế do hai số “00” gây ra. Ước tính, chính phủ các nước đã chi khoảng 300-500 tỷ USD để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu.

    Sự cố CrowdStrike khiến chúng ta nhớ lại sự kiện Y2K lịch sử của gần 25 năm về trước- Ảnh 5.

    Những cuốn sách giúp người ta chuẩn bị cho Y2K được bày bán vào năm 1999 – Ảnh: Yvonne Hemsey/Getty Images.

    Sự cố CrowdStrike khiến chúng ta nhớ lại sự kiện Y2K lịch sử của gần 25 năm về trước- Ảnh 6.

    Một gia đình tại Colorado tích trữ nhu yếu phẩm, chuẩn bị sẵn sàng cho đại họa Y2K – Ảnh: Steve Liss.

    Nỗi sợ mang tên Y2K lan tỏa với một tốc độ khủng khiếp, người dân toàn cầu đón giao thừa năm 2000 với một tâm trạng thấp thỏm. Nhưng rồi sự cố người ta ghi lại được gồm có tàu cập bến chậm giờ, máy bán hàng tự động dừng chạy, một số thông báo hiển thị sai ngày, người dân cũng như chính phủ tốn tiền vô ích. Cuối cùng, tận thế đã không xảy ra.

    Bug_de_l'an_2000.jpg

    Một biển báo hiển thị năm 1900 thay vì 2000 – Ảnh: Internet.

    Sự cố CrowdStrike vừa diễn ra khiến chúng ta mường tượng ra một “tiền cảnh” xấu, nơi Y2K đã có sức tàn phá khủng khiếp như lời đồn đại. Bản cập nhật phần mềm tai hại đã khiến nhiều sân bay tê liệt, nhiều dịch vụ dừng hoạt động, và làm vô số máy tính chạy Windows đối diện với “màn hình xanh chết chóc”.

    Tuy nhiên, hậu quả chỉ kéo dài trong vài ngày, và sự cố CrowdStrike cho chúng ta nếm thử mùi vị của đại họa mất mạng trên diện rộng. Sau sự cố CrowdStrike, giới chuyên gia vẫn đang sẵn sàng tinh thần đón chờ một sự cố mới – một sự cố chắc chắn sẽ diễn ra, xét trên độ mong manh của cơ sở hạ tầng internet hiện tại.

    Apple công bố doanh thu khủng trong Quý 3/2024: Không còn nhờ iPhone nữa

    Apple vừa công bố kết quả tài chính cho quý 3 năm 2024, kết thúc vào ngày 29 tháng 6 năm 2024 vừa qua. Theo đó, công ty đã đạt doanh thu 85,8 tỷ USD trong quý, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái khi ghi nhận doanh thu 81,8 tỷ USD. Lợi nhuận ròng của Apple đạt 21,4 tỷ USD trong quý, so với 19,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

    Doanh số iPhone trong quý đạt 39,2 tỷ USD, giảm nhẹ so với 39,6 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Doanh số các máy Mac đạt 7 tỷ USD trong quý, tăng nhẹ so với 6,8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Doanh số iPad đạt 7,2 tỷ USD trong quý, tăng mạnh so với 5,8 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

    apple-success-story.jpg

    Mảng Thiết bị đeo, Nhà và Phụ kiện, bao gồm Apple Watch và kính Apple Vision Pro, đạt doanh thu 8,1 tỷ USD trong quý, giảm so với 8,3 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Mảng Dịch vụ của Apple, bao gồm Apple Music, Apple TV+ và các dịch vụ khác, đạt doanh thu 24,2 tỷ USD, tăng đáng kể so với 21,2 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

    Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, được trích dẫn trong thông cáo báo chí cho biết: “Trong quý này, chúng tôi rất vui mừng được công bố các bản cập nhật cho các nền tảng phần mềm của mình tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu WWDC, bao gồm Apple Intelligence, một hệ thống trí tuệ nhân tạo đột phá sử dụng các mô hình AI tạo sinh mạnh mẽ, riêng tư làm cốt lõi của iPhone, iPad và máy Mac. Chúng tôi rất mong muốn được chia sẻ các công cụ này với người dùng của mình và chúng tôi tiếp tục đầu tư đáng kể vào các cải tiến sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của khách hàng, đồng thời dẫn đầu với các giá trị thúc đẩy công việc của chúng tôi.”

    Sắp tới đây vào khoảng tháng 9, Apple sẽ giới thiệu dòng sản phẩm iPhone 16 hoàn toàn mới cùng với việc phát hành chính thức iOS 18, hứa hẹn sẽ khiến thị trường công nghệ nói chung trong giai đoạn quý cuối năm trở nên biến động mạnh.