Lưu trữ danh mục: Khoa Học Và Công Nghệ

Van Tesla: Phát minh của vị thiên tài 100 năm về trước bỗng đầy giá trị ở thời điểm hiện tại

Đường dẫn trong van Tesla khá kỳ dị

Trong số những phát minh của thiên tài Nikola Tesla, có rất nhiều thứ đã bị lãng quên hoặc con người chưa thể ứng dụng một cách hợp lý, cơ bản vì Công Nghệ của loài người chưa đáp ứng được cho tầm nhìn mà vị thiên tài đã nghĩ ra hơn một thế kỷ trước.

Nhưng gần đây, một phát minh gần như bị bỏ quên của Nicola Tesla bỗng nhiên có khả năng ứng dụng thực tiễn. Đấy là van điều tiết dẫn vi lưu (macrofluidic), gọi ngắn gọn đơn giản là van Tesla.

Đường dẫn trong van Tesla khá kỳ dị, xen kẽ giữa đường chảy chính của chất lỏng là những kênh vi lưu nhỏ rẽ nhánh nhưng sau đó lại chảy ngược trở lại dòng chính. Những đường chảy phụ được thiết kế với đường cong như giọt nước, sao cho dòng chất lỏng lưu thông trong van chỉ chạy được một chiều, nếu chạy ngược lại sẽ bị chặn hoàn toàn. Nói cách khác, ý tưởng van Tesla được đưa ra để tạo ra một dạng van điều tiết chất lỏng một chiều, với lợi thế rất lớn là không cần dùng máy bơm hoặc những bộ phận di chuyển (ví dụ như cửa khóa van hoặc lò xo, với nguy cơ hao mòn hỏng hóc trong quá trình sử dụng), mà chính dòng dẫn vi lưu sẽ giúp tạo ra dòng chảy một chiều.

Phó giáo sư Leif Ristroph thuộc viện nghiên cứu khoa học toán học thuộc đại học New York nói: “Giờ thế giới nhớ đến Tesla như một phù thủy nếu nói đến phát minh điện xoay chiều của ông, nhưng những khám phá và nghiên cứu kiểm soát dòng chảy chất lỏng của ông cũng đi trước thời đại rất xa”. Loại van được Tesla đăng ký bản quyền vào năm 1920 này kích hoạt khả năng điều tiết dòng chảy một chiều nhờ vào quá trình tạo dòng chảy hỗn loạn và dòng chảy xoáy bên trong ống dẫn, ở tốc độ nhất định sẽ tạo ra khả năng dẫn lưu một chiều, chất lỏng chảy ngược lại sẽ bị chặn ngay.

Phó giáo sư Ristroph cho biết thêm: “Thêm nữa, dòng chảy xoáy được tạo ra ở lưu lượng chất lỏng thấp hơn nhiều so với những dạng ống dẫn với thiết kế cơ bản và quen thuộc, tốc độ dòng trong đường ống do Tesla phát minh ra thấp hơn 20 lần so với ống dẫn tiết diện tròn bình thường cũng đủ tạo ra dòng chảy xoáy, gián tiếp tạo ra hiệu ứng kiểm soát dòng chảy một chiều. Điều này mô tả khả năng kiểm soát dòng chảy phục vụ cho rất nhiều ngành nghề”.

Đường dẫn trong van Tesla khá kỳ dị
Đường dẫn trong van Tesla khá kỳ dị.

Đó là về mặt lý thuyết. Còn về mặt ứng dụng, van Tesla được phát minh hơn 100 năm về trước có vô vàn khả năng ứng dụng thực tiễn. Van Tesla thực tế vận hành tốt nhất trong điều kiện dòng chảy không đều, mà thay vào đó dòng chất lỏng bị ảnh hưởng bởi nhịp rung. “Nó có thể được ứng dụng để tận dụng động năng rung trong động cơ hoặc máy công nghiệp để tiếp nhiên liệu, chất làm mát, chất bôi trơn hoặc những dạng khí gas và chất lỏng khác.” Thậm chí, nó hoàn toàn có tiềm năng ứng dụng trong ngành công nghiệp vũ trụ, nơi những con tàu có độ rung rất lớn, để điều hòa nhịp tiếp nhiên liệu cho động cơ tên lửa đẩy.

Phó giáo sư Ristroph nói: “Thật đáng nể khi thấy một phát minh hơn 1 thế kỷ trước đến giờ vẫn chưa được con người hiểu hoàn toàn, và có tiềm năng ứng dụng theo những cách con người chưa từng nghĩ đến”.

Lịch sử tàu thủy (phần 1)

Lịch sử tàu thủy (phần 1)

Từ cuối thế kỷ 18 trở về trước, các thuyền buồm đều vận chuyển nhờ gió biển trong khi gió lại thổi thất thường. Người ta đã nghĩ tới việc dùng một nguồn năng lực nào không thay đổi và đủ mạnh để thay thế gió.

Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ vào đầu thế kỷ 18 đã mang lại cho ngành Hàng Hải một sản phẩm chế tạo do các nhà phát minh và kỹ thuật, đó là máy hơi nước, một dụng cụ sinh ra động lực. Máy hơi nước đã được áp dụng vào thuật Hàng Hải và tàu thủy ra đời.

Lịch sử tàu thủy (phần 1)
Máy hơi nước của Denis Papin (Ảnh: library)

Vào khoảng năm 1700, Newcomen đã chế ra chiếc máy “không khí” nhưng loại máy này còn quá yếu và nặng nề, không thể áp dụng cho tàu thủy. Cũng vào thời kỳ này, Denis Papin đã tìm cách áp dụng phát minh về máy hơi nước của ông ta vào tàu thủy nhưng chiếc tàu làm mẫu của Papin bị các thủy thủ ganh tị phá vỡ vào năm 1707 và Denis Papin từ bỏ việc chế tạo.

Chiếc máy hơi nước thực sự được James Watt chế ra vào khoảng năm 1770 và tại nước Pháp, nhiều người đã tìm cách áp dụng máy hơi nước vào việc chuyển vận trên mặt nước. Các Bá Tước Auxiron và Follenay đã làm các tàu thủy nhưng các con tàu này đều bị chìm trên giòng sông Seine, có thể do sự phá hoại của các thủy thủ thời đó, vì họ sợ bị thất nghiệp. Tới năm 1783, Bá Tước Jouffroy d’Abbans đã thành công trong việc đóng chiếc tàu thủy Pyroscaphe và cho tàu này chạy trên sông Saone trong 15 phút trước sự chứng kiến của hàng ngàn người quan sát. Bá Tước d’Abbans đã xin trợ giúp của chính phủ nhưng dự án bị Hàn Lâm Viện Pháp bác bỏ vì Viện đang tài trợ các thí nghiệm về khinh khí cầu của Montgolfier. Vì thế công trình nghiên cứu tàu thủy của Bá Tước d’Abbans phải bỏ dở.

Lịch sử tàu thủy (phần 1)
James Watt (Ảnh: greatscotland)

Cuộc nghiên cứu về cách chế tạo tàu thủy bị lãng quên tại nước Pháp thì tại Hoa Kỳ, phần lớn các nhà tiên phong về tàu thủy bắt đầu hoạt động vì quốc gia này gồm rất nhiều sông rộng, lại không có đường lộ và đường sắt. Máy hơi nước vào cuối thế kỷ 18 còn cồng kềnh và chưa hoàn hảo. Chưa ai có kiến thức gì về việc áp dụng động lực vào cách chuyển vận trên mặt nước. Các nhà phát minh chỉ hiểu biết về cách dùng buồm và lái.

Hai người Mỹ đầu tiên được gán cho danh dự đã chế tạo các tàu thủy đầu tiên là James Rumsey và John Fitch. J. Rumsey đã cố gắng lắp một động cơ dùng hơi nước vào một chiếc thuyền vào năm 1786 nhưng chẳng may, Rumsey đã chọn phải một động cơ không thích hợp. Động cơ này hút nước ở trước tàu và nhả ra sau tàu. Sau nhiều lần thử thất bại, Rumsey sang nước Anh và tại nơi này, ông ta chế tạo một tàu thủy khác. Rumsey qua đời bất ngờ khiến cho công cuộc thí nghiệm bị chấm dứt dù cho về sau, trong chuyến chạy thử trên giòng sông Thames, chiếc tàu thủy của ông Rumsey đã chạy được với vận tốc 4 hải lý một giờ.

Sau Rumsey, John Fitch mới đúng là nhà chế tạo tàu thủy đầu tiên. Chính vì cần tới các miền đất Viễn Tây mà Fitch tới Pennsylvania để học hỏi về máy hơi nước. Vào năm 1785, Fitch bắt đầu đóng một kiểu tàu thủy có guồng (paddle wheel) tại bên sườn tàu. Hai năm sau, nhà phát minh này lắp động cơ vào một chiếc thuyền dài 14 mét. Không biết vì sao, Fitch đã đổi ý và lại cho lắp các mái chèo thẳng đứng. Động cơ truyền sức mạnh vào hai bộ máy chèo, mỗi bộ gồm 6 chiếc, tại mỗi cạnh thuyền. Các mái chèo này lần lượt nhấc lên rồi cắm xuống, đẩy nước về phía sau. Mặc dù phương pháp này rất vụng về, lần thử trên sông vẫn mang lại thành công. Vào một buổi chiều tháng 8 năm 1787, con tàu đã vượt được khoảng cách 40 dặm với vận tốc 4 dặm một giờ.

Lịch sử tàu thủy (phần 1)
John Fitch (Ảnh: pbs)

Fitch như vậy đã chiếm được địa vị độc tôn về đóng tàu thủy chạy trong các tiểu bang New Jersey, New York, Pennsylvania, Delaware và Virginia. Vì tin tưởng thành công nên Fitch trù tính đóng một chiếc tàu thủy lớn hơn, dài 18 mét và cũng chạy bằng hơi nước. Vào năm 1788, con tàu này được hạ thủy và cũng thành công trong việc chở 30 hành khách chạy trên hải trình từ Philadelphia tới Burlington. Trong khoảng thời gian này, tiền vốn của Fitch cạn dần trong khi dân chúng lại không quan tâm đến phát minh đó. Fitch cố gắng chế tạo con tàu thứ ba vào năm 1790. Chiếc tàu thủy này có nồi súp de tốt hơn và bộ máy đơn giản hơn, tàu đã di chuyển trên giòng sông Delaware và được các báo chí tại Philadelphia ca tụng. Mặc dù cách đẩy nước vụng về, con tàu này của Fitch đã thành công về cơ khí và đã di chuyển được hơn 2,000 dặm, chở cả hành khách lẫn hàng hóa.

Con tàu dùng mái chèo thẳng đứng của Fitch
Con tàu dùng mái chèo thẳng đứng của Fitch. (Ảnh: uh.edu)

Khi sắc luật về bằng sáng chế được chấp thuận vào năm 1791, Fitch được cấp bằng phát minh về tàu thủy nhưng cũng loại bằng cấp này được cấp cho Rumsey và Stevens trong khi đó Fitch đứng đầu về tài năng. Mặc dù bất mãn và bị túng thiếu, Fitch vẫn tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ về tàu thủy. Tưởng rằng có thể thành công hơn tại nước Pháp, Fitch xuống tàu sang Pháp vào năm 1793. Tại nước Pháp và để chắc chắn, Fitch lại xin bằng phát minh về tàu thủy nhưng rồi vẫn gặp vận sui. Cuộc Cách Mạng Pháp đã cản trở các cuộc thí nghiệm của Fitch. Dù sao, Fitch cũng ảnh hưởng tới sự phát triển về tàu thủy của xứ sở này. Fitch đã để lại các họa đồ vẽ tàu thủy cho viên Lãnh Sự Mỹ tại Paris rồi ông này đã cho một kỹ sư trẻ tuổi kiêm họa sĩ xem. Viên kỹ sư này tên là Robert Fulton. Trong lúc đó, Fitch trở lại Hoa Kỳ với sức khỏe mong manh. Nhà phát minh này đã cố gắng làm cho dân chúng quan tâm về sự chuyển vận của tàu thủy bằng cuộc triển lãm một con tàu nhỏ dùng động cơ hơi nước, nhưng dân chúng vẫn lãnh đạm. Fitch lui về Kentucky, trở nên mất trí rồi qua năm 1798, qua đời vì dùng quá liều thuốc phiện.

Tàu thủy chạy bằng hơi nước đầu tiên của Fitch
Tàu thủy chạy bằng hơi nước đầu tiên của Fitch. (Ảnh: history)

Trong khi các tàu thủy của Fitch xuôi ngược trên giòng sông Delaware, một người đã trông thấy tàu chạy và đã nhìn thấy khả năng vô biên của tàu thủy, người đó là Đại Tá John Stevens. Đầu tiên, do cần có một phương tiện khứ hồi từ nhà tại New York City tới miền đất sở hữu tại Hoboken mà Stevens quyết định đóng lấy một chiếc tàu thủy. Stevens còn nhận ra vài chỗ nhầm lẫn trong phát minh của Fitch, hơn nữa nhờ giàu có, Stevens dễ thực hiện những cải cách cần thiết.

Stevens thuyết phục được người anh rể tên là Robert Livingston cùng bỏ tiền ra đặt một động cơ hơi nước tại xưởng đúc New Jersey rồi lắp động cơ này vào một con thuyền dài 60 feet (gần 20 mét). Lần thử vào năm 1798 gặp thất bại vì tàu đã dùng phương pháp đẩy giống như phương cách của Rumsey. Lần thử thứ hai cũng không thành công dù cho nhà phát minh dùng các mái chèo thẳng đứng đặt tại đuôi tàu, giống như cách thức của Fitch. Rồi bộ máy quá nặng nề đã làm bể vỡ con thuyền mong manh. Không lâu sau đó, Livingston lãnh nhiệm vụ làm Đại Sứ Hoa Kỳ tại nước Pháp còn Stevens tiếp tục thí nghiệm và trở nên viên kỹ sư máy hơi nước tài giỏi nhất Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19.

Lịch sử tàu thủy (phần 1)
John Stevens. (Ảnh: wikipedia)

Năm 1802, Stevens lắp vào chiếc thuyền dài 8 mét một máy hơi nước nhỏ liên hợp với một chân vịt có 4 cánh. Nhà phát minh đã dùng con tàu này để đi nhiều lần từ New York tới Hoboken. Vài năm sau, Stevens hoàn thành một con tàu thứ hai có hai chân vịt chuyển vận nhờ một động cơ áp suất cao do chính ông ta vẽ kiểu. Và danh vọng tột đỉnh tới với Stevens khi ông ta đóng xong con tàu Phoenix trong 2 năm. Con tàu này dài 31 mét, có động cơ đồ sộ. Stevens trở lại cách đẩy tàu kiểu cũ, tức là dùng các bánh xe guồng (paddle wheels) và làm cho chắc chắn, ông ta lại thêm hai chiếc cột để khi cần tới, có thể kéo buồm lên.

Vì danh tiếng của Fitch, Stevens không dám cho tàu chạy trong tiểu bang New York nên đành phải cho tàu ra khơi. Chiếc Phoenix đã chạy được từ New York tới Philadelphia bình yên. Như vậy Stevens đoạt danh dự là người đầu tiên hoàn thành một cuộc du lịch bằng tàu thủy ra ngoài biển khơi. Nhưng thành tích này không được nhiều người khác quan tâm vì vào thời bấy giờ, dân chúng Hoa Kỳ đang mải chú ý tới các cuộc chạy thử tàu thủy của Robert Fulton trên giòng sông Hudson. Trong những năm tiếp theo, Stevens chuyên về chế tạo các phà chạy bằng máy hơi nước và cũng quan tâm cả về ngành hỏa xa.

Robert Fulton là một họa sĩ, sống vào thời kỳ đầu của máy hơi nước, vì thế Fulton đã từ bỏ nghệ thuật để trở nên một kỹ sư đào kênh. Nhờ trông coi việc đào kênh mà Fulton có ý tưởng về các tàu bè và cách chuyển vận dùng hơi nước. Fulton đã nhìn thấy con tàu chạy bằng bánh xe guồng do Symington chế tạo vào năm 1801 dùng để kéo các thuyền bè trên sông. Trong khi đó, Fulton cũng quan tâm tới họa đồ của chiếc tàu ngầm nguyên tử Nautilus. Nhưng sau khi thất bại vì không được chính quyền chú ý và giúp đỡ, Fulton mới quay về việc chế tạo tàu thủy. Chính trong lúc quyết định này, Fulton gặp Livingston, tân Lãnh Sự Hoa Kỳ tại nước Pháp mà cũng là người vừa rút tỉa được các kinh nghiệm về tàu thủy với Stevens. Fulton cũng được xem họa đồ về chiếc tàu của Fitch khi đó đang ở trong tay viên Lãnh Sự Hoa Kỳ này. Do đó sự cộng tác của hai người dễ mang lại kết quả hơn.

Khởi đầu Fulton thử nghiệm các phương pháp đẩy và xem xét các kiểu vỏ tàu. Fulton coi tàu và máy là một đơn vị chứ không phải là hai thứ riêng rẽ. Vào năm 1803,Fulton hoàn thành con tàu dài 23 mét, rộng 2.4 mét. Con tàu bỏ neo trên giòng sông Seine nhưng rồi bị vỡ đôi trước khi thử. Bộ máy tàu được cứu thoát để rồi được đặt vào một vỏ tàu mới cứng cáp hơn. Cùng trong năm này, con tàu mới được hạ thủy. Lần thử thứ nhất thành công, tàu đã di chuyển một cách kỳ dị trên mặt nước nhờ hai bánh xe guồng đạp nước. Tuy nhiên dân chúng chứng kiến cuộc thử vẫn coi đây là một sản phẩm mới, hơn là một bước tiến nhiều triển vọng lớn lao.

Sự thành công này khiến cho Fulton nổi danh nhất về tàu thủy trong 4 năm liên tiếp. Đồng thời Fulton sang nước Anh để gặp Boulton và Watt với ý định hỏi mua động cơ hơi nước mang về Hoa Kỳ. Vào thời kỳ này tại nước Anh có luật cấm xuất cảng loại động cơ đó, nên Fulton đã gặp khó khăn nhưng đã học được nhiều hiểu biết về máy hơi nước.

Sơ đồ tàu của Fulton
Sơ đồ tàu của Fulton (Ảnh: submarine)

Năm 1806, Fulton trở về Hoa Kỳ với kiến thức rộng rãi về kênh đào, tàu ngầm và tàu thủy. Fulton bắt tay vào việc vẽ vỏ tàu. Vào năm sau con tàu mới được lắp động cơ do Watt chế tạo. Con tàu này trông rất xấu xí, được đặt tên là Clermont theo tên miền ruộng đất của Livingston tại Hudson. Tàu Clermont thực ra là một sà lan phẳng đáy, thiếu tỉ lệ về chiều dài, bộ máy tàu được đặt phía trước và làm chuyển động hai bánh xe guồng không che phủ gồm những guồng dài 15 feet. Khi tàu chạy, nước văng ướt khắp phần giữa tàu.

Ngày 17/8/1807, 40 hành khách đã dự một cuộc du ngoạn khứ hồi từ New York tới Albany mà không gặp một tai nạn nào. Tàu chạy được 150 dặm trong 32 giờ, như vậy tốc dộ ngược giòng của tàu là 5 dặm một giờ. Cuộc chạy thử này đã là một điểm son trong lịch sử hàng hải và cũng chứng minh cách vận chuyển thành công dùng máy hơi nước. Nhưng hơn hẳn nhiều nhà phát minh khác, Fulton đã cải cách tàu thủy thành một loại tàu đẹp mắt và theo đòi hỏi của dân chúng. Trong các lần thử sau, Fulton đã cho bao phủ các guồng nước và lập ra các phòng hành khách có giường ngủ và dụng cụ nấu bếp. Vì thế Công Ty Tàu Thủy Trên Sông Hudson (the Hudson River Steamboat Company) thành hình. Vào tháng 9 năm 1807, bắt đầu có các chuyến tàu theo thời biểu và giá vé từ New York tới Albany là 7 mỹ kim. Trong các năm sau, hai con tàu thủy nữa được đóng để cung cấp các chuyến đi hàng ngày giữa hai địa điểm này.

Trong cuộc chiến tranh 1812, Fulton được giao cho công việc đóng chiếc tàu chiến đầu tiên. Thực ra đây là một con tàu với hai vỏ tàu đặt cạnh nhau và bánh xe guồng được đặt ở giữa, cạnh tàu được lắp các tấm thép. Về sau con tàu chiến này vẫn còn dở dang mặc dù chiến tranh đã chấm dứt và Fulton đã qua đời vào năm 1815. 

Cánh tay robot mềm – Phát minh đột phá cho các nhiệm vụ tinh xảo

 Cánh tay mềm này tạo ra sự cân bằng lý tưởng giữa độ mềm dẻo và lực kẹp.

Cánh tay robot mềm dẻo không chỉ làm mờ ranh giới giữa robot và sinh vật sống mà còn hứa hẹn một tương lai mới cho các ứng dụng khoa học Công Nghệ.

Trong thế giới khoa học viễn tưởng, những robot thép mạnh mẽ, chắc chắn thường xuất hiện như hình mẫu lý tưởng.

Thế nhưng, một phát minh mới từ các nhà khoa học Trung Quốc – cánh tay robot mềm dẻo và linh hoạt – đang dần thay đổi quan niệm này.

 Cánh tay mềm này tạo ra sự cân bằng lý tưởng giữa độ mềm dẻo và lực kẹp.
 Cánh tay mềm này tạo ra sự cân bằng lý tưởng giữa độ mềm dẻo và lực kẹp. (Nguồn: Xinhua)

Theo báo cáo công bố trên tạp chí Advanced Materials, một video trình diễn đầy ấn tượng đã cho thấy hai dải silicon đen mềm mại, nhỏ như đôi đũa, được điều khiển bằng từ trường với độ chính xác cao, đủ nhẹ nhàng để nâng và vận chuyển một bông hoa bồ công anh mà không làm tổn hại đến cánh hoa mỏng manh.

Đây là sáng tạo đột phá từ nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC), nơi họ kết hợp các hạt từ tính trong vật liệu silicon xốp, tạo nên một cánh tay robot vừa mềm mại, vừa nhạy bén.

Theo các nhà nghiên cứu, chỉ cần điều chỉnh đôi chút, thiết bị này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực – từ hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm đến cứu hộ động vật hoang dã.

Khác với những ngón tay robot truyền thống bằng kim loại có thể gây áp lực quá lớn, cánh tay mềm này tạo ra sự cân bằng lý tưởng giữa độ mềm dẻo và lực kẹp, lý tưởng cho việc xử lý các vật thể nhạy cảm.

Nhóm USTC đã vượt qua những giới hạn kỹ thuật bằng cách tích hợp từ tính vào cấu trúc xốp của vật liệu, giúp cánh tay robot vừa có sức mạnh, vừa linh hoạt.

Cấu trúc xốp này giúp hấp thụ năng lượng, giảm nguy cơ làm hỏng các vật thể tinh tế, đồng thời tăng độ ma sát, cải thiện sự ổn định và độ tin cậy khi kẹp.

Trong các thử nghiệm, cánh tay robot đã thành công khi nâng những vật thể khó xử lý như cá vàng trơn và trứng cút không vỏ. Nhờ khả năng điều khiển từ xa và tích hợp dễ dàng với các thiết bị di động, cánh tay này có thể thực hiện các thao tác tinh tế trong y tế, như xử lý tế bào, tinh trùng và mô, đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu sinh sản, y học tái tạo và sàng lọc thuốc.

Ngoài ra, cánh tay robot còn có thể tương thích với máy bay không người lái, mở ra khả năng thu thập mẫu vật trong môi trường tự nhiên hoặc cứu hộ động vật nhỏ.

Cánh tay mềm dẻo này không chỉ làm mờ ranh giới giữa robot và sinh vật sống mà còn hứa hẹn một tương lai mới cho các ứng dụng khoa học Công Nghệ.

Một phát minh mới ra mắt, đầu bếp có nguy cơ thất nghiệp, Tết “cháy osin” không còn là nỗi lo

Robot Mobile ALOHA có thể nấu được nhiều món ăn như con người.

Phát minh này có khả năng ưu việt đến nỗi có thể nấu ăn như đầu bếp, dọn nhiều việc nhà như người giúp việc.

Cứ đến hẹn lại lên, trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình lại lo lắng, nháo nhác cả lên vì người giúp việc nghỉ Tết sớm, lên muộn, hoặc thậm chí là thoái thác tìm việc khác. Dịp Tết cũng chính là thời kỳ cao điểm của các dịch vụ giúp việc giai đình. Chính vì cầu lớn hơn cung nên khiến những “ô sin” được cho là đắt giá trong dịp Tết.

Nếu phát minh dưới đây được nhân rộng, có lẽ sẽ giúp nhiều gia đình giải quyết được bài toán “Tết cháy osin” trong thời gian tới.

Phát minh đặc biệt này tên là Mobile ALOHA, một con robot do ĐH Stanford sáng chế. Mới đây, ĐH Stanford giới thiệu về Mobile ALOHA, con robot với cách tay được thiết kế đặc biệt nhằm học theo thao tác tương tự con người.

Robot Mobile ALOHA có thể nấu được nhiều món ăn như con người.
Robot Mobile ALOHA có thể nấu được nhiều món ăn như con người. (Ảnh: ĐH Stanford)

Robot Mobile ALOHA là thành quả của hai nhà khoa học máy tính, đồng thời là nghiên cứu sinh người Trung Quốc tên là Tony Zhao và Zipeng Fu, sau ba tháng phát triển.

Ngay khi ra mắt, robot Moblie ALOHA thu hút sự chú ý của giới Công Nghệ vì có khả năng phối hợp các động tác nhuần nhuyễn. Cụ thể, thay vì tương tác với các vật thể theo tọa độ được lập trình sẵn, con robot này có khả năng đồng bộ chuyển động thông qua một hệ thống cơ khí. Sự kết hợp này sẽ cung cấp dữ liệu để mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) học hỏi và tái hiện được hành động với độ chính xác cao.

Theo hai chuyên gia Zipeng Fu và Tony Zhao, họ đã xây dựng phần mềm nhờ sự cố vấn của các giáo sư tại ĐH Stanford, sau đố tự lắp ráp phần cứng nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, chi phí làm ra robot Mobile ALOHA vẫn tốn đến 32.000 USD.

Theo các chuyên gia, robot Mobile ALOHA được thiết kế để hỗ trợ cho con người trong cuộc sống. Nó có thể thực hiện được các công việc phức tạp, chẳng hạn như nấu ăn, dọn nhà.

Robot có thể tái hiện 90% hành động của con người


Robot Mobile ALOHA có thể nấu ăn và giúp dọn dẹp nhà cửa một cách nhanh chóng. (Ảnh: ĐH Stanford).

Cấu tạo của Mobile ALOHA gồm hai cánh tay với độ linh hoạt cao, cùng phần chân có thể di chuyển được bằng bánh xe. Đặc biệt, robot này được trang bị AI. Mô hình AI của nó được huấn luyện dựa trên các dữ liệu từ hành động của con người. Theo đó, trung bình chỉ với khoảng 50 lần minh họa cho mỗi nhiệm vụ, robot Mobile ALOHA có thể tái hiện với tỷ lệ thành công lên tới trên 90%.


Robot Mobile ALOHA có nhiều lợi thế hơn so với các robot khác vì nó có khả năng học hỏi trực tiếp. (Ảnh: ĐH Stanford).

Ngoài ra, khả năng học hỏi trực tiếp cũng giúp cho robot Mobile ALOHA có nhiều lợi thế hơn so với các robot được lập trình và điều chỉnh thủ công. Các chuyên gia của ĐH Stanford cho hay, Mobile ALOHA đạt được vận tốc 1,4 m/s, tương đương với người đi bộ. Hai cánh tay của nó có thể vươn tới độ cao 2 m và xa 1 m, rất phù hợp để thao tác trong không gian gia đình hoặc văn phòng.

Bên cạnh việc nấu ăn và hỗ trợ việc nhà, trong tương lai, các nhà khoa học kỳ vọng robot Mobile ALOHA có thể được cải tiến để có thể đảm nhiệm được nhiều công việc khó hơn, chẳng hạn như thay thế hoàn toàn một người giúp việc trong gia đình, đồng thời ứng dụng Công Nghệ của robot này vào nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Điện thoại quang – thiết bị truyền âm thanh bằng ánh sáng

Minh họa bộ truyền phát của điện thoại quang.

Nhà phát minh Alexander Graham Bell từng rất kỳ vọng vào điện thoại quang, hình dung rằng liên lạc không dây sẽ thay thế mạng lưới dây điện thoại rối rắm.

Ngày nay, điện thoại thường được coi là phát minh vĩ đại nhất của Alexander Graham Bell (1847 – 1922). Tuy nhiên, Bell không đồng ý với điều này. Ông từng mô tả việc phát minh ra điện thoại quang hay photophone – thiết bị truyền âm thanh bằng ánh sáng – mới là thành tựu lớn nhất đời mình.

Minh họa bộ truyền phát của điện thoại quang.
Minh họa bộ truyền phát của điện thoại quang. (Ảnh: Amusing Planet).

Năm 1878, khi đang hưởng tuần trăng mật ở châu Âu cùng vợ, Bell đọc được một nghiên cứu của Robert Sabine, xuất bản trên tạp chí Nature, về đặc tính mới phát hiện của chất selenium, đó là có điện trở biến đổi khi bị ánh sáng tác động. Trong các thí nghiệm của mình, Sabine dùng dụng cụ đo để xem xét những ảnh hưởng của ánh sáng với thanh selenium nối trong mạch điện với pin. “Sự che bóng nhỏ nhất hoặc biến động khác trong cường độ ánh sáng đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong suất điện động của hai vật thể“, Sabine viết.

Sabine cho rằng có thể sử dụng selenium như một trong các nguyên tố trong pin Galvanic ướt, nhưng Bell đã tìm thấy một ứng dụng thiết thực hơn. Theo Bell, nếu bổ sung một bộ thu nhận điện thoại vào cùng mạch điện, ông sẽ nghe thấy những thứ mà Sabine chỉ có thể nhìn.

Bell thuê Charles Sumner Tainter, một người chế tạo nhạc cụ, và cùng nhau tạo ra một chiếc điện thoại quang hoạt động được trong phòng thí nghiệm bằng cách gắn bộ lưới kim loại vào một tấm màn chắn, với chùm ánh sáng bị gián đoạn do chuyển động của các lưới khi phản ứng với tiếng nói. Khi chùm ánh sáng biến điệu chiếu vào bộ thu selenium, Bell có thể nghe rõ tiếng Tainter hát bằng tai nghe của mình.

Ngày 1/4/1880, Bell và Tainter liên lạc thành công ở khoảng cách khoảng 79 m. Vài tháng sau, vào ngày 21/6, họ tiếp tục liên lạc rõ ràng ở khoảng cách 213 m khi sử dụng ánh sáng Mặt Trời làm nguồn sáng. Tainter đứng trên mái của trường Franklin và trò chuyện với Bell, lúc này đang đứng trong phòng thí nghiệm. Bell sau đó ra hiệu cho Tainter bằng cách vẫy chiếc mũ của mình từ cửa sổ.

Minh họa bộ thu nhận của điện thoại quang.
Minh họa bộ thu nhận của điện thoại quang. (Ảnh: Amusing Planet)

Bell hy vọng phát minh điện thoại quang mới của mình có thể được sử dụng trên tàu thuyền ngoài khơi. Ông cũng hình dung rằng việc liên lạc không dây sẽ thay thế mạng lưới dây điện thoại rối rắm mọc lên ngày càng nhiều dọc theo những con đường nhộn nhịp của thành phố.

“Chúng ta sẽ có thể trò chuyện bằng ánh sáng với bất kỳ khoảng cách khả kiến nào mà không cần bất cứ dây nối nào. Trong khoa học đại cương, điện thoại quang sẽ dẫn đến những phát hiện mà ngày nay chưa mơ tới”, Bell chia sẻ.

Tuy nhiên, Bell đã không bảo vệ được đường truyền khỏi tác động ngoài trời như mây, sương mù, mưa hay tuyết – những thứ có thể dễ dàng làm gián đoạn quá trình truyền ánh sáng. Không lâu sau, khả năng truyền sóng vô tuyến của nhà phát minh Guglielmo Marconi bắt đầu vượt xa phạm vi tối đa của điện thoại quang.

Ngày nay, các chùm sáng là phương tiện truyền tải thông tin chính trên toàn cầu, dù không phải ở dạng mà Bell dự tính. Thay vì truyền tín hiệu ánh sáng không dây, giờ đây chúng được truyền xuyên lục địa bằng các sợi quang.

Những phát minh thay đổi thế giới trong năm Giáp Thìn

Phiên bản máy tính để bàn đầu tiên

Nhiều phát minh đột phá trên các lĩnh vực khác nhau đã xuất hiện trong lịch sử những năm Giáp Thìn.

P101, chiếc máy tính để bàn đầu tiên trong lịch sử, được ra mắt tại Hội chợ Thế giới New York (Mỹ) năm Giáp Thìn (1964).

Phiên bản máy tính để bàn đầu tiên
Phiên bản máy tính để bàn đầu tiên.

Chiếc máy do Pier Giorgio Perotto, nhà tiên phong về điện tử người Ý, thiết kế. Kích thước của máy là 275 x 465 x 610 (mm), nặng 35,5kg, tiêu thụ 0,35kW điện.

Phần cứng của máy bao gồm các thiết bị rời rạc, bao gồm bóng bán dẫn, diode, điện trở và tụ điện được gắn trên các cụm thẻ mạch nhựa phenolic.

Máy có bộ nhớ thông tin 240 byte, rất nhỏ so với các máy thời bấy giờ nhưng đã là bước ngoặt ở thời điểm đó.

Máy có thể thực hiện các phép toán cộng, trừ, nhân, chia, căn bậc hai và giá trị tuyệt đối, cho kết quả chính xác đến 22 chữ số và tối đa 15 chữ số thập phân.

Dữ liệu được ghi trong các thẻ nhựa và có thể xuất ra giấy in 9cm.

Dù là sản phẩm đầu tiên được trưng bày tại hội chợ nhưng ngay sau đó 40.000 chiếc đã được bán. 90% thị phần là ở Mỹ, mỗi máy có giá 3.200 USD.

NASA đã mua loại máy tính này để lập kế hoạch và tính toán quỹ đạo của các chương trình không gian, bao gồm cả sứ mệnh Apollo 11 đưa con người lên Mặt trăng.

Các ống chân không đầu tiên của John A. Fleming.
Các ống chân không đầu tiên của John A. Fleming.

Năm 1904, John A. Fleming thuộc Đại học London (Anh) phát minh ra ống diode chân không. Các diode chân không này có thể dẫn điện theo một hướng, điều chỉnh dòng điện xoay chiều hoặc phát hiện tín hiệu.

Phát minh ống chân không thường được coi là sự khởi đầu của thiết bị điện tử. Phiên bản do Fleming sáng chế còn khá sơ khai, chứa một cực âm phát điện tử được làm nóng và một cực dương. Các electron di chuyển theo một hướng xuyên qua thiết bị, từ cực âm đến cực dương.

Thiết bị sau đó được cải tiến để trở thành phần chính trong mạch điện tử nửa đầu thế kỷ 20.

Diode của Fleming được sử dụng trong các máy thu sóng vô tuyến, đóng vai trò quan trọng cho phát triển đài phát thanh, truyền hình, radar… suốt nhiều thập kỷ cho tới khi nhường chỗ cho Công Nghệ điện tử trạng thái rắn.

Tàu ngầm Aigrette của Pháp được hạ thủy năm Giáp Thìn
Tàu ngầm Aigrette của Pháp được hạ thủy năm Giáp Thìn.

Cũng trong năm 1904, chiếc tàu ngầm Aigrette chạy bằng diesel đầu tiên trên thế giới chính thức được hạ thủy. Chiếc tàu do Pháp sản xuất này có lượng giãn nước khi nổi là 181 tấn và lượng giãn nước khi lặn là 257 tấn.

Chiều dài của tàu là 35,9m, ngang 4,04m và độ sâu của mớn nước là 2,63m. Tàu có một trục duy nhất được dẫn động bởi một động cơ diesel 150 mã lực và một động cơ điện 130 mã lực.

Tốc độ tối đa của tàu là 17,2km/h trên mặt nước và 11,5km/h khi lặn.

Tàu được trang bị hai bệ phóng ngư lôi Drzewiecki 450mm và hai ngư lôi 450mm đặt trong giá đỡ bên ngoài.

Aigrette được đặt hàng vào ngày 13-5-1902, hạ thủy vào tháng 2-1904 và đưa vào hoạt động năm 1908.

Trong Thế chiến thứ nhất, Aigrette phục vụ ở các vị trí phòng thủ ở Brest và ở Cherbourg (Pháp). Aigrette ngừng hoạt động vào tháng 11-1919 và bị bán làm đồ tái chế tháng 4-1920.

Một phần trong hệ thống truyền mã Morse đầu tiên
Một phần trong hệ thống truyền mã Morse đầu tiên – (Ảnh: BRITANNICA).

Điện tín có đặc điểm là truyền tin qua khoảng cách xa bằng tín hiệu mã hóa. Hình thức này được dùng nhiều cho liên lạc trong ngành hàng hải và hàng không.

Sự ra đời điện tín có mối quan hệ mật thiết với sự hình thành của mã Morse. Mã Morse được đặt tên theo nhà phát minh Samuel F.B. Morse, người dùng cách mã hóa văn bản ký tự thành dấu chấm và dấu gạch ngang cho truyền tín hiệu.

Ngày 24-5-1844, trước các quan chức chính phủ ở thủ đô Washington (Mỹ), Samuel Morse trình diễn bức điện tín đầu tiên, gửi đến trợ lý Alfred Vail của Morse ở Baltimore với nội dung “What hath God Wrought?”, một câu trích từ Kinh Thánh.

Kể từ đây, Morse và Vail liên tục cải tiến Công Nghệ giải điện tín. Một số đường dây điện tín đầu tiên được xây dựng từ năm 1845 đến 1848.

Đến đầu những năm 1900, nhiều người bắt đầu sử dụng những ký tự phổ biến trong mã Morse là “· · · – – – · · ·” thể hiện tín hiệu cầu cứu khẩn cấp khi đi biển. Tín hiệu này tương đương với S-O-S được dùng rộng rãi ngày nay.

Bức ảnh vẽ lại cảnh lớp học đúng hôm mà Gauß tìm ra cách tính tổng nổi tiếng
Bức ảnh vẽ lại cảnh lớp học đúng hôm mà Gauß tìm ra cách tính tổng nổi tiếng

Nhà toán học người Đức Johann Carl Friedrich Gauß (1777 – 1855) nổi tiếng thế giới với bài toán tính tổng 1+ 2+3+4+…+100.

Năm 1784, khi Gauß lên 7, thầy giáo giao cho các học sinh lớp Gauß đầu bài tính tổng các số từ 1 đến 100. Trong khi các bạn làm phép cộng lần lượt theo thứ tự thì Gauß ra đáp án chỉ sau vài giây.

Ông nhận thấy khi “bắt cặp” lần lượt hai số ở đầu và cuối dãy số, chẳng hạn 100+1, 99+2, 98+3… thì tổng đều giống nhau là 101. 100 số thì có 50 cặp, nên lấy 101 nhân 50, kết quả là 5.050.

Sau này, các công thức tính tổng đã được phát triển và được đặt theo tên của ông. Một trong những công thức Gauß điển hình được dạy ở bậc phổ thông ở Việt Nam là tổng của dãy số 1+2+3+…+n = (n x (n+1))/2.

Bức tượng ghi nhận những đóng góp của nhà toán học Gauß
Bức tượng ghi nhận những đóng góp của nhà toán học Gauß – (Ảnh: BRITANNICA).

Phát minh thủy tinh có thể tạo ra dòng điện

Một mẩu thủy tinh tellurite được khắc laser femtosecond có thể tạo ra dòng điện

Với vết khắc bằng laser trên bề mặt, thủy tinh tellurite tạo ra một dòng điện phản ứng với ánh sáng cực tím và ánh sáng có thể nhìn thấy được.

Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) và Viện Công nghệ Lausanne (Thụy Sĩ) đã phát minh loại thủy tinh có thể tạo ra dòng điện khi tiếp xúc với ánh sáng, qua đó mở ra triển vọng về một nguồn năng lượng sạch mới trong dài hạn.

Một mẩu thủy tinh tellurite được khắc laser femtosecond có thể tạo ra dòng điện
Một mẩu thủy tinh tellurite được khắc laser femtosecond (laser phát ra xung ánh sáng siêu ngắn) có thể tạo ra dòng điện – (Ảnh: KYODO).

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Physical Review Applied (Mỹ), theo đó các nhà khoa học đã dùng laser femtosecond – laser phát ra xung ánh sáng siêu ngắn – khắc lên bề mặt của thủy tinh và đã tạo ra được một dòng điện.

Giáo sư Yves Bellouard tại Viện Công nghệ Lausanne và là giám đốc Phòng thí nghiệm Galatea của viện này cho biết Công Nghệ này “đáng ngạc nhiên và đầy sáng tạo” vì có thể biến đổi vật liệu mà không cần thêm bất cứ thứ gì.

Theo chuyên gia về Công Nghệ laser này, một thực tập sinh tại Phòng thí nghiệm Galatea – Goezden Torun trước đó đã có kinh nghiệm sử dụng laser femtosecond trên các loại thủy tinh khác nhau, trong đó có thủy tinh tellurite – một chất liệu công nghiệp được sử dụng để sản xuất sợi quang.

Trong quá trình nghiên cứu, Torun đã tình cờ tạo ra một tinh thể bán dẫn trên thủy tinh tellurite. Với vết khắc bằng laser trên bề mặt, thủy tinh tellurite tạo ra một dòng điện phản ứng với ánh sáng cực tím và ánh sáng có thể nhìn thấy được.

Giáo sư Tetsuo Kishi tại Viện Công nghệ Tokyo cho biết: “Thủy tinh là một vật liệu thụ động chỉ để ánh sáng đi qua, nhưng sau khi sử dụng laser femtosecond, loại thủy tinh này biến thành một vật liệu hoạt động, có thể truyền dòng điện như một chất bán dẫn”.

Theo giáo sư Tetsuo Kishi, nhóm nghiên cứu có thể thay đổi hình dạng của thủy tinh, làm cho thủy tinh nhẹ và mỏng hơn bằng cách thay đổi thành phần để phát minh này hữu ích và thực tế hơn.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng một ngày nào đó có thể phát triển được các cửa sổ phủ thủy tinh tellurite ứng dụng laser femtosecond.

Ông Bellouard cho biết: “Điều này sẽ tạo nên một nguồn năng lượng sạch và theo đó giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.

Những phát minh quan trọng của người Hà Lan

Kính hiển vi được phát minh ở Hà Lan vào thế kỷ 16 hoặc 17

Hà Lan là một quốc gia nhỏ nhưng đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của những phát minh lớn.

Khái niệm tàu ngầm lần đầu tiên được William Bourne (người Anh) nghĩ ra, nhưng chiếc tàu ngầm có khả năng điều hướng và hoạt động được lại được nhà phát minh người Hà Lan Cornelis Drebbel chế tạo lần đầu tiên vào những năm 1620.

Ảnh: expatrepublic.com

Drebbel làm việc cho Hải quân Hoàng gia Anh và chiếc tàu ngầm đã được thử nghiệm ở sông Thames. Vỏ ngoài của nó bao gồm da bôi mỡ căng trên khung gỗ, có mái chèo dùng để đẩy. Drebbel thiết kế mẫu cuối cùng có 6 mái chèo và có thể chở 16 hành khách, chìm trong nước trong 3 giờ ở độ sâu 4,6 m.

Kính thiên văn được phát minh ở Hà Lan, một năm trước khi Galileo Galilei sử dụng thiết bị đó để quan sát các ngôi sao. Bằng sáng chế do Hans Lippershey và Jacob Metius được nộp năm 1608 là tài liệu đầu tiên về kính thiên văn. Nó hoạt động thông qua các ống đơn giản, với một thấu kính hai mặt lồi và một thấu kính hai mặt lõm.

Kính hiển vi được phát minh ở Hà Lan vào thế kỷ 16 hoặc 17, nhưng chính xác do ai là vấn đề còn tranh cãi. Thường được nhắc đến nhiều nhất là Antoni van Leeuwenhoek, mặc dù một phiên bản đơn giản hơn đã tồn tại từ năm 1595, do Zacharias và Hans Janssen tạo ra.

Kính hiển vi của Van Leeuwenhoek bao gồm một kính lúp chỉ có một thấu kính. Thiết bị này có độ phóng đại lên tới 237 lần kích thước thật, trong khi những thiết bị trước đó chỉ phóng đại được 30 lần.

Kính hiển vi được phát minh ở Hà Lan vào thế kỷ 16 hoặc 17
Kính hiển vi được phát minh ở Hà Lan vào thế kỷ 16 hoặc 17. (Ảnh minh họa).

Người Hà Lan đã có rất nhiều phát minh liên quan đến thị giác. Bài kiểm tra mắt, trong đó người ta phải đọc các dòng chữ cái từ lớn đến nhỏ do Herman Snellen phát minh vào năm 1862, được gọi là biểu đồ Snellen.

Vòi chữa cháy dạng cuộn hiện đại được Jan van der Heyden phát minh vào năm 1673. Ông này cũng đã phát triển một hệ thống bơm tiên tiến. Nhờ đó, lính cứu hỏa có thể nâng cao hiệu quả trong công việc dập tắt những đám cháy lớn .

Năm 1928, kiến trúc sư Jan Wils làm việc tại Sân vận động Olympic ở Amsterdam, đã thiết kế một tòa tháp cao có khói tỏa ra. Wils nhắm tới hiệu ứng của khói hơn là ngọn lửa, vì nó sẽ dễ nhìn thấy hơn vào ban ngày. Sau đó, lửa đã trở thành một phần của Thế vận hội, và đến năm 1936, ngọn lửa mới được sử dụng tại Thế vận hội Berlin.

Đây là một phát minh của tay đua xe đua người Hà Lan Maus Gatsonides. Thiết bị này được kích hoạt bằng hai ống cao su kích đồng hồ bấm thời gian ngay khi bánh xe ô tô va vào chúng. Năm 1958, người ta bắt đầu sản xuất các thiết bị này cho mục đích sử dụng công cộng.

Đĩa CD được phát triển bởi Sony (với sự trợ giúp của Philips) ở Eindhoven. CD đầu tiên trên thế giới được sản xuất vào năm 1979 và bài hát đầu tiên được phát hành trên đĩa CD là The Visitor của ABBA vào năm 1982. Các sản phẩm do Philips hợp tác với các công ty khác phát minh là băng cassette (1963), DVD, đĩa laser và Blu-Ray.

Bluetooth được Tiến sĩ Jaap Haartsen phát minh vào những năm 1990 khi ông làm việc cho công ty Ericsson của Thụy Điển. Haartsen gọi nó là bluetooth để chỉ vị vua Viking Harald Blue Tooth. Ông chỉ nhận được 1.000 euro cho phát minh… Bluetooth cung cấp kết nối không dây tầm ngắn cho điện thoại di động, máy tính và các thiết bị điện tử khác. Ngày nay, có hàng tỷ sản phẩm tích hợp bluetooth để kết nối với các thiết bị không dây khác.

Một trong những đột phá Công Nghệ lớn nhất trong vài thập kỷ qua là chia sẻ dữ liệu không dây và Wi-Fi (được đặt tên theo sự kết hợp giữa HiFi (Độ trung thực cao) và không dây) là trung tâm của bước nhảy vọt vĩ đại đó.

Wi-Fi được một dự án của Hà Lan tạo ra vào năm 1997; Vic Hayes và Cees Links còn được gọi là cha đẻ của WiFi. Trong khi người Hà Lan đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra WiFi, thì Công Nghệ mà chúng ta biết ngày nay thực ra được công ty CSIRO của Australia phát triển.

Năm 1957, Willem Johan Kolff giám sát việc cấy ghép trái tim nhân tạo cho một con chó, giúp nó sống được 90 phút. Kolff thành lập Khoa Nội tạng Nhân tạo tại Đại học Utah và tháng 12/1982, nhóm của ông đã cấy ghép cho bệnh nhân Barney Clark một quả tim nhân tạo, giúp ông này sống trong 112 ngày.

Tim nhân tạo
 Ảnh: expatrepublic.com

Việc bán trái phiếu của các thành phố và bang đã diễn ra từ thế kỷ 13, nhưng nguồn gốc của các sàn giao dịch chứng khoán hiện đại bắt nguồn từ năm 1602. Thị trường chứng khoán doanh nghiệp xuất hiện cùng sự thành lập của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC).

Năm 1609 cổ đông VOC Isaac Le Maire trở thành người bán khống đầu tiên trên thế giới được ghi nhận. Vài thập kỷ sau, người Hà Lan cũng trải qua vụ sụp đổ thị trường chứng khoán đầu tiên trong lịch sử, với bong bóng hoa Tulip khét tiếng năm 1637.

Nếu tra Google “ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới” thì Riksbank của Thụy Điển sẽ xuất hiện. Mặc dù vậy, ngày càng nhiều học giả cho rằng vinh dự đó phải thuộc về Ngân hàng Amsterdam, được thành lập vào năm 1609, trước Riksbank sáu thập kỷ.

Thuộc sở hữu hoàn toàn của thành phố Amsterdam, đây là ngân hàng đại chúng đầu tiên cung cấp các tài khoản không thể chuyển đổi thành tiền mặt. Là ngân hàng trung ương thực sự đầu tiên trên thế giới, nó đã mở đường cho nhiều cột mốc quan trọng, bao gồm cả tờ tiền giấy châu Âu đầu tiên vào năm 1661.

Năm 1891, tại Eindhoven, Philips được thành lập và tham gia vào một số phát triển truyền thông quan trọng thông qua các phát minh của Hà Lan. Philips hợp tác với tập đoàn truyền thông Mỹ MCA sản xuất laserdisk vào năm 1969.

Laserdisc là tiền thân của Công Nghệ CD và DVD mà Philips hợp tác với Sony để ra mắt lần lượt vào năm 1979 và 1995. Đổi lại, điều này đã mở đường cho việc tạo ra Công Nghệ BluRay.

Người Hà Lan đã phát minh ra môn thể thao này từ thế kỷ 13. Mùa đông khắc nghiệt của Hà Lan và nhiều tuyến đường thủy nối liền nhau là nơi thử nghiệm lý tưởng cho môn trượt băng tốc độ. Nổi tiếng nhất, cuộc thi trượt băng tốc độ diễn ra ở Friesland, đi qua 11 thành phố lịch sử của tỉnh.

Dao cạo điện

Năm 1939, máy cạo râu điện Philishave đầu tiên của Philips được giới thiệu. Kể từ đó, hơn 400 triệu máy cạo râu đã được bán ra.

Năm 1903, hệ dẫn động 4 bánh lần đầu tiên được áp dụng cho ô tô thương hiệu Spyker của Hà Lan. Ngày nay có thể tìm thấy những chiếc xe bốn bánh ở khắp mọi nơi. Như đã thấy, những phát minh của người Hà Lan đã đóng một vai trò to lớn trong việc định hình thế giới hiện đại.

Phát minh cỗ xe kéo bằng cánh diều khổng lồ ở thế kỷ 19

Mô phỏng cỗ xe kéo bằng cánh diều của George Pocock.

Từ niềm đam mê với diều, một giáo viên người Anh từng phát minh cỗ xe kéo bằng cặp diều khổng lồ, có thể chạy 32km/h vào thế kỷ 19.

Ngày 8/1/1822 đánh dấu một chuyến đi đặc biệt từ Bristol tới Marlborough. Một giáo viên người Anh tên George Pocock đưa vợ và các con vượt qua hành trình 182km trên cỗ xe kéo bằng hai cánh diều khổng lồ thay vì dùng ngựa. Pocock tự thiết kế cỗ xe và đặt tên cho nó là “Charvolant”, theo Amusing Planet.

Mô phỏng cỗ xe kéo bằng cánh diều của George Pocock.
Mô phỏng cỗ xe kéo bằng cánh diều của George Pocock. (Ảnh: Amusing Planet).

Pocock say mê diều từ khi còn nhỏ. Khi chơi và thí nghiệm với diều, ông nhận ra diều có lực nâng cực lớn. Cậu bé Pocock từng buộc nhiều viên đá nhỏ vào cuối dây diều và nhìn nó bay vọt lên không trung. Khi Pocock lớn hơn, những thí nghiệm của ông trở nên táo bạo và nguy hiểm hơn, thậm chí bao gồm cả con cái. Trong một thí nghiệm, ông đặt con gái nhỏ lên một chiếc ghế đan bằng cây liễu gai, nhấc bổng bé lên bằng chiếc diều cao hơn 9 m, sau đó để bé bay qua hẻm núi Avon. May mắn là cô bé vẫn sống sót. Cuối năm 1824, Pocock để con trai bay lên lên đỉnh vách đá cao hơn 60 m ở ngoại ô Bristol.

Hai năm sau, Pocock xin cấp bằng sáng chế cho thiết kế cỗ xe Charvolant. Charvolant bao gồm hai chiếc diều trên một sợi dây dài 457 – 549 m (khoảng nửa kilomet), có thể kéo cỗ xe chở vài hành khách ở tốc độ tương đối nhanh. Việc cầm lái dựa vào 4 dây điều khiển gắn liền với chiếc diều và một thanh hình chữ T kiểm soát hướng của bánh trước. Phanh được thực hiện bằng cách đè một thanh sắt xuống mặt đường. Không lâu sau phát minh và nhiều thử nghiệm mạo hiểm, Pocock xuất bản một cuốn sách mô tả trải nghiệm di chuyển bằng Charvolant. “Loại hình giao thông này dễ chịu nhất trong số tất cả phương tiện“, Pocock viết. “Nhờ tận dụng sức gió, cỗ xe lướt mau lẹ trên mặt đất, cung cấp chuyến đi nhanh nhưng không ồn ào chút nào”.

Theo Pocock, trong khi thử nghiệm, Charvolant di chuyển ở tốc độ 32 km/h trên quãng đường dài. Cỗ xe có thể đi được 1,6 km trong 2,75 phút, ngay cả trên đường tắc nghẽn. Do trọng lượng của phương tiện được đỡ một phần bởi chiếc diều, cỗ xe lướt qua mọi ổ gà, giúp chuyến đi ít xóc nảy hơn.

Pocock nỗ lực thu hút sự chú ý từ cộng đồng với phát minh của ông, khẳng định Charvolant có thể chạy tự do qua trạm thu phí bởi phí được thu theo số lượng ngựa kéo xe, mà Charvolant không dùng con ngựa nào. Pocock cũng quảng bá nhiều cách sử dụng diều khác, như lực đẩy phụ cho tàu bè, phương tiện thả neo và cứu hộ từ xác tàu. Bất chấp những nỗ lực của ông, Charvolant không được chú ý do điều khiển cỗ xe không hề dễ dàng. Dù vậy, Pocock và gia đình ông tiếp tục sử dụng Charvolant cho những chuyến đi dã ngoại tới khi ông qua đời năm 1843.

Phát minh pin oxygen có thể cấy ghép mãi mãi trong cơ thể

Máy điều hòa nhịp tim

Các thiết bị y tế cấy trong cơ thể thường có pin cần thay thế hoặc sạc lại bằng cách nào đó. Có một loại pin oxygen mới có thể loại bỏ nhu cầu phẫu thuật xâm lấn để thay thế pin cho các thiết bị đó.

Máy điều hòa nhịp tim
Máy điều hòa nhịp tim là một trong các thiết bị y tế được cấy vào cơ thể và phải được thay thế khi hết pin. (Ảnh: LV et.al/Chem).

Chứng minh khái niệm của phát minh này đã được trình bày trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Chem, một tạp chí tham vấn ý kiến chuyên môn khoa học ở Mỹ. Nghiên cứu này cho thấy loại pin mới có thể cung cấp năng lượng ổn định và tương thích với các hệ sinh học của chuột thí nghiệm.

Về cơ bản, pin oxygen sử dụng nguồn cung cấp oxygen của cơ thể để tạo ra năng lượng. Thí nghiệm cho thấy pin oxygen có thể tạo ra điện áp từ 1,3 đến 1,4 volt với mật độ điện 2,6 μW/cm2.

Hiện tại, công suất này chưa đủ để cung cấp năng lượng cho các thiết bị y tế cấy trong cơ thể, nhưng nó cho thấy pin sử dụng oxygen là có thể chế tạo và hoạt động.

Nhóm nghiên cứu cho biết họ cũng xem xét khả năng ảnh hưởng của pin đến những con chuột thí nghiệm, và nhận thấy rằng các phản ứng viêm cũng như thay đổi về chuyển hóa và sinh sôi tế bào quanh pin đều nằm trong mức an toàn. Những con chuột này không có biểu hiện viêm nào cả.

Pin oxygen có thể loại bỏ nhu cầu phẫu thuật xâm lấn cho các bệnh nhân sử dụng máy trợ tim
Pin oxygen có thể loại bỏ nhu cầu phẫu thuật xâm lấn cho các bệnh nhân sử dụng máy trợ tim và các thiết bị cấy ghép khác bên trong cơ thể (Ảnh: nerthuz/Adobe).

Đối với các sản phẩm phụ của phản ứng hóa học do pin oxygen gây ra, các nhà nghiên cứu cho biết ion muối, ion hydroxide và rất ít hydrogen peroxide do pin tạo ra đều được cơ thể chuột thí nghiệm chuyển hóa dễ dàng và không có ảnh hưởng xấu nào đến gan hoặc thận.

Rõ ràng đây là một tin tức đáng mừng vì những phản ứng hóa học đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể nếu cơ thể không thể xử lý được. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các mạch máu xung quanh pin đã được tái tạo.

Ngoài pin oxygen nói trên, nhóm còn có kế hoạch tiếp tục tìm hiểu để phát minh những loại pin mới, hoặc phương pháp mới để điều trị ung thư, vì họ cho rằng những loại pin này có thể tiêu diệt các khối u ung thư cần nhiều oxygen bằng cách lấy đi oxygen mà các khối u đó cần.

Vẫn còn cần nhiều thời gian để loại pin oxygen mới này đi vào thực tế sử dụng, nhưng chứng minh khái niệm đã khẳng định rằng oxygen trong cơ thể có thể đủ để cung cấp năng lượng cho loại pin này.