Lưu trữ Danh mục: Khoa Học Và Công Nghệ

Thiết kế máy bay AI không cần phi công

Thiết kế máy bay AI của Embraer.

Máy bay chở khách AI của công ty Embraer được thiết kế để bay tự động hoàn toàn và không có buồng lái như máy bay thông thường.

Thiết kế máy bay phản lực tư nhân hoàn toàn tự động được giới thiệu bởi công ty hàng không vũ trụ Embraer, đại diện cho đột phá trong tương lai, theo Sun. Công ty hợp tác với Bombardier để cung cấp hình dung về máy bay phản lực thương gia do trí tuệ nhân tạo điều khiển. Tại sự kiện của Hiệp hội hàng không thương gia quốc gia tại Orlando, Florida, Embraer thông báo kế hoạch sản xuất mẫu máy bay AI tầm trung.

Thiết kế máy bay AI của Embraer.
Thiết kế máy bay AI của Embraer. (Ảnh: Embraer).

Máy bay mới sở hữu cabin chia làm 3 khu với không gian ngồi rộng rãi, cửa sổ có màn hình cảm ứng. Phương tiện cũng được thiết kế để hoạt động hoàn toàn bằng nhiên liệu bền vững. Động cơ không nằm ở cánh mà nằm xếp chồng lên nhau và có 3 cửa nạp khí, gồm một cửa ở phía trên thân máy bay và hai cửa còn lại ở hai bên. Mẫu máy bay cũng có phần đuôi chữ V chưa từng thấy ở máy bay phản lực thương gia và cấu hình động cơ với hai động cơ turbine phản lực cánh quạt ở đuôi.

Thiết kế này là một máy bay hoàn toàn tự động, không cần buồng lái và có cấu hình cabin mới như buồng chờ ở mặt trước. Tính bền vững là cốt lõi của máy bay với hệ thống đẩy công nghệ xanh dựa trên nhiên liệu SAF, điện khí hóa và hydro, Embraer chia sẻ. Tuy nhiên, Embraer không tiết lộ kế hoạch phát triển và sản xuất mẫu máy bay.

Một số công ty hàng không khác cũng đang phát triển phương tiện tương tự máy bay phản lực thương gia AI của Embrear, bao gồm Cirrus và HondaJet, cung cấp chức năng bay tự động trong trường hợp khẩn cấp nếu phi công gặp vấn đề và không thể hạ cánh máy bay.

Trung Quốc phát triển công nghệ laser âm thanh siêu mạnh

Âm thanh được tạo ra bên trong quả cầu silicon dioxide tí hon.

Laser âm thanh được tạo ra bằng cách điều khiển các hạt phonon, có tiềm năng ứng dụng lớn trong y tế và thám hiểm biển sâu.

Các nhà khoa học Trung Quốc đạt bước tiến quan trọng trong việc phát triển laser mạnh hơn từ sóng âm thay vì ánh sáng, SciTechDaily hôm 4/10 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí eLight.

Âm thanh được tạo ra bên trong quả cầu silicon dioxide tí hon.
Âm thanh được tạo ra bên trong quả cầu silicon dioxide tí hon. (Ảnh: IFL Science).

Loại laser thông thường vốn đã rất thú vị. Chúng được con người tạo ra lần đầu tiên vào những năm 1960. “Laser tạo ra một chùm ánh sáng hẹp trong đó tất cả sóng ánh sáng đều có bước sóng rất giống nhau. Những sóng ánh sáng của laser truyền đi cùng nhau, các đỉnh của chúng đều thẳng hàng, hay cùng pha. Đây là lý do tại sao các chùm laser rất hẹp, rất sáng và có thể tập trung vào một điểm rất nhỏ”, NASA giải thích.

Dù âm thanh và ánh sáng có những điểm khác biệt, nhưng các nhà vật lý đã nghiên cứu để tạo ra laser âm thanh bằng cách điều khiển phonon.

“Tương tự như các photon tạo nên chùm ánh sáng, phonon – hạt lượng tử không thể phân chia – tạo nên chùm âm thanh. Những hạt này xuất hiện từ chuyển động tập thể của hàng triệu tỷ nguyên tử, giống như “sóng sân vận động” trong một nhà thi đấu thể thao do chuyển động của hàng nghìn người hâm mộ. Khi nghe một bài hát, bạn đang nghe một luồng hạt lượng tử siêu nhỏ này”, Andrew N. Cleland, giáo sư tại Trường Kỹ thuật Phân tử Pritzker thuộc Đại học Chicago, giải thích.

Ban đầu dùng để giải thích nhiệt dung của chất rắn, phonon được dự đoán cũng tuân theo những quy tắc cơ học lượng tử giống như photon. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất và phát hiện phonon vẫn còn kém xa photon.

Trước đây, laser phonon hình thành từ những vật thể nhỏ chịu ảnh hưởng bởi sóng âm yếu và không chính xác, làm giảm tính hữu ích. Phương pháp mới giúp khắc phục vấn đề này bằng cách “khóa” sóng âm trong trạng thái ổn định và mạnh hơn.

Trong nghiên cứu mới, nhóm nhà khoa học Trung Quốc đã lấy một vi cầu (khối cầu siêu nhỏ) silicon oxide (SiO2) và treo nó bằng các chùm ánh sáng. Điều này làm rung quả cầu, tạo ra âm thanh bên trong giống như tiếng bíp với cao độ rất lớn và âm thanh vượt quá khả năng nghe của con người. Tiếp theo, họ bắt đầu điều khiển vi cầu rung động bằng một trường điện xoay chiều để tạo ra sự cộng hưởng, khuếch đại sóng âm lên gấp 1.000 lần ở những tần số đó.

Thí nghiệm diễn ra trong môi trường chân không để đo sóng âm tốt hơn (bị giới hạn bên trong vi cầu), giúp tiến gần hơn tới việc tạo ra laser âm thanh có thể dùng cho nhiều mục đích, từ thám hiểm và lập bản đồ đại dương bằng âm thanh cho đến cải tiến những kỹ thuật hình ảnh y tế. Laser âm thanh cũng có thể ứng dụng trong khoa học vật liệu, điện toán lượng tử và nhiều lĩnh vực khác.

Động cơ nổ xoay giúp máy bay đạt tốc độ siêu thanh

Drone trang bị động cơ nổ xoay trước chuyến bay đầu tiên.

Drone trang bị động cơ sử dụng lực nổ để đẩy máy bay nhanh gấp nhiều lần âm thanh thực hiện chuyến bay đầu tiên thành công ở sân bay tại tỉnh Cam Túc.

Động cơ nổ xoay FB-1 (FB-1 RDE) được phát triển bởi Viện nghiên cứu công nghệ Đại học Trùng Khánh, hợp tác với công ty tư nhân Thrust-to-Weight Ratio Engine (TWR) ở Thâm Quyến. Động cơ kích hoạt và vận hành thử trong giai đoạn chạy trên đường băng của drone dài khoảng 5 m, chưa rõ liệu động cơ có tiếp tục hoạt động trong lúc bay hay không, South China Morning Post hôm 25/9 đưa tin.

Drone trang bị động cơ nổ xoay trước chuyến bay đầu tiên.
Drone trang bị động cơ nổ xoay trước chuyến bay đầu tiên. (Ảnh: Bilibili).

Thí nghiệm kích hoạt động cơ cũng là chuyến bay đầu tiên của drone do trường đại học chế tạo với sự tham gia của TWR. Trước đây, hàng loạt thử nghiệm trên mặt đất đã được tiến hành với động cơ RDE trước khi đặt trên drone cho chuyến bay đầu tiên. Động cơ sử dụng nhiên liệu kerosene và công nghệ đánh lửa nhanh, có thể cung cấp sức mạnh giúp máy bay tăng tốc từ 0 đến tốc độ gấp vài lần âm thanh.

Động cơ turbine phản lực luồng thông thường sử dụng cánh quạt để hút khí, tạo ra lực cản lớn ở tốc độ trên Mach 3 (2.302km/h). Động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) có thể giúp máy bay vượt qua giới hạn này dựa vào hình dáng để nén không khí nạp vào, nhưng không thể cung cấp hiệu suất đốt cháy tốt hơn. RDE có thể trở thành giải pháp tối ưu. Động cơ mới có buồng đốt hình khuyên, tại đó những cú nổ có kiểm soát, sản sinh sóng xung kích dẫn tới đốt cháy hoàn toàn nhiên liệu và không khí.

Cú nổ hiệu quả hơn nhiều động cơ turbine phản lực luồng và động cơ phản lực dòng thẳng, mang đến cho RDE tiềm năng cách mạng hóa bay siêu thanh, đồng thời tiêu thụ ít nhiên liệu hơn. Khác với động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scramjet) thường đòi hỏi tốc độ trên Mach 4 (4.939 km/h) để khởi động, RDE có thể bắt đầu từ 0 km/h và dễ bảo dưỡng hơn. Tuy nhiên, công nghệ cũng đi kèm những thách thức. Thành trong của động cơ phải chịu được tác động của sóng xung kích thường xuyên, đòi hỏi tiêu chuẩn cao trong độ liền khối của kết cấu và độ bền vật liệu.

Thử nghiệm thành công có thể ảnh hưởng sâu rộng tới các ứng dụng từ tên lửa vũ trụ thương mại và drone tốc độ cao tới máy bay quân sự và tên lửa dẫn đường. Theo TWR, động cơ RDE của họ đạt lực đẩy 1.000 Newton và các sản phẩm sẽ phóng trong vòng hai năm nữa theo dự kiến.

Công nghệ trồng cây trong bóng tối

Nguyên mẫu điện nông của nhóm nghiên cứu.

Điện nông có tiềm năng giải quyết nhiều vấn đề kém hiệu quả của nông nghiệp truyền thống như đòi hỏi lượng nước, phân bón và đất lớn để trồng hoa màu.

Các kỹ sư sinh học đề xuất một phương pháp sản xuất thực phẩm mới táo bạo có thể thay đổi đáng kể ngành nông nghiệp, giúp trồng trọt trở nên hiệu quả, bền vững và dễ điều chỉnh hơn đối với những môi trường như vũ trụ. Với tên gọi “điện nông”, hệ thống này sẽ thay thế quang hợp truyền thống (quá trình chỉ biến đổi khoảng 1% năng lượng ánh sáng hấp thụ được thành năng lượng hóa học ở cây trồng) bằng phản ứng biến đổi hiệu quả carbon dioxide (CO2) thành phân tử hữu cơ mà cây trồng có thể sử dụng như thức ăn, Interesting Engineering hôm 23/10 đưa tin.

Nguyên mẫu điện nông của nhóm nghiên cứu.
Nguyên mẫu điện nông của nhóm nghiên cứu. (Ảnh: Feng Jiao).

“Do điện nông không phụ thuộc vào điều kiện khí hậu và cung cấp hiệu quả lớn hơn trồng trọt truyền thống, nó có thể đóng vai trò như một phương pháp hữu ích để sản xuất thực phẩm bổ sung khi cần”, tác giả nghiên cứu Feng Jiao chia sẻ. “Trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu đang ảnh hưởng tới nông nghiệp, những công nghệ sản xuất thực phẩm tiên tiến đang trở nên ngày càng quan trọng để ổn định thị trường thực phẩm và hỗ trợ dân số tăng lên”.

Quang hợp, quá trình cho phép sự sống tồn tại trên Trái đất thông qua biến đổi ánh sáng Mặt trời thành năng lượng hóa học ở thực vật, cực kỳ kém hiệu quả. Theo các nhà nghiên cứu, chỉ có một phần nhỏ ánh sáng Mặt trời mà cây hấp thụ (khoảng 1%) được biến đổi thành năng lượng có thể sử dụng. Trong khi nhu cầu thực phẩm gia tăng, đất trồng trọt hạn chế và khủng hoảng khí hậu đang đến gần, nâng cao độ hiệu quả này là vấn đề thiết yếu.

Ở điện nông, các tấm pin quang điện sẽ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho phản ứng hóa học giữa CO2 và nước, tạo ra acetate, một phân tử liên quan tới axit acetic (thành phần chính trong dấm). Cây trồng sẽ được biến đổi gene để sử dụng acetate như một nguồn năng lượng cơ bản thay vì phụ thuộc vào quang hợp. Nếu hệ thống này được ứng dụng ở quy mô lớn, nó có thể giảm 94% diện tích đất cần thiết cho nông nghiệp, theo ước tính của nhóm nghiên cứu.

Robert Jinkerson, kỹ sư sinh vật học ở Đại học California, Riverside, đồng tác giả nghiên cứu, đánh giá công nghệ này là một bước tiến lớn. “Nếu không cần trồng cây với ánh sáng Mặt trời nữa, chúng ta có thể tách khỏi môi trường và trồng thực phẩm ở môi trường kiểm soát trong nhà”, ông nói.

Công nghệ trên có thể chuyển hướng canh tác sang những trang trại thẳng đứng nhiều tầng trong nhà, nơi năng lượng Mặt trời được khai thác bên ngoài tòa nhà để thúc đẩy cây trồng phát triển bên trong. Theo Jiao, phiên bản điện nông hiện nay đạt hiệu suất biến đổi năng lượng khoảng 4%, cao gấp 4 lần quang hợp. Do đó, lượng khí thải CO2 gắn liền với sản xuất thực phẩm trở nên nhỏ hơn nhiều.

Phương pháp có tiềm năng giải quyết một số vấn đề tồn đọng của nông nghiệp truyền thống như đòi hỏi lượng nước, phân bón và đất đai lớn để trồng hoa màu. Điện nông sẽ sản xuất thực phẩm trong môi trường kiểm soát, cho phép quản lý tài nguyên chính xác hơn và giảm tác động môi trường của trồng trọt. Ngoài ra, phương pháp có thể giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua tách rời sản xuất thực phẩm với các mô hình thời tiết và thay đổi theo mùa.

Để đạt mục tiêu, nhóm nghiên cứu phát triển cây trồng biến đổi gene để “ăn” acetate. Thực vật tự nhiên có quy trình trao đổi chất giúp chúng phân hủy thức ăn lưu trữ ở hạt trong thời gian nảy mầm. Quy trình này bị ngưng lại ngay khi thực vật bắt đầu sử dụng quang hợp. Nhóm kỹ sư sinh học hướng tới tái kích hoạt quy trình ở cây đã lớn để chúng có thể sử dụng acetate như một nguồn năng lượng. Dù nghiên cứu ban đầu tập trung vào cà chua và rau diếp, nhóm nghiên cứu lên kế hoạch mở rộng sang hoa màu giàu calo như cây sắn, khoai lang và ngũ cốc. Dù nghiên cứu vẫn ở giai đoạn đầu, các tổ chức khác như nấm, nấm men và tảo trong tự nhiên đã sử dụng acetate làm nguồn năng lượng. Điều này có nghĩa công nghệ có thể ứng dụng thương mại cho những tổ chức này sớm hơn nhiều.

“Hồi sinh” sinh vật cổ đại thành robot

Robot lấy cảm hứng từ sinh vật cổ đại

Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tái tạo toàn bộ cơ thể các sinh vật cổ đại nhờ vào lĩnh vực mới: robot lấy cảm hứng từ cổ sinh vật học.

“Chúng ta có những loài động vật đã trải qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm, song chỉ cần vài dòng mã hoặc một cái chân in 3D mới, chúng ta có thể mô phỏng hàng triệu năm tiến hóa đó trong thời gian ngắn”, báo Guardian dẫn lời tiến sĩ Michael Ishida, làm việc tại Đại học Cambridge (Anh) và là đồng tác giả của nghiên cứu.

Robot lấy cảm hứng từ sinh vật cổ đại
Robot lấy cảm hứng từ sinh vật cổ đại giúp khám phá cách động vật có xương sống chuyển từ dưới nước lên trên cạn – (Ảnh: University of Cambridge)

Ông Ishida là thành viên của nhóm nghiên cứu khả năng tiến hóa để có thể di chuyển trên cạn của một số loài cá nhất định, như thòi lòi. Theo ông, việc chế tạo một robot (dựa trên các loài cá này) có thể giúp chúng ta hiểu hơn về loại áp lực tiến hóa nào hay cơ chế nào buộc cá phải phát triển các cấu trúc giải phẫu học khác nhau có thể hữu ích trên cạn.

Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng các kỹ sư từ lâu đã tạo ra được robot mô phỏng sinh vật sống, cũng như đã có thể chế tạo robot để khám phá các đặc điểm cụ thể của những loài đã tuyệt chủng, bao gồm loài bò sát plesiosaurs.

Họ hy vọng trong tương lai không xa sẽ tiến tới việc tái tạo toàn bộ cơ thể của động vật cổ đại. “Phân tích chỉ một chân là không đủ để thực sự hiểu cách một động vật 4 chân di chuyển”, ông Ishida nói.

Các loài bò sát đã tuyệt chủng như plesiosaurs có thể được tái tạo thành robot
Các loài bò sát đã tuyệt chủng như plesiosaurs có thể được tái tạo thành robot – (Ảnh: Alamy).

Theo tiến sĩ Ishida, những robot như vậy có lợi thế hơn so với mô phỏng máy tính do chúng có thể được thử nghiệm trong môi trường thực tế.

Nhóm nghiên cứu cho biết lĩnh vực “robot lấy cảm hứng từ cổ sinh vật học” có thể giúp trả lời các câu hỏi như động vật có xương sống chuyển từ sống dưới nước lên trên cạn như thế nào, khả năng bay tiến hóa ra sao và một số loài động vật chuyển từ đi 4 chân sang 2 chân như thế nào. Theo ông Ishida, chúng ta sẽ không thể dễ dàng hiểu được những thay đổi lớn này chỉ bằng cách quan sát các hóa thạch.

Giáo sư Steve Brusatte, nhà cổ sinh vật học của Đại học Edinburgh (Scotland) và không liên quan đến nghiên cứu, cho rằng lĩnh vực “robot lấy cảm hứng từ cổ sinh vật học” rất có tiềm năng. “Sẽ thật hấp dẫn khi tạo một con robot để hiểu cách những con khủng long khổng lồ đi lại và chuyển động”, ông Brusatte nói.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science Robotics.