Ứng dụng Find My của Apple hiện tại đã cho phép người dùng chia sẻ vị trí các vật dụng với những người họ tin tưởng để cùng theo dõi. Tính năng này đặc biệt hữu ích cho các gia đình thường xuyên chia sẻ các vật dụng như chìa khóa. Tuy nhiên, với iOS 18.2, người dùng còn có thể tạm thời chia sẻ vị trí vật dụng của mình với bất kỳ ai họ muốn.
Tùy chọn mới này xuất hiện trong một menu riêng khi bạn chọn một vật phẩm trong ứng dụng Find My. Về cơ bản, nó tạo ra một liên kết công khai hiển thị vị trí của vật phẩm đó. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ ai có liên kết đều có thể xem được vị trí của vật phẩm. Apple đưa ra ví dụ về việc chia sẻ liên kết với hãng hàng không để họ có thể hỗ trợ bạn tìm kiếm hành lý thất lạc.
Ngoài ra, iOS 18.2 còn bổ sung một tùy chọn mới trong Find My, cho phép người dùng chia sẻ thông tin liên lạc của họ khi ai đó đưa AirTag đến gần iPhone. Tính năng này giúp người khác dễ dàng tìm thấy địa chỉ email hoặc số điện thoại của chủ sở hữu vật dụng bị mất. Liên kết chia sẻ vị trí là liên kết tạm thời và vị trí sẽ ngừng được chia sẻ sau một vài giờ. Người dùng cũng có thể tùy chọn dừng chia sẻ bất cứ lúc nào. Khi bạn chia sẻ vật dụng bị mất với ai đó, Apple cũng sẽ hiển thị địa chỉ email và số điện thoại của bạn. Bạn cũng có thể xem ai đã truy cập vào liên kết bạn đã chia sẻ.
Những tính năng mới này là một phần của bản cập nhật iOS 18.2, hiện đang ở giai đoạn beta dành cho nhà phát triển. Đây là một bản cập nhật lớn, mang đến nhiều tính năng mới liên quan đến Apple Intelligence, bao gồm Genmoji, Image Playground, tích hợp ChatGPT và Visual Intelligence trên các mẫu iPhone 16. Apple cho biết iOS 18.2 sẽ được phát hành chính thức vào tháng 12.
Bản cập nhật iOS 18.2 cũng bao gồm một số cải tiến khác. Đáng chú ý là tính năng khóa lấy nét và phơi sáng cho Camera Control trên iPhone 16, cài đặt Wide và Ultrawide mới cho Mac Virtual Display trên visionOS 2.2 và tùy chọn “Nâng cấp lên ChatGPT Plus” trong ứng dụng Cài đặt.
Cassius, con cá sấu nuôi nhốt lớn nhất thế giới, chết sau khi sức khỏe của nó suy yếu nhanh từ giữa tháng 10, theo thông báo trên Facebook của Marineland Melanesia Crocodile Habitat & Gift Shop. Con cá sấu nước mặn (Crocodylus porosus) dài 5,48 m nhận kỷ lục Guinness dành cho cá sấu nuôi nhốt lớn nhất còn sống trên thế giới năm 2011. Nhưng do chưa có ai đo kích thước của Cassius kể từ sau đó, nó có thể phát triển lớn hơn. Loài vật này có khả năng dài tới 7 m, theo Live Science.
Cassius đã sống ở vườn thú Marineland Melanesia Crocodile Habitat trên đảo Green của Australia từ năm 1987. Nó bị bắt trên sông Finniss gần Darwin năm 1984 do hành vi hung dữ và gây ra nhiều vấn đề. “Là động vật ăn thịt đầu bảng, con cá sấu lớn này gây ra đủ loại vấn đề từ bắt và ăn thịt gia súc tới tấn công chân vịt tàu thuyền”, đại diện của Marineland Melanesia cho biết. “Cũng tại đây, nó có nhiều vết sẹo từ các trận chiến, bao gồm mất chân trước bên trái, một phần mõm và khoảng 15 cm chóp đuôi”.
Cassius được chuyển tới cơ sở hỗ trợ chăm sóc ở Cairns hôm 5/10 và sức khỏe của nó xuống dốc không lâu sau đó. Nó rất già và được cho là sống quá tuổi thọ thông thường của cá sấu hoang dã. Dù các chuyên gia không chắc chắn, họ cho rằng con cá sấu khổng lồ có thể hơn 120 tuổi khi chết. Lúc bị bắt, ước tính Cassius khoảng 30 – 80 tuổi. Tốc độ phát triển của cá sấu chậm đi đáng kể sau khi chúng trưởng thành.
“Không có cách nào để biết rõ tuổi thực của Cassius bởi nó sinh ra trong tự nhiên và độ tuổi chỉ là ước tính”, Toody Scott, một trong những nhân viên chăm sóc Cassius ở Công viên cá sấu Marineland, chia sẻ.
Bất chấp kích thước khổng lồ, Cassius không phải con cá sấu lớn nhất từng được nuôi nuốt trong lịch sử. Kỷ lục đó thuộc về cá sấu nước mặn Lolong, bị bắt ở Philippines vào tháng 9/2011, và dài 6,17 m trước khi chết năm 2013.
Chưa bao giờ người dùng được trải nghiệm hệ điều hành Mac OS đẹp và mượt của Apple với chi phí rẻ như hiện tại.
Mac Mini M4 là cuộc cách mạng?
Hơn 43 năm trước, một kỷ nguyên mới đã bắt đầu khi IBM cho ra mắt chiếc máy tính cá nhân đầu tiên, 5150, hay còn được gọi là IBM PC. Kể từ đó đến nay, máy tính đã phát triển thành cỗ máy mạnh mẽ, tiện dụng, đáp ứng mọi nhu cầu người dùng từ công việc đến giải trí.
Dù cho sự xuất hiện của các thiết bị máy tính xách tay đã mang lại sự tiện lợi và linh hoạt hơn nhưng nhu cầu về một chiếc máy tính để bàn cố định chưa bao giờ giảm xuống.
Máy tính chạy hệ điều hành Windows vẫn đang thống trị thị trường, trong khi máy Mac chạy hệ điều hành Mac OS của Apple vẫn thuộc về số ít do giá bán cao, thị phần chưa phổ biến và không hỗ trợ phần mềm toàn diện như Windows.
Dù sự ra mắt của Mac Mini M4 gần đây chỉ là màn thông báo khá hời hợt nhưng Tech Radar tin rằng đây là một cột mốc quan trọng đối với Apple, một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trên thị trường máy tính: Lần đầu tiên, máy Mac có thể trở nên phổ biến và phổ cập cho tất cả người dùng thay vì định vị là thiết bị cao cấp, chỉ dành cho số nhỏ những người làm các công việc đặc thù hoặc phụ thuộc sở thích.
Đúng vậy, Mac Mini M4 mang đến một cấu hình với con chip M4 mạnh nhất đi kèm RAM mặc định lên đến 16GB nhưng không tăng giá cơ bản (14,99 triệu và chỉ 12,49 triệu khi có ưu đãi giáo dục). Cùng với đó Apple đã thu nhỏ chiếc Mac Mini thành kích thước phổ biến nhỏ gọn hơn trước rất nhiều.
Đây là chiếc PC Apple nhỏ nhất từ trước đến nay, là chiếc PC đầu tiên không có cổng USB Type-A đã lỗi thời, là chiếc PC rẻ nhất hỗ trợ AI (Apple Intelligence) và đi kèm với đầu nối Thunderbolt 4.
Đây cũng là chiếc PC giá cả phải chăng nhất (thậm chí là rẻ nhất) có thể hỗ trợ điều khiển ba màn hình với tổng số điểm ảnh là 55.461.888 (một cặp màn hình 6K và một màn hình 5K); đủ sức mạnh để cung cấp cho sáu, bạn không nghe nhầm, sáu màn hình 4K.
Apple vốn nổi tiếng là công ty “keo kiệt” về mặt phần cứng, khi chỉ cung cấp thông số kỹ thuật ở mức tối thiểu nhưng giá bán thì cao ngất ngưởng. Fan hâm mộ Apple đã quá quen với việc một thiết bị của hãng có dung lượng lưu trữ chỉ chênh nhau 128GB, 256GB hay RAM 8GB và 16GB cũng có giá cách biệt lên đến 5-7 triệu đồng. Trước khi Mac Mini M4 ra đời, các máy Mac hay cả MacBook đều chỉ có RAM mặc định là 8GB, một con số thấp so với thời buổi hiện nay, khiến nhiều người phàn nàn.
Người ta đã nói nhiều về sự “hút máu” của Apple với người dùng và giờ đây có vẻ như công ty đã thay đổi. Chưa bao giờ Apple lại hào phóng đến như vậy.
Mac Mini M4 đã thay thế PC chưa?
Theo Tech Radar, M4, cung cấp hiệu suất xử lý nhanh nhất trong tầm giá, đặc biệt là đối với các tác vụ luồng đơn, khi so sánh với Core i5-14400, Core i7-13620H và thậm chí cả Ryzen 9 7940HS mạnh mẽ, dựa trên thông số của CPU Benchmark.
Apple Mac Mini 2024 không hoàn hảo, với điểm trừ lớn nhất là dung lượng lưu trữ 256GB nhỏ bé của mẫu cơ bản. Tuy nhiên, đây là điều có thể chấp nhận được bởi Apple đã cố gắng đạt được sự cân bằng giữa giá cả và tính năng, gúp Mac Mini là chiếc PC tròn trịa, xứng đáng với số tiền bỏ ra.
Mac Mini M4 hiện có giá cả phải chăng, giá trị tốt, dễ tiếp cận, dành cho số đông và thậm chí thân thiện với người dùng hơn nhiều so với trước. Đã đến lúc nói lời tạm biệt với PC Windows chưa? Có lẽ, nhưng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của bạn là gì?
Với con chip mạnh mẽ, dung lượng RAM mặc định đã lên 16GB, Mac Mini hoàn toàn có thể trở thành mẫu máy tính để bàn đáp ứng được nhu cầu công việc và giải trí khá tương xứng với các mẫu máy tính Windows có giá tương ứng.
Trong những năm qua, macOS và Windows luôn có sự khác biệt và tranh cãi giữa fan hâm mộ của cả hai. Trong đó, macOS nổi tiếng với giao diện mượt mà, tinh tế, gắn liền với hình ảnh cao cấp, nhưng kén người dùng do không hỗ trợ đa dạng phần mềm phục vụ công việc hay chơi game. Ngược lại, Windows dù toàn diện nhưng bị chê là kém đổi mới về giao diện người dùng sau nhiều năm, gắn với hình ảnh phổ thông.
Tất nhiên, với sự đa dạng trong việc build PC – khi người dùng có toàn quyền cân đối giữa việc lắp ghép các linh kiện với từng mức giá phụ thuộc vào túi tiền để tạo nên cỗ máy rẻ nhất nhưng có hiệu năng tốt nhất – máy tính Windows sẽ tiếp tục duy trì vị thế thống trị so với các sản phẩm của Apple.
Tuy nhiên, với mỗi thế hệ thiết bị mới, Apple lại khiến hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp PC như Dell hoặc HP trở nên khó khăn hơn một chút.
Với giá bán chỉ khoảng 15 triệu, không có thiết bị nào phù hợp hơn Mac Mini 2024 cho những người mới muốn trải nghiệm hệ điều hành vốn nổi tiếng với giao diện đẹp, mượt mà và hệ sinh thái hỗ trợ nhiều thiết bị của Apple.
Dongfang Electric Corporation, nhà sản xuất thuộc sở hữu nhà nước, đã công bố về hình ảnh vỏ bọc phần đầu của tuabin khổng lồ chứa các thành phần tạo ra điện. Tuabin này được sẩn xuất tại nhà máy của công ty ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc.
Dongfang là công ty chuyên thiết kế, sản xuất và bán thiết bị điện cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, hạt nhân, gió, hơi nước và nhiệt mặt trời.
Theo thông báo của Dongfang, sản phẩm đột phá này được thiết kế để vận hành ở những khu vực có tốc độ gió từ 8 mét/giây trở lên và tuabin này cũng chịu được gió bão.
Hồi tháng 8, một công ty khác, Mingyang Smart Energy, đã lắp đặt mô hình tuabin gió 20 MW tại vùng ven biển Hải Nam và được cho là tuabin gió ngoài khơi lớn nhất thế giới.
Đầu năm nay, Dongfang đã lắp đặt một tuabin gió ngoài khơi công suất 18 MW tại một khu thử nghiệm thuộc tỉnh ven biển ở Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông. Tuabin này có đường kính rotor 260 mét và diện tích quét là 53.000 m2, dự kiến sẽ tạo ra 72 GWh điện hàng năm, đủ cung cấp cho khoảng 36.000 hộ gia đình.
Trong khi đó, mẫu tuabin mới có đường kính cánh quạt 310 mét và diện tích quét tương đương 10,5 sân bóng đá, với trục cao 185 mét tức là bằng toà nhà 63 tầng. Theo công ty, với sức gió trung bình 10 m/s, một tuabin có thể tạo ra 100 GWh điện hàng năm và cung cấp cho 55.000 ngôi nhà. Công nghệ này sẽ giúp giảm 30.000 tấn than và 80.000 tấn khí thải CO2.
Điểm đặc biệt của tuabin này là khả năng chống ăn mòn cao và hệ thống chống bão kép, giúp “cỗ máy” có khả năng chịu được những cơn bão cực mạnh. Được thiết kế riêng cho các vùng ngoài khơi có tốc độ gió trên 8 mét/giây, tuabin giúp giảm chi phí năng lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn của lưới điện.
Khi các quốc gia đang chuyển hướng khỏi nhiên liệu hoá thạch và hướng đến nguồn năng lượng tái tạo, các tuabin gió lớn như thế này ngày càng nhận được sự chú ý. Để khai thác sức gió ngoài khơi, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) đang phát triển các tuabin kích cỡ lớn hơn, hiệu quả hơn và có khả năng cung cấp điện cho nhiều hộ gia đình với mỗi vòng quay của cánh quạt.
Tuy nhiên, các tuabin kích cỡ lớn chủ yếu do các công ty Trung Quốc sản xuất. Hàng loạt tuabin gió công suất lớn đã làm nổi bật vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong Công Nghệ tái tạo. Nước này đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và trung hoà carbon vào năm 2060. Do đó, năng lượng gió là một phần thiết yếu trong quá trình này.
Hồi tháng 9, Sany Renewable Energy, nhà sản xuất thiết bị hạng nặng đa quốc gia của Trung Quốc, vận hành tuabin gió 15 MW ở tỉnh Cát Lâm. Mô hình SI-270150 này có đường kính rotor 270 mét và cánh quạt dài 131 mét, tạo ra đủ điện cho 160.000 hộ gia đình mỗi năm. Đây là tuabin trên bờ lớn nhất thế giới tính theo công suất.
Ngoài ra, công ty năng lượng tái tạo Mingyang Smart Energy đã lắp đặt tuabin gió ngoài khơi công suất đơn lớn nhất thế giới có tên MySE 18.X-20 MW. Đường kính rotor là 260 đến 292 mét, với tốc độ gió trung bình 8,5 mét/giây, tuabin có thể tạo ra 80 triệu kWh điện mỗi năm, cung cấp điện cho 96.000 hộ gia đình và giảm 66.000 tấn khí thải CO2.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 5/11, GS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận kinh phí dành cho các đề tài khoa học đang rất dàn trải và manh mún.
Ông ví dụ kinh phí khoa học và Công Nghệ được rót về Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay khoảng 70 tỷ đồng. Với gần 2.500 nhà khoa học, trong đó 72 giáo sư, 482 phó giáo sư, sau khi trừ một số khoản chi thường xuyên, trung bình mỗi người nhận khoảng 50 triệu đồng để nghiên cứu.
Theo ông Quân, để quốc gia đột phá về đổi mới sáng tạo cần đặt niềm tin vào các nhà khoa học và có định hướng dài hạn. Do đó, ông kiến nghị đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí cho lĩnh vực này.
“Kinh phí rót cho các nhà nghiên cứu, theo các đơn vị khoa học cần đầu tư trọn gói, định mức dài hạn”, ông nói. “Quy trình hiện nay là duyệt đề tài từng năm, qua Bộ Khoa học và Công nghệ, rồi ra Quốc hội nên phải ăn đong rất nhiều”.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương, đồng tình. Ông cho rằng ngoài ngân sách, cần phát huy vai trò của Quỹ Khoa học Công Nghệ và Đổi mới sáng tạo. Hai quỹ này có nguồn thu từ đóng góp của doanh nghiệp. Nếu làm tốt, thu đúng, thu đủ thì đây có thể là nguồn lực rất lớn.
Theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp nhà nước được trích tối đa 10% trên thu nhập tính thuế hàng năm để trích lập Quỹ phát triển khoa học và Công Nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện việc chi tiền từ Quỹ này đang khó khăn.
Trước đó Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết các cơ quan liên quan đang có nhiều động thái gỡ khó về cơ chế tài chính trong lĩnh vực này. Chính phủ giao Bộ Tài chính sửa nghị định 70 theo hướng công khai minh bạch, tôn trọng đặc thù của nghiên cứu khoa học là chấp nhận rủi ro. Đồng thời, Bộ cũng đang kiến nghị xây dựng một nghị định mới về cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị nghiên cứu khoa học Công Nghệ.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính với hoạt động khoa học và Công Nghệ. Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết cơ quan soạn thảo hướng tới tháo gỡ 3 – 4 nhóm chính sách về cơ chế tài chính. Dự thảo hướng đến tháo gỡ vướng mắc về sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho đầu tư hạ tầng mua sắm, hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức viện trường.
Chúng ta vẫn thường nghe lời khuyên rằng iPhone là thiết bị tối ưu tốt nên có pin lâu hơn, trong khi điện thoại Android thường sụt pin liên tục. Điều này liệu có còn chính xác?
Với nhiều người, pin trên chiếc điện thoại thông minh chưa bao giờ là đủ dùng và có thể nói đây là chỉ số quan trọng nhất quyết định nên hay không nên mua một thiết bị.
Mặc dù việc phải chạy đi sạc pin vào giữa buổi chiều đã trở thành chuyện của quá khứ, nhưng chọn được một chiếc điện thoại đảm bảo có thể dùng được cả ngày hoặc hơn vẫn không phải chuyện đơn giản.
Chúng ta vẫn thường nghe lời khuyên rằng iPhone là thiết bị tối ưu tốt cả phần cứng và phần mềm nên thời lượng pin luôn ổn định và kéo dài, dù cho dung lượng vật lý có thể không bằng nhiều mẫu Android.
Trong khi đó điện thoại Android lại nổi tiếng về độ ngốn pin, khiến các công ty phải tăng thêm dung lượng để bù đắp. Nhưng điều đó liệu có còn chính xác?
Trang Android Authority đã lựa ra 3 mẫu điện thoại tiêu biểu nhất trên thị trường đại diện cho iPhone và Android để tìm ra câu trả lời cho vấn đề “nhức nhối” này.
iPhone 16 sẽ ra mặt thay Apple và các đối thủ trực tiếp sẽ là Pixel 9 của Google và Galaxy S24 của Samsung.
iPhone và Android: Ai thắng về thời lượng sử dụng pin
Hãy bắt đầu với iPhone 16, sở hữu viên pin 3.560mAh khá nhỏ, thấp hơn đáng kể so với viên pin 4.000mAh của Galaxy S24 và viên pin 4.700mAh của Pixel 9. Nhưng dung lượng pin không phải là tất cả; thông số kỹ thuật màn hình và hiệu suất xử lý cũng là những yếu tố tác động rất lớn.
Hãy nhìn vào bảng so sánh dưới đây. Dù có dung lượng thấp nhất, iPhone 16 vẫn giành được chiến thắng ở một vài hạng mục. iPhone 16 vượt trội hơn các mẫu máy khác khi nói đến thời gian chụp ảnh và phát video 4K, cũng như thực hiện cuộc gọi trên Zoom. Sự kết hợp giữa bộ xử lý Apple A18 3nm tiên tiến và màn hình 60Hz cơ bản giúp iPhone 16 khá tiết kiệm pin.
Tuy nhiên, mức pin lớn nhất trên Pixel 9 mang lại cho thiết bị một lợi thế vững chắc trong các bài test trên Zoom và quay video 4K, mặc dù chip Tensor G4 không phải là quá tốt. Để so sánh, chip Exynos của Samsung lại rất tiết kiệm pin trong việc duyệt web, trong khi iPhone 16 lại đứng chót bảng ở hạng mục này.
Không có điện thoại nào chiến thắng tuyệt đối ở đây; mỗi mẫu máy đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Nhưng nếu tính trung bình năm bài kiểm tra, Galaxy S24 (dùng chip Exynos) đứng đầu với thời lượng pin 10 giờ, tiếp theo là Pixel 9 với 9,3 giờ, iPhone 16 với 8,9 giờ và Galaxy S24 (chip Snapdragon) với 8,7 giờ.
iPhone 16 Pro tốt hơn hay tệ hơn?
Hãy chuyển sang iPhone 16 Pro của Apple để so sánh với các đối thủ Android có giá tương đương. Một lần nữa, máy có pin 3.580 mAh khá nhỏ, nhỏ hơn nhiều so với pin 4.700 mAh của Pixel 9 Pro có kích thước tương tự. Pixel 9 Pro màn hình lớn và Galaxy S24 Ultra có pin lần lượt là 5.060 mAh và 5.000 mAh.
Không giống như iPhone 16 cơ bản, iPhone 16 Pro không thể bù đắp được sự thiếu hụt về dung lượng pin. Mặc dù hoạt động khá đáng nể trong bài kiểm tra phát 4K, máy lại kém hơn tất cả các điện thoại khác trong các bài kiểm tra còn lại. Kết quả duyệt web đặc biệt đáng thất vọng, chỉ đạt năm giờ bật màn hình. Ít hơn 40% so với Pixel 9 Pro mặc dù chỉ có pin nhỏ hơn 24%.
Apple A18 Pro của điện thoại nóng lên rất nhiều trong quá trình sử dụng thông thường. Điều này cho thấy mức tiêu thụ điện năng của chipset cao hơn so với A18.
Mặc dù không có iPhone 16 Pro Max trong bài thử nghiệm, nhưng ước tính cho thấy viên pin 4.685mAh (lớn hơn 26% so với Pro) sẽ không đủ để vượt qua những gã khổng lồ về pin của Android. Tăng 26% vẫn sẽ khiến Pro Max tụt hậu so với tất cả các mẫu Android khác trong các bài kiểm tra quay video, duyệt web và cuộc gọi trực tuyến. Tuy nhiên, nó sẽ thu hẹp khoảng cách với S24 Ultra trong các bài kiểm tra phát video, thu phóng và chụp ảnh.
Galaxy S24 Ultra là người chiến thắng rõ ràng cho các tác vụ phát video và duyệt web. Trong khi đó, dòng Pixel của Google chiến thắng về thời gian sử dụng camera quay chụp.
Nên mua iPhone hay Android để có thời lượng pin tốt nhất?
Khi nói về thời lượng sử dụng pin, dòng iPhone 16 là câu chuyện hai mặt. Mặc dù chỉ dẫn đầu ở một hạng mục, iPhone 16 bền bỉ không kém bất kỳ đối thủ Android nào khi cần sử dụng trong vòng một ngày.
Mặt khác, iPhone 16 Pro lại kém hơn đáng kể so với các đối thủ Android và có điểm kém hơn iPhone 16 thông thường trong nhiều bài kiểm tra, điều này có thể xuất phát từ việc phần cứng yêu cầu nguồn năng lượng quá nhiều từ viên pin nhỏ trên máy.
Kết luận lại, nếu muốn đảm bảo sẽ sử dụng được khoảng hai ngày với các tác vụ duyệt mạng xã hội và web, hãy chọn Samsung Galaxy S24 Ultra.
Nếu là người trung thành với hệ sinh thái của Apple, iPhone 16 vẫn đủ tốt. Tránh xa dòng Pro cỡ nhỏ và chọn iPhone 16 Plus và Pro Max với dung lượng pin lớn hơn.
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng.
Theo đó, nhằm đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thông tin mạng (ATTTM) của Công ty Cổ phần ShopeePay, ngày 19/8, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành kiểm tra Công ty ShopeePay.
Theo Kết luận kiểm tra của Cục An toàn thông tin, Công ty Cổ phần ShopeePay chưa triển khai đánh giá hiệu quả của các biện pháp quản lý và kỹ thuật được áp dụng đối với hệ thống thông tin của doanh nghiệp theo quy định, cụ thể: Công ty chưa kiểm tra tính đầy đủ và phù hợp của Quy chế bảo đảm an toàn thông tin theo phương án bảo đảm an toàn thông tin được phê duyệt.
Chưa đánh giá việc tuân thủ các quy định, quy trình trong quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình vận hành, khai thác, kết thúc hoặc hủy bỏ hệ thống thông tin; việc thiết kế hệ thống thông tin, việc thiết lập, cấu hình hệ thống thông tin theo phương án bảo đảm an toàn thông tin được phê duyệt.
Với vi phạm trên, ngày 30/10, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng.
Để triển khai công tác đảm bảo ATTTM đúng quy định, hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị khi đầu tư thiết bị, giải pháp cho hệ thống thông tin, các tổ chức, doanh nghiệp cần chú ý cấu hình thiết bị, áp dụng giải pháp kỹ thuật tối ưu, phù hợp với hệ thống thông tin của mình, đồng thời cần tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các biện pháp bảo đảm ATTTM theo phương án đã được phê duyệt nhằm tăng cường hiệu quả đảm bảo ATTTM của hệ thống.
Được biết công ty Cổ phần ShopeePay là doanh nghiệp cung cấp tiện ích như ứng dụng ví điện tử miễn phí trên di động, thanh toán trực tuyến nhiều dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thanh toán từ nạp, rút tiền trong tài khoản, nạp điện thoại, thanh toán dịch vụ tài chính, hóa đơn tiện ích như điện, nước, internet, truyền hình cáp cũng như các dịch vụ vui chơi, giải trí khác với độ an toàn bảo mật thông tin cao.
LignoSat, vệ tinh do Đại học Kyoto và công ty Sumitomo Forestry phát triển, được đưa lên trạm Vũ trụ Quốc tế trong một nhiệm vụ của SpaceX, sau đó giải phóng vào quỹ đạo ở độ cao khoảng 400 km phía trên Trái Đất. Đặt theo từ tiếng Latinh có nghĩa là “gỗ”, vệ tinh LignoSat nhỏ bằng lòng bàn tay sẽ chứng minh tiềm năng ứng dụng trong vũ trụ của vật liệu tái tạo khi con người khám phá không gian.
“Với gỗ, vật liệu có thể tự sản xuất, chúng ta có thể xây nhà, sống và làm việc trong không gian vĩnh viễn”, Takao Doi, phi hành gia từng bay trên tàu con thoi và nghiên cứu hoạt động không gian của con người ở Đại học Kyoto, cho biết.
Với kế hoạch 50 năm nhằm trồng cây và xây dựng nhà gỗ trên Mặt Trăng cũng như sao Hỏa, nhóm của Doi quyết định phát triển vệ tinh gỗ để chứng minh gỗ là vật liệu phù hợp với môi trường không gian. “Những chiếc máy bay đầu thế kỷ 20 làm từ gỗ. Một vệ tinh bằng gỗ sẽ là điều khả thi”, giáo sư khoa học lâm nghiệp Koji Murata ở Đại học Kyoto, chia sẻ.
Gỗ bền hơn trong vũ trụ so với trên Trái Đất do không có nước hoặc oxy gây mục ruỗng hoặc bắt lửa, theo Murata. Vệ tinh gỗ cũng giảm thiểu tác động môi trường ở cuối vòng đời. Những vệ tinh ngừng hoạt động phải rơi trở lại khí quyển để tránh trở thành rác vũ trụ. Vệ tinh bằng kim loại thông thường tạo ra nhiều hạt oxit nhôm trong quá trình hồi quyển, nhưng vệ tinh gỗ sẽ bốc cháy và ít gây ô nhiễm hơn.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy honoki, một loại cây mộc lan bản xứ ở Nhật Bản thường dùng làm vỏ kiếm, phù hợp nhất để chế tạo vệ tinh, sau thí nghiệm kéo dài 10 tháng trên trạm Vũ trụ Quốc tế. Vệ tinh LignoSat làm từ honoki, sử dụng kỹ thuật thủ công Nhật Bản mà không cần ốc vít hoặc keo.
Sau khi triển khai, LignoSat sẽ ở trên quỹ đạo 6 tháng với nhiều bộ phận điện tử để đo gỗ phản ứng như thế nào trong môi trường cực hạn của vũ trụ, nơi nhiệt độ biến động từ -100 đến 100 độ C cách 45 phút một lần khi vệ tinh di chuyển từ vùng tối ra nơi có ánh sáng Mặt Trời. LignoSat cũng sẽ đo khả năng của gỗ trong việc giảm tác động của bức xạ vũ trụ lên bán dẫn, khiến nó phù hợp với ứng dụng như xây dựng trung tâm dữ liệu, theo Kenji Kariya, quản lý ở Viện nghiên cứu Tsukuba của Sumitomo Forestry.
Mẫu điện thoại Trung Quốc ghi điểm với người dùng Việt khi sở hữu nhiều thông số ấn tượng.
Không hề kém cạnh các mẫu smartphone cao cấp từ Xiaomi, Redmi Note 13 Pro 5G là một trong những sản phẩm nhận nhiều sự quan tâm khi vừa ra mắt.
Đây cũng là một trong số những mẫu điện thoại trong tầm giá 7 triệu đáng trải nghiệm nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay. So với mức giá 9,49 triệu đồng thời điểm khi vừa ra mắt, Redmi Note 13 Pro 5G phiên bản 8/ 256GB hiện tạ đã giảm gần 2 triệu đồng.
Chỉ với hơn 7 triệu, khách Việt đã có thể đập hộp Redmi Note 13 Pro 5G hàng chính hãng với nhiều thông số ấn tượng. Với giá bán rẻ bằng 1/3 Galaxy S24 Ultra, Note 13 Pro 5G vẫn có camera 200MP cùng màn hình lớn 6.67 inch, gần bằng một chiếc iPhone Pro Max, được hỗ trợ 5G tiên tiến nhất hiện nay.
Redmi Note 13 Pro 5G mang ngôn ngữ thiết kế vuông vắn năng động, mặt lưng hoàn thiện theo dạng kính bóng, bao quanh là khung viền kim loại bền bỉ.
Lần đầu tiên trong lịch sử dòng sản phẩm, hãng trang bị cho Redmi Note 13 Pro 5G khả năng kháng nước và bụi đạt chuẩn IP68, đi cùng với đó là cảm biến vân tay ẩn dưới màn hình.
Redmi Note 13 Pro 5G sở hữu màn hình AMOLED 6.67 inch, độ phân giải Full HD+ (1080 x 2400 pixel) kích thước 6.67 inch, cùng tần số quét màn hình lên đến 120Hz, vượt xa iPhone 16 và 16 Pro khi chỉ được trang bị tần số quét 60Hz. Độ phân giải 1.5K chất lượng cao, độ sáng tối đa lên đến 1800nits cũng ở mức hiếm thấy trong phân khúc.
Dù là phiên bản tiêu chuẩn nhưng Redmi Note 13 Pro 5G vẫn được đầu tư mạnh vào cụm camera.
Chiếc điện thoại sở hữu camera selfie 16 MP và ba máy ảnh phía sau lần lượt gồm camera chính 200 MP (cảm biến HP3 từ Samsung) camera góc siêu rộng 8 MP và camera macro 2 MP.
Ở phân khúc tầm trung, đây là chiếc smartphone hiếm hoi mang đến trải nghiệm nhiếp ảnh chuyên nghiệp khi trang bị camera độ phân giải cực cao lên đến 200MP cùng Công Nghệ chống rung quang học OIS, cho phép người dùng có thể tạo nên những bức ảnh chi tiết và sắc nét một cách ngoạn mục.
Redmi Note 13 Pro 5G được trang bị vi xử lý Snapdragon 7s Gen 2, một con chip mạnh mẽ trong phân khúc tầm trung, mang đến hiệu năng vượt trội so với các đối thủ cùng tầm giá.
Không những thế Redmi Note 13 Pro 5G vẫn đi kèm viên pin khủng 5.100 mAh và sạc nhanh 67 W, thông số này dễ dàng đáp ứng suốt một ngày sử dụng đối với những tác vụ cơ bản.
Redmi Note 13 Pro 5G chạy giao diện MIUI 14 dựa trên Android 13, có nhiều tuỳ chọn kết nối bao gồm cổng USB-C, cổng tai nghe 3.5 mm, IR Blaster, 5G, Wi-Fi 6, kháng nước và bụi IP54, Bluetooth 5.3, NFC,…
Dường như tình hình tài chính và kinh doanh của Intel đang ngày càng trầm trọng ngoài dự liệu, đến mức Bộ Thương mại Mỹ đang tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm hỗ trợ người khổng lồ Công Nghệ đang gặp nhiều khó khăn này.
Theo báo cáo mới nhất từ Semafor, các nhà hoạch định chính sách trong chính phủ Mỹ đang cân nhắc nhiều phương án, trong đó đáng chú ý là khả năng thúc đẩy một thương vụ sáp nhập khổng lồ để cứu vãn cho Intel.
Với vai trò là công ty Mỹ duy nhất vừa thiết kế vừa sản xuất chip tiên tiến, Intel không những được xem như bảo vật của nước Mỹ, mà còn là mảnh ghép then chốt trong chiến lược tự chủ về sản xuất bán dẫn của quốc gia này.
Điều này càng trở nên quan trọng khi xét đến việc các người khổng lồ Công Nghệ khác của Mỹ như NVIDIA, Apple, AMD và Qualcomm chỉ tập trung vào thiết kế chip và phải thuê các nhà máy đúc chip ở nước ngoài để sản xuất ra thành phẩm. Chính vì vậy, Intel được coi là đối trọng chiến lược với Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn hiện nay.
Tuy nhiên, tình hình tài chính của Intel đang gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng khi ghi nhận khoản lỗ ròng lên đến 16 tỷ USD trong quý vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do chi phí tái cơ cấu và đánh giá lại tài sản. Mặc dù vậy, công ty vẫn tỏ ra lạc quan khi đưa ra dự báo tích cực hơn cho quý 4, đồng thời đã nhận được những đơn đặt hàng quy mô lớn từ Bộ Quốc phòng Mỹ và Amazon Web Services.
Để hỗ trợ Intel vượt qua giai đoạn khó khăn này, chính phủ Mỹ đang xem xét triển khai gói tài trợ từ Đạo luật CHIPS với tổng giá trị lên đến 20 tỷ USD, bao gồm khoản trợ cấp 8,5 tỷ USD và một khoản vay lãi suất thấp trị giá 11 tỷ USD. Tuy nhiên, việc giải ngân khoản tiền này đang gặp trở ngại do các quan chức Mỹ yêu cầu Intel phải đưa ra kế hoạch phục hồi khả thi và thuyết phục hơn.
Song song với phương án hỗ trợ tài chính, khả năng sáp nhập cũng đang được các bên liên quan tích cực thảo luận. AMD và Marvell Technology được xem là những đối tác tiềm năng hàng đầu trong thương vụ này.
Đáng ngạc nhiên là Apple và Qualcomm không được nhắc đến trong báo cáo mặc dù cả hai đều là công ty của Mỹ và ngày càng muốn đưa hoạt động sản xuất vào trong nước. Trước đó Qualcomm từng bày tỏ sự quan tâm, sau khi CEO Cristiano Amon cho biết công ty đang nghiên cứu các phương án và sẽ đưa ra quyết định sau cuộc bầu cử Mỹ. Phía các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng tỏ ra cởi mở với ý tưởng sáp nhập, đặc biệt là với các công ty trong nước.
Nhìn về tương lai, Intel đang đặt nhiều kỳ vọng vào chip 18A, dự kiến ra mắt vào năm 2025. Mặc dù chưa từng có tiền lệ về việc chính phủ Mỹ can thiệp trực tiếp vào việc sáp nhập giữa các công ty tư nhân, nhưng các nguồn tin cho biết chính phủ có thể sẽ đóng vai trò tích cực trong việc khuyến khích một thương vụ sáp nhập do khu vực tư nhân dẫn dắt. Điều này được củng cố thêm bởi tuyên bố từ phát ngôn viên Bộ Thương mại Mỹ: “Chúng tôi tin tưởng vào tầm nhìn tổng thể của Intel trong việc sản xuất chip trên đất Mỹ.”