Đồ họa: Life Noggin
Lưu trữ danh mục: Tin Tức Công Nghệ
Realme GT 7 Pro có thông số có thể nói là cao nhất trên thị trường điện thoại nhưng giá chỉ hơn 12 triệu, rẻ chưa bằng một nửa so với iPhone 16 Pro Max hay Galaxy S24 Ultra.
“Sát thủ flagship” đã bị lạm dụng quá mức trong vài năm trở lại đây, khiến một số nhà sản xuất điện thoại e ngại sử dụng danh hiệu này.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng lại có một chiếc điện thoại khiến người ta nhớ ra rằng những thiết bị “hủy diệt flagship” vẫn còn tồn tại và bằng chứng mới nhất cho điều đó chính là Realme GT 7 Pro.
Mặc dù không nổi tiếng bằng các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khác như OnePlus, Xiaomi, Vivo và Oppo, nhưng Realme đã mang đến sự đột phá trên sản phẩm mới nhất của họ.
Theo Phone Arena, Realme GT 7 Pro có giá chỉ bằng 1/2 so với các flagship hàng đầu của Samsung, Apple và OnePlus, nhưng thông số thì vượt trội. Trên thực tế, nó thậm chí còn bỏ xa cả các điện thoại hàng đầu khác của Trung Quốc trong thị trường nội địa, vốn cũng được biết đến là luôn có cấu hình đáng kinh ngạc.
Bạn tìm ở đâu ra một chiếc điện thoại có pin 6.500 mAh, chế độ camera dưới nước và màn hình hứa hẹn độ sáng HDR 6.000 nits với giá bán quy đổi ra chỉ khoảng hơn 12 triệu?
Những thông số khủng khiếp
Trước khi chuyển sang thông số kỹ thuật gây bất ngờ của Realme GT 7 Pro, hãy khen ngợi thiết kế đỉnh cao của chiếc điện thoại này.
Realme sử dụng tấm kính cong bốn cạnh giúp GT 7 Pro trông cực kỳ hiện đại khi nhìn từ mặt trước và sự đối xứng này được đánh giá cao.
Các màu sắc như cam Mars Orange đậm, màu xám sang trọng và phiên bản màu trắng tinh khôi, được làm bằng vật liệu cao cấp như kính và kim loại, cho thấy không có sự thỏa hiệp nào ở đây chỉ để cho chiếc máy có giá rẻ hơn.
Hãy nhìn vào bảng thông số kỹ thuật vô song của Realme GT 7 Pro nổi bật bởi viên pin lớn hơn 40% so với iPhone 16 Pro Max:
– Snapdragon 8 Elite SoC – điểm chuẩn cao hơn Galaxy S24 Ultra và iPhone 16 Pro Max
– Màn hình 120Hz với độ sáng 2.000 nits so với 1.600 nits trên iPhone 16 Pro Max
– Camera zoom tiềm vọng 50MP với khả năng zoom quang 3x, zoom không mất dữ liệu 6x, cảm biến lớn hơn so với camera zoom trên Samsung/iPhone hàng đầu
– Pin 6.500 mAh với sạc 120W (50% trong 15 phút) – dung lượng lớn hơn gần 40% so với iPhone 16 Pro Max
– Khả năng chống bụi/nước IP69 – Realme phát triển một chế độ cho phép chụp ảnh và quay video dưới nước
Mặc dù có thông số kỹ thuật đáng nể, Realme GT 7 Pro chỉ dày 8,5mm so với 9,2mm của thế hệ trước. Đúng vậy, mặc dù có pin khủng 6.500 mAh, máy vẫn mỏng và nhẹ hơn rất nhiều nhờ Công Nghệ mới.
GT 7 Pro nặng 222 gram, nặng hơn so với các mẫu flagship mới nhất từ Trung Quốc (có pin nhỏ hơn), nhưng vẫn nhẹ hơn 5 gram so với iPhone 16 Pro Max – và mẫu điện thoại hàng đầu của Apple chỉ có pin 4.685 mAh, nhỏ hơn gần 40% về dung lượng.
Sự đánh đổi rõ ràng duy nhất trên GT 7 Pro là camera siêu rộng 8MP và thiếu sạc không dây, có vẻ như đây là một sự đánh đổi công bằng khi xét đến thông số kỹ thuật và mức giá hàng đầu trong phân khúc.
iPhone, Samsung quá chậm chạp?
Nói về con số, con số quan trọng nhất về bảng thông số kỹ thuật của Realme GT 7 Pro sẽ là giá.
Hiện tại, bạn có thể mua điện thoại này ở Trung Quốc với mức giá chỉ tương đương 500 USD (khoảng 12 triệu), nghe có vẻ như đây là mức giá hời nhất năm và thực tế đúng là như vậy.
Tuy nhiên, khi ra mắt ở thị trường châu Âu, thiết bị của Realme sẽ có giá ít nhất là 700 EUR.
Điều này sẽ khiến GT 7 Pro trở thành một chiếc điện thoại có giá tương đối cao, nhưng với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Galaxy S25 Ultra và iPhone 16 Pro Max (cả hai đều có giá khoảng 1.450 EUR), GT 7 Pro có vẻ như vẫn còn rẻ chán so với chiếc điện thoại hàng đầu của Apple và Samsung – vốn có phần cứng ít thay đổi trong những năm qua.
Tờ Phone Arena nhận định, Realme GT 7 Pro là chứng minh cho thấy bạn không nên mắc bẫy chiêu trò của Apple và Samsung khi cho rằng thông số kỹ thuật giờ không còn quan trọng.
Con số vẫn quan trọng hơn bao giờ hết. Đặc biệt là khi chúng ta nói về những thứ như dung lượng pin, tốc độ sạc, độ phân giải camera zoom, cấp độ xếp hạng IP, độ sáng màn hình, v.v.
Nói cách khác, đừng để Apple và Samsung đánh lừa bạn bằng những nâng cấp bảo thủ của họ. Chúng ta biết điều gì đã xảy ra với iPhone 15, “không có Apple Intelligence vì máy chỉ có 6GB RAM”. Và chúng ta biết thời lượng pin trung bình của điện thoại Galaxy S24 của Samsung là bao nhiêu do pin tương đối nhỏ.
Thật trớ trêu khi Realme GT 7 Pro có vẻ như là một chiếc điện thoại siêu cấp thực sự xứng đáng với cái tên “Pro”. Nó thậm chí còn chia sẻ hàng tấn tính năng AI với dòng Galaxy S24 và mặc định cung cấp cho bạn 12/256GB RAM/bộ nhớ lưu trữ.
Thật không may, người dùng sẽ khó có cơ hội tiếp cận “sát thủ flagship” của Realme do những chiếc điện thoại mạnh nhất thường chỉ bán ở Trung Quốc.
Gần đây, báo cáo của công ty nghiên cứu TechInsights (Canada) cho biết Công Nghệ lõi được sản xuất bởi TSMC đã được tìm thấy trong chip Ascend 910B của Huawei. Chip AI của Huawei là một trong những giải pháp thay thế hàng đầu do Trung Quốc tự phát triển, nhằm thay thế các sản phẩm cao cấp của NVIDIA vốn bị hạn chế bán cho người mua tại Trung Quốc.
Công nghệ của TSMC mà Huawei sử dụng lẽ ra không thể tiếp cận được do các lệnh trừng phạt từ Mỹ vào tháng 9/2020 vì lo ngại an ninh quốc gia. Tình huống này nhấn mạnh nhiệm vụ khó khăn của Mỹ trong việc ngăn chặn chuỗi cung ứng Công Nghệ của Trung Quốc, bất chấp hàng loạt lệnh kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt.
Theo báo cáo của Wall Street Journal, dựa trên cuộc điều tra nội bộ ban đầu, TSMC tin rằng Công Nghệ này đã được chuyển qua công ty chip Trung Quốc Sophgo, mặc dù có thể có sự tham gia của các bên khác. Tương tự, nguồn tin của Reuters nói Sophgo đã đặt hàng các chip từ TSMC khớp với chip được tìm thấy trên sản phẩm Ascend 910B của Huawei.
Một khả năng ít có thể xảy ra hơn là Công Nghệ của TSMC đã được Huawei tích trữ trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực hơn 4 năm trước.
Các đơn đặt hàng của Sophgo đã bị báo cáo nội bộ tại TSMC vào tháng trước. TSMC cũng đã hủy một số đơn đặt hàng của Sophgo được cho là đáng nghi ngờ và đã báo cáo trường hợp này cho các cơ quan quản lý Mỹ.
Sau khi The Wall Street Journal yêu cầu bình luận vào tháng trước, Sophgo đã phủ nhận bất kỳ mối quan hệ kinh doanh nào với Huawei trong một tuyên bố đăng trên tài khoản mạng xã hội của công ty. Công ty Trung Quốc này cũng cho biết đã chia sẻ một báo cáo điều tra chi tiết với TSMC để chứng minh rằng họ không liên quan.
Viện Nghiên cứu Dân chủ, Xã hội và Công nghệ Mới nổi (DSET) tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 8 cho biết Bitmain, được mô tả là nhà cung cấp máy khai thác tiền điện tử hàng đầu của Trung Quốc, đang nhắm đến thách thức sự thống trị của NVIDIA và AMD trong thị trường chip AI. Báo cáo này cũng mô tả Sophgo là một công ty liên kết với Bitmain.
Sophgo được đồng sáng lập bởi Micree Zhan, người cũng đồng sáng lập Bitmain. Sophgo đã sử dụng địa chỉ email của Bitmain và tên gọi Công nghệ Xiamen Sophgo Ltd khi liên lạc với Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ vào năm 2023.
Năm 2021, các công tố viên đã đột kích vào các hoạt động của Bitmain tại Đài Loan (Trung Quốc) và cáo buộc hai chi nhánh của Bitmain tuyển dụng bất hợp pháp các kỹ sư bán dẫn Đài Loan cũng như thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển trái phép.
Theo nguồn tin của Wall Street Journal là các quan chức trong ngành công nghiệp, Công Nghệ của TSMC ban đầu mua bởi Sophgo có thể đã bị bán vào “thị trường xám”. Đây là một việc mà một số khách hàng chip thực hiện khi có tồn kho dư thừa.
Ngay khi ra mắt, mẫu smartphone tầm trung mới đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dùng yêu thích thương hiệu này.
Mới đây, HONOR đã chính thức trình làng mẫu smartphone tầm trung mang tên X7c. Phiên bản gây ấn tượng với thiết kế hiện đại, hiệu suất ổn định và thời lượng pin lên đến 2 ngày sử dụng. Giá niêm yết của smartphone là 5,49 triệu đồng.
Ngoài mức giá phù hợp, HONOR X7c cũng sở hữu cấu hình ấn tượng.
Smartphone có thiết kế vuông vức với các cạnh được làm phẳng, tạo cảm giác hiện đại và sang trọng. Kích thước của máy lần lượt là 166,9 x 76,8 x 8,1 mm, trọng lượng 194 g.
Màn hình của HONOR X7c có kích thước 6.77 inch, sử dụng tấm nền TFT LCD với độ phân giải HD+ và tần số quét lên đến 120Hz. Một vài thông số có thể sánh với các mẫu smartphone cao cấp như iPhone 16 Pro Max.
HONOR X7c được trang bị chip Snapdragon 685, đi kèm là CPU Kryo cùng với 2 tùy chọn RAM 6GB hoặc 8GB, cho phép người dùng lưu trữ dữ liệu với bộ nhớ trong là 128GB hoặc 256GB. SoC này của Qualcomm được trang bị CPU Kryo 8 nhân, gồm 4 nhân Cortex-A73 hiệu năng cao và 4 nhân Cortex-A53 tiết kiệm năng lượng.
HONOR X7c được trang bị cụm camera kép với camera chính lên tới 108MP và camera phụ 2MP.
Camera này có khẩu độ f/1.75, hỗ trợ thu sáng tốt, giúp bạn chụp ảnh rõ nét ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu. Hơn nữa, thiết bị còn có tính năng zoom kỹ thuật số lên đến 8x.
Điện thoại tích hợp các chế độ chụp đa dạng như: Khẩu độ, Chụp đêm, Ảnh chân dung, PRO, HDR,…
Điện thoại sở hữu viên pin dung lượng 6000mAh. Theo công bố từ phía HONOR, thiết bị có thể xem video ngắn 18 giờ, phát nhạc liên tục 59 giờ, gọi điện liên tục 46 giờ và xem nội dung trực tuyến 24 giờ. Bên cạnh đó, chiếc điện thoại này còn được trang bị sạc nhanh 35W.
Theo báo cáo từ tờ báo Pháp Le Monde, Huawei hiện đang rất quan tâm đến việc tuyển dụng các kỹ sư từ TSMC. Lý do lớn nhất cho điều này gần như chắc chắn là để Huawei có thể làm việc với các chuyên gia am hiểu về thiết kế chipset hiện đại.
Sau lệnh trừng phạt từ Mỹ, Huawei buộc phải làm việc với Công Nghệ lạc hậu, giới hạn độ dày của chipset chỉ ở mức 7 nm. Điều này kém xa so với các chip 3 nm mà các nhà sản xuất điện thoại khác đang sử dụng.
Do đó, Huawei đã tập trung và nỗ lực, từ việc phát triển chip 5G sản xuất trong nước cho đến việc tìm cách sản xuất chip 5 nm mặc dù vẫn phải dựa vào quy trình cũ. Tuy nhiên, để vượt qua rào cản này, công ty cần những người đã làm việc ở nước ngoài và có kinh nghiệm trong việc sản xuất chip hiện đại.
Nguồn tin của Le Monde cho biết các cơ quan tuyển dụng làm việc thay mặt Huawei thường xuyên liên hệ với các kỹ sư của TSMC, trung bình 3 tháng/lần. Các kỹ sư nhận được các email nói rằng họ là ứng viên lý tưởng cho các vai trò mà Huawei đang tìm kiếm và kinh nghiệm của họ hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của công ty. Những lời mời này thường kèm theo các gói lương hấp dẫn, đôi khi lên đến 3 lần so với mức lương hiện tại.
Nhưng có hai lý do chính khiến các kỹ sư TSMC từ chối lời mời của Huawei. TSMC có thể đưa ra các đề nghị hấp dẫn để giữ chân nhân viên. Nhưng quan trọng hơn, các nhân viên TSMC lo ngại về triển vọng công việc trong tương lai. Hiển nhiên, các kỹ sư tại TSMC lo sợ việc làm cho một công ty bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ sẽ khiến họ khó tìm được việc trong tương lai. Nếu một ngày Huawei không còn cần họ nữa, họ có thể sẽ bị từ chối bởi các công ty liên kết với Mỹ như TSMC.
Những phức tạp này đã buộc Huawei phải tìm đến các phương pháp khác để có được chip hiện đại. Gần đây, công ty nghiên cứu TechInsights đã phát hiện rằng dòng chip AI Ascend 910B của Huawei được sản xuất bởi TSMC, bất chấp việc Huawei đang chịu lệnh cấm từ Mỹ.
Về phía Huawei, công ty khẳng định rằng: “Chúng tôi không sản xuất bất kỳ con chip nào thông qua TSMC kể từ khi Bộ Thương mại Mỹ điều chỉnh quy định vào năm 2020,” theo thông cáo của Huawei. Huawei cũng phủ nhận việc ra mắt chip Ascend 910B trên thị trường.
Galaxy A16 5G chính thức ra mắt ở thị trường Việt Nam sau khi nhận được rất nhiều kỳ vọng lớn trước đó về giá bán phải chăng cùng hỗ trợ cập nhật hệ điều hành chưa từng có: 6 năm.
Ngay từ khi có thông tin rò rỉ khoảng một tháng trước, Galaxy A16 5G đã gây sự chú ý và được ca ngợi là mẫu điện thoại giá rẻ đáng mua nhất 2024, xét đến giá trị sử dụng lâu dài mà Samsung đem lại trên mẫu máy giá chỉ 6 triệu.
Trên thực tế, dòng Galaxy A1X luôn nằm trong số những điện thoại bán chạy nhất thế giới trong nhiều năm. Sự ra mắt chính thức của Galaxy A16 5G được rất nhiều người mong chờ. Nhưng khi cầm máy trên tay, kỳ vọng của người dùng có như tưởng tượng hay không? Trang Phone Arena đã có bài phân tích mẫu máy giá rẻ mới của Samsung.
Màn to hơn, camera ít cải tiến
Galaxy A16 5G có màn hình AMOLED đẹp mắt, tốc độ làm tươi 90Hz, dung lượng lưu trữ lớn, chipset nhanh hơn và thậm chí còn hứa hẹn cập nhật phần mềm trong sáu năm – một giá trị chưa từng có trên các điện thoại giá rẻ từ trước đến nay.
Trên lý thuyết, mọi điều nói trên đều nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng sau khi sử dụng một thời gian, chiếc máy này vẫn còn nhiều vấn đề cần cân nhắc.
Galaxy A16 5G gia tăng về mặt kích thước so với trước, khi có màn hình 6,7 inch, cùng phần viền siêu lớn khiến kích thước tổng thể là tăng hơn đáng kể. Phần khung vẫn được làm bằng nhựa mang lại cảm giác rẻ tiền nhưng giúp máy nhẹ hơn so với ngoại hình.
Các nút bấm nằm ở phía bên phải, hơi nhô lên so với các cạnh của điện thoại. Phím nguồn kiêm luôn chức năng đọc dấu vân tay, với độ chính xác khá ổn nhưng phải mất một nhịp để phản hồi.
Màn hình AMOLED 6,7 inch được coi là điểm nhấn với màu sắc đẹp và độ sáng khoảng 750 nits, có thể chấp nhận được trong mức giá.
Theo điểm số camera của PhoneArena, Galaxy A16 5G đạt điểm tổng thể tốt hơn một chút so với thế hệ trước, nhưng điều ngạc nhiên là những thay đổi về chất lượng ảnh lại tệ hơn khi có nhiều vấn đề về cân bằng trắng và màu sắc. Tuy nhiên, chất lượng video đã được cải thiện đáng kể.
Ở mặt sau là hệ thống ba camera, với ống kính thứ ba là camera macro 2MP, cùng camera chính 50MP và camera góc siêu rộng 5MP.
Camera chính trên A16 5G có sự thay đổi về màu sắc so với thế hệ trước. Ảnh chụp thiên về tông lạnh, lượng chi tiết và dải động tốt, nhưng tông màu ấm hơn của A15 5G đời trước vốn dĩ mang lại cảm giác nịnh mắt hơn.
Vì không có camera tele chuyên dụng trên máy nên Galaxy A16 5G không có bước tiến lớn nào về chất lượng zoom. Camera góc siêu rộng 5MP sử dụng ổn vào ban ngày, không quá nhiều đặc biệt.
Galaxy A16 5G có thể quay video 4K, chất lượng cao và thậm chí còn có tính năng ổn định video khá tốt. A16 5G giờ đây có thể chuyển đổi qua lại giữa camera chính và camera siêu rộng, điều mà trước đây không làm được.
Hiệu suất chậm chạp
Là mẫu điện thoại giá rẻ, Galaxy A15 5G năm ngoái bị phàn nàn về hiệu suất chậm chạp và mọi thứ có vẻ chưa được khắc phục trên A16 5G.
Về mặt kỹ thuật, A16 5G đi kèm với chipset nhanh hơn, nhưng không đủ lớn để loại bỏ tình trạng giật lag liên tục trong quá trình sử dụng. Điều này nhanh chóng trở nên cực kỳ khó chịu. Tình trạng giật hình xuất hiện ngay cả khi mở khóa điện thoại, khi sử dụng ứng dụng, khi lướt xem mọi thứ và đó không phải là trải nghiệm tốt.
A16 5G cũng chỉ có 4GB RAM, không đủ đáp ứng nhu cầu đa nhiệm của Android.
Hiệu suất CPU lõi đơn được cải thiện gần 50%, đây là sự thay đổi đáng chú ý so với A15 5G và giúp A16 5G ngang bằng với dòng A2x đắt tiền hơn.
Nhưng hầu như không có cải tiến nào về hiệu suất CPU đa lõi và nhìn chung, hiệu suất thực tế của A16 5G vẫn chỉ là trải nghiệm giật lag dù có cải thiện đôi chút.
Về đồ họa, hầu như không có cải tiến nào dành cho các game thủ.
Ít nhất thì máy cũng có được dung lượng lưu trữ khá ổn là 128GB, dù điều này đang ngày càng trở thành thông số tiêu chuẩn.
Điểm sáng giá nhất của Galaxy A16 5G là cài sẵn Android 14 với giao diện tùy chỉnh One UI 6.1 của Samsung, hứa hẹn sáu năm cập nhật phần mềm, một cam kết lớn đối với một chiếc điện thoại giá rẻ.
Với chỉ 4GB RAM, tất nhiên sẽ không có tính năng Galaxy AI thời thượng nào ở đây.
Mặc dù có kích thước lớn hơn là 6,7 inch, Galaxy A16 5G vẫn giữ nguyên dung lượng pin 5.000 mAh như phiên bản trước. Dung lượng này có thể giúp máy dễ dàng duy trì khả năng sử dụng trong một ngày.
Bài kiểm tra pin của Phone Arena ghi nhận điện thoại có thời lượng pin kém hơn một chút so với đời trước. Trong bài kiểm tra duyệt web, A16 5G chỉ đạt dưới 10 giờ, đây là một trong những điểm số tệ nhất trong năm.
Tuy nhiên, máy cho kết quả khá tốt trong bài kiểm tra phát trực tuyến video trên YouTube và chơi game 3D. Nhìn chung, máy đạt mức 6 giờ 11 phút thời gian sử dụng màn hình, ít hơn nửa giờ so với mẫu máy năm ngoái.
Galaxy A16 5G có giá khoảng 200 USD (giá bán ở Việt Nam khoảng 5,8 triệu). Mức giá này không thể đòi hỏi ở một mẫu smartphone có đủ mọi tính năng cao cấp đi cùng với trải nghiệm mượt mà.
Ở một số khía cạnh, Galaxy A16 5G vượt qua kỳ vọng khi có màn hình đẹp và lớn hơn, thời lượng pin ổn và camera giờ đây có thể quay video tốt hơn. Một lần nữa cần phải nhấn mạnh là máy có sáu năm cập nhật phần mềm, thứ gần ngang với các mẫu flagship của Samsung như Galaxy S24 Ultra (7 năm).
Nhưng điều đáng tiếc là điện thoại vẫn cho cảm giác hơi chậm và giật, và đây là vấn đề lớn có thể khiến người dùng cân nhắc khi lựa chọn.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, với dự báo đến năm 2050, 70% dân số sẽ sống ở các thành phố lớn. Điều này tạo ra cơ hội cũng như đặt ra thách thức đối với công tác quản lý và phát triển bền vững của các thành phố như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và sự khan hiếm tài nguyên, chất lượng cuộc sống giảm sút… Thành phố thông minh ra đời là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Mạng thiết bị IoT bao gồm cảm biến, thiết bị không người lái như xe tự hành, drone, thiết bị giám sát từ xa (camera, drone…) là thành phần quan trọng trong hạ tầng Vật lý – Số, nền tảng của thành phố thông minh. Tuy nhiên mạng thiết bị này rất đa dạng về chủng loại, số lượng lớn thiết bị, không gian trải dài và có các yêu cầu khác nhau trong sử dụng như độ trễ, băng thông,…
Khi số lượng kết nối lớn và khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra, mạng 4G hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu truyền dữ liệu. Công nghệ 5G ra đời là lời giải cho bài toán siêu kết nối.
Mạng 5G đang trở thành “mạch máu” trong đô thị thông minh thế giới
Theo Ủy ban châu Âu nhận định, có 6 lĩnh vực quan trọng để hoàn thiện thành phố thông minh. Đó là Chính quyền điện tử, Kinh tế thông minh, Giao thông thông minh, Môi trường thông minh, Cư dân thông minh, Cuộc sống thông minh.
Trên thực tế, không ít dự án triển khai thành phố thông minh đã và đang được thực hiện tại các quốc gia đi đầu trong cuộc đua Công Nghệ 5G như Hàn Quốc, Mỹ…
Thành phố Seoul đã triển khai hệ thống quản lý giao thông dựa trên 5G sử dụng dữ liệu thời gian thực để tối ưu hóa lưu lượng giao thông. Hệ thống này đã giảm đáng kể thời gian di chuyển và lượng khí thải carbon trong thành phố.
Thành phố New York sử dụng 5G để tăng cường an toàn công cộng thông qua việc triển khai camera có độ phân giải cao và hệ thống phân tích video thời gian thực. Điều này đã tăng khả năng phản ứng của lực lượng thực thi pháp luật và giảm tội phạm trong thành phố.
5G sẽ thúc đẩy sự phát triển của thành phố thông minh tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, Việt Nam nói chung và các tỉnh thành phố nói riêng đã có những bước tiến đáng kể trong việc triển khai các đô thị thông minh. Các thành phố thông minh đã và đang sử dụng Công Nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy các hoạt động phát triển, góp phần giải quyết thách thức của đô thị và tạo cơ sở hạ tầng bền vững, hỗ trợ Công Nghệ liên kết.
Thực hiện hành động trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, hiện tại đã có 48/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng đề án phát triển thành phố thông minh.
Trong giai đoạn tới, việc khai thác sâu hơn tiềm năng của các ứng dụng thành phố thông minh sẽ bước sang trang mới với sự “nhập cuộc” của Công Nghệ 5G tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn.
Mới đây, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) đã cho ra mắt hệ sinh thái Viettel 5G2B (5G to Business) với trên 100 sản phẩm, bao phủ 7 lĩnh vực trọng điểm chuyển đổi số quốc gia, trong đó có thành phố thông minh. Hệ sinh thái này sẽ thúc đẩy việc chuyển dịch sang các Công Nghệ hiện đại, mở ra các dịch vụ và kết nối chưa từng có.
Hệ sinh thái 5G2B sẽ giải quyết các bài toán tự động hoá và tối ưu quản lý cho thành phố thông minh với ưu thế vượt trội về băng thông rộng, kết nối mật độ cực lớn (cho hàng triệu, thậm chí hàng tỷ thiết bị đồng thời) và độ trễ thấp (có thể đạt ngưỡng 1-5ms) đảm bảo cho hệ thống cảm biến, robot/xe tự hành, camera AI và drone giám sát truyền nhận thông tin về trung tâm điều hành để ra quyết định xử lý tức thời.
Giao thông thông minh là yếu tố then chốt tạo nên giao thông bền vững. Hạ tầng giao thông với số lượng lớn các camera, cảm biến quan trắc, đèn tín hiệu và bảng thông báo thực hiện thu thập dữ liệu giao thông theo thời gian thực truyền tải qua kết nối 5G đến hệ thống giao thông thông minh, tích hợp AI phân tích, giúp đưa ra cảnh báo và lên phương án đảm bảo giao thông cho đơn vị điều hành giao thông.
Một trong những ứng dụng 5G nổi bật trong giao thông thông minh chính là xe tự lái và điều khiển phương tiện từ xa. Tài xế có thể điều khiển phương tiện từ xa đến địa điểm mục tiêu ở những nơi nguy hiểm như mỏ khai thác, khu vực thiên tai, giúp giảm thiểu rủi ro và tai nạn lao động. Xe tự lái không chỉ đơn thuần di chuyển mà còn có thể giao tiếp với nhau và với hệ thống giao thông, giúp giảm thiểu tai nạn và ùn tắc.
5G cũng sẽ đóng vai trò kết nối then chốt trong việc xây dựng môi trường thông minh, an toàn cho người dân thông qua các giải pháp về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, quản lý mạng lưới điện, nguồn nước… hay quản lý công tác cứu hộ cứu nạn.
Hệ thống cảm biến môi trường được lắp đặt khắp thành phố, cho phép giám sát liên tục chất lượng không khí, nước và đất, phát hiện sớm các vấn đề ô nhiễm. Hệ thống cảnh báo sớm dựa trên 5G hỗ trợ khả năng ứng phó nhanh cho cơ quan quản lý và người dân với các tình huống khẩn cấp như ngập lụt và hạn hán.
5G thúc đẩy việc sử dụng năng lượng xanh. Hệ thống quản lý năng lượng thông minh, kết nối với hàng triệu thiết bị trong thành phố, sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng, giảm thiểu tiêu thụ điện. Việc sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo trở nên dễ dàng hơn. Các tấm pin năng lượng mặt trời được kết nối với mạng lưới điện thông minh, tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời.
5G góp phần xây dựng một thành phố an toàn. Hệ thống camera giám sát thông minh, kết hợp với trí tuệ nhân tạo AI trên hạ tầng 5G, sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn tội phạm hiệu quả. Với sự phát triển của AI, VR/AR, nhận dạng hình ảnh độ nét cao và các Công Nghệ 4.0 khác, các thiết bị giám sát trên khắp thành phố ngày càng được trang bị nguồn cấp dữ liệu độ nét cao và Công Nghệ thông minh.
Hiện nay, Viettel Solutions đang tiên phong triển khai hơn 40 hệ thống trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại các tỉnh thành trên cả nước. IOC đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần giúp cho việc điều hành, chỉ đạo của các địa phương được minh bạch, có các bộ KPI giám sát để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.
Bên cạnh đó, IOC cũng giúp cho các địa phương đạt được các giải thưởng trong nước và quốc tế về thành phố thông minh, góp phần nâng hạng trong các báo cáo, xếp hạng về chuyển đổi số, Công Nghệ thông tin.
Đến nay, với việc thương mại hoá 5G phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học, Viettel sẵn sàng cung cấp một hệ sinh thái 5G2B cho thành phố thông minh, giúp khai phóng tiềm năng số, thúc đẩy sự đổi mới trên hạ tầng siêu kết nối 5G để tối ưu hóa quản lý, tự động hóa quy trình, an toàn bảo mật, hướng tới mục tiêu kiến tạo hạ tầng số, xã hội số và cuộc sống số.
Có thể nói, với 5G2B, thành phố thông minh thực sự trở thành nơi mà Công Nghệ phục vụ con người. Trong tương lai, hệ thống đô thị thông minh được vận hành trên nền tảng hạ tầng 5G sẽ thu thập, giám sát nhiều loại thông tin khác nhau và đưa ra hành động quản lý điều hành phù hợp tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
PV
Khúc xương đùi dưới của loài chim khổng lồ được tìm thấy bởi một quản lý bảo tàng ở sa mạc Tatacoa giàu hóa thạch của Colombia cách đây 20 năm, nhưng giới chuyên gia không nhận ra nó thuộc về chim khủng bố cho tới năm 2023. Năm nay, các nhà nghiên cứu tạo ra mô hình 3D của mẫu vật, sử dụng máy scan di động, cho phép họ phân tích hóa thạch kỹ hơn. “Chúng ta đang nói về một loài cao hơn 2,5 m và nặng hơn 150 kg”, Newsweek hôm 4/11 dẫn lời tác giả nghiên cứu là Federico Javier Degrange ở Trung tâm nghiên cứu khoa học Trái Đất tại Argentina.
Phorusrhacid, thường được biết tới với tên gọi “chim khủng bố” thuộc một họ chim ăn thịt từ cỡ vừa tới cực lớn đã tuyệt chủng. Chúng là động vật ăn thịt đầu bảng trong thời gian dài ở Đại Tân sinh cách đây 66 triệu năm. Loài chim này chủ yếu được tìm thấy ở phía nam Nam Mỹ, có cơ thể thuôn dài và thích nghi độc đáo để chạy trên mặt đất. Chiếc mỏ ngoại cỡ của chúng và cấu tạo hộp sọ cho thấy chúng là động vật săn mồi hiệu quả. Theo Siobhán Cooke, phó giáo sư giải phẫu chức năng và tiến hóa ở Trường Y Đại học Johns Hopkins, chim khủng bố sống trên mặt đất, có các chi thích nghi để chạy bộ và chủ yếu ăn động vật khác.
Trong bài báo công bố trên tạp chí Papers in Palaeontology, nhóm nghiên cứu xác định khúc xương hóa thạch là bằng chứng đầu tiên về một loài chim khủng bố lớn từ giữa thế Trung Tân (khoảng 11,6 – 16 triệu năm trước) ở mỏ hóa thạch tại trung tâm Colombia. Dù mẫu vật chỉ bao gồm một mảnh xương đùi dưới gọi là xương chày trái, kích thước của nó khiến các nhà nghiên cứu suy đoán đây là một trong những loài chim khủng bố lớn nhất từng tồn tại, có thể nặng hơn 154 kg. Hóa thạch này là bằng chứng ở gần phương bắc nhất của chim khủng bố ở Nam Phi từ trước tới nay.
Nhóm nghiên cứu ước tính con vật lớn hơn 5 – 20% so với các loài chim khủng bố đã biết, cao 1 – 3 m dựa trên hóa thạch đã phát hiện trước đây. Tuy nhiên, vật liệu di truyền hạn chế khiến họ không thể xác định loài mới thuộc chi nào. Điều đặc biệt là hóa thạch có dấu răng nhiều khả năng thuộc về một loài cá sấu đã tuyệt chủng tên purussaurus có thể dài hơn 9 m. Do đó, các chuyên gia nghi ngờ con chim khủng bố chết do vết thương gây ra bởi cá sấu.
An Khang (Theo Newsweek)