Lưu trữ Danh mục: Tin Tức Công Nghệ

Công cụ khai thác lỗ hổng được rao giá triệu USD

Thống kê số lượng các tin đăng mua bán công cụ khai thác lỗ hổng. Ảnh: Kaspersky

Theo báo cáo công bố ngày 11/10 của hãng bảo mật Kaspersky, trong thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 9/2024, hãng ghi nhận 547 tin đăng quảng cáo mua hoặc bán công cụ exploit, trong đó số lượng có xu hướng đi lên trong năm 2024.

Exploit chỉ các công cụ được sử dụng để khai thác lỗ hổng phần mềm, thường được tội phạm mạng mua bán để thực hiện hành vi bất hợp pháp như truy cập trái phép hoặc đánh cắp dữ liệu. Chúng được rao trên nhiều diễn đàn web đen và các kênh ẩn danh của Telegram.

Kaspersky cho biết 51% số bài đăng được ghi nhận nhắm đến việc khai thác các lỗ hổng zero-day hoặc one-day. Zero-day là lỗ hổng chưa được biết đến trước đó và chưa có bản vá, còn one-day là lỗ hổng đã được phát hiện và khắc phục, nhưng hệ thống chưa cài đặt bản cập nhật.


Thống kê số lượng các tin đăng mua bán công cụ khai thác lỗ hổng. Ảnh: Kaspersky

Thống kê số lượng tin mua bán công cụ khai thác lỗ hổng. Ảnh: Kaspersky

Theo các chuyên gia, có nhiều công cụ exploit khác nhau, nhưng phổ biến nhất là công cụ nhắm đến lỗ hổng cho phép tấn công từ xa (RCE – Remote Code Execution) và nhắm đến lỗ hổng nâng cấp quyền (LPE – Local Privilege Escalation). Trong báo cáo, giá trung bình của công cụ nhắm đến RCE khoảng 100.000 USD, trong khi mã khai thác LPE khoảng 60.000 USD. RCE được đánh giá nguy hiểm hơn vì kẻ tấn công có thể chiếm quyền điều khiển một phần hoặc toàn bộ hệ thống, hay truy cập dữ liệu bảo mật.

Tháng 5 là giai đoạn thị trường nhộn nhịp nhất, với hơn 50 giao dịch xuất hiện, gấp đôi mức trung bình trước đó. “Biến động của thị trường không thể đoán trước và rất khó liên kết với các sự kiện cụ thể”, Anna Pavlovskaya, chuyên gia phân tích cấp cao tại Kaspersky Digital Footprint Intelligence, cho biết.

Theo bà, công cụ có thể nhắm đến bất kỳ chương trình, phần mềm nào, trong đó một mã khai thác zero-day của một phần mềm nổi tiếng đã được rao giá hai triệu USD trong tháng 5 và là giao dịch giá trị cao nhất được ghi nhận.

Tuy nhiên, chuyên gia của Kaspersky cũng nhấn mạnh yếu tố hiệu quả, khi các công cụ exploit nói trên chưa được xác minh, có thể là “hàng giả” để hacker lừa đảo lẫn nhau, hoặc sản phẩm chưa hoàn chỉnh và không hoạt động như quảng cáo.

“Phần lớn giao dịch diễn ra dưới dạng ngầm cũng khiến việc đánh giá quy mô thực sự của thị trường trở nên vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, thị trường exploit vẫn luôn tồn tại và mối đe dọa luôn hiện hữu”, bà Pavlovskaya nói.


Ảnh: Kaspersky

Ảnh: Kaspersky

Tại sự kiện Security Bootcamp 2024 đầu tháng 10 ở Hà Nội, chuyên gia Trần Cung của Viettel Cyber Security cũng chia sẻ thống kê cho thấy khai thác lỗ hổng là kỹ thuật phổ biến nhất trong tấn công giành quyền truy cập vào hệ thống. Trong 6 tháng đầu năm tại Việt Nam, các cuộc tấn công thông qua khai thác lỗ hổng trên ứng dụng và hệ thống công khai chiếm 60,4%, cao gấp ba lần phương thức thứ hai là dùng tài khoản hay phát tán mã độc qua USB. Theo ông, các lỗ hổng phổ biến ở Việt Nam tồn tại trên một số phần mềm như Microsoft Exchange, Confluence, FortiNAC.

Để đối phó, bà Pavlovskaya cho biết cần thường xuyên thực hiện việc đánh giá bảo mật để xác định và vá lỗ hổng trước khi kẻ xấu lợi dụng. Ngoài ra, các đơn vị cần rà soát an ninh mạng, giám sát các tài sản kỹ thuật số có xuất hiện trên các diễn đàn tội phạm mạng.

Lưu Quý



Robot thất nghiệp

Robot hình người lắp ráp xe cho BMW có thế hệ thứ hai

Nhiều giám đốc điều hành ở Mỹ cho biết nhu cầu sử dụng robot sản xuất không còn cao như ngay sau Covid-19, giai đoạn thiếu nhân lực và người lao động đòi tăng lương. Hiện nay, thị trường lao động phục hồi nhưng đơn đặt hàng giảm do ảnh hưởng kinh tế khiến nhiều máy móc tự động hóa “thất nghiệp, xếp xó”.

Số liệu của Hiệp hội Tự động hóa Tiên tiến (AAA) cho thấy đơn hàng robot nhà máy ở Bắc Mỹ năm 2023 giảm gần một phần ba so với năm trước đó và tiếp tục giảm mạnh trong sáu tháng đầu năm nay.

Paul Marcovecchio, Giám đốc công ty sản xuất thiết bị cho ngành công nghiệp ôtô Kawasaki Robotics, cho biết: “Các nhà máy từng mua nhiều robot vì sợ thiếu nhân lực nhưng giờ thấy không còn cần thiết”.

Robot hình người lắp ráp xe cho BMW có thế hệ thứ hai

 
 
Robot hình người lắp ráp xe cho BMW có thế hệ thứ hai

Robot hình người Figure 02 lắp ráp xe BMW. Video: Figure AI

Trên lý thuyết, robot là lựa chọn hợp lý cho những công việc đòi hỏi thể lực và tính tuần hoàn. Chúng có thể làm việc liên tục, không bị thương hay đòi nghỉ việc hoặc tăng lương.

Chủ tịch Jack Schron của nhà sản xuất linh kiện Jergens (Mỹ) cho rằng doanh nghiệp chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt nhưng không tính toán đến sự lâu dài, bởi chi phí bảo trì, lập trình cho những nhiệm vụ phức tạp của robot rất đắt. Hậu quả là những nhà máy mua quá nhiều robot hậu đại dịch sớm nhận ra tự động hóa không hoàn mỹ như tưởng tượng.

“Ứng dụng tự động hóa trong sản xuất không biến mất nhưng đang chậm lại”, ông Schron nói.

Bên cạnh đó, người lao động nhận ra được vị thế của mình bị đe dọa bởi tự động hóa nên đình công, buộc doanh nghiệp tăng lương và đảm bảo việc làm cho nhân công. Điều này làm xói mòn vị thế của robot trong nhà máy.

Nền kinh tế khó khăn cũng khiến doanh nghiệp kén chọn trong các khoản đầu tư. Lãi suất cao cùng nhu cầu thị trường yếu khiến các công ty mất nhiều thời gian mới có thể thu hồi khoản đầu tư vào robot.

Ví dụ, hãng Athena Manufacturing có trụ sở tại Austin, Texas mua 7 robot vào năm 2021 và 2022 khi thiếu công nhân làm đơn hàng bán dẫn, hàng không vũ trụ và năng lượng. Nhưng khi khối lượng sản xuất giảm 20% so với năm 2022, hãng chỉ mua thêm một robot trong năm nay. John Newman, Giám đốc của Athena Manufacturing, nói: “Robot vẫn được sử dụng nhưng không nhiều như thời kỳ Covid-19 và hậu đại dịch”.

Ngày nay, tìm kiếm lao động lành nghề vẫn còn khó khăn nhưng nhu cầu thị trường giảm khiến nhà máy không tuyển dụng nhiều nhân công như trước. Theo dữ liệu khảo sát của Cục thống kê Mỹ do giáo sư Jason Miller của Đại học bang Michigan cung cấp, chỉ 21% nhà máy sản xuất nhận định việc thiếu lao động cản trở sản xuất toàn diện trong quý II/2024, giảm so với mức 45% cùng kỳ năm 2022, dẫn đến việc không cần mua robot bù đắp vào tình trạng thiếu lao động.


Nhiều nhà máy tại Mỹ đang hạn chế sử dụng robot vào sản xuất bởi phí bảo trì lớn trong khi đơn hàng giảm, doanh thu sụt giảm. Ảnh: Freepik

Sử dụng robot tại một kho hàng. Ảnh: Freepik

Công nghiệp ôtô là ngành sử dụng nhiều robot nhất Bắc Mỹ. Tuy nhiên, theo báo cáo của AAA, đơn đặt hàng robot trong quý II/2024 của ngành giảm 20% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là một số đơn vị dừng sản xuất xe điện, doanh số sụt giảm mạnh, gây tình trạng robot “thất nghiệp”.

Chủ tịch Bill Adler của hãng cung ứng Stripmatich Products từng lên kế hoạch tự động hóa mảng hàn laser cho khung xe điện. Nhưng hiện ông lại thuê nhân công vì số đơn đặt hàng xe điện chỉ bằng 1/4 so với dự kiến, việc chi nhiều tiền cho tự động hóa trở nên bất hợp lý.

Giám đốc Scott Marsic của nhà sản xuất Robot Epson cho biết: “Xe điện được ưa chuộng ở giai đoạn đầu ra mắt, nhưng nay sự quan tâm không như kỳ vọng khiến doanh số robot cũng giảm theo”. Theo ông, nhu cầu robot vẫn có thể phục hồi sau khi lãi suất tại Mỹ giảm, khiến mức giá của sản phẩm này rẻ hơn.



Mạng 5G sẵn sàng: Chưa biết cách kích hoạt 5G trên Android và iPhone thì hãy làm theo hướng dẫn này

Mạng 5G sẵn sàng: Chưa biết cách kích hoạt 5G trên Android và iPhone thì hãy làm theo hướng dẫn này- Ảnh 1.

Mạng 5G sẵn sàng: Chưa biết cách kích hoạt 5G trên Android và iPhone thì hãy làm theo hướng dẫn này- Ảnh 1.

Nhà mạng Viettel thông báo khai trương mạng 5G thương mại tại Việt Nam từ ngày 15/10. Theo đó, người dùng trong nước đã có thể tiếp cận công nghệ di động tiên tiến này, tận hưởng tốc độ truyền tải nhanh (với tốc độ lý thuyết có thể lên tới 10Gbps) và độ trễ thấp hơn hẳn so với 4G.

Mạng 5G sẵn sàng: Chưa biết cách kích hoạt 5G trên Android và iPhone thì hãy làm theo hướng dẫn này- Ảnh 2.

Mạng 5G thương mại đầu tiên sắp ra mắt.

Khách hàng nào có thể sử dụng 5G?
Tại Việt Nam, hiện có 3 nhà mạng đang cung cấp mạng 5G là MobiFone, VinaPhone và Viettel.  Người dùng cần có thuê bao của 3 nhà mạng này, sử dụng điện thoại hỗ trợ 5G, ở khu vực có sóng. Ngoài ra, điều kiện tiếp theo đó là sử dụng SIM từ 4G trở lên (không cần đổi SIM 5G).
Cuối cùng, người dùng cần đăng ký gói 5G hoặc được nhà mạng tự động cho phép dùng 5G (trên màn hình hiện thị sóng 5G).

Điện thoại nào hỗ trợ 5G?
Hiện tại, nhà mạng Viettel đã hỗ trợ 5G cho rất nhiều mẫu điện thoại Android. Các thiết bị đó bao gồm: Nokia 8.3 5G có ký tự IMEI bắt đầu 35313711.

OPPO Find X2, X2 Pro có IMEI bắt đầu là 86425804 hoặc 86086904.

Xiaomi Mi 10T Pro 5G có IMEI bắt đầu là 86622805 hoặc 86720805.

Poco F2 Pro có IMEI bắt đầu là 86693404 hoặc 86406404.

Và Huawei P40, P40 Pro, P40 Pro+.

Cách kích hoạt 5G trên Android và iPhone.
Đối với điện thoại Android:

Kích hoạt 5G trên điện thoại OPPO

Bước 1: Vào “Cài đặt” -> chọn “SIM kép và mạng di động” -> sau đó tiếp tục chọn mục “Thông tin SIM và Cài đặt”.
Bước 2: Trong mục “Thông tin SIM và Cài đặt” -> hãy chọn “SIM 1 (hoặc SIM 2)” -> tìm đến mục “Cài đặt mạng” -> chọn mục “Kiểu mạng ưu tiên” -> Chọn 5G/4G/3G/2G (Tự động).

Kích hoạt 5G trên điện thoại Xiaomi

Bước 1: Trong cách kích hoạt 5G trên Android và iPhone đối với điện thoại Xiaomi các bạn cần vào “Cài đặt”-> chọn “Sim và mạng di động” -> tiếp tục chọn mục “Loại mạng ưu tiên”.

Bước 2: Tại giao diện “Loại mạng ưu tiên” -> chọn “Ưu tiên kết nối 5G” là xong. 

Lưu ý: kích hoạt chế độ 5G của từng máy sẽ khác nhau, tuy nhiên đều được thực hiện trong mục “Cài đặt thiết bị”.

Mạng 5G sẵn sàng: Chưa biết cách kích hoạt 5G trên Android và iPhone thì hãy làm theo hướng dẫn này- Ảnh 3.

Kích hoạt 5G trên một máy Android khác.

Kích hoạt 5G trên iPhone

Bước 1: Truy cập vào Cài đặt (Settings).
Bước 2: Chọn Di động (Cellular).
Bước 3: Tiếp tục vào Tùy chọn dữ liệu di động (Cellular Data Options).
Bước 4: Tại đây, chọn Thoại và Dữ liệu (Voice & Data).
Bước 5: Bạn sẽ thấy các tùy chọn
5G Auto (5G tự động): Tự động sử dụng 5G khi cần thiết để tối ưu hóa thời lượng pin.
5G On (5G bật): Sử dụng 5G bất cứ khi nào có sẵn

Các gói cước 5G : Hiện Viettel cung cấp 11 gói trả trước và 8 gói trả sau dành cho 5G

Giá gói cước 5G từ 135.000 đồng/tháng. Trong đó, dung lượng khủng với gói trả trước lớn nhất là 20GB/ngày, tương đương 600 GB/tháng, gấp 2-3 lần các gói tương đương hiện tại.

Ngoài ra, người dùng có thể chọn mua chỉ gói 5G data, hoặc gói combo cả nghe gọi, data kèm theo miễn phí các nội dung 5G cao cấp. Hoặc gói 5G đặc biệt, có thêm miễn phí data vào Liên Quân cho game thủ.

Bên cạnh Viettel, MobiFone cho biết, nhà mạng cũng đang chuẩn bị thương mại hóa 5G và dự kiến cung cấp dịch vụ từ tháng 11. Trong khi đó, nhà mạng Vinaphone sẽ tổ chức thử nghiệm 5G từ 13/10 đến 15/11, tặng 50 GB data trong 30 ngày cho người dùng điện thoại 5G ở khu vực có sóng.

Điều gì xảy ra khi không tắt máy tính Windows thời gian dài?

Minh họa về nút tắt máy tính trên laptop Windows. Ảnh: XDA-Developers

Nhiều người có thói quen không tắt máy tính Windows, nhất là laptop, vì sự tiện lợi. Khi không tắt, máy luôn ở trạng thái sẵn sàng, không phải đợi 20-30 giây để khởi động. Một lý do khác là khả năng truy cập từ xa. Khi máy bật, chủ nhân của nó có thể vào lấy dữ liệu từ bất cứ đâu, miễn là thiết bị có kết nối Internet.


Minh họa về nút tắt máy tính trên laptop Windows. Ảnh: XDA-Developers

Biểu tượng nút tắt máy tính trên laptop Windows. Ảnh: XDA-Developers

Các thử nghiệm

Nếu không sử dụng, hệ điều hành sẽ đưa máy tính vào Chế độ Chờ (Standby) hoặc Chế độ Ngủ (Sleep). Khi đó, máy chuyển sang trạng thái năng lượng thấp, tức tiêu thụ rất ít điện và tỏa ra ít nhiệt.

Trang How-to-Geek thử không tắt máy trong một tuần và nhận thấy thiết bị chạy Windows 10 không gặp sự cố lớn nào về hiệu suất hay hỏng hóc. Hai vấn đề gặp phải là khi mở tệp RAR, ứng dụng giải nén bị “sập” và phải khởi động lại; và các trò chơi yêu cầu tài nguyên máy tính cao bị giật lag hơn bình thường, có thể do chúng mất nhiều thời gian hơn để tải tài nguyên vào RAM.

Trong khi đó, Hampshire.edu thực hiện việc không tắt PC và laptop Windows trong một tháng. Sau thời gian đó, PC ban đầu “không hoạt động được như bình thường”, còn laptop đã hết pin trước khi thử nghiệm kết thúc.

Những vấn đề khi không tắt máy

Khi không tắt, nhất là PC, tiền điện có thể tăng do ở chế độ chờ, máy vẫn có thể tiêu thụ từ 40 W đến 100 W điện. Vấn đề tiếp theo liên quan đến độ bền, do máy vẫn hoạt động ở mức nhất định, từ đó sản sinh ra nhiệt, gây ra trục trặc về hiệu suất, khiến tuổi thọ linh kiện giảm và thậm chí hư hỏng phần cứng.

“Hãy tưởng tượng PC của bạn như một vận động viên tham gia cuộc chạy với đường đua vô tận. Sẽ đến lúc, vận động viên mệt mỏi và dừng lại nếu chạy liên tục”, TechNext24 ví von.

Khi bật liên tục, máy tính cũng dễ bị hacker xâm nhập hơn. Nó có thể bỏ lỡ các bản cập nhật và bản vá quan trọng, khiến hệ thống dễ bị nhiễm phần mềm độc hại, virus và các mối đe dọa kỹ thuật số khác.

Trên thực tế, việc chạy nhiều ứng dụng và quy trình cùng lúc mà không có thời gian nghỉ và tắt hợp lý có thể dẫn đến tình trạng cạn kiệt bộ nhớ và tài nguyên. Nhiều lỗi nhỏ cũng được khắc phục đơn giản bằng cách khởi động lại thiết bị.

“Tóm lại, nên tắt máy nếu không sử dụng trong một khoảng thời gian đủ dài”, TechNext24 khuyến cáo. “Trong khi đó, chế độ Chờ là lựa chọn tốt nếu người dùng cần sử dụng lại máy tính trong thời gian ngắn, vì khi đó họ có thể đánh thức thiết bị nhanh chóng, không cần khởi động lại mọi thứ”.

Bảo Lâm



Thương mại điện tử Việt Nam có diễn biến mới, hứa hẹn gay cấn

Thương mại điện tử Việt Nam có diễn biến mới, hứa hẹn gay cấn- Ảnh 1.

Chương trình tiếp thị liên kết YouTube Shopping có các tính năng gồm: tab cửa hàng trên kênh; gắn thẻ sản phẩm trong Video Shorts và Livestream hoặc kệ sản phẩm trong cửa hàng của bạn; ghim sản phẩm trong sự kiện phát trực tiếp.

Với các tính năng này, người dùng có thể kết nối cửa hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee với YouTube để giới thiệu sản phẩm, gắn link sản phẩm của các thương hiệu khác trong nội dung và xem số liệu phân tích của YouTube để biết hiệu suất của những sản phẩm được gắn thẻ.

Theo các chuyên gia thương mại điện tử, đây sẽ là cơ hội để nhà sáng tạo nội dung và nhà bán hàng có thêm địa điểm hoạt động, tăng nguồn thu và không bị phụ thuộc vào một nền tảng duy nhất.

Theo KOL Nguyễn Quyết, việc YouTube triển khai tính năng tương tự gắn giỏ hàng ở TikTok sẽ giúp người dùng mua sắm tiện lợi hơn, bởi không cần rời khỏi video để tìm kiếm sản phẩm.

Thương mại điện tử Việt Nam có diễn biến mới, hứa hẹn gay cấn- Ảnh 1.

YouTube ra mắt YouTube Shopping tại Việt Nam

“Sự kết hợp giữa YouTube và Shopee sẽ giúp tăng sức cạnh tranh và kéo thêm người dùng. Dự báo đây là xu thế sẽ được các nền tảng mạng xã hội triển khai rộng rãi trên toàn cầu để tiếp cận người xem và nhà bán hàng tốt hơn” – ông Quyết nhìn nhận.

Trước đó, hãng tin Reuters đưa tin YouTube và nền tảng thương mại điện tử Shopee ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Indonesia với tên gọi là YouTube Shopping, đồng thời có kế hoạch mở rộng sang khu vực Đông Nam Á. YouTube Shopping cũng đã hoạt động tại Hàn Quốc và Mỹ.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Công ty phân tích và tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI, trong quý II/2024, người tiêu dùng chi 87.370 tỉ đồng mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn ở Việt Nam gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki; tăng 10,4% so với quý I/2024.

Trong đó, riêng tổng giao dịch của Shopee đạt 62.380 tỉ đồng, chiếm đến 71,4% thị phần; xếp thứ hai là TikTok Shop với 19.240 tỉ đồng, tương đương 22%.

Tổng giao dịch của hai sàn còn lại là Lazada và Tiki lần lượt đạt 5.160 tỉ đồng (5,9%) và 584 tỉ đồng (0,7%).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng giao dịch của Shopee đạt 116.120 tỉ đồng, chiếm 69,7%; còn Tiktok là 37.600 tỉ đồng, chiếm 22,6%.

Tính riêng sự kiện Ngày đôi 10-10, trên TikTok Shop ghi nhận gần 20 triệu lượt xem livestream với 10 triệu người tiêu dùng xem và mua hàng thông qua các phiên live, theo dữ liệu của hệ thống đánh giá độc quyền Stickler Livescore.

Với sự tăng trưởng ấn tượng của TikTok Shop, thị trường bán lẻ trực tuyến đang là “sân chơi” của Shopee và TikTok Shop. Động thái Shopee bắt tay với YouTube cho thấy “cuộc chiến” giữa hai nền tảng ngày càng gay cấn.

Android 16 sẽ hỗ trợ đa nhiệm kiểu mới

Robot biểu tượng của hệ điều hành Android với số 16. Ảnh: Android Authority

Sau khi phân tích mã nguồn, chuyên gia Mishaal Rahman của Android Authority nhận thấy Android 16 có thể sẽ cải tiến API bong bóng, được giới thiệu lần đầu năm 2020 với Android 11. API này cho phép đặt các ứng dụng nhắn tin vào một cửa sổ nổi trên các ứng dụng khác. Khi thu nhỏ đoạn chat, nó trở thành biểu tượng bong bóng và có thể truy cập nhanh khi cần.


Robot biểu tượng của hệ điều hành Android với số 16. Ảnh: Android Authority

Robot biểu tượng của hệ điều hành Android với số 16. Ảnh: Android Authority

Ở thế hệ Android hiện tại, API bong bóng chỉ hoạt động với ứng dụng chat. Tuy nhiên, Rahman đã phát hiện những tham chiếu đến Bubble Anything (bong bóng bất cứ thứ gì) và thử nghiệm thành công cơ chế này trên Android 15 QPR1 beta.

Khi Bubble Anything được kích hoạt trong bản beta, Pixel Launcher sẽ thêm nút Bubble vào menu. Menu xuất hiện mỗi khi người dùng nhấn giữ biểu tượng ứng dụng trên màn hình chính và tùy chọn Bubble trong menu sẽ mở app dưới dạng bong bóng.

Bubble cũng được tích hợp vào thanh điều hướng, nơi các ứng dụng có thể được đặt trong một thư mục riêng để người dùng có thể nhấn vào và thoát ra nhanh chóng. Trong khi đó, tính năng Bubble Stashing đẩy biểu tượng bong bóng gọn sang bên cạnh màn hình và có thể được kéo ra để truy cập nhanh.

Rahman đánh giá những tính năng này sẽ hoạt động hiệu quả trên máy tính bảng Android nhờ kích thước lớn. Với smartphone, khả năng bung bất kỳ ứng dụng nào và lưu trữ những bong bóng đó trong thanh điều hướng hoặc bên cạnh màn hình để dễ truy cập cũng đem lại sự thuận tiện trong quá trình sử dụng.

Không phải thử nghiệm nào cũng sẽ thành hiện thực, nhưng một số trang công nghệ dự đoán tính năng Bubble Anything sẽ được triển khai trên Android 16.

Huy Đức



Blockchain và những bước đột phá trong ứng dụng thực tế

Blockchain và những bước đột phá trong ứng dụng thực tế- Ảnh 1.

Blockchain và những bước đột phá trong ứng dụng thực tế- Ảnh 1.

Ban đầu được biết đến như nền tảng hỗ trợ cho các loại tiền điện tử như Bitcoin hay Ethereum, công nghệ Blockchain nay đã len lỏi vào nhiều lĩnh vực khác nhau, chứng minh khả năng linh hoạt của mình.

Theo thống kê của Statista, thị trường blockchain có thể đạt 1.200 tỷ USD vào năm 2030, trong đó chiếm một tỷ lệ lớn là các dạng tài sản mã hoá và hoạt động liên quan. Còn theo dữ liệu do công ty nghiên cứu blockchain Chainalysis công bố hồi tháng Ba, Việt Nam là một trong 8 nước có lợi nhuận từ tiền số đạt trên một tỷ USD.

Những con số khổng lồ và khả năng ứng dụng thực tiễn đang khiến blockchain trở thành xu hướng, mang lại tiềm năng lớn trong việc đổi mới cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp, từ tài chính, truyền thông, đến y tế và giải trí. Hiện nay, blockchain đang được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính, y tế và quản lý dữ liệu, tạo ra những bước tiến vượt bậc trong quá trình chuyển đổi số.

Tại Việt Nam, Ninety Eight là thương hiệu nổi bật hàng đầu trong lĩnh vực blockchain. Từ một cộng đồng đầu tư, nay Ninety Eight đã mở rộng thành hệ sinh thái toàn cầu. Được xây dựng từ 2017 Ninety Eight (tiền thân là Coin98) đã nhanh chóng trở thành điểm đến cho những ai quan tâm đến nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain.

Bước ngoặt quan trọng vào năm 2019 đã giúp ông Nguyễn Thế Vinh và ông Lê Thanh, hai nhà sáng lập Ninety Eight, tái cấu trúc doanh nghiệp để xây dựng một hệ sinh thái blockchain đa dạng với hơn 9 triệu người dùng trên toàn cầu tính cho đến thời điểm hiện tại.

Ninety Eight không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ ví tiền mã hóa như Coin98 AI Super Wallet mà còn phát triển nhiều sản phẩm hỗ trợ, bao gồm OneID và Zen Card Hardware Wallet. Công ty còn tiên phong trong việc áp dụng công nghệ blockchain vào đời sống thực tế, như việc sử dụng NFT Ivy để làm vé tham dự các sự kiện của cộng đồng Upside.

Blockchain và những bước đột phá trong ứng dụng thực tế- Ảnh 2.

Nỗ lực này nhằm mang lại những trải nghiệm mới và giúp người dùng thấy rõ giá trị thực tiễn của blockchain, đồng thời thúc đẩy vị thế của Việt Nam trên bản đồ blockchain thế giới. Đây là những bước đệm quan trọng giúp đại chúng làm quen với công nghệ blockchain, không bị bất ngờ khi công nghệ này được áp dụng rộng rãi, đơn cử như những khía cạnh sau đây.

1. Tài chính và Ngân hàng (DeFi)

Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp tài chính phi tập trung (DeFi). Một trong những ứng dụng nổi bật là việc hỗ trợ các giao dịch chuyển tiền quốc tế.

Blockchain và những bước đột phá trong ứng dụng thực tế- Ảnh 3.

Công nghệ Blockchain đang ngày càng được triển khai ứng dụng nhiều hơn vào lĩnh vực tài chính số – Ảnh: Trọng Đạt/Vietnamnet.

Nhờ vào blockchain, thời gian và chi phí cho các giao dịch xuyên biên giới được giảm đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân. Ngoài ra, hợp đồng thông minh (smart contracts) giúp tự động hóa các giao dịch tài chính mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba, đảm bảo tính minh bạch và an toàn.

Việc quản lý tài sản kỹ thuật số như tiền điện tử và NFT cũng được bảo mật hơn, giúp người dùng dễ dàng lưu trữ và giao dịch những tài sản này một cách an toàn.

2. Truyền thông và Quảng cáo

Trong ngành truyền thông và quảng cáo, blockchain mang lại giải pháp cho việc quản lý quyền tác giả và quyền lợi. Công nghệ này giúp bảo vệ quyền tác giả, đảm bảo rằng doanh thu được chia sẻ một cách công bằng giữa các nhà sáng tạo nội dung.

Blockchain và những bước đột phá trong ứng dụng thực tế- Ảnh 4.

Story Protocol – dự án blockchain do Ninety Eight phát triển, dành riêng cho sản phẩm sở hữu trí tuệ – Ảnh: Ninety Eight.

Ngoài ra, blockchain cũng đảm bảo tính minh bạch trong việc phân phối quảng cáo, giúp giảm thiểu gian lận và tạo lòng tin cho các doanh nghiệp. Điều này không chỉ cải thiện hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo mà còn mang lại lợi ích cho cả người dùng và nhà quảng cáo.

3. Quản lý dữ liệu và định danh điện tử

Blockchain và những bước đột phá trong ứng dụng thực tế- Ảnh 5.

OneID là giải pháp danh tính kỹ thuật số multi-chain được xây dựng trên blockchain Viction và phát triển bởi Ninety Eight – Ảnh: Ninety Eight.

Blockchain còn được ứng dụng trong việc quản lý dữ liệu và nhận dạng số. Với công nghệ này, danh tính số (digital identity) của người dùng có thể được tạo ra và quản lý một cách an toàn, giúp họ kiểm soát thông tin cá nhân khi tham gia các giao dịch trực tuyến.

Điều này làm giảm rủi ro bị lộ thông tin hoặc giả mạo danh tính. Bên cạnh đó, blockchain còn giúp lưu trữ và chia sẻ dữ liệu một cách an toàn, minh bạch, đảm bảo dữ liệu khó bị tấn công hoặc thay đổi.

4. Y tế

Theo báo cáo của Grand View Research, quy mô thị trường công nghệ Blockchain toàn cầu đạt 5,92 tỷ USD vào năm 2021, khoảng 7,18 tỷ USD năm 2022 và ước đạt 163,83 tỷ USD vào năm 2029. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi sự xuất hiện của công nghệ blockchain trong chăm sóc sức khỏe, y tế đang ngày một tăng lên.

Nhờ tính bảo mật cao, hồ sơ y tế được đảm bảo an toàn trong quá trình trao đổi thông tin, đồng thời vẫn đảm bảo quyền riêng tư của bệnh nhân.

Blockchain cũng được ứng dụng trong việc theo dõi chuỗi cung ứng thuốc, giúp đảm bảo nguồn gốc và chất lượng của các sản phẩm y tế, từ đó giảm thiểu rủi ro thuốc giả trong thị trường.

5. Trò chơi và Giải trí

Ngành trò chơi và giải trí cũng đang khai thác những tiềm năng của blockchain thông qua việc sử dụng NFT (Non-Fungible Tokens) và Metaverse.

NFT giúp cho các nghệ sĩ và người sáng tạo nội dung có thể quản lý quyền sở hữu đối với các sản phẩm số của mình, mang lại sự bảo vệ và giá trị cao hơn cho các tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, blockchain còn hỗ trợ xây dựng nền kinh tế ảo trong Metaverse, cho phép người dùng thực hiện các giao dịch tài sản số và sử dụng tiền tệ ảo trong thế giới ảo, mở ra một không gian trải nghiệm hoàn toàn mới.

Để phủ sóng blockchain, cần giải quyết những khó khăn trước mắt

Với khả năng bảo mật cao và tính phi tập trung, ít phụ thuộc, blockchain đang dần chứng minh khả năng của mình trong nền kinh tế số nói riêng và ngành công nghệ nói chung. Những ứng dụng từ tài chính, y tế, đến truyền thông và giải trí đã minh chứng cho tiềm năng thay đổi cách vận hành của nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thế nhưng, blockchain không phải là không có hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ này gặp phải nhiều khó khăn, nhất là khi khái niệm blockchain vẫn còn đang mơ hồ với quần chúng. Bên cạnh đó, khả năng tương tác với các hệ thống IT hiện có cũng là một thách thức lớn, do sự khác biệt về công nghệ và giao diện.

Ngoài ra, việc có sự đồng thuận trong cộng đồng người dùng blockchain là rất quan trọng để công nghệ này hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được, đặc biệt khi cần đưa ra quyết định về việc cập nhật hoặc thay đổi hệ thống. Về mặt pháp lý, việc tuân thủ các quy định hiện hành có thể rất phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực tài chính và y tế. Điều này có thể làm tăng chi phí và kéo dài thời gian triển khai các giải pháp blockchain.

Cuối cùng, việc bảo trì và cập nhật blockchain đòi hỏi nguồn lực lớn và sự am hiểu chuyên sâu, tạo ra áp lực lớn cho doanh nghiệp khi quyết định đầu tư vào công nghệ này.

Blockchain và những bước đột phá trong ứng dụng thực tế- Ảnh 6.

Ảnh: Top 5 thách thức blockchain – khảo sát APQC

Trong tương lai, khi công nghệ này tiếp tục được phát triển và hoàn thiện, chúng ta có thể kỳ vọng vào một hệ sinh thái công nghệ minh bạch và an toàn hơn. Đặc biệt, sự sáng tạo trong việc ứng dụng blockchain vào đời sống hàng ngày sẽ mang đến nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và người dùng. Sự phát triển của blockchain không chỉ mở ra kỷ nguyên mới trong công nghệ mà còn là động lực thúc đẩy sự tiến bộ toàn cầu.

Apple đầu tư chưa đủ, Indonesia không cho bán iPhone 16

Một người dùng đang cầm chiếc iPhone 16 Pro mới mua để chuyển dữ liệu, hôm 27/9. Ảnh: Lưu Quý

Đến ngày 12/10, iPhone 16 vẫn chưa xuất hiện trên trang web về TKDN của Bộ Công nghiệp Indonesia, đồng nghĩa sản phẩm chưa thể lên kệ tại thị trường này. TKDN là điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa của Indonesia, trong đó sản phẩm bán tại nước này phải có một tỷ lệ thành phần xuất xứ trong nước nhất định. Với sản phẩm điện tử như smartphone, tỷ lệ này tối thiểu 35%.

“iPhone 16 vẫn chưa thể vào thị trường Indonesia vì Apple đang trong quá trình lấy chứng chỉ TKDN, một trong những điều kiện nhập khẩu điện thoại”, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita nói ngày 8/10. Ông cho biết hãng điện thoại Mỹ từng có giấy phép, nhưng đã hết hạn và Indonesia đang yêu cầu gia hạn bằng việc bổ sung khoản đầu tư.

Theo báo chí địa phương, Apple cam kết đầu tư 1,71 nghìn tỷ IDR (110 triệu USD) và mới thực hiện 1,48 nghìn tỷ IDR, tức còn 240 tỷ INR (15,4 triệu USD).

“Sau khi họ tuân thủ, chúng tôi sẽ cấp giấy phép bán iPhone 16. Tất cả dựa trên sự công bằng cho các nhà đầu tư có cam kết cao vào Indonesia”, CNBC Indonesia dẫn lời ông Agus, cho rằng đây là khoản “tương đối nhỏ” so với những gì Apple có thể thu được từ thị trường gần 300 triệu dân này.

Theo Channelnewsasia, yêu cầu của Indonesia đã gây ra những ý kiến trái chiều từ người dùng trong nước. Nhiều người nói Apple và các công ty cần tuân thủ quy định khi hoạt động tại đây. Trong khi đó, số khác cho rằng quy định phức tạp cản trở việc tiếp cận công nghệ của người dùng, khiến họ phải mua iPhone 16 từ thị trường Singapore, Malaysia và mang lại lợi nhuận cho những nước đó.

Trang này dẫn chứng iPhone 16 tại Singapore có giá trung bình 1.000 USD, nhưng người dân Indonesia đang phải chi thêm 155 USD để sở hữu dưới dạng máy “xách tay”.


Một người dùng đang cầm chiếc iPhone 16 Pro mới mua để chuyển dữ liệu, hôm 27/9. Ảnh: Lưu Quý

Một người dùng đang cầm iPhone 16 Pro mới mua để chuyển dữ liệu, hôm 27/9 tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

“Apple muốn được ưu đãi như ở Việt Nam”

Có ba phương án để một hãng đạt điều kiện TKDN tại Indonesia, gồm có kế hoạch sản xuất thiết bị, kế hoạch sáng tạo ứng dụng, hoặc kế hoạch phát triển đổi mới sáng tạo trong nước. Apple chọn phương án thứ ba, thông qua xây dựng các học viện cho nhà phát triển.

Theo ông Agus, Apple “không nên chỉ thành lập học viện”, mà cần mở nhà máy hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển. Khi đó, hãng sẽ có tỷ lệ TKDN 40% và các sản phẩm dễ dàng vào thị trường. Apple là hãng điện thoại lớn duy nhất chưa có nhà máy ở Indonesia, trong khi Samsung và các công ty Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo đều đã sản xuất điện thoại tại đây.

Tuy nhiên, giải thích trên CNBC Indonesia, Budi Arie Setiadi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia cho biết Apple đề nghị được ưu đãi “tương tự họ đã nhận được tại Việt Nam”, trong đó có ưu đãi về thuế nếu đảm bảo cung cấp được hàng trăm nghìn việc làm.

Theo ông Budi, yêu cầu này “quá lớn” và có thể khiến các hãng khác đòi hỏi tương tự. “Điều đó không thể”, Budi nói.

Trả lời trang tin này ngày 11/10, Apple khẳng định “đã đầu tư đáng kể và tiếp tục phát triển” tại Indonesia. “Chúng tôi có cam kết lớn với Indonesia và rất nhiệt tình trong việc đưa ngay các sản phẩm mới nhất của mình, bao gồm iPhone 16 đến với khách hàng”, hãng này nói.

Trong chuyến thăm của CEO Tim Cook đến Indonesia hồi tháng 4, CEO Apple đã khai trương học viện thứ tư ở nước này tại Bali, đồng thời “cân nhắc thiết lập sản xuất”.

Khi thăm Việt Nam trước đó, Tim Cook cho biết Apple đã chi 400.000 tỷ đồng cho khoảng 150 nhà cung cấp tại Việt Nam từ 2019 tới nay, đồng thời cam kết mua nhiều hơn linh phụ kiện do đối tác sản xuất trong nước, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Hãng không có nhà máy sản xuất trực tiếp ở Việt Nam, nhưng thông qua hơn 70 nhà máy của đối tác sản xuất thiết bị gốc với hơn 250.000 lao động, chuyên cung cấp linh kiện điện tử như bảng điện, camera, màn hình và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm cho Apple.



Apple tiết lộ sự thật “gây sốc” về trí thông minh của các mô hình AI

Apple tiết lộ sự thật "gây sốc" về trí thông minh của các mô hình AI- Ảnh 1.

Apple tiết lộ sự thật "gây sốc" về trí thông minh của các mô hình AI- Ảnh 1.

Chứng kiến những khả năng độc đáo của các mô hình Ngôn ngữ lớn – các LLMs – công nghệ nền tảng cho những chatbot AI đình đám hiện nay như ChatGPT, Gemini và Copilot, nhiều người đang lo ngại về một tương lai u ám khi các cỗ máy này có thể suy nghĩ như con người. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu AI tại Apple lại không nghĩ vậy. Theo một nghiên cứu của họ mới được công bố, các LLMs hiện tại còn xa mới đạt tới khả năng suy luận như con người.

Thay vì các công cụ thông thường, người đứng đầu nghiên cứu này của Apple, ông Samy Bengio, đã sử dụng một công cụ mới có tên GSM-Symbolic. Phương pháp này được xây dựng dựa trên các tập dữ liệu như GSM8K, nhưng bổ sung thêm các mẫu ký hiệu phức tạp hơn để đánh giá hiệu năng AI.

Bài kiểm tra được các nhà nghiên cứu AI của Apple thực hiện đối với cả những mô hình mã nguồn mở như Llama của hãng Meta cũng như các mô hình độc quyền như dòng o1 mới của OpenAI. Kết quả cho thấy, ngay cả mô hình có điểm chuẩn cao nhất như o1 của OpenAI cũng không đạt được các kỹ năng suy luận thông thường.

Apple tiết lộ sự thật

Một bài toán đơn giản “Oliver hái được 44 quả kiwi vào thứ Sáu. Sau đó, cậu ấy hái được 58 quả kiwi vào thứ Bảy. Vào Chủ Nhật, cậu ấy hái được gấp đôi số quả kiwi mà anh ấy hái được vào thứ Sáu, Oliver có bao nhiêu quả kiwi?” Nhưng việc bổ sung một câu vu vơ “nhưng 5 quả trong số đó nhỏ hơn một chút so với mức trung bình” đã khiến cả 2 mô hình đều đưa ra các câu trả lời ngớ ngẩn.

Một điều thú vị mà nhóm nghiên cứu nhận thấy là khả năng trả lời câu hỏi của các mô hình này có thể dễ dàng bị phá hỏng chỉ với một số thay đổi nhỏ. Ví dụ họ chỉ cần thêm vào một câu vu vơ nào đó vào bài toán – một tinh chỉnh nhỏ nào đó – cũng có thể làm hỏng câu trả lời của hầu hết các mô hình, bao gồm cả o1 mới của OpenAI.

Trưởng nhóm dự án, ông Mehrdad Farajtabar, nhấn mạnh rằng ngay cả một thay đổi nhỏ như vậy cũng gây ra sự sụt giảm đáng kể về độ chính xác. Ông Farajtabar cho biết điều này sẽ không thể xảy ra trong suy luận của con người – việc thay đổi tên trong một bài toán không ảnh hưởng đến khả năng giải bài của học sinh. Tuy nhiên, đối với các mô hình AI này, những thay đổi như vậy dẫn đến sự sụt giảm độ chính xác từ 10% trở lên, gây ra những lo ngại nghiêm trọng về tính ổn định của chúng.

Apple tiết lộ sự thật

Một bài toán khác “Liam muốn mua một số đồ dùng học tập. Cậu ấy mua 24 cục tẩy hiện có giá 6,75 USD mỗi cục, 10 quyển vở hiện có giá 11,0 USD mỗi quyển và một tập giấy bìa cứng hiện có giá 19 USD. Liam nên trả bao nhiêu tiền bây giờ, giả sử rằng do lạm phát, giá rẻ hơn 10% vào năm ngoái?” Một bài toán đơn giản nhưng việc thêm một câu về lạm phát đã làm mô hình o1 của OpenAI bối rối trong câu trả lời.

Nói cách khác, khó có thể gọi các mô hình LLMs hiện nay là có khả năng suy luận, chúng chỉ đơn thuần làm theo các khuôn mẫu phức tạp có sẵn trong kho dữ liệu mà thôi.

Những phát hiện này đặt ra một số vấn đề đáng lo ngại cho các ứng dụng AI trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, ra quyết định và giáo dục, nơi tính nhất quán logic là điều bắt buộc. Nếu không cải thiện khả năng suy luận logic, các hệ thống AI hiện tại có thể gặp khó khăn khi hoạt động trong môi trường phức tạp hoặc quan trọng hơn.

Nghiên cứu cũng đặt câu hỏi về độ tin cậy của các tiêu chuẩn như GSM8K, nơi các mô hình AI như GPT-4o đạt điểm cao tới 95%, một bước nhảy vọt so với 35% của GPT-3 chỉ vài năm trước đây. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu của Apple, những cải tiến này có thể do việc đưa dữ liệu huấn luyện vào các bộ kiểm tra.

Sự bất đồng giữa hai tổ chức nghiên cứu AI hàng đầu là đáng chú ý. Hiện tại OpenAI coi mô hình o1 của mình là một bước đột phá trong suy luận, tuyên bố đây là một trong những bước đầu tiên hướng tới việc phát triển các tác nhân AI thực sự có logic. Trong khi đó, nhóm của Apple, được hỗ trợ bởi các nghiên cứu khác, lập luận rằng có rất ít bằng chứng để ủng hộ tuyên bố này.

Garcy Marcus, một nhà phê bình lâu năm về các mạng nơ-ron nhân tạo, đã đồng tình với những lo ngại này trong nghiên cứu của Apple. Ông chỉ ra rằng nếu không có một số hình thức suy luận ký hiệu được tích hợp vào hệ thống AI, các mô hình như o1 của OpenAI sẽ tiếp tục thiếu sót trong các lĩnh vực đòi hỏi tư duy logic, bất kể chúng được đào tạo với bao nhiêu dữ liệu.

Robot Optimus của Tesla bị nghi được điều khiển từ xa

Robot Optimus của Tesla trình diễn khả năng pha chế

Trong sự kiện We, Robot của Tesla tại Mỹ hôm 11/10, Elon Musk tuyên bố Optimus trong tương lai “có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn”, kể cả dắt chó đi dạo, mua đồ tạp hóa, trông trẻ, và kỳ vọng có thể bán robot với giá 20-30 nghìn USD.

Để trình diện khả năng của robot, Musk cho Optimus đi lại giữa đám đông, thể hiện sự khéo léo khi phục vụ đồ uống tại một quầy bar trong sự kiện.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội X, một số khách tham dự bày tỏ sự ngạc nhiên về sự linh hoạt của Optimus cũng như khả năng giao tiếp với con người, dấy lên nghi vấn robot được điều khiển từ xa thay vì là một sản phẩm tự vận hành nhờ AI.

Robot Optimus của Tesla trình diễn khả năng pha chế

 
 
Robot Optimus của Tesla trình diễn khả năng pha chế

Robot Optimus của Tesla trình diễn khả năng pha chế. Video: Robert Scoble

“Đây không hoàn toàn là AI. Con người đang hỗ trợ nó từ xa”, Robert Scoble, một chuyên gia công nghệ có mặt tại bữa tiệc chia sẻ, kèm video robot này phục vụ nước cho ông. Theo Scoble, quá trình đi bộ của Optimus có thể là tự động, nhưng các giao tiếp khác thì không. Ông cũng đặt câu hỏi cho một robot tại sự kiện rằng nó là AI hay do con người điều khiển, và câu trả lời phát ra từ loa là “có thể có một số AI tham gia”.

Theo các nhà phân tích, phản ứng này giống như một kiểu “văn mẫu” của những người đang cố thể hiện giống như họ ứng dụng AI chứ không phải của một công ty đang tự tin vì những tiến bộ công nghệ thực sự. Ngoài ra, trong các cuộc trò chuyện với khách mời tại bữa tiệc ở môi trường ồn ào, cách trả lời và thao tác tự nhiên của Optimus được đánh giá không giống của trí tuệ nhân tạo, mà là của con người.

Theo Arstechnica, với tính cách của Musk, nếu sản phẩm hoạt động độc lập hoàn toàn bằng AI, chắc chắn ông sẽ khoe khoang điều đó. Nhưng trong bài thuyết trình của mình, CEO này không đề cập đến việc chúng được điều khiển thế nào, có thể để tránh việc có thể bị phát hiện nói dối khi đưa robot hoạt động tại sự kiện.

Tesla chưa đưa ra bình luận về các ý kiến này.

Robot Optimus của Tesla la chơi oẳn tù tì với người dùng

 
 
Robot Optimus của Tesla la chơi oẳn tù tì với người dùng

Optimus chơi oẳn tù tì với người dùng. Video: Christian Keil

Bên cạnh các nghi vấn, robot của Tesla vẫn được đánh giá cao khi thực hiện các chuyển động mượt mà, cho thấy phần cứng và bộ truyền động hoạt động tốt.

“Xứng đáng để ăn mừng vì khả năng điều khiển từ xa với độ trễ thấp, nhưng không trung thực khi trình diễn chúng như những robot tự động”, Josh Wolfe, sáng lập quỹ đầu tự Lux Capital, đánh giá.

Thời gian qua, robot hình người chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều thị trường như Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng của các thiết bị này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt đến sự tự nhiên giống con người như nhiều hãng đang quảng cáo. Tại Hội nghị Robot thế giới hồi tháng 8 ở Trung Quốc, màn trình diễn của các nhân vật giống robot trên sâu khấu sự kiện cũng được cho là do con người hóa trang.

Lưu Quý