Lưu trữ Danh mục: Tin Tức Công Nghệ

Ngày này năm xưa: 29/1, một trong những thương hiệu giá trị nhất thế giới ra đời, nắm giữ bí mật kinh doanh qua cả hàng thế kỷ

Coca-Cola là tập đoàn của Mỹ được thành lập vào ngày 29/1/1892. Ngày nay, công ty chủ yếu tham gia vào việc sản xuất và bán sirô tạo nên Coca-Cola, một loại nước ngọt giải khát có ga. Loại nước uống này đã trở thành một biểu tượng văn hóa ở Mỹ và thịnh hành trên toàn cầu.

Công ty cũng sản xuất và bán các loại nước ngọt và đồ uống có ga khác. Với hơn 2.800 sản phẩm có mặt tại hơn 200 quốc gia, Coca-Cola là nhà sản xuất và phân phối nước giải khát lớn nhất thế giới và là một trong những tập đoàn lớn nhất tại Mỹ. Trụ sở chính của công ty đặt tại Atlanta, Georgia.

Thức uống Coca-Cola được một dược sĩ có tên John S. Pemberton pha chế vào năm 1886 tại Công ty Hóa chất Pemberton. Pemberton ban đầu quảng cáo đồ uống của ông như một loại thuốc bổ giúp giảm đau đầu và tạo cảm giác sảng khoái.

Thành phần của món đồ uống này bao gồm cocaine từ lá coca và chất chiết xuất giàu caffeine của hạt kola. Cocaine sau này bị loại khỏi công thức của Coca-Cola vào khoảng năm 1903. Pemberton bán sirô cho các quán bán đồ uống địa phương. Nhờ quảng cáo thành công, thức uống này trở nên phổ biến phi thường.

Đến năm 1891, một dược sĩ khác là Asa Griggs Candler đã gom 2.300 USD để mua đứt công thức và bản quyền pha chế Coca-Cola. Một năm sau, ông thành lập Công ty Coca-Cola. Nhãn hiệu Coca-Cola được đăng ký tại Văn phòng Bằng Sáng chế Mỹ vào năm 1893.

Dưới sự dẫn dắt của Candler, doanh số bán hàng tăng từ khoảng 34.000 lít sirô vào năm 1890 lên hơn 1 triệu lít vào năm 1900. Cũng trong thập kỷ đó, các nhà máy sản xuất sirô được thành lập ở Dallas, Los Angeles và Philadelphia. Sản phẩm từ các nhà máy được bán trên khắp nước Mỹ và nhiều tiểu bang của Canada.

Năm 1899, Công ty Coca-Cola đã ký thỏa thuận đầu tiên với một công ty đóng chai độc lập, được phép mua sirô và sản xuất, đóng chai và phân phối đồ uống Coca-Cola. Những thỏa thuận cấp phép như vậy đã hình thành cơ sở của một hệ thống phân phối độc nhất hiện nay.

Với định giá 100.000 USD vào năm 1892, Công ty Coca-Cola được bán lại cho một nhóm các nhà đầu tư do doanh nhân người Atlanta Ernest Woodruff đứng đầu. Con trai ông là Robert Winship Woodruff đã dẫn dắt công ty trong hơn ba thập kỷ (1923–1955).

Chai Coca-Cola thủy tinh có đường viền được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1916 và được đăng ký vào năm 1960. Những thị trường mới mở ra cho Coca-Cola vào đầu những năm 1990. Công ty bắt đầu bán sản phẩm ở Đông Đức vào năm 1990 và ở Ấn Độ vào năm 1993. Năm 1992, công ty giới thiệu loại chai đầu tiên được làm một phần từ nhựa tái chế, một cải tiến lớn trong ngành vào thời điểm đó.

Sau nhiều sóng gió, có thành công và cả những thất bại, câu chuyện về công ty Coca-Cola và thức uống độc đáo đã để lại nhiều bài học quý giá. Công thức pha chế món đồ uống này vẫn là một trong những bí mật kinh doanh được gìn giữ cần thận nhất thế giới. Nhiều người cho rằng chỉ có hai vị giám đốc cấp cao của Coca-Cola được quyền tiếp cận phòng pha chế.

Tổng hợp

Chip nhớ đang dư thừa trên toàn cầu, hàng loạt gã khổng lồ bán dẫn ‘đắng lòng’ chứng kiến cảnh ‘càng làm càng lỗ’

Lĩnh vực sản xuất chip nhớ, vốn nổi tiếng với các chu kỳ bùng nổ và suy thoái đều đặn, đã bất ngờ thay đổi cách thức vận hành của nó. Trong quá khứ, sự kết hợp giữa việc quản lý kỷ luật và chặt chẽ các thị trường mới cho sản phẩm của mình – bao gồm cả công nghệ 5G và dịch vụ đám mây – sẽ đảm bảo rằng các công ty dễ dự đoán thu nhập mang lại.

Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau khi các công ty chip nhớ lớn đưa ra những tuyên bố như vậy, ngành công nghiệp trị giá 160 tỷ USD đang phải hứng chịu một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay. Hiện tại, chip trong kho đang vô cùng dư thừa, nhưng khách hàng lại liên tiếp cắt giảm đơn đặt hàng và giá sản phẩm giảm mạnh.

“Ngành công nghiệp chip nghĩ rằng các nhà cung cấp sẽ có khả năng kiểm soát mọi thứ tốt hơn”, Avril Wu, phó chủ tịch nghiên cứu cấp cao của TrendForce cho biết. “Sự suy thoái này đã chứng minh rằng mọi người đều đã sai.”

Cuộc khủng hoảng chưa từng có này đang không chỉ hút sạch tiền mặt của các công ty lãnh đạo ngành như SK Hynix và Micron Technology, mà nó còn đang gây bất ổn cho các nhà cung cấp của họ. Chưa kể, ảnh hưởng của nó cũng đang dần làm sứt mẻ các nền kinh tế châu Á vốn dựa vào xuất khẩu công nghệ, đồng thời buộc một số công ty chip nhớ còn lại phải thành lập liên minh hoặc thậm chí cân nhắc tới việc sáp nhập để vượt qua khó khăn.

Tình trạng dư thừa chip nhớ đe dọa những gã khổng lồ bán dẫn, 'đắng lòng' chứng kiến cảnh lỗ trên từng con chip được tạo ra - Ảnh 1.

Mọi thứ bắt đầu từ sự gia tăng doanh số bán hàng trong thời gian ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khi nhu cầu được thúc đẩy bởi những người mua sắm trang bị cho văn phòng tại nhà và mua máy vi tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh. Nhưng giờ đây, sự sụt giảm mạnh mẽ đã xuất hiện khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang trì hoãn các giao dịch mua lớn khi phải tìm cách đối phó với lạm phát và lãi suất tăng. Các nhà sản xuất những thiết bị nói trên, những đối tác mua chip nhớ chính, đột nhiên bị mắc kẹt với các kho hàng dự trữ linh kiện và việc không ai có nhu cầu mua sắm thêm.

Hiện tại, Samsung Electronics và các đối thủ của hãng đang chấp nhận thua lỗ trên mỗi con chip họ sản xuất ra. Khoản lỗ hoạt động tập thể này được dự đoán sẽ đạt mức kỷ lục 5 tỷ USD trong năm nay. Hàng tồn kho – một chỉ số quan trọng về nhu cầu đối với chip nhớ – đã tăng hơn gấp ba lần lên mức kỷ lục, đạt mức đủ dư thừa để cung cấp từ ba đến bốn tháng.

Samsung có vẻ là công ty duy nhất sẽ thoát khỏi tình trạng này một cách nguyên vẹn, nhờ các hoạt động kinh doanh đa dạng và mạnh mẽ của mình. Nhưng ngay cả bộ phận bán dẫn của gã khổng lồ Hàn Quốc cũng đang hướng tới việc sẽ thua lỗ. Và mọi thứ sẽ hiển hiện trong báo cáo thu nhập hàng quý sắp tới.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp này cũng đang phải chịu đựng sự kết hợp độc đáo giữa các hoàn cảnh bất lợi liên tiếp, từ đại dịch, cuộc khủng hoảng ở Ukraine, lạm phát cho tới sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Và mọi thứ đã khiến cho sự sụt giảm trở nên tồi tệ hơn nhiều so với quá trình suy thoái theo chu kỳ thông thường.

Micron, nhà sản xuất chip nhớ duy nhất của Mỹ, đã có các phản ứng mạnh mẽ trước việc nhu cầu mua giảm mạnh. Công ty cho biết vào cuối tháng trước rằng họ sẽ cắt giảm ngân sách cho các nhà máy và thiết bị mới bên cạnh việc giảm sản lượng. Giám đốc điều hành Sanjay Mehrotra cho biết mức ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào việc các đối tác của công ty thực hiện các động thái tương tự nhanh như thế nào.

“Chúng ta phải vượt qua chu kỳ này”, ông nói. “Tôi tin rằng xu hướng tăng trưởng xuyên chu kỳ và lợi nhuận vẫn còn.”

Tình trạng dư thừa chip nhớ đe dọa những gã khổng lồ bán dẫn, 'đắng lòng' chứng kiến cảnh lỗ trên từng con chip được tạo ra - Ảnh 2.

Tại Hàn Quốc, Hynix cũng đã cắt giảm đầu tư và thu hẹp sản lượng. Tình trạng dư thừa hàng tồn kho của công ty một phần là kết quả của việc mua lại mảng kinh doanh bộ nhớ flash của Intel Corp – một thỏa thuận được thực hiện trước khi ngành này rơi vào suy thoái.

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào ông vua chip nhớ Samsung, hãng cho đến nay vẫn chưa nói nhiều về triển vọng ngắn hạn của ngành. Nhà sản xuất chip, điện thoại thông minh và màn hình lớn nhất thế giới chuẩn bị đưa ra báo cáo thu nhập quý IV/2022. Sau đó là một cuộc gọi đầu tư trong đó các nhà phân tích có thể đặt câu hỏi về các kế hoạch quản lý của họ.

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc có thói quen không ngại chi tiêu trong thời kỳ suy thoái, với hy vọng thoát khỏi chúng nhờ khả năng sản xuất vượt trội và lợi nhuận cao hơn khi nhu cầu tăng lên.

Tuần trước, nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Lam Research Corp cho biết họ đang chứng kiến lượng đơn đặt hàng giảm chưa từng thấy do các khách hàng mua bộ nhớ cắt giảm và hoãn chi tiêu. Các giám đốc điều hành của công ty, vốn coi Samsung, SK Hynix và Micron là những khách hàng hàng đầu của mình, đã từ chối dự đoán khi nào những hành động như vậy có thể giúp thị trường bộ nhớ phục hồi.

“Chúng tôi đã thấy các biện pháp phi thường trong thị trường này”, CEO Tim Archer cho biết trong một cuộc gọi với các nhà đầu tư. “Đó là mức độ mà chúng ta chưa từng thấy trong 25 năm qua.”

Các nhà sản xuất bộ nhớ luôn gặp khó khăn trong việc xử lý các đợt tăng đột biến và sụt giảm nhu cầu. Việc đưa các nhà máy mới vào hệ thống vận hành thường mất nhiều năm và hàng tỷ USD, vì vậy rất khó để chọn đúng thời điểm đầu tư. Những rủi ro đã khiến các công ty trong ngành trở nên thận trọng hơn. Họ tập trung vào lợi nhuận hơn là cố gắng tăng trưởng nhanh chóng và giành thị phần.

Shin Jinho, đồng giám đốc điều hành của Midas International Asset Management, cho biết điều đó đặc biệt đúng đối với cái gọi là chip DRAM, nơi ba nhà cung cấp chính – Samsung, Hynix và Micron – đang giảm nguồn cung. Và theo ông, một phần quan trọng khác của thị trường bộ nhớ, chip NAND, đang bị phân mảnh nhiều hơn và sẽ trải qua một cuộc chiến khốc liệt hơn khi nhiều đối thủ tranh giành cơ hội sống còn.

“Thị trường NAND đang trải qua sự cạnh tranh khốc liệt và sự phục hồi sẽ diễn ra sau một quý khi thị trường DRAM phục hồi”, ông Shin cho biết. “Nếu tình hình kéo dài hơn, cuối cùng, chúng ta sẽ thấy sự hợp nhất trên thị trường NAND.”

Ngành công nghiệp bộ nhớ đã có những vụ sáp nhập trong thời kỳ suy thoái trước đây và lần này có thể không phải là ngoại lệ. Các nhà sản xuất NAND Western Digital Corp và Kioxia Holdings Corp đang cho thấy dấu hiệu tiến triển trong các cuộc đàm phán thỏa thuận của họ, theo những người quen thuộc với vấn đề này cho biết. Tuy nhiên, các công ty đã cùng nhau sản xuất và do đó việc sáp nhập sẽ không nhất thiết dẫn đến việc giảm sản lượng.

Nhưng một câu hỏi dài hạn hơn là khi nào nhu cầu của khách hàng sẽ phục hồi trở lại. Theo Greg Roh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ tại HMC Investment & Securities, cho biết việc thay đổi chính sách quản lý ở Trung Quốc gần đây có thể là một chất xúc tác giúp ích cho ngành, vì các nhà sản xuất thiết bị sẽ có thể đưa các nhà máy sản xuất trở lại nhịp điệu hoạt động bình thường.

“Sẽ có nhu cầu bị dồn nén đối với các sản phẩm tiện ích”, Roh nói. “Quan điểm của chúng tôi là thị trường bộ nhớ sẽ phục hồi trong nửa còn lại của năm.”

Tham khảo SCMP

Cách ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang khiến metaverse trở nên thú vị

Trong một studio khá rộng bên ngoài thủ đô Seoul, các kỹ thuật viên đang tụ tập trước màn hình để xem những ca sĩ K-pop hoạt hình – ít nhất một trong số họ có đuôi – nhảy múa trước phông nền ảo.

Đó không phải là các nhân vật dựng hoàn toàn bởi phần mềm kỹ thuật số. Mọi người trên màn hình đều là thật. Các ca sĩ ảo này có đối tác là con người, đang ở trong phòng thu chỉ cách đó vài bước chân, với kính VR trên mặt và cần điều khiển ở cả hai tay. Đắm mình trong một thế giới ảo, họ đang cạnh tranh để trở thành một phần của ban nhạc nữ nổi tiếng tiếp theo ở Hàn Quốc.

Đây là khung cảnh sản xuất của Girl’s Re:verse, một chương trình K-pop thuộc thể loại metaverse, trong đó các thí sinh bị cô lập trong các phòng nhỏ nhưng tương tác với nhau dưới dạng hình đại diện hoạt hình trên màn hình. Mức độ kịch tính trong cuộc cạnh tranh này rất cao, khi những người thua cuộc sẽ bị rơi vào dòng dung nham sủi bọt.

Cách ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang khiến metaverse trở nên thú vị - Ảnh 1.

Các thí sinh nữ trong các phòng riêng trên trường quay Girl’s Re:verse, một chương trình giải trí thuộc thể loại metaverse. Ảnh: NYTIMES

Một số người nói rằng đây là tương lai của giải trí trong metaverse, thứ sẽ được mang đến cho tất cả mọi người trong tương lai. Còn hiện tại nó đang được thử nghiệm tại Hàn Quốc.

“Có rất nhiều người muốn tham gia vào metaverse, nhưng nó vẫn chưa đạt được đủ khối lượng nội dung quan trọng”, Phó giáo sư Jung Yoon-hyuk của Trường Đại học Truyền thông và Truyền thông Đại học Hàn Quốc cho biết. “Những nơi khác muốn tham gia vào metaverse, nhưng để thành công thì cần phải có nội dung tốt. Ở Hàn Quốc, nội dung đó chính là K-pop.”

Trong metaverse, các quy tắc thông thường không được áp dụng. Và ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang đào sâu vào các khả năng sáng tạo đó, với một sự tự tin rằng người hâm mộ sẽ vui vẻ làm theo.

Một số nhóm nhạc K-pop đã có những đối tác ảo trong nhiều năm. Karina, một thành viên ngoài đời thực của ban nhạc Aespa, có thể được nhìn thấy trên YouTube khi trò chuyện với nhân vật kỹ thuật số của chính cô ấy, tên là “ae-Karina”.

Công ty Hàn Quốc Kakao Entertainment thì muốn tiến xa hơn. Họ đang hợp tác với một công ty trò chơi di động, Netmarble, để phát triển một ban nhạc K-pop tên là Mave chỉ tồn tại trong không gian mạng. Nhóm có bốn thành viên ảo sẽ tương tác với những người hâm mộ ngoài đời thực trên khắp thế giới.

Kakao cũng đứng sau Girl’s Re:verse, một chương trình K-pop-in-the-metaverse, với tập đầu tiên trên các nền tảng phát trực tuyến vào tháng 1 đã được xem hơn một triệu lần trong ba ngày. Đối với cả hai dự án, Kakao dự tính phát hành album, xác nhận thương hiệu, tung ra trò chơi điện tử và truyện tranh kỹ thuật số, cùng những thứ khác.

Ông Andrew Wallenstein, chủ tịch kiêm nhà phân tích truyền thông chính của Variety Intelligence Platform cho biết, so với các đối tác Hàn Quốc, các công ty truyền thông ở Mỹ mới chỉ tham gia vào các “thử nghiệm sơ sài” với metaverse.

“Các quốc gia như Hàn Quốc thường được coi như một sân khấu thử nghiệm để biết tương lai sẽ phát triển như thế nào”, ông Wallenstein nói. “Nếu có bất kỳ xu hướng nào dịch chuyển từ nước ngoài vào Mỹ, tôi sẽ đặt cược đó là Hàn Quốc.”

Các thử nghiệm của Hàn Quốc với giải trí ảo đã có từ ít nhất 25 năm trước, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, với một ca sĩ nhân tạo tên là Adam. Được tạo ra vào những năm 1990, anh chàng là một tạo tác kiểu pixel của đồ họa máy tính, với tóc mái bằng che mắt và giọng nói khàn khàn. Adam biến mất khỏi mắt công chúng sau khi phát hành một album vào năm 1998.

Nhưng những sáng tạo kỹ thuật số như Adam đã ghi lại dấu ấn của văn hóa đại chúng Hàn Quốc trong một thế hệ. Ngày nay, “những người có ảnh hưởng ảo” của Hàn Quốc như Rozy và Lucy có số người theo dõi trên Instagram lên tới sáu con số và quảng cáo cho các thương hiệu rất thực, bao gồm cả Chevrolet và Gucci.

Cách ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang khiến metaverse trở nên thú vị - Ảnh 2.

Các kỹ thuật viên trước màn hình trên trường quay Girl’s Re:verse. Ảnh: NYTIMES

Và những KOL ảo được cố tình tạo ra để trông gần như thật nhưng không hoàn toàn. Ông Baik Seung-yup, người tạo ra nhân vật Rozy cho biết phẩm chất gần giống với con người của chúng là một phần tạo nên sức hấp dẫn của các nhân vật này.

“Chúng tôi muốn tạo ra một thể loại nội dung mới”, ông Baik cho biết, người ước tính rằng 70% những KOL ảo trên thế giới là từ Hàn Quốc.

Theo McKinsey, hơn 120 tỷ USD đã được chi trên toàn cầu để phát triển công nghệ metaverse trong 5 tháng đầu năm 2022. Phần lớn trong số đó đến từ các công ty hoạt động tại Mỹ, theo doanh nhân công nghệ Matthew Ball. Ví dụ điển hình nhất gần đây là khi Facebook tự đổi tên thành Meta trong nỗ lực trị giá hàng tỷ USD để nắm lấy cái gọi là “biên giới kỹ thuật số tiếp theo”. Nhưng rồi hãng chỉ chứng kiến cổ phiếu và thu nhập của mình sụt giảm.

Chính phủ Hàn Quốc đang đầu tư hơn 170 triệu USD để hỗ trợ các nỗ lực phát triển công nghệ mới này tại đây, hình thành cái mà họ gọi là “liên minh metaverse” bao gồm hàng trăm công ty. Ông Ball cho biết đây là một trong những chương trình tích cực nhất của loại hình này. Nhưng trong khi Hàn Quốc có thể “đi trước một bước” khi nói đến các ngôi sao nhạc pop ảo, thì liệu các công ty của nước này có khả năng đóng vai trò dẫn đầu khi metaverse phát triển hay không vẫn “là một câu hỏi mở”.

Sự hỗ trợ của chính phủ cho các công nghệ mới đã mang lại kết quả cho Hàn Quốc trong quá khứ. Đất nước này đã xây dựng nền kinh tế hiện đại của mình trong vài thập kỷ qua nhờ sự hậu thuẫn của các tập đoàn công nghệ và đặt cược thắng lợi vào ngành công nghiệp điện thoại di động.

Đó là lý do tại sao các thanh thiếu niên ở nước này xem truyện tranh trên điện thoại, xem vô số giờ phim truyền hình mà không cần TV và sốt sắng theo dõi các ngôi sao K-pop trên mạng xã hội cùng các nền tảng mới. Trên các nền tảng chơi game như Zepeto và Weverse, người hâm mộ nước này tương tác với nhau, đôi khi dưới dạng hình đại diện có thể tùy chỉnh, và với các ban nhạc yêu thích của họ.

Kakao Entertainment – một chi nhánh của Kakao, tập đoàn công nghệ vạn năng của Hàn Quốc – đang quảng cáo cho Mave, ban nhạc nhân tạo đang được phát triển của họ, với tư cách là nhóm nhạc K-pop đầu tiên được tạo hoàn toàn trong metaverse thông qua việc sử dụng máy học, deepfake, face swop và công nghệ chụp 3D. Để mang lại cho họ sức hấp dẫn trên toàn cầu, công ty muốn các “cô gái” của Mave cuối cùng có thể trò chuyện bằng tiếng Bồ Đào Nha với một người hâm mộ Brazil hay nói tiếng Quan thoại với một khán giả ở Trung Quốc một cách trôi chảy và thuyết phục.

Ông Kang Sung-ku, giám đốc kỹ thuật của dự án, cho biết ý tưởng là một khi những sinh vật ảo như vậy có thể mô phỏng các cuộc trò chuyện có ý nghĩa, thì “con người thực sẽ không bao giờ cô đơn”.

Tham khảo NYTimes

CEO Apple: AI sẽ ‘ảnh hưởng đến mọi sản phẩm và dịch vụ mà chúng tôi có’

Những tiến bộ gần đây về trí tuệ nhân tạo đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và CEO Tim Cook của Apple cũng không phải là ngoại lệ.

Trong một cuộc gọi thu nhập với các nhà đầu tư và phóng viên vào ngày 2/2, Tim Cook cho biết AI là “trọng tâm chính” tại Apple. Đồng thời, vị CEO này còn nói thêm rằng: “Thật đáng kinh ngạc về cách nó có thể làm phong phú thêm cuộc sống của khách hàng.”

Cook đã chỉ ra một số dịch vụ của Apple đã tích hợp các yếu tố trí tuệ nhân tạo, bao gồm tính năng phát hiện sự cố mới của iPhone và Apple Watch, cũng như tính năng điện tâm đồ của Apple Watch cho phép người dùng ghi lại nhịp tim và chuyển động của họ.

Giám đốc điều hành của Apple cho biết ông có kế hoạch kết hợp AI vào công ty nhiều hơn nữa. Đầu tháng này, Apple đã phát hành một sản phẩm tích hợp AI hướng tới người tiêu dùng. Đó là công cụ sách kể chuyện bằng AI.

“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn trong lĩnh vực này sẽ ảnh hưởng đến hầu như mọi thứ chúng tôi làm… Nó sẽ ảnh hưởng đến mọi sản phẩm và mọi dịch vụ mà chúng tôi có”, Cook nói.

CEO Apple: AI sẽ 'ảnh hưởng đến mọi sản phẩm và dịch vụ mà chúng tôi có' - Ảnh 1.

Trên thực tế, nhiều dự đoán về trí tuệ nhân tạo từng được coi là chuyện khoa học viễn tưởng đã được hiện thực hóa gần đây. Điển hình như một số công cụ AI cho phép chỉnh sửa và sáng tạo tranh ảnh (Lensa AI hay DALL-E 2) và mới đây nhất là chatbot AI ChatGPT.

Các chương trình sáng tạo hình ảnh và ChatGPT đã vấp phải nhiều sự chỉ trích cũng như nhận được sự tán dương từ cộng đồng, vì đã vượt qua ranh giới vốn có của công nghệ AI.

DALL-E 2 và ChatGPT là sản phẩm của OpenAI, một công ty công nghệ mà Microsoft sở hữu cổ phần đáng kể. Google cũng có phiên bản AI của riêng mình, LaMDA , mặc dù công cụ này không được công bố rộng rãi.

Apple thì đang tăng cường nhân sự cho các nỗ lực AI của riêng mình. Hãng hiện tuyển dụng hơn 100 vị trí việc làm trong lĩnh vực máy học và AI.

Tham khảo Business Insider

CEO VinFast tiết lộ tiến độ nhà máy tại Mỹ, khẳng định việc tái cấu trúc không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của nhà máy

Mới đây, theo trang CNBC , VinFast chia sẻ rằng họ đang đi đúng lộ trình để bắt đầu sản xuất tại Mỹ vào năm 2024, mặc dù công ty đang tiến hành cắt giảm số lượng nhân viên ở khu vực Bắc Mỹ.

Trước đó, VinFast vừa tuyên bố sẽ cắt giảm việc làm ở Mỹ trong một cuộc tái cơ cấu nhằm hợp nhất các hoạt động của mình tại Mỹ và Canada.

Sau khi quan sát thị trường năm ngoái, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng ở hai thị trường và việc hợp nhất hai thị trường sẽ cho phép chúng tôi hoạt động mạnh mẽ và nhanh nhẹn hơn ” – bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành VinFast toàn cầu cho biết trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên của CNBC vào hôm 10/2.

Thông tin VinFast cắt giảm nhân sự xuất hiện ngay sau khi hãng tin Reuters tiết lộ VinFast sẽ trì hoãn việc giao hàng cho những khách hàng đầu tiên tại Mỹ ngày 3/2 vừa qua.

VinFast đã xuất xưởng lô xe điện sang Mỹ đầu tiên vào tháng 11/2022, trong đó có 999 chiếc VF8. Công ty lên kế hoạch giao hàng vào cuối tháng 12/2022 nhưng sau đó hoãn thời gian sang tháng 2/2023 để cập nhật phần mềm.

CEO VinFast toàn cầu chia sẻ với CNBC rằng, VinFast đã có khoảng 12.000 đơn đặt hàng trước ở Mỹ.

Sự mở rộng thị trường quốc tế của VinFast

Theo CNBC , VinFast đã tăng cường mở rộng hoạt động tại Mỹ để cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô Mỹ như Tesla, đồng thời tuyên bố thành lập một nhà máy ở Bắc Carolina để sản xuất xe điện.

Bà Thuỷ cho biết, việc tái cấu trúc sẽ không ảnh hưởng đến thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất tại nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast ở Bắc Mỹ.

Chúng tôi đang trong giai đoạn cuối cùng để xin giấy phép thử nghiệm xây dựng nhà máy. Hiện, khu đất đã được giải phóng mặt bằng và chuẩn bị hạ tầng. VinFast vẫn có kế hoạch bắt đầu sản xuất thử nghiệm vào năm 2024 như kế hoạch ban đầu ” – CEO VinFast nói. Năng lực sản xuất hàng năm của nhà máy là 150.000 xe điện, theo thông cáo của công ty.

Vị CEO cho biết thêm, các thị trường tiếp theo mà VinFast dự kiến nhắm đến sẽ là châu Âu, cụ thể là Đức, Pháp và Hà Lan.

Tuy nhiên, xe VinFast hiện không đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế 7.500 USD tại Mỹ do không được sản xuất ở Mỹ mà là tại Việt Nam. Giá khởi điểm cho mẫu xe VinFast VF8 2023 là 40.700 USD.

Chúng tôi đã ngay lập tức đẩy nhanh kế hoạch của mình cho nhà máy ở Bắc Carolina. May mắn, VinFast đã ký thỏa thuận khi Đạo luật giảm lạm phát (IRA) được thông qua.

Dù không lường trước được điều này, nhưng kế hoạch mở nhà máy ở Mỹ đã được định trước, vì vậy chính IRA sẽ góp phần thúc đẩy năng lực sản xuất của VinFast tại Mỹ để đảm bảo khách hàng có thể tiếp cận xe điện với mức giá hợp lý”, CEO VinFast nhấn mạnh.

Kế hoạch IPO của VinFast

VinFast đã nộp hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ vào ngày 6/12/2022. Công ty hiện chưa tiết lộ số lượng cổ phiếu sẽ được giao dịch, theo bản cáo bạch của hãng. CNBC nói thêm, hiện vẫn chưa biết chính xác khi nào VinFast sẽ chính thức niêm yết.

Khi được hỏi về thời điểm IPO dự kiến, CEO VinFast cho biết: “ Khi chúng tôi sẵn sàng nói nhiều hơn về việc IPO thì sẽ sẵn lòng chia sẻ thêm.

Qua quan sát cường độ thị trường, tôi nghĩ thị trường năm nay đã tốt hơn một chút. VinFast đã sẵn sàng, nhưng vẫn cần theo dõi thêm những diễn biến của thị trường để thực hiện quá trình IPO ”.

Theo: CNBC

Lý do tại sao Apple không phải cắt giảm việc làm như hầu hết các công ty công nghệ khác

Trong thời kỳ đại dịch, hầu hết các công ty công nghệ đã tăng trưởng nóng, tương ứng với việc phải tuyển dụng nhiều. Nhưng bây giờ, khi mọi thứ đã dần nguội đi, nhiều tập đoàn lớn đang cắt giảm hàng ngàn công việc để cố gắng kiểm soát chi tiêu.

Apple cho đến nay vẫn là một trong số ít các công ty công nghệ tránh cắt giảm việc làm. Và một báo cáo mới từ Bloomberg đã cho thấy những điều khác biệt mà Apple đã trong vài năm qua để giúp công ty có khả năng vượt qua tình hình vĩ mô đầy tính thách thức hiện nay mà không cần sa thải nhân viên.

Một cách tiếp cận tuyển dụng khác lạ

Một trong những lựa chọn quan trọng là cách Apple đã sử dụng để thuê nhân viên mới trong thời kỳ đại dịch. Trong khi các công ty như Amazon, Meta và Salesforce tăng gần gấp đôi lực lượng lao động của họ từ năm 2019 tới 2022 với mức tăng trưởng xấp xỉ 100% về số lượng nhân viên, thì Apple chỉ tăng 20% số lượng nhân viên của mình.

Nên nhớ rằng ngay cả mức tăng trưởng tuyển dụng 60% của công ty mẹ Google, Alphabet, cũng đã được chứng minh là không bền vững. Alphabet và Amazon gần đây đã sa thải khoảng 30.000 nhân viên. Trong khi đó, một công ty phát triển mạnh trong những năm qua là Zoom cũng vừa tuyên bố cắt giảm 15% nhân viên toàn cầu.

Lý do tại sao Apple không phải cắt giảm việc làm như hầu hết các công ty công nghệ khác - Ảnh 1.

Apple tuyển dụng thấp hơn các công ty khác trong thời kỳ đại dịch. Ảnh Bloomberg

Thậm chí vào cuối năm 2022, Apple dường như đã nhìn thấy điều gì đó từ khá sớm, khi thực hiện việc làm chậm lại quá trình tuyển dụng của mình. Một số người thậm chí cho rằng đây là đợt đóng băng tuyển dụng. Nhưng thực tế đã chứng minh, nó đã giúp công ty tránh được việc sa thải nhân viên.

Doanh thu tăng trưởng trên mỗi nhân sự bổ sung

Theo báo cáo của Bloomberg, việc Apple tránh được tình trạng sa thải nhân viên đã nói lên mức độ hiệu quả và lợi nhuận của công ty trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh của hãng. Các dữ liệu cho thấy Apple đã tăng hơn gấp đôi doanh thu trên mỗi nhân viên bổ sung trong 6 năm qua, một kỳ tích đáng kinh ngạc.

Khi nhìn vào giai đoạn 2017-2019, Apple có doanh thu 1,17 triệu USD trên mỗi số lượng nhân viên bổ sung, tương đương với Alphabet và Microsoft.

Sau đó, từ năm 2020-2022, con số đó đã tăng hơn gấp đôi, lên 2,51 triệu USD. Điều này có được là do hãng đã thận trọng hơn với việc tuyển dụng đồng thời tăng lợi nhuận. Trong khi đó, hầu hết các công ty công nghệ lớn đều thấy số liệu đó giảm hoặc hầu như không tăng.

Lý do tại sao Apple không phải cắt giảm việc làm như hầu hết các công ty công nghệ khác - Ảnh 2.

Doanh thu tăng trưởng trên nhân sự bổ sung của Apple đơn giản là đã ở một đẳng cấp khác. Ảnh Bloomberg

Tất nhiên, khả năng kinh doanh mạnh mẽ và hiệu quả của Apple là một phần quan trọng trong sự gia tăng đáng kinh ngạc về doanh thu trên số lượng nhân viên bổ sung. Nhưng, việc kết hợp hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận đó với mức tăng tuyển dụng thấp hơn nhiều trong những năm qua là điều khiến cho số liệu này trên trở nên nổi bật, đặc biệt khi so sánh với những gã khổng lồ công nghệ khác.

Nhà phân tích Shannon Cross của Credit Suisse Group AG đã mô tả bức tranh lớn hơn của Apple như thế này: “Điều này phụ thuộc vào sự quản lý của ban quản trị đối với từng đồng USD của cổ đông và sự tập trung rất lớn vào những cơ hội tăng trưởng để đầu tư.”

Mặc dù Apple đã giảm doanh thu trong kỳ nghỉ lễ cuối năm do doanh số bán iPhone thấp hơn dự kiến, nhưng nên nhớ rằng đó là sự sụt giảm so với quý 1 năm 2022, một quý với mức doanh thu kỷ lục 124 tỷ USD. Và cho dù giảm doanh thu, công ty vẫn đạt hiệu suất kinh doanh vượt trội so với bất kỳ đối thủ nào, với 117 tỷ USD doanh thu với gần 30 tỷ USD lợi nhuận, chỉ trong 3 tháng.

Và để chứng minh thêm cho hiệu quả kinh doanh, Apple mới đây đã kỷ niệm việc vượt mốc 2 tỷ thiết bị Apple đang hoạt động và đạt kỷ lục mới về doanh thu mảng Dịch vụ của mình.

Tham khảo 9to5mac

Người dùng Android bao năm qua vẫn chê iPhone không có nhạc chuông tùy chỉnh, ít người biết đây lại là ‘con gà đẻ trứng vàng’ của Apple

Nếu từng sử dụng thiết bị Android, có thể bạn đã quen với việc có thể dễ dàng lựa chọn và thay đổi nhạc chuông theo ý muốn. Tất cả những gì phải làm chỉ là mở Cài đặt và chọn một bài hát hoặc đoạn âm thanh ưa thích.

Nhưng trong khi đó, thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS chỉ cung cấp các âm thanh chung chung và cơ bản, được tích hợp sẵn làm nhạc chuông. Về mặt kỹ thuật, bạn vẫn có thể thiết lập nhạc chuông tùy chỉnh bằng một giải pháp thay thế. Nhưng nó khá phức tạp, liên quan đến máy tính và phần mềm iTunes, thứ mà nhiều chủ sở hữu iPhone thậm chí đã không còn thói quen sử dụng nữa.

Tất nhiên, tất cả những điều này đặt ra một câu hỏi: Tại sao Apple không đơn giản hóa quá trình sử dụng nhạc chuông tùy chỉnh trên iPhone?

Đây không phải là một vấn đề mới và rất nhiều người dùng đã phàn nàn về nó. Nhưng thương hiệu Mỹ từ lâu đã nổi tiếng vì ưu tiên sự liền mạch và đơn giản, nên thực tế là không có gì thay đổi cho thấy Apple muốn điều chỉnh vấn đề này.

Nhưng đừng để điều đó đánh lừa, hãy cùng đi sâu tìm hiểu lý do thực sự tại sao Apple không muốn làm cho quy trình tùy chỉnh nhạc chuông trở nên dễ dàng hơn như lẽ ra nó phải vậy.

Khởi đầu của câu chuyện

Người dùng Android bao năm qua vẫn chê iPhone không có nhạc chuông tùy chỉnh, ít người biết đây lại là 'con gà đẻ trứng vàng' của Apple - Ảnh 1.

Nhạc chuông tùy chỉnh từng là món hàng xa xỉ trong thời kỳ đầu của điện thoại di động. Ảnh internet

Quay trở lại những năm 2000, nhạc chuông là một vấn đề lớn đối với người dùng. Khi đó, vì điện thoại bị giới hạn về tính năng nên người dùng không có nhiều tùy chọn để cá nhân hóa thiết bị của họ. Các công ty đã nhìn thấy cơ hội để lấp đầy khoảng trống này và cung cấp cho người dùng thứ gì đó để tùy chỉnh điện thoại của họ. Và đó là cách nhạc chuông cao cấp ra đời.

Đến năm 2004, thị trường nhạc chuông là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD trên phạm vi toàn cầu. Theo một bài báo hiện được lưu trữ trên New York Times, nhà mạng Mỹ Verizon khi đó tính phí 3 USd cho nhạc chuông, trong khi T-Mobile và Sprint yêu cầu 2,5 USD. Nhưng ngay cả ở những mức giá này, người dùng không thể sửa đổi giai điệu, tất cả đều là các tùy chọn mặc định. Họ không có khả năng tùy chỉnh để chọn phần âm thanh mà họ muốn sử dụng làm nhạc chuông, họ cũng không thể lặp lại hoặc thực hiện bất kỳ thay đổi nào tương tự. Chưa hết, tùy thuộc vào nhà cung cấp, các khoản thanh toán này đôi khi bị giới hạn thời gian và nhạc chuông sẽ cần được mua lại sau khi chúng hết hạn. Ví dụ, nhạc chuông của nhà mạng Sprint hết hạn sau 90 ngày và của Verizon kéo dài trong một năm.

Và đây là nơi mọi thứ trở nên thú vị. Apple chính thức xuất hiện trên thị trường nhạc chuông vào năm 2007 khi phát hành mẫu iPhone đầu tiên. Và hãng đơn giản đã phá vỡ ngành công nghiệp này chỉ bằng một mô hình bán hàng mới. Cụ thể, người dùng iPhone có thể mua các bài hát có thời lượng đầy đủ từ nền tảng iTunes với giá 0,99 USD, sau đó trả thêm 0,99 USD để chuyển bài hát đó thành nhạc chuông 30 giây, nâng tổng chi phí lên 1,98 USD. Vào thời điểm đó, điều này khá mang tính cách mạng bởi khách hàng không chỉ trả ít hơn 2 USD để sở hữu nhạc chuông mà họ còn có cả một bài hát đầy đủ. Sau khi mua, họ có thể chỉnh sửa bài hát để chọn điểm bắt đầu và điểm kết thúc, tạo vòng lặp và đưa ra các quyết định tùy chỉnh khác cho bài nhạc chuông của riêng mình.

Con gà để trứng vàng của Apple

Người dùng Android bao năm qua vẫn chê iPhone không có nhạc chuông tùy chỉnh, ít người biết đây lại là 'con gà đẻ trứng vàng' của Apple - Ảnh 2.

Apple sẽ còn gây khó dễ cho việc tùy chỉnh nhạc chuông tới khi họ không còn có thể kiếm tiền từ nó. Ảnh Internet

Mô hình của Apple đã mang lại cho công rất nhiều tiền và nhanh chóng trở thành tấm gương cho những người chơi khác trong ngành học theo. Nhưng cuối cùng, theo thời gian, khi điện thoại trở nên thông minh hơn, nhạc chuông trở nên ít được săn đón hơn. Hầu hết các công ty độc quyền bán nhạc chuông đều phá sản. Nhưng đó cũng là lúc Apple thay đổi hướng đi và áp dụng một cách tiếp cận mới.

Thay vì bỏ hoàn toàn doanh số bán nhạc chuông, Apple đã sửa lại mức giá 1,98 USD thành 1,29 USD cho một bài hát đầy đủ trên iTunes. Tức là người dùng không cần phải trả thêm tiền để chuyển đổi bài hát thành một đoạn trích mà họ có thể chỉnh sửa sau khi mua. Apple cũng cho phép những người sáng tạo bên thứ ba sáng tạo và đưa nhạc chuông của học lên bán trên iTunes Store. Tất nhiên, một tỷ lệ phần trăm doanh thu của người bán sẽ thuộc về công ty.

Và chính vì để bảo vệ dòng thu nhập này, Apple đã gây khó khăn cho việc sử dụng nhạc chuông tùy chỉnh trên iPhone bằng mọi cách. Và nếu nhìn xa hơn, đây cũng là động cơ tương tự đằng sau việc công ty muốn bán iPhone mà không cung cấp củ sạc đi kèm, và có thể sắp tới là không có cả dây sạc. Đơn giản bởi vì Apple sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi bán riêng chúng.

Do đó, dù mong muốn tới mức nào, sẽ không bao giờ có một cách đơn giản nào để sử dụng nhạc chuông tùy chỉnh trên iPhone của bạn. Vì Apple đơn giản là luôn biết cách kiếm tiền từ mọi thứ có thể. Công ty Mỹ này rõ ràng đã không trở thành một trong những thương hiệu công nghệ lớn nhất thế giới bằng cách cung cấp các dịch vụ miễn phí.

Tham khảo SlashGear

Ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới sắp lắp ráp và ra mắt Việt Nam, giá khó dưới 200 triệu đồng

Ngày 18/2, TMT Motors và liên doanh GM-SAIC-Wuling đã ký kết hợp tác chiến lược, trong đó thống nhất liên doanh GM-SAIC-Wuling cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các mẫu ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam.

Ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới sắp lắp ráp và ra mắt Việt Nam, giá khó dưới 200 triệu đồng - Ảnh 1.

Lễ ký kết giữa TMT Motors và liên doanh GM-SAIC-Wuling.

Sản phẩm đầu tiên được triển khai và ra mắt tại Việt Nam là Wuling HongGuang MiniEV – mẫu ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới trong 3 năm liên tiếp 2020, 2021 và 2022, theo thống kê của JATO Dynamics, công ty chuyên nghiên cứu, phân tích ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Xe sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên, với công suất 30.000 xe/năm và có thể gia tăng trong tương lai, khi TMT Motors cũng đang nghiên cứu và cân nhắc giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện khác, theo lộ trình hợp tác chiến lược với liên doanh GM-SAIC-Wuling.

Thông tin cụ thể về sản phẩm, giá bán và thời gian nhận đặt hàng Wuling HongGuang MiniEV tại Việt Nam dự kiến sẽ được TMT Motors công bố trong quý II/2023.

Ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới sắp lắp ráp và ra mắt Việt Nam, giá khó dưới 200 triệu đồng - Ảnh 2.

Trước đó, Wuling Hongguang MiniEV cũng đã được một công ty cơ khí ở Thái Bình mang về dưới dạng tạm nhập tái xuất, phục vụ mục đích nghiên cứu. Mẫu xe này có kích thước nhỏ gọn, dài x rộng x cao lần lượt 2.920 x 1.493 x 1.621 (mm), trục cơ sở 1.940mm. Mâm xe kích thước 12 inch. Thiết kế của Hongguang Mini EV học hỏi khá nhiều từ dòng xe K-Car của Nhật Bản nhằm tối ưu hóa không gian. Xe chỉ nặng 665-700 kg, tùy từng phiên bản.

Xe trang bị mô-tơ điện công suất 26,8 mã lực và mô-men xoắn 85 Nm. Xe không có hộp số, dẫn động cầu sau và vận tốc tối đa 100 km/h. Cổng sạc được đặt sau logo đầu xe. Ở Trung Quốc, xe có 2 phiên bản pin. Một phiên bản pin 9,2 kWh, cho quãng đường đi tối đa 120 km, thời gian sạc 20-100% là 6,5 tiếng. Một phiên bản pin 13,4 kWh, cho quãng đường đi tối đa 170 km, thời gian sạc 20-100% là 9 tiếng.

Với những thông số trên trên, xe phù hợp với những đô thị như Hà Nội hay TP.HCM, không hướng đến nhóm khách hàng thường xuyên đi đường dài. Tại Trung Quốc, Wuling Hongguang MiniEV có giá bán 32.800-44.800 nhân dân tệ, tương đương 115-155 triệu đồng, chưa bao gồm thuế. Mức giá này rẻ là do chính phủ Trung Quốc có chương trình hỗ trợ người dân mua xe điện và các nhà sản xuất ô tô cũng được giao chỉ tiêu phải sản xuất xe điện để lấy hạn ngạch sản xuất xe động cơ đốt trong.

Tại thị trường Việt Nam, Wuling Hongguang MiniEV không có đối thủ trực tiếp và chắc chắn định vị dưới phân khúc của VinFast VF 5 Plus. Giá bán của mẫu xe Trung Quốc khó dưới 200 triệu đồng.

Khách thuê nhà để đào coin khiến chủ nhà khốn đốn

Khách thuê nhà để đào coin khiến chủ nhà khốn đốn- Ảnh 1.

Một chủ nhà Airbnb đã phải áp dụng một quy định kỳ lạ khi cho thuê nhà: cấm đào tiền điện tử. Quyết định này được đưa ra sau khi khách hàng để lại hóa đơn điện lên tới 1.500 USD trong suốt thời gian lưu trú.

Vị chủ nhà tên Ashley đã chia sẻ câu chuyện trên TikTok về “quy tắc Airbnb kỳ lạ nhất mà cô ấy phải áp dụng”. Cô cho biết khách hàng đã để lại nhà sạch sẽ và nhận được đánh giá 5 sao sau khi ở 3 tuần. Vấn đề chỉ phát sinh khi cô nhận được hóa đơn điện cho căn nhà.

Hóa đơn điện của khách hàng lên tới 1.500 USD trong thời gian lưu trú. Ashley kiểm tra camera an ninh bên ngoài và phát hiện khách hàng đã mang theo ít nhất 10 máy tính khi rời đi. Họ cũng đã thiết lập một trạm sạc cho xe điện của mình.

Khách thuê nhà để đào coin khiến chủ nhà khốn đốn- Ảnh 1.

Ashley, chủ căn Airbnb chia sẻ câu chuyện trên TikTok

Ashley đã yêu cầu Airbnb yêu cầu khách hàng thanh toán hóa đơn điện, và việc này gặp một số khó khăn. Cô đã cung cấp tài liệu cho Airbnb và khách hàng thừa nhận hành vi của mình. Họ cũng tiết lộ đã kiếm được hơn 100.000 USD tiền điện tử chỉ trong thời gian lưu trú đó.

Ashley nhận xét: “Sẽ rẻ hơn khi thuê một ngôi nhà để đào tiền điện tử so với việc phải trả hóa đơn tiền điện”. Cô đã thêm “không đào tiền điện tử” và “không sạc xe điện” vào danh sách quy tắc nhà của mình. Một số người bình luận trên video cũng báo cáo những sự việc tương tự.

Đào tiền điện tử là một hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng, với các báo cáo gần đây cho thấy chỉ 137 người đào tiền điện tử đã sử dụng 2.3% tổng lượng điện sản xuất tại Mỹ. Những người muốn đào tiền điện tử thường sẽ thực hiện mọi bước để giảm thiểu chi phí. Điều đó đôi khi có nghĩa là thuê một nhà trên Airbnb và đào tiền điện tử từ ngôi nhà nghỉ dưỡng hoặc căn hộ đó.

Công bố danh sách 20 trang web giả mạo cổng dịch vụ công quốc gia, ngân hàng

danh-sach-web lừa đảo

VTV.vn – Các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã phát hiện nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử, cổng dịch vụ công quốc gia…

Theo thống kê, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 4/2024, hệ thống Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận gần 630 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo trực tuyến.

Qua kiểm tra và phân tích, có 20 trường hợp lừa đảo lập website giả mạo các tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử..

Ví dụ như trang web tại địa chỉ “vietgcv [.] cc” giả mạo cổng thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông. Khi truy cập vào trang web giả mạo này, người dùng bị dụ cài ứng dụng có chứa mã độc. Ứng dụng này cho phép đối tượng lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại và đánh cắp thông tin, tài sản.

Trang web “dichvucong[.]dancuso[.]com”; “dichvucong[.]hhlpa[.]com” giả mạo cổng dịch vụ công quốc gia.

Trang web “vdbank[.]com[.]vn” giả mạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam; trang web “sotuyenvcb[.]vietcombanker[.]com” giả mạo Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; trang web “nganhangsaison[.]org/” giả mạo Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Công bố danh sách 20 trang web giả mạo cổng dịch vụ công quốc gia, ngân hàng- Ảnh 1.

Danh sách các website lừa đảo do Cục An toàn thông tin công bố

Trước đó, vào đầu tháng 4, Cục An toàn thông tin đã cảnh báo về trường hợp các đối tượng lừa đảo thiết lập trang web tại địa chỉ tên miền ‘policeonline[.]club’, giả mạo website của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng để đăng “quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo với tỷ lệ thành công 99,9%”, khiến cho nhiều người dân lại thêm một lần nữa bị lừa chiếm đoạt tài sản.

Trong quý I/2024, hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp là Cục An toàn thông tin, cũng đã chủ động ngăn chặn hơn 10.000 tên miền độc hại, trong đó có hơn 2.700 tên miền lừa đảo trực tuyến. Nhờ đó, đã bảo vệ hơn 10,1 triệu người, tương ứng trên 13,1% người dùng Internet Việt Nam trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Ngoài việc cảnh báo người dùng, Cục An toàn thông tin đề nghị các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp chủ động rà quét để phát hiện sớm các website lừa đảo, giả mạo đơn vị mình, cảnh báo sớm đến người dùng. Từ đó, góp phần ngăn chặn các hoạt động lừa đảo trực tuyến, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng và bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức.