Hình ảnh phục dựng của chim khủng bố tiền sử. Ảnh: A-Z Animal

Hình ảnh phục dựng của chim khủng bố tiền sử. Ảnh: A-Z Animal

Khúc xương đùi dưới của loài chim khổng lồ được tìm thấy bởi một quản lý bảo tàng ở sa mạc Tatacoa giàu hóa thạch của Colombia cách đây 20 năm, nhưng giới chuyên gia không nhận ra nó thuộc về chim khủng bố cho tới năm 2023. Năm nay, các nhà nghiên cứu tạo ra mô hình 3D của mẫu vật, sử dụng máy scan di động, cho phép họ phân tích hóa thạch kỹ hơn. “Chúng ta đang nói về một loài cao hơn 2,5 m và nặng hơn 150 kg”, Newsweek hôm 4/11 dẫn lời tác giả nghiên cứu là Federico Javier Degrange ở Trung tâm nghiên cứu khoa học Trái Đất tại Argentina.

Phorusrhacid, thường được biết tới với tên gọi “chim khủng bố” thuộc một họ chim ăn thịt từ cỡ vừa tới cực lớn đã tuyệt chủng. Chúng là động vật ăn thịt đầu bảng trong thời gian dài ở Đại Tân sinh cách đây 66 triệu năm. Loài chim này chủ yếu được tìm thấy ở phía nam Nam Mỹ, có cơ thể thuôn dài và thích nghi độc đáo để chạy trên mặt đất. Chiếc mỏ ngoại cỡ của chúng và cấu tạo hộp sọ cho thấy chúng là động vật săn mồi hiệu quả. Theo Siobhán Cooke, phó giáo sư giải phẫu chức năng và tiến hóa ở Trường Y Đại học Johns Hopkins, chim khủng bố sống trên mặt đất, có các chi thích nghi để chạy bộ và chủ yếu ăn động vật khác.

Trong bài báo công bố trên tạp chí Papers in Palaeontology, nhóm nghiên cứu xác định khúc xương hóa thạch là bằng chứng đầu tiên về một loài chim khủng bố lớn từ giữa thế Trung Tân (khoảng 11,6 – 16 triệu năm trước) ở mỏ hóa thạch tại trung tâm Colombia. Dù mẫu vật chỉ bao gồm một mảnh xương đùi dưới gọi là xương chày trái, kích thước của nó khiến các nhà nghiên cứu suy đoán đây là một trong những loài chim khủng bố lớn nhất từng tồn tại, có thể nặng hơn 154 kg. Hóa thạch này là bằng chứng ở gần phương bắc nhất của chim khủng bố ở Nam Phi từ trước tới nay.

Nhóm nghiên cứu ước tính con vật lớn hơn 5 – 20% so với các loài chim khủng bố đã biết, cao 1 – 3 m dựa trên hóa thạch đã phát hiện trước đây. Tuy nhiên, vật liệu di truyền hạn chế khiến họ không thể xác định loài mới thuộc chi nào. Điều đặc biệt là hóa thạch có dấu răng nhiều khả năng thuộc về một loài cá sấu đã tuyệt chủng tên purussaurus có thể dài hơn 9 m. Do đó, các chuyên gia nghi ngờ con chim khủng bố chết do vết thương gây ra bởi cá sấu.

An Khang (Theo Newsweek)