“Có vẻ như Temu xuất hiện từ hư không”, bài viết trên tờ PCMag miêu tả cách Temu xuất hiện và khuấy đảo thương mại điện tử toàn cầu. Temu đã gây ấn tượng với câu slogan rằng “mua sắm như một tỷ phú”. Sàn thương mại điện tử này ra mắt bắt đầu vào tháng 9/2022, khi tung ra một loạt quảng cáo trên Facebook và Instagram.
Giá của Temu thực sự thấp đến mức gây sốc. “Thấp đến mức họ không thể không thu hút sự chú ý của bạn và khiến bạn muốn ném mọi thứ vào giỏ hàng. Có vẻ như Temu đang cố gắng thu hút người mua sắm nhanh nhất có thể, nhưng có khả năng là họ đang bán lỗ để đạt được điều đó”, PCMag bình luận.
Temu nói trên trang web của họ được thành lập tại Boston, nhưng thuộc sở hữu của PDD Holdings, công ty có nhiều tiền để đốt và đã chuyển trụ sở chính thức từ Trung Quốc sang Ireland để có thể tiếp tục kinh doanh ngay cả khi Hoa Kỳ tiếp tục giám sát các ứng dụng có trụ sở tại Trung Quốc. Giá thấp của Temu và việc gửi các mặt hàng đã mua trực tiếp đến người tiêu dùng cho phép họ bỏ qua thuế quan, giúp họ tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Tuy nhiên, trong báo cáo năm 2023 của PDD Holdings gửi Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ, công ty này cho biết họ còn có trụ sở tại Quần đảo Cayman – đây là một thiên đường thuế.
Thiên đường thuế là bất kỳ địa điểm nào có luật thuế rất dễ dãi hoặc không tồn tại. Quần đảo Cayman không đánh thuế doanh nghiệp và hoạt động như một thiên đường cho các tập đoàn đa quốc gia để bảo vệ một phần hoặc toàn bộ thu nhập của họ khỏi thuế. Ngoài ra, Quần đảo Cayman không áp thuế đối với công dân hoặc người không phải công dân.
Theo PCMag , đây là một trang web hợp pháp tại Mỹ, nhưng hãy cẩn thận với các giao dịch chớp nhoáng hứa hẹn tiết kiệm thêm. Temu đã biến trang web của mình thành trò chơi. Các cửa sổ bật lên có bánh xe để quay để được giảm giá, mã thông báo để thu thập và đồng hồ đếm ngược khiến cho thời gian khuyến mại có vẻ như sắp hết, nhưng chúng được thiết kế để thúc đẩy khách hàng mua hàng.
Hiện Temu chưa được cấp phép tại Việt Nam. “Ngày 24.10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường”, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho biết Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013 ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021).
Temu bị thương nhân Trung Quốc phản ứng
Nền tảng thương mại điện tử Temu đã báo cáo doanh thu là 97,1 tỷ nhân dân tệ (13,62 tỷ USD) trong quý 2/2024, thấp hơn ước tính trung bình là 100 tỷ nhân dân tệ (14,04 tỷ USD). Thu nhập ròng đạt 32 tỷ nhân dân tệ (4,49 tỷ USD), so với mức dự kiến là 27,5 tỷ nhân dân tệ (3,86 tỷ USD).
Tại Trung Quốc, PDD đã giành được nhiều lợi thế trong những năm gần đây so với các nhà bán lẻ truyền thống như Alibaba và JD.com Inc với chiến lược định giá thấp, đồng thời áp dụng các chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ để chống lại những công ty mới nổi như Kuaishou Technology.
Nhưng PDD đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội vào tháng 7 khi hàng trăm thương gia tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng của công ty ở miền nam Trung Quốc. Họ phản đối những gì họ gọi là hình phạt không công bằng mà chủ sở hữu của Temu ngày càng áp dụng.
“Trong tương lai, PDD sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc, khi các thương gia đang trải qua thời kỳ khó khăn”, Wang Xiaoyan, một nhà phân tích tại Thượng Hải của 86Research cho biết.
Temu cũng đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của cơ quan quản lý sau sự tăng trưởng chóng mặt của mình. Liên minh Châu Âu đang xây dựng một đề xuất nhằm đóng một lỗ hổng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá rẻ được mua trực tuyến, một động thái chủ yếu nhắm vào các nhà bán lẻ Trung Quốc bao gồm cả Temu, Bloomberg News đưa tin hồi tháng 8 năm nay.