Thông tin được ông Phạm Quang Minh, Viện phó Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom) nói tại họp báo thường kỳ Bộ Khoa học và Công nghệ, chiều 17/10. Theo ông Minh, đơn vị đang phối hợp với công ty cổ phần y học Rạng Đông – doanh nghiệp sản xuất dược chất phóng xạ 18F-FDG dùng trong chụp PET-CT xây dựng đề án hợp tác mới, phù hợp quy định pháp luật để trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt về mặt chủ trương.
Trước đó, công ty Rạng Đông có trụ sở trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu Triển khai công nghệ bức xạ (Vinagama), thuộc Vinatom buộc phải dừng sản xuất do vướng mắc về thủ tục pháp lý. Điều này khiến nguồn cung dược chất phóng xạ tại nhiều bệnh viện tại TP HCM bị ảnh hưởng, khiến các máy PET/CT hoạt động cầm chừng, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân ung thư rất cao. Cơ quan y tế cho rằng đặc điểm của 18F-FDG là có tuổi thọ thấp, thời gian bán rã ngắn trong khoảng 110 phút, nên việc sử dụng phải được tiến hành ngay sau khi sản xuất. Việc vận chuyển thuốc từ các địa phương khác để sử dụng là không khả thi.
Theo ông Minh, đề án hợp tác sản xuất dược chất phóng xạ cần thời gian vì đây là lĩnh vực kỹ thuật cao, cần được đánh giá yếu tố an toàn khi vận hành thiết bị sản xuất thuốc phóng xạ. Vinatom cam kết sớm trình Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua đề án hợp tác.
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết cơ quan nhà nước khi hợp tác doanh nghiệp phải căn cứ theo Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Ông Hải cam kết sẽ khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện đề án đúng quy định, tháo gỡ vướng mắc nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Có 2 loại thuốc phóng xạ gồm chu kỳ bán rã ngắn và dài ngày. Tại Việt Nam có Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (HIC) và một số bệnh viện sử dụng máy gia tốc chủ động sản xuất dược chất phóng xạ có thời gian bán rã ngắn, phục vụ chẩn đoán ung thư. Riêng Viện nghiên cứu hạt nhân chủ yếu sản xuất dược chất phóng xạ có thời gian bán rã dài.
Trước đó trao đổi với VnExpress, TS Phạm Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ, Viện nghiên cứu hạt nhân cho biết hiện Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sản xuất thuốc phóng xạ đang đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Tuy nhiên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có công suất thấp (500 kW) nên chưa cung cấp đủ nhu cầu trong nước. Ngoài ra, Việc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thuốc cũng gặp khó khăn do vướng các quy định của Bộ Y tế.
TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, trong vài năm trở lại đây nhu cầu bệnh nhân sử dụng thuốc phóng xạ trong điều trị và chẩn đoán ngày càng cao. Bệnh viện được trang bị máy gia tốc vòng Cyclotron sản xuất thuốc phóng xạ F-18 FDG sử dụng trong ghi hình PET/CT chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý ung bướu và thần kinh. Thuốc phóng xạ F-18 FDG có thời gian bán rã 2 giờ, thời gian sử dụng 8 giờ, có thể cung cấp cho một số bệnh viện trong thành phố. Theo bác sĩ Cảnh, thiết bị đã 15 năm, công suất giảm, dẫn đến khó đáp ứng đủ cho nhu cầu ghi hình PET/CT cho các bệnh viện.
Vĩnh Hà