Cách đây 5 năm, trong một bữa tiệc hội ngộ trên đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương, cách Philippines khoảng 2.492 km, Haldre Rogers, phó giáo sư ở Khoa cá và bảo tồn động vật hoang dã ở Viện Công nghệ Virginia, Mỹ, người đã nghiên cứu sinh thái học của Guam trong 22 năm qua, chứng kiến một con rắn cây nâu quấn quanh xác lợn xé từng miếng thịt và nuốt chửng. Đây là loài rắn xâm hại du nhập vào Guam trong thập niên 1940, có thể sau khi lẻn lên tàu chở hàng. Chỉ trong vòng 4 thập niên sau khi rắn cây nâu xuất hiện, loài động vật săn mồi phàm ăn này đã diệt sạch chim bản xứ trên đảo. Trong số 12 loài chim, 10 loài đã tuyệt chủng trong khi 2 loài còn lại bám trụ trong những hang động không thể tiếp cận và khu đô thị.

Rắn cây nâu

Rắn cây nâu ăn thịt chim trên đảo Guam. Ảnh: Science

Rắn cây nâu ăn thịt chim trên đảo Guam. Ảnh: Science

Hiện nay, quần thể hai triệu con rắn trên đảo Guam sẽ ăn bất kỳ con mồi nào mà chúng có thể tìm thấy, bao gồm rắn, chuột chù, thằn lằn hoặc đôi khi thức ăn do con người để lại. “Chúng sẽ ăn bất cứ thứ gì”, Henry Pollock, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Southern Plains Land Trust ở Colorado, cho biết. “Chúng sẽ ăn lẫn nhau”.

Rắn cây nâu không phải động vật săn mồi bình thường. Hầu như không có giới hạn đối với những gì mà loài vật ăn thịt này sẵn sàng nuốt chửng. Chúng thường ăn động vật lớn bằng 70% trọng lượng cơ thể, tương đương một người nặng 60 kg ăn kangaroo đỏ nhỏ. Nhưng rắn cây nâu không chỉ háu ăn mà còn săn mồi cực kỳ hiệu quả.

Với kỹ năng nhào lộn, chúng có thể tìm thấy con mồi ngay cả ở những nơi khó tiếp cận nhất. Năm 2021, nhóm nghiên cứu ở Đại học Colorda phát hiện kiểu leo hoàn toàn mới ở rắn cây nâu gọi là “leo thòng lọng”. Theo họ, rắn cây nâu có thể quấn quanh vật hình trụ, móc đuôi quanh đầu, sau đó lắc lư giống như con người leo lên cây dừa. Để bảo vệ loài chim Såli còn sót lại trước rắn cây nâu, chuyên gia bảo tồn đặt nhiều hộp làm tổ và gia cố các cột kim loại trơn nhẵn dài 0,9 mét và rộng 15 cm mà rắn không thể leo lên.

Trong vài thập kỷ qua, chuyên gia bảo tồn và nhà chức trách cơ quan động vật hoang dã đã sử dụng mọi biện pháp có thể để loại bỏ rắn cây nâu khỏi Guam nhưng không thành công, bao gồm tìm kiếm, thuốc xịt, chất gây kích ứng, đặt bẫy, thuốc độc và Hóa Chất. Các nhà nghiên cứu thậm chí tìm kiếm virus có thể dùng làm vũ khí sinh học chống lại ếch cây nâu, nhằm loại bỏ số lượng lớn loài này mà không ảnh hưởng tới động vật hoang dã khác. Phương pháp này sẽ hoạt động giống như thuốc gây bệnh nấm da từng lưu hành rộng rãi ở Pháp và Australia. Tuy nhiên, bất chấp nhiều nỗ lực và kinh phí hàng năm dành cho các biện pháp kiểm soát, nhà chức trách vẫn không thể tiêu diệt số lượng lớn rắn.

Nhện

Nhện thợ săn to bằng bàn tay trên đảo Guam. Ảnh: BBC

Nhện thợ săn to bằng bàn tay trên đảo Guam. Ảnh: BBC

Trên phần lớn quần đảo Mariana, có tương đối ít nhện vào mùa mưa và số lượng tăng vọt vào mùa khô, nhưng Guam thì khác. Những khu rừng đá vôi trên đảo có nhện quanh năm, với mạng nhện trải dài gần như liên tục hàng kilomet. Có những con nhện chuối bụng vàng khổng lồ, nhện thợ săn to bằng bàn tay, nhện lều chăng mạng ở mọi khoảng trống trên cây.

Để tìm hiểu chính xác có bao nhiêu con nhện xâm chiếm Guam, Rogers và đồng nghiệp quyết định hoàn thành khảo sát cắt ngang trong các khu rừng trên đảo. Nhóm nghiên cứu cẩn thận đi qua rạn san hô gồ ghề dưới chân trong khi kéo một cuộn băng dính theo đường thẳng. Họ đếm số lưới nhện trên đường đi vẫn có nhện ở. Họ nhận thấy vào mùa mưa, số nhện trong những khu rừng ở Guam nhiều gấp 30 lần các đảo gần đó là Rota, Tinian và Saipan. Vào mùa khô, quần thể nhện trong vùng thường tăng vọt, nhiều gấp 2,3 lần số nhện ở Guam.

Quanh năm, rừng cây trên đảo Guam phủ đầy mạng nhện. Các nhà nghiên cứu tìm thấy 1,8 – 2,6 mạng nhện trên mỗi mét của đường cắt ngang lần lượt vào mùa mưa và mùa khô. Nếu tính theo toàn bộ diện tích rừng, tổng số lượng nhện vào khoảng 508 – 733 triệu con, dựa trên giả định mỗi chiếc mạng có một con nhện.

Đảo Rota, Tinian và Saipan đều không có rắn cây nâu và có số lượng chim lành mạnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy quần thể nhện ở Guam từng không đáng kể trước khi bùng nổ trong vài thập kỷ qua vì vắng bóng chim. Điều này một phần do không có đối thủ cạnh tranh côn trùng với nhện. Kết quả trên phù hợp với nghiên cứu tương tự ở Bahamas, trong đó số nhện trên đảo đông hơn gấp 10 lần khi không có thằn lằn. Từ khi rắn cây nâu xuất hiện, sự tồn tại của nhện chuối ở Guam trở nên rất thoải mái.

Nhiều nhà khoa học cho rằng không thể loại bỏ số lượng lớn rắn cây nâu trong những khu rừng ở Guam. Hiện nay, rắn cây nâu và đội quân nhện mà chúng tạo ra vẫn an toàn và có thể thống trị trong thời gian dài nữa.

An Khang (Theo BBC)