Dường như tình hình tài chính và kinh doanh của Intel đang ngày càng trầm trọng ngoài dự liệu, đến mức Bộ Thương mại Mỹ đang tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm hỗ trợ người khổng lồ Công Nghệ đang gặp nhiều khó khăn này.

Theo báo cáo mới nhất từ Semafor, các nhà hoạch định chính sách trong chính phủ Mỹ đang cân nhắc nhiều phương án, trong đó đáng chú ý là khả năng thúc đẩy một thương vụ sáp nhập khổng lồ để cứu vãn cho Intel.

Với vai trò là công ty Mỹ duy nhất vừa thiết kế vừa sản xuất chip tiên tiến, Intel không những được xem như bảo vật của nước Mỹ, mà còn là mảnh ghép then chốt trong chiến lược tự chủ về sản xuất bán dẫn của quốc gia này.

Intel chìm trong khó khăn, buộc chính phủ Mỹ phải ra tay giải cứu, đề xuất cả một thương vụ sáp nhập "không tưởng"- Ảnh 1.

Điều này càng trở nên quan trọng khi xét đến việc các người khổng lồ Công Nghệ khác của Mỹ như NVIDIA, Apple, AMD và Qualcomm chỉ tập trung vào thiết kế chip và phải thuê các nhà máy đúc chip ở nước ngoài để sản xuất ra thành phẩm. Chính vì vậy, Intel được coi là đối trọng chiến lược với Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn hiện nay.

Tuy nhiên, tình hình tài chính của Intel đang gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng khi ghi nhận khoản lỗ ròng lên đến 16 tỷ USD trong quý vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do chi phí tái cơ cấu và đánh giá lại tài sản. Mặc dù vậy, công ty vẫn tỏ ra lạc quan khi đưa ra dự báo tích cực hơn cho quý 4, đồng thời đã nhận được những đơn đặt hàng quy mô lớn từ Bộ Quốc phòng Mỹ và Amazon Web Services.

Để hỗ trợ Intel vượt qua giai đoạn khó khăn này, chính phủ Mỹ đang xem xét triển khai gói tài trợ từ Đạo luật CHIPS với tổng giá trị lên đến 20 tỷ USD, bao gồm khoản trợ cấp 8,5 tỷ USD và một khoản vay lãi suất thấp trị giá 11 tỷ USD. Tuy nhiên, việc giải ngân khoản tiền này đang gặp trở ngại do các quan chức Mỹ yêu cầu Intel phải đưa ra kế hoạch phục hồi khả thi và thuyết phục hơn.

Intel chìm trong khó khăn, buộc chính phủ Mỹ phải ra tay giải cứu, đề xuất cả một thương vụ sáp nhập "không tưởng"- Ảnh 2.

Song song với phương án hỗ trợ tài chính, khả năng sáp nhập cũng đang được các bên liên quan tích cực thảo luận. AMD và Marvell Technology được xem là những đối tác tiềm năng hàng đầu trong thương vụ này.

Đáng ngạc nhiên là Apple và Qualcomm không được nhắc đến trong báo cáo mặc dù cả hai đều là công ty của Mỹ và ngày càng muốn đưa hoạt động sản xuất vào trong nước. Trước đó Qualcomm từng bày tỏ sự quan tâm, sau khi CEO Cristiano Amon cho biết công ty đang nghiên cứu các phương án và sẽ đưa ra quyết định sau cuộc bầu cử Mỹ. Phía các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng tỏ ra cởi mở với ý tưởng sáp nhập, đặc biệt là với các công ty trong nước.

Nhìn về tương lai, Intel đang đặt nhiều kỳ vọng vào chip 18A, dự kiến ra mắt vào năm 2025. Mặc dù chưa từng có tiền lệ về việc chính phủ Mỹ can thiệp trực tiếp vào việc sáp nhập giữa các công ty tư nhân, nhưng các nguồn tin cho biết chính phủ có thể sẽ đóng vai trò tích cực trong việc khuyến khích một thương vụ sáp nhập do khu vực tư nhân dẫn dắt. Điều này được củng cố thêm bởi tuyên bố từ phát ngôn viên Bộ Thương mại Mỹ: “Chúng tôi tin tưởng vào tầm nhìn tổng thể của Intel trong việc sản xuất chip trên đất Mỹ.”