Sếu đầu đỏ bố mẹ cùng nuôi dưỡng con non. Ảnh: Mukund Kumar

Sếu đầu đỏ bố mẹ cùng nuôi dưỡng con non. Ảnh: Mukund Kumar

Nhắc đến những loài chim cao lớn, có thể nhiều người sẽ nghĩ đến đà điểu hay chim cánh cụt vua. Nhưng nhiều loài chim lớn nhất hành tinh lại không biết bay. Vậy đâu là loài chim cao nhất biết bay? Danh hiệu này thuộc về một loài sếu với chiếc đầu đỏ nổi bật, có tiếng kêu lớn và vang.

Họ Sếu (Gruidae) gồm 15 loài, sở hữu cơ thể mảnh khảnh. Trong đó, sếu đầu đỏ (Grus antigone) là loài chim biết bay cao nhất, với chiều cao lên đến 1,8 m và sải cánh khoảng 2,5 m. Đây là loài chim không di cư, sinh sống ở tiểu lục địa Ấn Độ, Đông Nam Á và miền bắc Australia. Chúng làm tổ ở những vùng đất ngập nước thấp và ruộng lúa ngập nước.

Sếu đầu đỏ thường ăn côn trùng, cá, thực vật, các loại hạt. Con trưởng thành nặng 5 – 12 kg, con đực thường lớn hơn con cái. Dù có kích thước lớn, chúng có thể đạt tốc độ khá ấn tượng với khả năng bay 72 km/h.

Nhiều loài sếu có hành vi tán tỉnh cầu kỳ và sếu đầu đỏ cũng không ngoại lệ. Để thu hút sự chú ý của bạn tình, và có thể để thiết lập lãnh thổ, chúng thường thực hiện những màn trình diễn nhảy và kêu phức tạp. Thanh quản của chúng mạnh đến mức âm thanh phát ra có thể nghe thấy từ cách xa hàng km.

Đi kèm với cơ thể đồ sộ và tiếng kêu vang dội, tổ của sếu đầu đỏ cũng rất lớn. Những chiếc tổ này có thể có đường kính tới hơn 1,8 m và được sử dụng để ấp 1 hoặc 2 quả trứng mỗi năm. Cả chim bố lẫn chim mẹ đều ấp và nuôi dưỡng con non.

Dù không có nhiều kẻ săn mồi trên mặt đất, sếu đầu đỏ hiện được xếp loại sắp nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Loài chim này đang bị đe dọa bởi tình trạng mất môi trường sống do phát triển đất đai và nông nghiệp, ngộ độc thuốc trừ sâu, săn bắn, thu thập trứng.

Ngoài ra, gia đình của những con sếu đầu đỏ đã chết thường xuyên quay lại kiểm tra xác, dẫn đến nguy cơ bị điện giật thêm từ dây điện dọc đường, theo chuyên gia K. S. Gopi Sundar từ Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên. Tuy nhiên, Sundar cũng từng thấy chúng dạy con non tránh những dây điện chết chóc này.

“Chúng phát ra một tiếng kêu đặc biệt khi tới gần dây điện trong lúc bay. Điều này giúp chim non biết rằng chúng nên di chuyển lên hoặc xuống để tránh dây điện”, Sundar nói.

Một số nỗ lực đang được thực hiện nhằm bảo tồn sếu đầu đỏ, đặc biệt là tại khu vực sinh sản của chúng. Các chuyên gia đang tìm cách bảo vệ vùng đất ngập nước và phục hồi số lượng cá thể thông qua những dự án sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.

Thu Thảo (Theo IFL Science)