Đàn ngỗng Ai Cập trong hồ nước ở Ay-sur-Moselle, đông bắc nước Pháp, ngày 12/9. Ảnh: Jean-Christophe Verhaegen/AFP

Đàn ngỗng Ai Cập trong hồ nước ở Ay-sur-Moselle, đông bắc nước Pháp, ngày 12/9. Ảnh: Jean-Christophe Verhaegen/AFP

Vượt một chặng đường dài từ khu vực châu Phi hạ Sahara đến miền Đông nước Pháp, ngày nay, ngỗng Ai Cập (Alopochen aegyptiaca) đã quen thuộc với vùng đất mới, thậm chí đang xua đuổi vịt và thiên nga bản địa. Đây chính là một trong những “triệu chứng” của cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học trên thế giới, AFP hôm 16/10 đưa tin.

Rất dễ nhận biết với đốm nâu ở mắt, ngỗng Ai Cập đang khiến các loài chim khác phải bỏ chạy và gây rắc rối cho du khách với chất thải của chúng. “Đó là loài ngỗng biết bảo vệ lãnh thổ. Chúng đã ở đây ít nhất 15 năm và sẽ không rời đi. Giờ số lượng của chúng ngày càng tăng. Khi có 50 – 100 con chim xuất hiện, chúng có thể làm bẩn cả bãi biển chỉ trong 24 giờ”, Pascal Koensgen, phó thị trưởng thị trấn Lauterbourg, cho biết.

“Chúng là loài xâm lấn, chiếm hết bãi cát và để lại chất thải khắp nơi. Điều này thực sự gây phiền toái cho những người đến tắm và cắm trại”, Eric Beck, quản lý khu cắm trại cạnh một hồ nước ở ngoại ô Lauterbourg, chia sẻ.

Theo Văn phòng Đa dạng sinh học Pháp (OFB), giai đoạn 1970 – 2000, Pháp có chưa đến 50 con ngỗng Ai Cập ở 16 tỉnh. Nhưng từ năm 2005, số lượng ngỗng tăng vọt. Đến tháng 1/2016, có khoảng 2.000 con tại 83 tỉnh, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh đông bắc xung quanh sông Rhine và sông Moselle, gần biên giới Bỉ, Hà Lan, Đức – những nước mà loài vật này cũng hiện diện phổ biến.

“Ban đầu, đây là loài chim cảnh được thả vào các hồ nhân tạo và ao nhỏ để tạo khung cảnh đẹp”, Jean-Francois Maillard, chuyên gia về động vật ngoại lai xâm lấn tại OFB, cho biết. Qua thời gian, chúng được bán làm thú cưng, trốn thoát khỏi sở thú hoặc chuyển từ các nước lân cận đến, sinh sôi và lan rộng.

Việc bán ngỗng Ai Cập bị cấm vào năm 2017, khi Liên minh châu Âu liệt kê chúng là loài xâm lấn đáng lo ngại. Nhưng theo Maillard, lệnh cấm này hơi muộn vì ngỗng đã “trụ vững” tại Pháp. “Ngỗng cướp tổ của các loài khác như thiên nga, đuổi chúng đi, hành động hung dữ với vịt, dẫn đến nguy cơ loài bản địa bị trục xuất”, ông nói.

Người dân địa phương đã thử dựng hàng rào, lưới và bắn súng để xua đuổi, nhưng không cách nào hiệu quả ngoại trừ tiêu diệt. Nhiều tỉnh của Pháp đã cho phép bắn ngỗng Ai Cập. Năm nay và năm ngoái tại tỉnh Bas-Rhin, thợ săn đã giết 527 cá thể, tăng đáng kể so với con số 189 trong giai đoạn 2016 – 2017 và 78 trong giai đoạn 2011-2012.

“Điều này mang lại những khoảng nghỉ, đôi khi cho phép những loài khác hoàn thành chu kỳ sinh sản của chúng. Nhưng nó sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề”, Nicolas Braconnier, phó giám Liên đoàn Thợ săn Bas-Rhin, nhận định.

Thu Thảo (Theo AFP)