Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 5/11, GS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận kinh phí dành cho các đề tài khoa học đang rất dàn trải và manh mún.
Ông ví dụ kinh phí khoa học và Công Nghệ được rót về Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay khoảng 70 tỷ đồng. Với gần 2.500 nhà khoa học, trong đó 72 giáo sư, 482 phó giáo sư, sau khi trừ một số khoản chi thường xuyên, trung bình mỗi người nhận khoảng 50 triệu đồng để nghiên cứu.
Theo ông Quân, để quốc gia đột phá về đổi mới sáng tạo cần đặt niềm tin vào các nhà khoa học và có định hướng dài hạn. Do đó, ông kiến nghị đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí cho lĩnh vực này.
“Kinh phí rót cho các nhà nghiên cứu, theo các đơn vị khoa học cần đầu tư trọn gói, định mức dài hạn”, ông nói. “Quy trình hiện nay là duyệt đề tài từng năm, qua Bộ Khoa học và Công nghệ, rồi ra Quốc hội nên phải ăn đong rất nhiều”.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương, đồng tình. Ông cho rằng ngoài ngân sách, cần phát huy vai trò của Quỹ Khoa học Công Nghệ và Đổi mới sáng tạo. Hai quỹ này có nguồn thu từ đóng góp của doanh nghiệp. Nếu làm tốt, thu đúng, thu đủ thì đây có thể là nguồn lực rất lớn.
Theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp nhà nước được trích tối đa 10% trên thu nhập tính thuế hàng năm để trích lập Quỹ phát triển khoa học và Công Nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện việc chi tiền từ Quỹ này đang khó khăn.
Trước đó Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết các cơ quan liên quan đang có nhiều động thái gỡ khó về cơ chế tài chính trong lĩnh vực này. Chính phủ giao Bộ Tài chính sửa nghị định 70 theo hướng công khai minh bạch, tôn trọng đặc thù của nghiên cứu khoa học là chấp nhận rủi ro. Đồng thời, Bộ cũng đang kiến nghị xây dựng một nghị định mới về cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị nghiên cứu khoa học Công Nghệ.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính với hoạt động khoa học và Công Nghệ. Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết cơ quan soạn thảo hướng tới tháo gỡ 3 – 4 nhóm chính sách về cơ chế tài chính. Dự thảo hướng đến tháo gỡ vướng mắc về sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho đầu tư hạ tầng mua sắm, hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức viện trường.