Adam Neumann không hề có ý định từ bỏ tham vọng chia sẻ không gian làm việc. Founder WeWork cho biết ông đã rút ra bài học sâu sắc trước khi bắt tay vào một kế hoạch mới mang tên Workflow.
Chỉ vài tháng sau khi bị loại khỏi thương vụ mua lại WeWork, Neumann tung ra dịch vụ văn phòng linh hoạt cạnh tranh với mô hình được điều chỉnh. Dự án không gian làm việc chung mới Workflow sẽ hoạt động dưới trướng Flow – công ty bất động sản nhà ở mà ông thành lập vào năm 2022.
Giống như mục tiêu xây dựng cộng đồng mà WeWork đã nêu, trang web của Flow mô tả sứ mệnh của mình là “kết nối”. “Việc thiếu cộng đồng và sự kết nối đã nghiêm trọng hơn so với thời WeWork”, ông nói.
Workflow có cái nhìn mới về không gian làm việc chung. Dự án cho thuê không gian văn phòng đối với cả cư dân Flow và các công ty bên ngoài, song sẽ tập trung vào một mô hình kinh doanh khác với WeWork để tránh lặp lại sai lầm trước đây.
Trong khi WeWork ký hợp đồng thuê dài hạn và cho thuê văn phòng trong thời gian ngắn hạn, Workflow sẽ cho thuê không gian trong các tòa nhà dân cư mà Flow sở hữu, đồng thời quản lý các không gian khác thông qua quan hệ đối tác với chủ nhà.
Flow sở hữu 4 tòa nhà chung cư ở Miami, Fort Lauderdale, Atlanta và có khoản đầu tư vào hai tòa nhà ở Nashville. Công ty cũng đã mở rộng sang Riyadh để sở hữu và quản lý ba tòa nhà chung cư hợp tác với các nhà đầu tư địa phương,
Một đại diện của Flow chia sẻ với BI rằng Neumann trước đây đã thảo luận về việc đưa Flow tham gia giới không gian làm việc chung. Thông tin về chiến lược của Workflow hiện chưa được chia sẻ với BI.
Mô hình cho thuê không gian trong các tòa nhà mà công ty đang sở hữu có thể giúp Workflow tránh được những lỗ hổng dẫn đến sự sụp đổ của mô hình tiền nhiệm. WeWork — công ty 777 địa điểm tại 39 quốc gia đến tháng 6 năm 2023 — thường ký hợp đồng thuê các tòa nhà trong 15 năm và điều này không an toàn chút nào.
Neumann cho biết trong một tuyên bố sau thông báo phá sản của WeWork vào năm 2023: “Tôi thấy rất khó khăn khi phải đứng ngoài quan sát kể từ năm 2019 vì WeWork đã không tận dụng được thế mạnh. Tôi tin rằng, với chiến lược và đội ngũ phù hợp, việc tái tổ chức sẽ giúp WeWork phát triển”.
Neumann nộp đơn xin mua lại WeWork vào đầu năm nay, hợp tác với Flow Global và các đối tác tài chính khác. Tuy nhiên vào tháng 4, WeWork công bố kế hoạch tái cấu trúc loại bỏ Neumann và đến tháng 5, chính ông rút lui khỏi nỗ lực của mình.
Bất chấp những sai lầm bị chỉ trích trong quá khứ, Neumann cho biết bản thân đã sẵn sàng sống chậm lại. Các nhà đầu tư Ben Horowitz và Marc Andreessen sẽ giúp Flow duy trì tính kỷ luật.
“Tôi biết những gì cần ưu tiên. Nó đã dạy tôi rất nhiều điều. Một trong số đó là chậm lại và lắng nghe. Hãy lắng nghe những thứ bạn thậm chí không muốn nghe”, ông nói và cho biết thêm mình đang tiếp cận dự án mới một cách khiêm tốn nhất có thể.
Được biết, Flow ra mắt trùng với thời điểm Neumann đang cố gắng mua lại WeWork với giá hơn 500 triệu USD. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với BI, người đàn ông này đã chia sẻ về giá trị của WeWork, vai trò của nó với Flow cũng như những bài học đúc rút sau thất bại ê chề.
“Công việc là một phần của cuộc sống. Tôi không biết liệu chúng ta cần hay không cần bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, bất kể tôi đang làm gì, tôi sẽ thực hiện thông qua Flow và tôi sẽ làm bất cứ điều gì tốt nhất cho Flow”, ông nói. “Một điều thú vị khi thực hiện công việc mạo hiểm lần thứ hai là bạn có thể tận dụng những điều tốt nhất từ lần trước và làm lại. Bạn sẽ có thể rút ra bài học. Một trong số đó là khi bạn có một sản phẩm mà bạn thực sự đam mê, việc bạn dành thời gian và hoàn thiện nó quả là tuyệt vời”.
Chia sẻ về tầm nhìn 5 năm nữa của Flow, Neumann cho biết công ty sẽ có nhiều tiềm năng để phát triển theo nhiều cách khác nhau.
“Chúng tôi là một công ty tích hợp theo chiều dọc. Chúng tôi xây dựng công nghệ và hệ thống quản lý tài sản của riêng mình. Chúng tôi sở hữu các tòa nhà và về mặt công nghệ, chúng tôi xây dựng cả ứng dụng, trang web…Bên trong ứng dụng mới, hệ thống thanh toán được tích hợp đầy đủ.
Flow trong 5 năm tới có nhiều tiềm năng để phát triển theo nhiều cách khác nhau. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tập trung vào việc học hỏi, thử nghiệm và xem điều gì là hiệu quả nhất. Trong số hai tòa nhà hiện tại, tòa nhà ở Fort Lauderdale đã lấp đầy 95% và tòa nhà ở Miami đã lấp đầy 96%. Chúng tôi sắp có thêm nhiều tòa nhà nữa”.
Adam Neumann là nhà sáng lập WeWork. Dưới thời ông, công ty này từng là startup giá trị nhất Mỹ với mức định giá 47 tỷ USD, song vì theo đuổi chiến lược tăng trưởng sai lầm nên sụp đổ. Bản thân founder cũng vướng phải không ít tai tiếng khi bị cho là đã tạo ra văn hóa độc hại cho chính công ty của mình: Tiệc tùng xuyên màn đêm, sử dụng rượu bia và thậm chí là cả ma túy trong quá trình làm việc. Ngoài ra, Neumann và vợ Rebekah cũng nổi tiếng hà khắc với nhân viên nhưng nhân nhượng với người nhà.
Theo: Business Insider