Cơ quan Khí tượng Nhật Bản – cơ quan so sánh các điều kiện tại cùng một địa điểm hàng năm – chưa công bố kỷ lục mới về thời gian đỉnh núi Phú Sĩ phủ tuyết muộn nhất do điều kiện mây mù gần trạm quan trắc. Tuy nhiên, ảnh chụp từ những vị trí khác nhau xung quanh ngọn núi sáng ngày 6/11 với bầu trời quang đãng hơn cho thấy, đỉnh núi đã có tuyết phủ.
“Đây là những bức ảnh của núi Phú Sĩ nhìn từ tòa thị chính sáng nay. Chúng tôi có thể thấy một lớp tuyết mỏng gần đỉnh núi”, tài khoản chính thức của thành phố Fuji thuộc vùng Shizuoka, miền trung Nhật Bản, đăng trên mạng xã hội X hôm nay. Nhiều người khác trong vùng cũng đăng những bức ảnh chụp tuyết trên ngọn núi cao nhất Nhật Bản.
Tuyết trên đỉnh Phú Sĩ bắt đầu xuất hiện trung bình vào ngày 2/10. Năm ngoái, các nhà khí tượng tại thành phố Kofu phát hiện tuyết rơi lần đầu tiên vào ngày 5/10. 2024 là năm tuyết rơi muộn nhất kể từ 1894, khi các nhà khoa học bắt đầu thống kê dữ liệu, vượt qua kỷ lục cũ là ngày 26/10 xảy ra hai lần vào năm 1955 và 2016.
Theo một chuyên gia tại văn phòng Kofu, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, trời vẫn còn nhiều mây mù nên chưa thể tuyên bố kỷ lục mới, nhưng hy vọng bầu trời sẽ dần quang đãng hơn. Ông cho biết thêm, nhiệt độ hôm nay thấp nên lớp tuyết trên núi nhiều khả năng sẽ tạm thời giữ nguyên.
Ấm lên toàn cầu là một trong nhiều yếu tố khiến tuyết phủ chậm. “Nhiệt độ tháng 10 trên đỉnh núi Phú Sĩ ấm hơn trung bình”, chuyên gia tại văn phòng Kofu nói.
Mùa hè năm nay và 2023 là những mùa hè nóng nhất từng ghi nhận tại Nhật Bản. Những đợt nắng nóng cực đoan do biến đổi khí hậu cũng hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới.
Núi Phú Sĩ cao 3.776 m so với mực nước biển. Trong mùa leo núi tháng 7 – 9, có hơn 220.000 du khách leo lên những sườn núi đá dốc, trong đó nhiều người leo qua đêm để trải nghiệm ngắm bình minh. Ngọn núi lửa đối xứng này đã được ghi lại trong vô số tác phẩm nghệ thuật, bao gồm “Great Waves” của Hokusai. Lần cuối núi Phú Sĩ phun trào là khoảng 300 năm trước.
Thu Thảo (Theo AFP)