Dù Columbus mất ở thành phố Tây Ban Nha Valladolid năm 1506, ông muốn được chôn cất trên đảo Hispaniola, ngày nay được chia sẻ bởi Haiti và Cộng hòa Dominica. Hài cốt của ông được mang tới đó năm 1542, chuyển tới Cuba năm 1795, tiếp đó đưa đến Seville năm 1898 sau khi Tây Ban Nha mất quyền kiểm soát Cuba trong chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ. Hôm 10/10, sau hai thập kỷ kiểm tra và nghiên cứu ADN, chuyên gia pháp y José Antonio Lorente xác nhận bộ hài cốt không hoàn chỉnh ở nhà thờ Seville thuộc về Columbus.
Trong thời gian dài, nhiều chuyên gia cho rằng ngôi mộ bên trong nhà thờ chứa hài cốt của Columbus, nhưng mãi tới năm 2003, Lorente và sử gia Marcial Castro mới được cấp phép mở ngôi mộ và tìm thấy hài cốt bên trong. Ở thời điểm đó, công nghệ ADN chưa thể giải mã được một lượng vật liệu di truyền nhỏ để cung cấp kết quả chính xác.
“Nhờ công nghệ mới, giả thuyết cho rằng hài cốt ở Seville là của Christopher Columbus đã được xác nhận rõ ràng”, Lorente, người đứng đầu nghiên cứu ở Đại học Granada, cho biết. Kết luận này được đưa ra sau khi nhóm nghiên cứu so sánh ADN từ ngôi mộ với ADN lấy từ anh em của Columbus là Diego và con trai ông Fernando.
Nhà khoa học cũng nhận định một phần hài cốt của Columbus có thể vẫn ở vùng Caribe. Năm 1877, cuộc khai quật ở nhà thờ Santo Domingo tại Cộng hòa Dominica phát hiện chiếc hộp nhỏ bằng chì có dòng chữ “Người đàn ông nổi tiếng và ưu tú, Christopher Columbus”. Hài cốt trong hộp hiện nay được chôn ở đài tưởng niệm Faro a Colón (Hải đăng Columbus Lighthouse) tại Santo Domingo Este.
Thành tựu trong phân tích ADN cũng hé lộ liệu nhà thám hiểm có phải người Italy hay không, vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học. Một số ý kiến cho rằng Columbus sinh tại Genoa, trong khi nhiều người khác nghĩ ông là người Ba Lan, Tây Ban Nha, Scotland hoặc Do Thái. Nghiên cứu về quốc tịch rất phức tạp do vài yếu tố bao gồm lượng dữ liệu lớn, nhưng Lorente cho biết kết quả từ nghiên cứu của ông và cộng sự gần như hoàn toàn đáng tin cậy.
Dù nhóm nghiên cứu không biết rõ Columbus sinh ở đâu, họ cho rằng nhiều khả năng đó là Tây Âu, có thể là thành phố Valencia của Tây Ban Nha. Họ suy đoán Columbus che giấu nguồn gốc Do Thái của mình hoặc cải sang Công giáo để tránh bị đàn áp tôn giáo.
Columbus ra khơi vào ngày 3/8/1492 từ cảng Palos, Tây Ban Nha, với hy vọng tìm ra tuyến đường thủy tới châu Á để trao đổi hàng hóa. Cùng với 3 chiếc tàu mang tên Nina, Pinta và Santa Maria, Columbus cùng với khoảng 100 thủy thủ dấn thân vào hành trình đưa họ tới nửa kia thế giới. Ngày 12/10/1492, đội tàu cập bến ở khu vực ngày nay là Bahamas và cuối tháng đó, Columbus khám phá ra Cuba và cho rằng đó là Trung Quốc đại lục. Sang tháng 12, đoàn thám hiểm tiếp tục tìm ra Hispaniola, nơi Columbus cho là Nhật Bản. Trong chuyến đi thứ hai vào năm 1493, Columbus đặt chân tới Puerto Rico và bắt nhiều người Taino bản xứ làm nô lệ.
An Khang (Theo Guardian)