Lưu trữ thẻ: Chuyển đổi 2G lên 4G: Đâu cần smartphone!

Chuyển đổi 2G lên 4G: Đâu cần smartphone!

Việt Nam đang trong những ngày nước rút cuối cùng để chính thức bước vào lộ trình tắt sóng di động 2G. Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 16-9-2024, hệ thống 2G của các nhà mạng sẽ ngừng kết nối với điện thoại chỉ hỗ trợ 2G (2G only); ngày 15-9-2026, mạng 2G chính thức bị “khai tử” ở Việt Nam.

Như vậy, hơn 10 triệu thuê bao 2G đang hòa mạng – theo báo cáo của các nhà mạng, trong đó phần lớn là thiết bị 2G only, loại sẽ trở thành “cục gạch” – sẽ không còn kết nối mạng được từ ngày 16-9-2024. Người dùng những thuê bao này chủ yếu lớn tuổi, người lao động ở vùng sâu, vùng xa – vốn ít hiểu biết về công nghệ và thực tế chỉ có nhu cầu nghe gọi, nhắn tin.

Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về việc sẽ không có đủ điện thoại 4G để thay thế theo đúng lộ trình. Thế nhưng, chủ trương tắt sóng 2G đã có từ lâu, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhiều lần hướng dẫn triển khai cụ thể, vì thế nếu thật sự xảy ra tình trạng thiếu điện thoại 4G thì lỗi là ở các nhà mạng và các cơ quan chức năng địa phương.

Chuyển đổi 2G lên 4G: Đâu cần smartphone!- Ảnh 1.

Thời gian gần đây, các chuỗi bán lẻ điện thoại như FPT Shop, Di Động Việt… đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ người dùng 2G “lên đời” 4G. Một số hãng điện thoại cũng chuẩn bị sản phẩm để đáp ứng cơ hội kinh doanh hiếm có này. Đơn cử, giữa tháng 6-2024, ông Nguyễn Việt Hoàng, Tổng Giám đốc HMD Việt Nam, cho biết Nokia đã chuẩn bị sẵn 1 triệu điện thoại có chức năng hỗ trợ 4G và tùy tình hình thực tế mà hãng sẽ tăng cường, điều chỉnh số sản phẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng muốn chuyển từ 2G lên 4G thì cần phải có smartphone – vừa đắt tiền vừa có nhiều tính năng gây khó khăn cho những người “thời 2G”. Thật ra, trên thị trường đang có nhiều mẫu smartphone 4G giá thấp, chỉ dưới 2 triệu đồng. Ngoài ra, không ít mẫu điện thoại “cục gạch” cùng loại như các điện thoại 2G nhưng được hỗ trợ mạng 4G. Chúng cũng có bàn phím cơ, nhỏ gọn và có thể cho phép truy cập vào các mạng xã hội như Facebook, YouTube…

Với những mẫu điện thoại có chức năng 4G “cao cấp” hơn mà giá chỉ khoảng 1,7 triệu đồng, người dùng có thể kết nối Wi-Fi tốc độ cao, kết nối Bluetooth, cập nhật email, duyệt web và trải nghiệm các công cụ như Google Maps hay trợ lý ảo Google Assistant. Bên cạnh đó, trên thị trường có không ít mẫu điện thoại có chức năng 4G mà giá chỉ từ 600.000 đồng (các thương hiệu lớn) hay chỉ từ 400.000 đồng (những thương hiệu nhỏ).

Thực tế, nếu các nhà mạng di động kết hợp nhiệt tình, chặt chẽ và linh hoạt với những hãng điện thoại và nhà phân phối, chuỗi bán lẻ… thì chuyện thiết bị phục vụ chủ trương nâng cấp 2G lên 4G sẽ được thực hiện có lợi cho tất cả các bên.