Lưu trữ thẻ: Ecovacs

Ecovacs ra robot lau nhà dùng chổi lăn đầu tiên tại Việt Nam

Hệ thống con lăn có thể thò thụt của Deebot X8 Pro Omni.

Trên thế giới, một số hãng robot hút bụi lau nhà như Dyson, iRobot đã giới thiệu sản phẩm dùng con lăn, nhưng X8 Pro Omni là model đầu tiên được bán tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm trước đó ra mắt tại triển lãm IFA 2024 ở Berlin đầu tháng 9. Cơ chế lau bằng con lăn hiệu quả hơn so với lau xoay và rung, nhưng khó khăn trong việc đưa vào sản phẩm, xử lý khi lau sát cạnh cũng như tự động vệ sinh tại trạm.


Hệ thống con lăn có thể thò thụt của Deebot X8 Pro Omni.

Hệ thống con lăn có thể thò thụt của Deebot X8 Pro Omni.

Để giải quyết vấn đề, X8 sử dụng cảm biến Lidar mới tích hợp ở cạnh giúp giải phóng không gian ở thân chính robot, đủ để tích hợp hệ thống chổi lăn kích cỡ lớn. Máy có cơ chế “thò thụt” giúp đưa con lăn Ozmo Roller ra sát tường khi hoạt động. Chổi cũng có thông số cao hơn các model đối thủ, như tốc độ xoay 200 vòng/phút, áp lực lên bề mặt sàn 4.000 PA, trong khi model từ Dyson và iRobot là 1.000-2.000 PA.

Để làm sạch con lăn liên tục trong quá trình lau, Ecovacs là công ty đầu tiên áp dụng công nghệ tái tạo nước áp suất không đổi trên Ozmo Roller, tốc độ làm sạch 200 lần mỗi phút để tăng hiệu quả lau.

Sản phẩm còn có một số thông số nổi bật khác như lực hút lớn 13.000 PA, công nghệ quét bản đồ TrueMapping 2.0, chống rối ZeroTangle 2.0 và pin dung lượng 6.400 mAh. Deebot X8 Pro Omni có giá 26,9 triệu đồng tại Việt Nam nhưng đến tháng 12 mới lên kệ.


Ecovacs Deebot T50 Pro Omni phiên bản tích hợp bộ cấp thoát nước tự động.

Ecovacs Deebot T50 Pro Omni phiên bản tích hợp bộ cấp thoát nước tự động.

Ngoài sản phẩm cao cấp nhất, Ecovacs cũng đem một mẫu khác về Việt Nam là T50 Pro Omni. Đây là model đầu tiên thuộc dòng T đánh dấu việc được sử dụng cảm biến Lidar thế hệ mới trên cạnh, giống dòng X, giúp thiết kế mỏng nhất thị trường là 81 mm, chui được gầm bàn, kệ tốt hơn.

T50 Pro Omni cũng có lực hút mạnh nhất 15.000 PA, tự động mở rộng chổi lau và chổi cạnh quét rác, hệ thống tự giặt giẻ bằng nước nóng 70 độ và cơ chế chổi mới chống bám tóc.

Máy có hai phiên bản tại Việt Nam. Bản thứ nhất tích hợp sẵn bộ cấp thoát nước (người sử dụng không cần thêm nước sạch, đổ nước bẩn thủ công) với giá 21,9 triệu đồng. Phiên bản còn có bình chứa nước sạch và nước bẩn giá 20,9 triệu đồng. T50 Pro Omni cũng sẽ được bán trong tháng 12.


Deebot N30 Pro Omni.

Deebot N30 Pro Omni.

Model cuối cùng là Deebot N30 Pro Omni, được mệnh danh là “flagship killer” khi có đầy đủ tính năng như máy cao cấp hơn 20 triệu đồng cách đây 2-3 năm nhưng giá bán 11,9 triệu đồng. Sản phẩm có dock tự giặt giẻ bằng nước nóng, sấy khô giẻ bằng khí nóng.

N30 Pro Omni cung cấp lực hút 10.000 mAh, chổi chính chống bám tóc và lông giống một số model dòng cao hơn T Series. Bình nước sạch dung tích 3,5 lít, nước bẩn 3 lít và túi đựng rác 2,6 lít. Máy cũng có hệ thống Lidar quét bản đồ nhà chi tiết, điều khiển và lập lịch trình qua ứng dụng Ecovacs.


Tuấn Hưng

Ecovacs sửa lỗi chiếm quyền điều khiển trên robot hút bụi

Ecovacs Deebot X2. Ảnh: Tuấn Hưng

Theo Ecovacs, tình huống một model của hãng bị điều khiển từ xa liên quan đến công cụ hack phức tạp, đòi hỏi quyền truy cập vật lý và hỗ trợ kỹ thuật từ nhà nghiên cứu. Trong khi đó, hiện tượng nhiều robot hút bụi bỗng dưng chửi thề thực tế xuất phát từ một vụ rò rỉ dữ liệu của bên thứ ba tại Mỹ, khiến tài khoản của các thiết bị IoT bị lộ, trong đó có của Ecovacs.

Thừa nhận sự cố gây lo ngại, Ecovacs gửi lời xin lỗi tới người dùng và khẳng định đã nâng cấp phần mềm để phòng ngừa vấn đề bảo mật nói trên với các dòng robot hút bụi, trừ Deebot X2. Model này đã có bản nâng cấp tăng cường bảo mật liên quan đến quyền xem video trực tiếp hồi tháng 8 và sẽ tiếp tục được cập nhật trong tháng 11 để khắc phục hoàn toàn lỗi.

Đại diện Hợp Long, nhà phân phối Ecovacs tại Việt Nam, cho biết chưa ghi nhận trường hợp người dùng Deebot X2 trong nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, công ty khuyến cáo người dùng luôn cập nhật bản firmware mới nhất.

Ecovacs Deebot X2 là robot hút bụi đầu tiên trên thị trường sử dụng cảm biến Lidar thể rắn giúp máy có thiết kế mỏng, không có “cục u” phía trên như đa số đối thủ ở phân khúc cao cấp. Đây cũng là lý do máy được chọn làm sản phẩm mẫu trong một số cuộc thi hack vào thiết bị gia dụng thông minh, robot hút bụi trên thế giới. Máy ra mắt tháng 8/2023 tại thị trường Việt Nam với giá 24,9 triệu đồng và hiện đã có bản nâng cấp Deebot X5.


Ecovacs Deebot X2. Ảnh: Tuấn Hưng

Ecovacs Deebot X2. Ảnh: Tuấn Hưng

Theo ChannelNews, các công ty bảo mật đánh giá hầu hết robot hút bụi trang bị hệ thống cảm biến Lidar đều có thể bị tấn công bởi những tin tặc có chuyên môn cao. Hàng loạt nhà sản xuất lớn trên thế giới như Ecovacs, LG, Samsung, iRobot, Roborock đều đối mặt với rủi ro này khi trang bị Lidar cho sản phẩm.

Giá trị lớn nhất của Lidar là sự chính xác trong khả năng xác định không gian, giúp robot nhận biết nơi nào có thể đi đến, chỗ nào có đồ nội thất hay vật cản, góp phần tạo lộ trình lau dọn nhanh chóng và không bỏ sót vị trí nào trong nhà. Để làm điều đó, công nghệ Lidar (Light Detection and Ranging) sử dụng cảm biến để robot hút bụi tính toán hướng di chuyển và tránh vật cản trên đường đi thông qua khả năng tự đo khoảng cách đến vật thể. Ngoài ra, robot cần thêm một camera và phần mềm điều khiển, kết nối với thiết bị qua Bluetooth hoặc wifi. Đây cũng là điểm yếu bị tin tặc nhắm vào.

Ví dụ, theo điều tra liên quan đến sản phẩm điện tử gia dụng LG, công ty bảo mật Check Point Software phát hiện hàng loạt máy trong nhà có kết nối với ứng dụng SmartThinQ – phần mềm quản lý thiết bị gia dụng của LG, như máy giặt, máy sấy, tủ lạnh, máy rửa bát, máy hút bụi đều có thể bị điều khiển trái phép. Nguyên nhân bắt đầu từ một lỗ hổng trong quy trình đăng nhập của LG bị khai khác, giúp tin tặc chiếm quyền điều khiển camera trên thiết bị và xem mọi hoạt động trong nhà theo thời gian thực.

Theo chuyên gia, cách tốt nhất để phòng chống tin tặc tấn công và kiểm soát robot hút bụi cũng như các thiết bị thông minh có camera khác là thường xuyên cập nhật bản vá phần mềm từ nhà sản xuất.

Theo báo cáo của Market Reports World, iRobot và Ecovacs là hai hãng robot hút bụi lớn nhất thế giới tính theo thị phần. Hai nhà sản xuất này cùng với Xiaomi, Roborock và Narwal hiện chiếm đến 70% thị phần toàn cầu. Hầu hết công ty robot hút bụi lớn trong ngành có trụ sở tại Trung Quốc. 80% sản phẩm bán ra toàn cầu cũng được lắp ráp tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tuấn Hưng