Lưu trữ thẻ: Elon Musk

Elon Musk lên kế hoạch thu tàu vũ trụ Starship bằng ‘đũa’ năm 2025

Quá trình lắp ráp tên lửa Starship và tầng đẩy Super Heavy trên bệ phóng. Đồ họa: BBC

SpaceX đã làm nên lịch sử ngành hàng không vũ trụ trong chuyến bay thử nghiệm thứ 5 của tên lửa Starship hôm 13/10. Khoảng 7 phút sau khi phóng, tầng đẩy đầu tiên của tên lửa – Super Heavy, đã quay trở lại bệ phóng và được bắt bởi cánh tay robot hay còn gọi là “đũa” của tháp phóng.

Theo Elon Musk, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc SpaceX, công ty đặt mục tiêu thực hiện tương tự với tầng trên Starship, cao 50 m, trong những tháng tới. Trong bài đăng trên X hôm 15/10, ông Musk nói: “Hy vọng đầu năm sau, chúng tôi cũng sẽ bắt được tầng trên”.


Quá trình lắp ráp tên lửa Starship và tầng đẩy Super Heavy trên bệ phóng. Đồ họa: BBC

Quá trình lắp ráp tên lửa Starship và tầng đẩy Super Heavy trên bệ phóng. Đồ họa: BBC

SpaceX đang phát triển Starship, cao 122 m và có thể tái sử dụng hoàn toàn, để đưa người và hàng hóa lên Mặt Trăng và Sao Hỏa, cũng như thực hiện nhiều nhiệm vụ không gian khác.

Việc bắt Starship tại tháp phóng có thể không áp dụng cho tất cả các nhiệm vụ của tên lửa. Ví dụ, tầng trên sẽ đưa người lên bề mặt Mặt Trăng và Sao Hỏa, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, những chuyến đi này có lẽ sẽ yêu cầu hạ cánh thẳng đứng bằng động cơ đẩy với sự hỗ trợ của chân đế.

Tên lửa mạnh nhất của SpaceX thu hồi tầng đẩy thành công

 
 
Tên lửa mạnh nhất của SpaceX thu hồi tầng đẩy thành công

SpaceX thu hồi thành công tầng tên lửa đẩy Super Heavy hôm 13/10. Video: Space

Tuy nhiên, SpaceX cũng dự định phóng nhiều nhiệm vụ Starship lên quỹ đạo Trái Đất – ví dụ: để tiếp tục xây dựng mạng lưới vệ tinh băng thông rộng Starlink khổng lồ và giúp tiếp nhiên liệu cho các tàu Starship khác hướng tới các hành tinh xa xôi. Hạ cánh trên bệ phóng là hợp lý cho những tàu này, cho phép chúng bay đến và đi từ quỹ đạo Trái Đất một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Starship là hệ thống phóng với tham vọng đưa con người tới sao Hỏa lần đầu tiên của giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk. Hệ thống phóng bao gồm phương tiện phóng Super Heavy và tàu vũ trụ Starship ở bên trên. Tên lửa đẩy nằm ở tầng đầu tiên và tàu vũ trụ chở người và hàng hóa nằm ở tầng thứ hai. Nhiệm vụ của tên lửa là đưa tàu Starship tới một điểm trên quỹ đạo, sau đó tàu Starship sẽ bay tiếp bằng động cơ của nó trong khi tên lửa quay trở lại Trái Đất. Cả hai bộ phận đều có thể tái sử dụng.

NASA đã chọn tàu Starship để đưa phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng trong chương trình Artemis. Khi tàu Starship thực hiện hành trình tới Mặt Trăng, nó sẽ phải ở trên quỹ đạo gần Trái Đất trong lúc SpaceX phóng các phương tiện hỗ trợ riêng biệt để tiếp nhiên liệu cho tàu. Nhiệm vụ chở phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng sẽ diễn ra sớm nhất vào năm 2026.

Minh Thư (Theo Space)



Động thái khác thường của Elon Musk với Bitcoin

Tỷ phú Mỹ Elon Musk trong cuộc mít tinh của ông Trump ở Pennsylvania ngày 5/10. Ảnh: AP

Theo công ty chuyên theo dõi dữ liệu tiền số Arkham Intelligence, tài khoản liên quan đến Tesla đã chuyển hơn 11.500 Bitcoin sang một số ví không rõ chủ sở hữu. Hiện ví của công ty Elon Musk còn 6,65 USD – số tiền được đánh giá “về cơ bản không còn gì”.


Tỷ phú Mỹ Elon Musk trong cuộc mít tinh của ông Trump ở Pennsylvania ngày 5/10. Ảnh: AP

Tỷ phú Mỹ Elon Musk trong cuộc mít tinh của ông Trump ở Pennsylvania ngày 5/10. Ảnh: AP

Trước khi chuyển Bitcoin, Tesla là công ty đại chúng sở hữu lượng Bitcoin lớn thứ tư tại Mỹ, theo dữ liệu của BitcoinTreasuries. Ba công ty đứng đầu là hãng phần mềm MicroStrategy, Mara Holdings và Riot Platforms.

Tesla chưa đưa ra bình luận.

Tesla từng mua số Bitcoin tương đương 1,5 tỷ USD vào tháng 2/2021, sau đó có lúc giá trị tăng lên hơn 2,5 tỷ USD. Dù vậy, hãng xe điện đã bán 75% số Bitcoin vào năm 2022. Phần còn lại được Arkham Intelligence ước tính là 11.509 đồng, tương đương 770 triệu USD.

Trước đây, Musk thường xuyên bày tỏ sự quan tâm đến tiền số. Năm 2021, ông tuyên bố Tesla sẽ sớm chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin nhưng sau đó hủy bỏ với lý do “lo ngại vấn đề môi trường”. Ông cũng từng ủng hộ Dogecoin, nhưng hiện không còn nhắc đến tiền số này.

Bảo Lâm (theo CoinDesk)



CEO Nvidia khen Musk tạo siêu máy tính với tiến độ ‘khó tin’

Jensen Huang, CEO Nvidia tại Triển lãm Computex 2024 tại Đài Loan, hồi tháng 6/2024. Ảnh: Khương Nha

“Theo tôi biết, chỉ một người trên thế giới có thể làm được điều đó”, ông Huang nói trong podcast Bg2 Pod phát sóng tuần này. “Một nỗ lực siêu phàm, điều mà người bình thường phải mất nhiều năm. Elon là người duy nhất hiểu biết về kỹ thuật, xây dựng, hệ thống lớn và khả năng huy động nguồn lực. Thật không thể tin được”.


Jensen Huang, CEO Nvidia tại Triển lãm Computex 2024 tại Đài Loan, hồi tháng 6/2024. Ảnh: Khương Nha

Jensen Huang, CEO Nvidia tại triển lãm Computex 2024 ở Đài Loan tháng 6/2024. Ảnh: Khương Nha

xAI, công ty trí tuệ nhân tạo của Elon Musk, đã xây dựng siêu máy tính Colossus ở Memphis, Tennessee (Mỹ). Cụm này gồm 100.000 GPU Nvidia H100 và dự kiến tiếp tục được mở rộng thời gian tới. Hồi tháng 9, Musk cho biết chỉ mất 122 ngày để hoàn thành mọi thứ “từ đầu đến cuối”.

Trong podcast, Huang nói với những gì ông chứng kiến, việc lắp đặt cụm GPU cho Colossus chỉ diễn ra trong vài chục ngày. CEO Nvidia khen ngợi các nhóm kỹ thuật, phần mềm, mạng và cơ sở hạ tầng của xAI, gọi họ là những người “phi thường”.

“Để dễ hình dung, 100.000 GPU là siêu máy tính nhanh nhất hành tinh, khi tính theo một cụm”, Huang bình luận. “Để xây dựng một siêu máy tính thường mất ba năm, từ việc lên kế hoạch đến bàn giao thiết bị, và thêm một năm để đưa mọi thứ vào hoạt động”.

Trước đó, trả lời Jordan Peterson trên X hồi tháng 6, Elon Musk cho biết cần 19 ngày để đưa Colossus từ giai đoạn lắp đặt phần cứng đến khâu vận hành đào tạo. Ông nói đây là tiến độ “nhanh nhất từ trước đến nay, không phải ai cũng có thể làm được”.

Musk được cho là đã “xoay” mọi cách để có được GPU Nvidia nhằm đẩy nhanh tiến độ tạo siêu máy tính. Giữa tháng 9, nhà sáng lập Oracle Larry Ellison tiết lộ ông và Musk đã “cầu xin” CEO Nvidia bán GPU mới nhất cho mình.

“Trong bữa tối tại Nobu Palo Alto, tôi và Elon nài nỉ Jensen bán GPU: Làm ơn nhận tiền của chúng tôi. Không, hãy nhận nhiều hơn. Anh chưa nhận đủ đâu, chúng tôi cần anh nhận nhiều tiền hơn của chúng tôi”, Ellison kể.

Trong podcast Bg2 Pod, Huang cũng chia sẻ kỳ vọng về đội ngũ nhân viên trí tuệ nhân tạo giúp tăng năng suất công ty. “Tôi hy vọng một ngày không xa, Nvidia sẽ trở thành công ty có 50.000 nhân viên và 100 triệu trợ lý AI trong mỗi nhóm”, ông nói, mô tả trợ lý AI là những “tác nhân” có mặt trong mọi công đoạn với vai trò cải thiện năng suất.

“AI sẽ tuyển dụng AI khác để giải quyết vấn đề. AI sẽ ở trong các kênh Slack với nhau và với con người”, ông hình dung.

Theo ông, con người sẽ cần phải lựa chọn giữa “hàng nghìn tỷ” vấn đề và quyết định giải quyết vấn đề nào, trong khi bot giúp tự động hóa các giải pháp sau đó. Có nghĩa, công ty vẫn cần tuyển dụng con người để trở nên năng suất hơn, thay vì nỗi lo bị sa thải bởi AI như những ý kiến trước đó.

Bảo Lâm



Elon Musk và tham vọng đưa người lên sao Hỏa

Tên lửa mạnh nhất của SpaceX thu hồi tầng đẩy thành công

Starship là hệ thống phóng đang dần chứng minh tham vọng đưa con người tới sao Hỏa lần đầu tiên của giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk. Đây là tên lửa cao nhất (120 m) và mạnh nhất từng được chế tạo, có khả năng tạo ra lực đẩy gần 8.000 tấn khi phóng.

Trong 4 chuyến bay thử nghiệm của hệ thống Starship/Super Heavy, hai chuyến đầu tiên kết thúc bằng những vụ nổ dữ dội. Tuy nhiên, thử nghiệm lần thứ 5, diễn ra hôm 13/10, đạt cột mốc quan trọng khi tên lửa đẩy Super Heavy được thu hồi thành công. Khoảng 7 phút sau khi phóng, tầng tên lửa này đã hạ cánh chính xác gần tháp Mechazilla và được cánh tay robot bắt lại.

“Đây là một ngày lịch sử với ngành kỹ thuật. Thật không thể tin được! Ngay trong lần thử đầu tiên, chúng tôi đã bắt thành công tầng đẩy Super Heavy trở lại tháp phóng”, Kate Tice, quản lý hệ thống chất lượng của SpaceX, chia sẻ trong buổi tường thuật trực tiếp hôm 13/10.

Chuyến thử nghiệm thành công khiến người ta nhớ lại những tuyên bố được cho là phi lý và gây sốc của Elon Musk hồi tháng 9 trên mạng xã hội X. Musk viết: “Những chuyến tàu Starship đầu tiên tới sao Hỏa sẽ phóng trong 2 năm tới, khi khung thời gian chuyển tiếp Trái Đất – sao Hỏa tiếp theo bắt đầu. Chúng sẽ không chở người để kiểm tra độ tin cậy của việc hạ cánh nguyên vẹn xuống sao Hỏa. Nếu những lần hạ cánh này diễn ra thuận lợi thì những chuyến bay chở người đầu tiên đến sao Hỏa sẽ diễn ra trong 4 năm nữa. Từ đó, tốc độ chuyến bay sẽ tăng nhanh chóng với mục tiêu xây dựng một thành phố tự cung tự cấp trong khoảng 20 năm”.

Dòng tweet này nghe giống như một lời nói hão huyền, kể cả theo tiêu chuẩn của Musk – nhà sáng lập công ty hàng không vũ trụ SpaceX kiêm người giàu nhất thế giới, giúp cách mạng hóa những chuyến du hành không gian với loạt tên lửa Falcon tái sử dụng. Thậm chí NASA, cơ quan đang hợp tác với SpaceX về dữ liệu và công nghệ để đưa phi hành gia lên sao Hỏa, cũng cho rằng việc thực hiện chuyến tàu chở người đầu tiên hạ cánh xuống hành tinh này vào năm 2040 là vô cùng “táo bạo” .

Tên lửa mạnh nhất của SpaceX thu hồi tầng đẩy thành công

 
 
Tên lửa mạnh nhất của SpaceX thu hồi tầng đẩy thành công

SpaceX thu hồi thành công tầng tên lửa đẩy Super Heavy. Video: Space

Đây không phải lần đầu tiên Elon Musk đưa ra một kế hoạch tham vọng như vậy. Năm 2016, tỷ phú này chia sẻ, ông tin rằng những chuyến bay chở người đầu tiên đến sao Hỏa có thể diễn ra trong vòng 6 năm, dù khi đó, tên lửa hạng nặng để chở người tới hành tinh đỏ chỉ mới ở giai đoạn ý tưởng.

Trong khi nhiều người coi tuyên bố mới là một ví dụ khác về sự viển vông của Musk, giống như tham vọng có một triệu người sống trên sao Hỏa trong khoảng 20 năm nữa, một số nhà phân tích lại thấy lời tuyên bố này là có mục đích. Chi phí cho dự án sao Hỏa ước tính vượt xa con số 280 tỷ USD (theo giá trị tiền tệ hiện nay) mà NASA đã chi cho chương trình Mặt Trăng Apollo năm 1969. Tài sản cá nhân ước tính của Musk là khoảng 250 tỷ USD, không đủ để tài trợ cho dự án tốn kém và lớn nhất lịch sử du hành vũ trụ này, nhưng các nhà đầu tư tiềm năng từ cả khu vực công và tư nhân đều rất hào hứng.


Elon Musk và tham vọng viển vông đưa người lên sao Hỏa

Elon Musk nói về dự án thuộc địa hóa sao Hỏa tại Guadalajara, Mexico, năm 2016. Ảnh: Ulises Ruiz Basurto/EPA

Các chuyên gia cho biết, dòng tweet của Musk đã thúc đẩy cuộc thảo luận về tham vọng trước mắt của SpaceX và triển vọng dài hạn của nhân loại. “Nếu tôi phải tìm lý do tại sao lại có mốc thời gian táo bạo như vậy cho sao Hỏa, thì một phần là để chứng minh SpaceX không hề chậm lại, không ngủ quên trên chiến thắng, không trở thành một thế lực lớn cũ kỹ trong lĩnh vực không gian, mà vẫn là một startup sáng tạo, bứt phá”, Matthew Weinzierl, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard chuyên về kinh tế vũ trụ, cho biết.

“Dù là Elon Musk, Gwynne Shotwell (giám đốc vận hành của SpaceX) hay đội ngũ nhân tài dồi dào của họ, tôi nghĩ SpaceX thực sự giỏi ở hai điều: Một là biến các tác nhân thị trường thành những thành tựu từng được coi là không thể, và hai là đưa những viễn cảnh không thể đó trở nên thành công trên thị trường”, Weinzierl nói.


Elon Musk và tham vọng viển vông đưa người lên sao Hỏa - 1

Elon Musk muốn xây dựng cộng đồng một triệu cư dân trên sao Hỏa. Ảnh: SpaceX

Musk từ lâu đã cố gắng thách thức những điều không thể và thường xuyên vượt qua khó khăn. Tầm nhìn về sự sống trên sao Hỏa đã đưa những tham vọng dường như vô hạn của ông lên đến mức cao nhất, thậm chí nhiều người cho là phi lý. Chưa ai từng đặt chân lên hành tinh này. Nếu có ngày đó, họ cũng sẽ đối mặt với địa hình cằn cỗi, nhiệt độ băng giá, bão bụi và không khí không thể hít thở.

Tuy nhiên, Musk lại rất kiên quyết với ý tưởng tạo ra một nền văn minh trên sao Hỏa. Ông thậm chí từng nói rằng mình có kế hoạch chết trên đó. Tham vọng chinh phục sao Hỏa là nền tảng cho phần lớn trong 6 công ty mà ông lãnh đạo hoặc sở hữu, mỗi công ty đều có khả năng đóng góp cho một thuộc địa ngoài Trái Đất. Ví dụ, Boring Company, công ty đào hầm tư nhân của Musk, được sáng lập nhằm chuẩn bị sẵn thiết bị để đào dưới bề mặt sao Hỏa. Ông cũng hình dung ra viễn cảnh cư dân sao Hỏa lái một phiên bản xe Cybertrucks do công ty xe điện Tesla sản xuất.

Tất nhiên, nổi bật nhất trong nỗ lực chinh phục sao Hỏa của Musk vẫn là SpaceX. Ông thành lập công ty hàng không vũ trụ này tại Hawthorne, bang California, Mỹ vào năm 2002, khi những chuyến phóng lên vũ trụ vẫn còn xa lạ và đắt đỏ. Cuối cùng, công ty này đã tạo ra tên lửa tái sử dụng và ký nhiều hợp đồng với chính phủ, bao gồm NASA. Trong vài năm gần đây, SpaceX còn phát triển Starlink, dịch vụ Internet vệ tinh đang mở rộng khắp thế giới.

Phiên bản tương lai của Starship/Super Heavy có thể có không gian sinh hoạt ở phần mũi. Theo kế hoạch, khu sinh hoạt cao vài tầng trang bị các tiện nghi như đường chạy và rạp chiếu phim. Starship có thể chở 100 hành khách tới sao Hỏa mỗi lần và mỗi chuyến bay diễn ra cách nhau hai năm. NASA cho biết, một chuyến bay tới sao Hỏa, hành tinh ở cách Trái Đất khoảng 225 triệu km, có thể mất 9 tháng.

Robert Zubrin, chủ tịch tổ chức Mars Society, tin rằng SpaceX có khả năng hiện thực hóa phần lớn tầm nhìn của Musk về sao Hỏa, chỉ là không theo đúng khung thời gian mà ông đưa ra. “Musk thường phóng đại, cả về những gì ông ấy sẽ làm và thời điểm làm điều đó, nhưng ông ấy vẫn làm được và đã làm rất nhiều điều”, Zubrin nhận định.

Thu Thảo (Tổng hợp)



CEO Google chúc mừng Elon Musk

Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google. Ảnh: India Times

Tên lửa Starship cao 122 m được SpaceX phóng thành công trong thử nghiệm lần thứ 5 từ Starbase, Texas hôm 13/10 (khoảng 20h25 cùng ngày giờ Hà Nội).

Giám đốc điều hành Google, Sundar Pichai, đã chúc mừng Elon Musk về thành tựu này. Ông chia sẻ trên X: “Thật tuyệt vời, phải thừa nhận là tôi đã xem lại video nhiều lần, thật khó tin!”.

Cột mốc này được coi là một “kỳ tích kỹ thuật”, thu hút sự chú ý và khen ngợi rộng rãi từ cộng đồng hàng không vũ trụ và nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả Giám đốc NASA, Bill Nelson, theo India Times.


Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google. Ảnh: India Times

Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google. Ảnh: India Times

Hệ thống phóng Starship lần này mang sứ mệnh lịch sử khi đưa tầng đẩy Super Heavy trở lại bệ phóng bằng cánh tay robot “chopstick” của tháp phóng Mechazilla. Sau khi phóng, tên lửa đẩy Super Heavy tách khỏi Starship ở độ cao khoảng 70 km và bắt đầu quay trở lại. Super Heavy đã khởi động lại ba trong số 33 động cơ Raptor để giảm tốc độ khi hạ cánh trở lại bệ phóng. Tên lửa đẩy cao 71 m này đã rơi vào cánh tay của tháp phóng, được giữ cố định bằng các thanh nhỏ nhô ra dưới bốn cánh lưới phía trước.

Starship là hệ thống phóng với tham vọng đưa con người tới sao Hỏa lần đầu tiên của giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk. Đây là tên lửa cao nhất (120 m) và mạnh nhất từng được chế tạo, có khả năng tạo ra lực đẩy gần 8.000 tấn khi phóng.

Tên lửa mạnh nhất của SpaceX thu hồi tầng đẩy thành công

 
 
Tên lửa mạnh nhất của SpaceX thu hồi tầng đẩy thành công

Tên lửa Starship phóng và bắt thành công tầng đẩy Super Heavy. Video:Space

NASA đã chọn tàu Starship để đưa phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng trong chương trình Artemis. Khi tàu Starship thực hiện hành trình tới Mặt Trăng, nó sẽ phải ở trên quỹ đạo gần Trái Đất trong lúc SpaceX phóng các phương tiện hỗ trợ riêng biệt để tiếp nhiên liệu cho tàu. Nhiệm vụ chở phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng sẽ diễn ra sớm nhất vào năm 2026.

SpaceX được thành lập bởi Elon Musk, một doanh nhân người Nam Phi. Ở tuổi 30, Musk đã kiếm được tài sản ban đầu bằng cách bán hai công ty thành công của mình: Zip2 với giá 307 triệu USD vào năm 1999 và PayPal, được eBay mua lại với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2002. Musk quyết định dự án lớn tiếp theo của mình sẽ là một công ty vũ trụ.

Ban đầu, Musk có ý tưởng gửi một nhà kính có tên là Mars Oasis lên sao Hỏa. Mục tiêu của ông là khơi dậy sự quan tâm của công chúng đối với việc khám phá đồng thời cung cấp một cơ sở khoa học trên sao Hỏa. Tuy nhiên, chi phí quá cao, và thay vào đó, Musk đã thành lập một công ty hàng không vũ trụ có tên là Space Exploration Technologies Corp., hay SpaceX, hiện có trụ sở tại Hawthorne, California.

Ông đã chi 1/3 tài sản được báo cáo của mình, 100 triệu USD, để khởi động SpaceX. Nhiều người hoài nghi về thành công của ông, và điều này vẫn tồn tại trong những năm đầu của SpaceX.

Bảo Anh (Tổng hợp)



Hành trình 22 năm Elon Musk chinh phục vũ trụ

SpaceX là công ty hàng không vũ trụ do Elon Musk gây dựng sau khi bán hai công ty riêng. Ảnh: 21st Century

SpaceX là công ty hàng không vũ trụ tư nhân chuyên chở người và hàng hóa vào vũ trụ, bao gồm phi hành đoàn NASA lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Nhà sáng lập Elon Musk cũng tạo ra và thử nghiệm hệ thống Starship để hạ cánh trên Mặt Trăng và chở người tới sao Hỏa trong tương lai, theo Space.

Sự ra đời của SpaceX

SpaceX được thành lập bởi Musk, một thương nhân người Nam Phi. Ở tuổi 30, Musk kiếm được số tiền kếch xù đầu tiên khi bán hai công ty thành công của ông, bao gồm Zip2 với giá 307 triệu USD vào năm 1999 và PayPal, được eBay mua lại với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2002. Musk quyết định thương vụ lớn tiếp theo sẽ là một công ty vũ trụ tư nhân.


SpaceX là công ty hàng không vũ trụ do Elon Musk gây dựng sau khi bán hai công ty riêng. Ảnh: 21st Century

SpaceX là công ty hàng không vũ trụ do Elon Musk gây dựng sau khi bán hai công ty riêng. Ảnh: 21st Century

Ban đầu, Musk nảy ra ý tưởng đưa một nhà kính gọi là Mars Oasis lên hành tinh đỏ. Mục tiêu của ông là nâng cao sự quan tâm của công chúng với khám phá vũ trụ, đồng thời cung cấp một trạm nghiên cứu khoa học trên sao Hỏa. Nhưng chi phí quá cao, thay vào đó, Musk thành lập công ty có tên Space Exploration Technologies Corp hay SpaceX ở vùng ngoại ô Hawthorne của Los Angeles, California vào ngày 14/3/2002.

Musk chi 1/3 khoản lợi nhuận từ thương vụ trước đó là 100 triệu USD để SpaceX đi vào hoạt động. Sau 18 tháng phát triển, SpaceX giới thiệu mẫu tàu đầu tiên năm 2006 dưới tên Dragon. Musk chọn tên gọi đó từ một bài hát thập niên 1960 bởi nhiều người cho rằng những mục tiêu vũ trụ của ông là bất khả thi.

Falcon 1 – tên lửa đầu tiên của SpaceX


Falcon 1 phóng từ đảo Omelek thuộc đảo san hô vòng Kwajalein trên quần đảo Marshall. Ảnh: SpaceX

Falcon 1 phóng từ đảo Omelek thuộc đảo san hô vòng Kwajalein trên quần đảo Marshall. Ảnh: SpaceX

Musk đã trở thành một thương nhân lão luyện khi thành lập SpaceX và ông tin chắc hoạt động phóng càng thường xuyên và đáng tin cậy, chi phí khám phá vũ trụ sẽ càng giảm. Vì vậy, ông tìm đến một khách hàng ổn định có thể chi tiền cho giai đoạn phát triển ban đầu của tên lửa: NASA. Mục tiêu của Musk đối với SpaceX là phát triển tên lửa đẩy nhiên liệu lỏng tư nhân đầu tiên có thể phóng lên quỹ đạo, gọi là Falcon 1.

Công ty trải qua con đường học hỏi gập ghềnh để bay lên quỹ đạo. SpaceX mất 4 lần thử nghiệm để Falcon 1 bay thành công. Những lần thử trước đây vấp phải vấn đề như rò rỉ nhiên liệu và va chạm với tầng tên lửa. Nhưng cuối cùng, Falcon 1 đã thực hiện hai chuyến bay thành công vào ngày 28/9/2008 và 14/7/2009. Chuyến bay năm 2009 cũng đưa vệ tinh RazakSat của Malaysia lên quỹ đạo.

Năm 2006, SpaceX nhận được 278 triệu USD từ NASA theo chương trình Commercial Orbital Transportation Services (COTS). COTS hướng tới thúc đẩy sự phát triển của những hệ thống có thể vận chuyển hàng hóa thương mại lên trạm ISS. Việc hoàn thành thêm một số cột mốc nâng tổng giá trị hợp đồng lên 396 triệu USD. SpaceX được lựa chọn vào chương trình cùng với Rocketplane Kistler (RpK), nhưng hợp đồng của RpK bị hủy và chỉ thanh toán một phần sau khi công ty này không đáp ứng những cột mốc theo yêu cầu.

Nhiều công ty tham gia vào chương trình COTS ở giai đoạn đầu với hợp đồng cấp kinh phí hoặc không cấp kinh phí. Năm 2008, NASA ký thêm 2 hợp đồng cho dịch vụ thương mại nhằm tái cung cấp vật tư. SpaceX nhận được hợp đồng cho 12 chuyến bay (trị giá 1,6 tỷ USD) trong khi Orbital Sciences Corp (ngày nay là Orbital ATK) nhận được hợp đồng cho 8 chuyến bay (trị giá 1,9 tỷ USD).

Falcon 9 và Falcon Heavy

Cái tên quan trọng trong đội tên lửa của SpaceX là Falcon 9 với một trong nhiều đặc điểm nổi bật là khả năng tái sử dụng. Falcon 9 chở nhiều hàng hóa lên quỹ đạo thấp của Trái Đất (13.150 kg) so với Falcon 1 (670 kg).

Tầng đẩy tên lửa Falcon 9 đầu tiên hạ cánh vào ngày 21/12/2015. SpaceX tìm cách thu hồi các tầng đẩy như một hoạt động thường xuyên. Chúng thường hạ cánh trên tàu tự động gần bãi phóng. Nhiều tầng đẩy Falcon 9 được tái sử dụng vô số lần để giảm chi phí phóng.

Hai tầng đẩy tên lửa hạ cánh thành công gần Trung tâm vũ trụ Kennedy như dự kiến, nhưng tầng lõi đáp xuống biển ở tốc độ quá nhanh là 480 km/h và không thể tồn tại do lực tác động. Falcon Heavy sau đó tiến hành đốt động cơ trong không gian, đưa chiếc Roadster bay xa ít nhất ngang quỹ đạo sao Hỏa.

Tàu Dragon và các nhiệm vụ chở hàng lên ISS

Cột mốc quan trọng tiếp theo đối với SpaceX là vận chuyển hàng lên ISS. Tàu Dragon phóng trên tên lửa Falcon 9, vận chuyển chuyến hàng đầu tiên lên trạm ISS vào tháng 5/2012 trong chuyến bay thử nghiệm cho chương trình COTS. Buổi phóng tàu bị trì hoãn vài ngày do vấn đề động cơ, nhưng tên lửa cất cánh an toàn trong lần thử tiếp theo.

SpaceX hoàn thành chuyến bay thương mại đầu tiên lên ISS vào tháng 10/2012. Chuyến bay đó đạt hầu hết mục tiêu, nhưng tên lửa bị trục trặc một phần trong buổi phóng. Sự cố kết thúc với vệ tinh Orbcomm-OG2 bị kẹt ở quỹ đạo thấp bất thường, dẫn tới nhiệm vụ thất bại.

Phiên bản đầu tiên của tàu vũ trụ Dragon đã thực hiện 20 chuyến bay lên trạm ISS trong năm 2020, tất cả ngoại trừ tàu CRS-7 (bay vào tháng 6/2015) đến nơi thành công. CRS-7 bay lạc do trục trặc ở tên lửa và SpaceX đã thiết kế lại tên lửa trước buổi phóng thành công tiếp theo vào ngày 8/4/2016. Một phiên bản mới của tàu chở hàng Dragon bắt đầu bay vào tháng 12/2020.

Tàu Crew Dragon và chuyến bay chở người lên ISS

SpaceX phát triển vài nguyên mẫu trước khi phóng tàu Crew Dragon vào không gian. Công ty tiến hành thử nghiệm hủy phóng tại bãi và thử nghiệm bay lơ lửng có dây buộc ở Cơ sở phát triển và thử nghiệm tên lửa SpaceX tại McGregor, Texas.

SpaceX còn sử dụng module chịu áp suất và module hệ thống hỗ trợ sự sống và kiểm soát môi trường để kiểm tra những hệ thống chủ chốt trước khi bay vào không gian. Tàu Crew Dragon đầu tiên cất cánh đã hoàn thành Crew Demo-1, nhiệm vụ không người lái lên ISS vào ngày 2/3/2019 và hạ cánh thành công sau 8 ngày trong vũ trụ. Con tàu bất ngờ bị phá hủy sau chuyến bay trong loạt thử nghiệm đánh giá hệ thống hủy phóng.

SpaceX phóng chuyến bay thử chở người đầu tiên là Demo-2 vào ngày 30/3/2020, đưa phi hành gia Bob Behnken và Doug Hurley lên ISS. Trên tàu Crew Dragon Endeavour của SpaceX, bộ đôi phi hành gia quay trở lại Trái Đất vào ngày 2/8/2020. Vào ngày 15/11/2020, chuyến bay khai thác thành công đầu tiên là Crew-2, sử dụng tên lửa Falcon 9 để phóng 4 phi hành gia lên ISS trên tàu Crew Dragon có biệt danh “Resilience”.

Starship


Hệ thống Starship trên bệ phóng ở cơ sở Starbase của SpaceX vào tháng 3/2022. Ảnh: SpaceX

Hệ thống Starship trên bệ phóng ở cơ sở Starbase của SpaceX vào tháng 3/2022. Ảnh: SpaceX

Starship là trọng tâm trong kế hoạch bay tới sao Hỏa của Musk. Chương trình thử nghiệm bắt đầu với một phương tiện nhỏ gọi là Starhopper, thực hiện hàng loạt chuyến bay thử có dây buộc và không dây buộc trong năm 2019 và 2020. Sau đó, SpaceX bắt đầu thử nghiệm một loạt phương tiện Starship trong các chuyến bay lên độ cao lớn, bắt đầu với thử nghiệm bay đoạn ngắn của nguyên mẫu SN5 vào tháng 8/2020. Một trong những thách thức lớn nhất của chương trình là xử lý thao tác lật giữa không trung, dẫn tới vài nguyên mẫu Starship bị phá hủy trước khi SN15 hạ cánh nhẹ nhàng vào ngày 5/5/2021.

Tàu Starship được thiết kế để phóng lên quỹ đạo và không gian sâu trên tên lửa đẩy Super Heavy cao 70 m chứa khoảng 3,6 tấn oxy và methane lỏng trong bình nhiên liệu. Super Heavy có 4 cánh phụ dạng lưới giúp hỗ trợ điều khiển quá trình hạ thấp của tên lửa đẩy. Bộ đôi Starship và Super Heavy tạo thành hệ thống phóng có thể tái sử dụng hoàn toàn cao 120 m khi xếp chồng lên nhau lần đầu tiên vào tháng 8/2021.

Starship phóng lần đầu tiên vào tháng 4/2023. Theo kế hoạch, trong khoảng 3 phút, Starship sẽ tách ra và tiếp tục bay bằng động cơ riêng, rồi hạ cánh ở ngoài khơi Hawaii sau 1,5 giờ. Tuy nhiên, không lâu sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, một vụ nổ xảy ra. Từ nhiệm vụ này, SpaceX đã thực hiện hơn 1.000 thay đổi đối với thiết kế tên lửa, trong đó có thay đổi hệ thống tách tầng.

Lần phóng thứ hai diễn ra vào tháng 11/2023. Lần này, quá trình tách tầng diễn ra hoàn hảo, Starship bay lên độ cao 150 km. Trong khi đốt động cơ ở tầng thứ hai, Starship giải phóng quá nhiều oxy lỏng, dẫn tới phát nổ. Trong chuyến bay thứ ba hôm 14/3, Starship của SpaceX lần đầu tiên thử nghiệm nhiều thao tác trên quỹ đạo trong một giờ nhưng bị phá hủy trong quá trình hồi quyển. Ở lần bay thứ tư hôm 6/6, Starship vượt qua nhiều cột mốc quan trọng trong chuyến bay thử nghiệm, bao gồm khoang tàu Starship nguyên vẹn sau khi trải qua nhiệt độ cực hạn trong khí quyển Trái Đất, cả khoang tàu và tên lửa đẩy đều hạ cánh an toàn.

Trong chuyến bay thử thứ năm vào sáng ngày 13/10, tên lửa đẩy Super Heavy giải phóng Starship trên đường bay vào không gian, sau đó rơi trở lại Trái Đất. Lần đầu tiên, cặp đũa máy khổng lồ tại bệ phóng ở Texas của SpaceX đón trúng tên lửa đẩy rơi xuống, một thành tựu chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ tên lửa. Nhờ đó, SpaceX có thể tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng hệ thống tên lửa tái sử dụng hoàn toàn trong lịch sử, giảm mạnh chi phí bay vào không gian và cuối cùng biến nhân loại thành loài đa hành tinh. Sau khi chứng minh cả tàu Starship và tên lửa đẩy Super Heavy có thể phóng vào vũ trụ và bay về Trái Đất nguyên vẹn, công ty đang trên đà thực hiện mục tiêu khiến chi phí phóng tên lửa rẻ hơn ước tính 10 lần.

Kế hoạch tương lai của SpaceX

SpaceX có tệp khách hàng trải rộng từ khối tư nhân, quân đội tới các tổ chức phi chính phủ sẵn sàng chi tiền để thuê công ty chở hàng lên quỹ đạo. Dù kiếm tiền từ dịch vụ phóng, công ty cũng tập trung vào phát triển công nghệ khám phá vũ trụ trong tương lai.

Năm 2016, Musk công bố kế hoạch kỹ thuật để bay tới sao Hỏa, hướng tới tạo ra một thuộc địa tự cung tự cấp trên hành tinh đỏ trong 50 – 100 năm tới. Hệ thống vận chuyển liên hành tinh về cơ bản là phiên bản lớn hơn của Falcon 9. Tuy nhiên, tàu vũ trụ lớn hơn so với tàu Dragon dự kiến chở ít nhất 100 hành khách mỗi chuyến bay.

Starship tiếp tục hiện diện trong kế hoạch chinh phục sao Hỏa của Musk. Tháng 2/2022, Musk cho biết SpaceX có thể đạt tỷ lệ phóng một phương tiện Starship cách 6 – 8 giờ và một tên lửa Super Heavy mỗi giờ trong các nhiệm vụ chở tới 150 tấn hàng lên quỹ đạo. Tỷ lệ phóng cao như vậy sẽ giúp giảm mạnh chi phí, khiến định cư trên sao Hỏa khả thi hơn về mặt kinh tế.

An Khang (Theo Space)



Robot Optimus của Tesla lần đầu trình diễn trước công chúng

Optimus lần đầu trình diễn trước công chúng

Tại sự kiện Cybercab diễn ra ngày 11/10 ở Mỹ, bên cạnh việc Tesla ra mắt dòng xe mới Robovan, nhiều sự chú ý đổ dồn về Optimus. Mẫu robot hình người này xuất hiện phía dưới sân khấu và thực hiện nhiều động tác nhuần nhuyễn, như phát túi quà và đồ uống cho khách mời, trổ tài pha chế hay chơi oẳn tù tì với những người tham dự. Robot cũng thể hiện một số điệu nhảy, như nhảy trên bản phối lại của bài nhạc nổi tiếng What is love (Baby Don’t Hurt Me).

Optimus lần đầu trình diễn trước công chúng

 
 
Optimus lần đầu trình diễn trước công chúng

Roboot Optimus xuất hiện trước đám đông. Video: X/ChaudharyParvez

Theo QZ, việc Optimus xuất hiện và giao lưu với khán giả cho thấy nỗ lực của Tesla và Elon Musk với robot hình người. Cách đây ba năm, Musk giới thiệu Optimus thông qua một người hóa trang. Còn hiện tại, nó đã có thể làm được những việc phức tạp.

“Như bạn có thể thấy, chúng tôi bắt đầu với một người mặc bộ đồ robot, và chúng tôi đã tiến bộ đáng kể qua từng năm”, Musk nói tại sự kiện. Ông cho biết robot hình người sẽ được bán với giá từ 20.000 đến 30.000 USD trong “dài hạn”, một khi sản lượng tăng lên.

Hồi tháng 4, Musk từng mô tả việc Tesla bán Optimus giá từ 20.000 USD có thể giúp công ty đạt giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới với khoảng 25.000 tỷ USD. Ông cũng dự đoán cuối cùng robot này đông hơn con người.

“Nó sẽ là bất cứ thứ gì bạn muốn. Nó có thể là giáo viên, dắt chó đi dạo, cắt cỏ, mua đồ tạp hóa, phục vụ đồ uống. Bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ ra, nó sẽ làm được”, Musk nói khi đó. “Tôi nghĩ đây sẽ là sản phẩm lớn đột phá nhất từ trước đến nay”.

Sau khi công bố Optimus năm 2021, công ty ra mắt nguyên mẫu đầu tiên năm 2022, có chiều cao 173 cm, nặng 57 kg, trang bị màn hình trên mặt để hiển thị thông tin. Trong hai năm qua, Musk bắt đầu hiện thực hóa robot hình người và đạt được những thành tựu nhất định, như khả năng gấp quần áo, tập yoga hay tự di chuyển trong nhà máy của Tesla.

Dù vậy, mọi chia sẻ đều thông qua các video đăng trên X, chưa bao giờ Optimus biểu diễn trước công chúng. Tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo Thế giới diễn ra ngày 4-6/7 ở Thượng Hải, Tesla cũng trưng bày Optimus. Tuy vậy, cỗ máy nhanh chóng gây thất vọng khi được đặt trong tủ kính thay vì phô diễn tính năng.

Bảo Lâm



Robot Optimus của Tesla bị nghi được điều khiển từ xa

Robot Optimus của Tesla trình diễn khả năng pha chế

Trong sự kiện We, Robot của Tesla tại Mỹ hôm 11/10, Elon Musk tuyên bố Optimus trong tương lai “có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn”, kể cả dắt chó đi dạo, mua đồ tạp hóa, trông trẻ, và kỳ vọng có thể bán robot với giá 20-30 nghìn USD.

Để trình diện khả năng của robot, Musk cho Optimus đi lại giữa đám đông, thể hiện sự khéo léo khi phục vụ đồ uống tại một quầy bar trong sự kiện.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội X, một số khách tham dự bày tỏ sự ngạc nhiên về sự linh hoạt của Optimus cũng như khả năng giao tiếp với con người, dấy lên nghi vấn robot được điều khiển từ xa thay vì là một sản phẩm tự vận hành nhờ AI.

Robot Optimus của Tesla trình diễn khả năng pha chế

 
 
Robot Optimus của Tesla trình diễn khả năng pha chế

Robot Optimus của Tesla trình diễn khả năng pha chế. Video: Robert Scoble

“Đây không hoàn toàn là AI. Con người đang hỗ trợ nó từ xa”, Robert Scoble, một chuyên gia công nghệ có mặt tại bữa tiệc chia sẻ, kèm video robot này phục vụ nước cho ông. Theo Scoble, quá trình đi bộ của Optimus có thể là tự động, nhưng các giao tiếp khác thì không. Ông cũng đặt câu hỏi cho một robot tại sự kiện rằng nó là AI hay do con người điều khiển, và câu trả lời phát ra từ loa là “có thể có một số AI tham gia”.

Theo các nhà phân tích, phản ứng này giống như một kiểu “văn mẫu” của những người đang cố thể hiện giống như họ ứng dụng AI chứ không phải của một công ty đang tự tin vì những tiến bộ công nghệ thực sự. Ngoài ra, trong các cuộc trò chuyện với khách mời tại bữa tiệc ở môi trường ồn ào, cách trả lời và thao tác tự nhiên của Optimus được đánh giá không giống của trí tuệ nhân tạo, mà là của con người.

Theo Arstechnica, với tính cách của Musk, nếu sản phẩm hoạt động độc lập hoàn toàn bằng AI, chắc chắn ông sẽ khoe khoang điều đó. Nhưng trong bài thuyết trình của mình, CEO này không đề cập đến việc chúng được điều khiển thế nào, có thể để tránh việc có thể bị phát hiện nói dối khi đưa robot hoạt động tại sự kiện.

Tesla chưa đưa ra bình luận về các ý kiến này.

Robot Optimus của Tesla la chơi oẳn tù tì với người dùng

 
 
Robot Optimus của Tesla la chơi oẳn tù tì với người dùng

Optimus chơi oẳn tù tì với người dùng. Video: Christian Keil

Bên cạnh các nghi vấn, robot của Tesla vẫn được đánh giá cao khi thực hiện các chuyển động mượt mà, cho thấy phần cứng và bộ truyền động hoạt động tốt.

“Xứng đáng để ăn mừng vì khả năng điều khiển từ xa với độ trễ thấp, nhưng không trung thực khi trình diễn chúng như những robot tự động”, Josh Wolfe, sáng lập quỹ đầu tự Lux Capital, đánh giá.

Thời gian qua, robot hình người chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều thị trường như Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng của các thiết bị này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt đến sự tự nhiên giống con người như nhiều hãng đang quảng cáo. Tại Hội nghị Robot thế giới hồi tháng 8 ở Trung Quốc, màn trình diễn của các nhân vật giống robot trên sâu khấu sự kiện cũng được cho là do con người hóa trang.

Lưu Quý



Đạo diễn phim nói Elon Musk vay mượn ý tưởng robot

Hình ảnh so sánh do đạo diễn Alex Proyas đăng trên X.

“Elon, tôi có thể lấy lại thiết kế của mình được không?”, Alex Proyas, đạo diễn I, Robot, viết trên X ngày 14/10 và hiện nhận hơn 7,5 triệu lượt xem.

Trong ảnh đăng kèm, Proyas so sánh lực lượng người máy của cảnh sát trong phim với robot hình người Optimus, phương tiện giao thông với robovan của Tesla và một chiếc xe tương lai bên cạnh taxi điện Cybercab.

Trước đó, tại sự kiện We, Robot ngày 10/10, Tesla trình diễn hai sản phẩm mới là taxi không người lái Cybercab và một mẫu xe tải robovan. Đây cũng là lần đầu công ty của Elon Musk trình diễn Optimus trước công chúng, nhưng cỗ máy này bị nghi được điều khiển từ xa.


Hình ảnh so sánh do đạo diễn Alex Proyas đăng trên X.

Đạo diễn Alex Proyas đăng trên X ảnh so sánh ý tưởng trong phim (trái) với các sản phẩm của Tesla.

Ở phần bình luận, nhiều người nhận xét sản phẩm của Musk có thiết kế tương tự trong phim của Proyas. Tuy nhiên, cũng có ý kiến rằng đạo diễn không nên quá khắt khe với những người đưa ý tưởng trong phim vào cuộc sống. “Ông đã truyền cảm hứng cho tương lai, nhưng đang cố gắng đổ lỗi cho người đã biến nó thành hiện thực”, tài khoản Stepfanie Tyler bình luận.

I, Robot ra mắt năm 2004, lấy cảm hứng từ bộ truyện ngắn năm 1950 của tác giả khoa học viễn tưởng nổi tiếng Isaac Asimov. Phim có sự tham gia của diễn viên Will Smith, lấy bối cảnh thế giới tương lai của Chicago năm 2035. Cốt truyện xoay quanh một thám tử đang cố gắng làm sáng tỏ một vụ giết người, nhưng bị lực lượng robot của cảnh sát ngăn cản. Robot không làm hại con người, nhưng khiến con người phụ thuộc ngày càng lớn vào chúng.

Trong phim, thám tử bị ngăn cản bởi “Ba định luật robot”: robot không được làm hại con người; robot phải tuân theo lệnh của con người trừ khi xung đột với định luật thứ nhất; và robot phải tự bảo vệ mình nếu nó không xung đột với định luật thứ nhất hoặc thứ hai. Thám tử xem các điều luật này là “ngớ ngẩn”, nhưng phải tự mình điều tra do đã nhận nhiệm vụ phá án.

Proyas nổi tiếng với vai trò đạo diễn các bộ phim như The Crow (1994), Dark City (1998). Ông gần đây cũng ấp ủ ý tưởng phim về AI và đang trong quá trình sản xuất phim khoa học viễn tưởng RUR.

Bảo Lâm