Lưu trữ thẻ: Giá cước 5G

Giá cước 5G thế nào so với 4G?

Một người đang đo tốc độ mạng 5G trên điện thoại, tại buổi ra mắt sáng 15/10. Ảnh: Lưu Quý

Trong sự kiện sáng 15/10 tại Hà Nội, Viettel – nhà mạng đầu tiên thương mại hóa 5G – cho biết đã tung ra 19 gói cước cho người dùng cá nhân, trong đó 11 gói trả trước và 8 gói trả sau. VNPT và MobiFone chưa công bố thời gian triển khai công nghệ di động thế hệ mới.

Các gói cước được tính theo tháng, với chi phí từ 135.000-480.000 đồng cho người dùng trả trước và từ 200.000 đến 2 triệu đồng cho trả sau. Mỗi gói cung cấp các quyền khác nhau, ngoài dung lượng Internet còn có ưu đãi khi gọi điện nội và ngoại mạng, chơi game, truy cập mạng xã hội hoặc tiện ích xem truyền hình, lưu trữ.

Nếu xét về dung lượng truy cập, quyền lợi của người dùng trong hầu hết gói 5G vừa công bố đều cao hơn 4G. Tuy nhiên, việc thiết lập mức sàn cao hơn gói 4G khiến người dùng không có những lựa chọn thấp như 70.000, 90.000 đồng và phải chi số tiền lớn hơn để trải nghiệm 5G.

Cụ thể, gói 4G theo tháng của Viettel thấp nhất là ST70K, người dùng được 15 GB dữ liệu cho 30 ngày sử dụng. Trong khi với gói 5G135 mới, người dùng có 4 GB truy cập mỗi ngày, tương đương 120 GB mỗi tháng, cao gấp tám lần.

4G 5G
Tên gói ST70K 5G135
Dung lượng/tháng 15 GB 120 GB
Ưu đãi khác Truy cập TikTok miễn phí Miễn cước TV360 4K
Số tiền 70.000 đồng 135.000 đồng

Với cùng số tiền bỏ ra, một số gói cước 5G cung cấp nhiều ưu đãi hơn. Ví dụ với 300.000 đồng mỗi tháng:

4G 5G
Tên gói 30N N300
Dung lượng/tháng 150 GB 300 GB
Ưu đãi khác

– Miễn phí gọi nội mạng < 60 phút, 150 phút gọi ngoại mạng, nhắn tin nội mạng.

– Miễn phí TV360

– Miễn phí gọi nội mạng < 60 phút, 200 phút gọi ngoại mạng, 200 SMS trong nước, 70 GB Cloud, MCA.

– Miễn phí truy cập YouTube, TikTok, Facebook và Spotify, TV360 Basic.

Số tiền 300.000 đồng 300.000 đồng

Tuy nhiên do 4G đã triển khai nhiều năm, nhà mạng cũng liên tục tung ra các ưu đãi riêng cho từng thuê bao. Ví dụ gói 4G có tên SD135, cùng giá 135.000 đồng nhưng có dung lượng 5 GB mỗi ngày cùng quyền truy cập TV360 Basic. Quyền lợi này cao hơn gói 5G135 mới ra, nhưng chỉ áp dụng cho những người dùng nhất định trong danh sách của nhà mạng.

Bù lại, gói cước 5G mở rộng giới hạn đăng ký cho người dùng. Ví dụ thuê bao trả trước hiện có thêm lựa chọn cao nhất 480.000 đồng, cho phép truy cập 20 GB/ngày, tương đương 600 GB mỗi tháng. Gói trả sau cao nhất N2000, giá 2 triệu đồng, cho phép sử dụng 50 GB/ngày hay 1.500 GB/tháng, cùng 400 phút gọi ngoại mạng, miễn phí gọi nội mạng dưới 60 phút.


Một người đang đo tốc độ mạng 5G trên điện thoại, tại buổi ra mắt sáng 15/10. Ảnh: Lưu Quý

Một người đang đo tốc độ mạng 5G trên điện thoại sáng 15/10. Ảnh: Lưu Quý

Trong lễ khai trương sáng 15/10, nhà mạng cho biết người dùng 4G hiện có thể đăng ký gói 5G mà không cần đổi sim. Ngoài các khác biệt về dung lượng, người dùng 5G sẽ tận hưởng kết nối tốc độ cao, có thể lên tới 1 Gbps, gấp 10 lần 4G, cùng độ trễ gần như bằng 0.

Với nhu cầu sử dụng thông thường hiện nay, người dùng sẽ không nhận thấy sự khác biệt đáng kể giữa 5G và 4G. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhiều ứng dụng, dịch vụ sẽ được xây dựng để khai thác lợi ích của công nghệ kết nối thế hệ mới.

Bên cạnh đó, do đang trong quá trình triển khai, người dùng cũng cần kiểm tra xem khu vực mình sống có kết nối 5G chưa. Viettel cho biết đã lắp đặt 6.500 trạm phát sóng tại khu vực trung tâm của 63 tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, điều kiện cần là một điện thoại hỗ trợ 5G.

Thời gian tới, khi hai nhà mạng lớn tiếp theo là VNPT và MobiFone tham gia cuộc đua, giá cước 5G trên thị trường được dự đoán có nhiều biến động và trở nên cạnh tranh hơn.

Công nghệ 5G bắt đầu được thương mại hóa trên thế giới cách đây 5 năm, phổ biến nhất tại Trung Quốc, Mỹ… trong khi nhiều nước khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Lợi thế của mạng thế hệ mới là tốc độ cao trên 1 Gbps, cùng độ trễ siêu thấp và khả năng hỗ trợ số lượng lớn thiết bị cùng lúc. Do đó 5G sẽ thúc đẩy nhiều ứng dụng như xe tự hành, điều khiển từ xa thiết bị phẫu thuật, trải nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường, kết nối IoT… Tuy nhiên, do tần số được sử dụng cho 5G ở Việt Nam đều là các tần số lớn, trạm 5G có độ phủ nhỏ hơn, buộc các nhà mạng phải triển khai số lượng trạm nhiều hơn.