Lưu trữ thẻ: iPhone 16

Lý do “hàng xóm Việt Nam” ra lệnh cấm iPhone 16: Nghe thì rất chấn động nhưng chẳng hề hấn gì với Apple?

Nghe có vẻ như là một quyết định chấn động nhưng lệnh cấm iPhone 16 của Indonesia không tác động quá nhiều đến Apple.

Vì sao Indonesia cấm iPhone 16?

Indonesia gây xôn xao khi ra quyết định cấm bán iPhone 16 với lý do Apple không đáp ứng được các quy định về đầu tư tại địa phương. Đây được coi là động thái cứng rắn hiếm thấy đến từ một quốc gia Đông Nam Á với mẫu điện thoại thông minh được yêu thích nhất trên thế giới.

Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, iPhone 16 của Apple không đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa 40% trên điện thoại di động và máy tính bảng nên cơ quan này đã giữ lại chứng nhận Nhận dạng thiết bị di động quốc tế (IMEI), vốn rất quan trọng để cấp phép bán thiết bị trong nước.

Nếu không có chứng nhận, iPhone 16 và Apple Watch Series 10 không thể được bán hoặc sử dụng hợp pháp tại Indonesia.

Khoảng 9.000 chiếc iPhone 16 đã được đưa vào Indonesia thông qua hành lý của hành khách kể từ khi được bán vào tháng trước. “Những chiếc điện thoại này được nhập cảnh hợp pháp, nhưng sẽ là bất hợp pháp nếu được giao dịch tại Indonesia”, cơ quan này cho biết.

Indonesia từ lâu đã sử dụng các quy định thương mại để thu hút đầu tư nước ngoài và sản xuất, đồng thời bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các yêu cầu này gây ra nhiều quan điểm tranh cãi vì yêu cầu tỷ lệ phần trăm hàng hóa nhất định phải có nguồn gốc tại địa phương, khiến một số nhà đầu tư ngần ngại.

Hồi đầu tháng, Indonesia cho biết Apple đã cam kết đầu tư 1,71 nghìn tỷ Rp (108 triệu USD), nhưng cho đến nay chỉ đầu tư 1,48 nghìn tỷ Rp. Bộ trưởng công nghiệp nước này đánh giá khoản đầu tư của Apple tương đối nhỏ so với doanh số bán sản phẩm tại Indonesia.

Indonesia trước đây đã kêu gọi thêm đầu tư từ Apple, công ty có bốn học viện phát triển tại quốc gia này nhưng không có cơ sở sản xuất. Đầu năm nay, chính quyền yêu cầu Apple thành lập một nhà máy hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển, nói rằng các học viện phát triển là không đủ.

Vào tháng 4, Tổng thống Indonesia đã yêu cầu Apple thành lập cơ sở sản xuất trong một cuộc họp với giám đốc điều hành Tim Cook tại Jakarta. Tuy nhiên, ông Cook đã không đưa ra bất kỳ cam kết nào.

Apple chưa có bình luận cũng như kế hoạch gì để giải quyết các yêu cầu của chính phủ Indonesia. Trong khi đó, lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến khách du lịch và người tiêu dùng đang cân nhắc mua hoặc mang iPhone 16 vào quốc gia Đông Nam Á.

Chưa phải thảm họa cho Apple

Thị trường điện thoại di động tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là miếng bánh béo bở, được hưởng lợi từ dân số lớn và thu nhập ngày càng tăng. Quốc gia đông dân thứ tư thế giới có tiềm năng là thị trường khổng lồ cho các sản phẩm của Apple.

Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết lượng điện thoại di động đang hoạt động ở nước này là 354 triệu, vượt qua dân số khoảng 280 triệu.

Lệnh cấm đến vào thời điểm không may cho Apple. Doanh số bán iPhone đã tăng trưởng ở Indonesia, đạt 40% thị phần điện thoại thông minh cao cấp, bao gồm các thiết bị có giá hơn 600 USD. Trên toàn thị trường, doanh số bán điện thoại thông minh của Indonesia đã tăng trưởng trong năm nay, tăng 1/5 trong quý 2.

Không công ty nào muốn sản phẩm của mình bị cấm nhưng theo giới phân tích, quyết định của chính phủ Indonesia chưa phải là thảm họa đối với Apple.

Doanh số bán hàng của Apple tại Indonesia đã tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, Indonesia vẫn là nơi mà điện thoại Android thống trị, chiếm 87% tổng thị trường.

Là quốc gia có dân số đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ tư thế giới, Indonesia vẫn chỉ là thị trường tương đối nhỏ đối với Apple. iPhone chiếm khoảng 1/10 trong tổng số 34 triệu điện thoại thông minh được bán ra mỗi năm tại quốc gia này. Để so sánh, Apple đã bán được 235 triệu điện thoại thông minh trên toàn cầu vào năm ngoái.

Tờ Financial Times nhận định lệnh cấm của chính phủ có nhiều rủi ro gây tổn hại cho người tiêu dùng địa phương thay vì giúp ích cho nền kinh tế. Người dân Indonesia muốn sở hữu iPhone 16 giờ đây phải trả giá cao để mua qua các kênh không chính thức.

Oppo Find X8 trang bị nút chụp ảnh dưới nước

Nút chụp của Find X8 có thể hoạt động dưới nước. Ảnh: Oppo

Sau Apple, đến lượt Oppo đưa nút chụp hình lên smartphone. Zhu Yibao, người phụ trách dòng sản phẩm Find cao cấp, mô tả cách thức hoạt động và khả năng của nút bấm mới trên mạng xã hội Weibo.

Giải pháp của Oppo là sử dụng nút cảm ứng điện dung ở cạnh phải máy và phía dưới nút nguồn. Theo Yibao, người dùng điện thoại Find X8 có thể nhấp đúp để kích hoạt ứng dụng camera, nhấn và giữ lâu dùng để chụp. Họ cũng có thể vuốt ngang để zoom tương tự iPhone.


Nút chụp của Find X8 có thể hoạt động dưới nước. Ảnh: Oppo

Nút chụp của Find X8 có thể hoạt động dưới nước. Ảnh: Oppo

Đại diện Oppo cho biết hãng quyết định trang bị nút chụp mới vì người dùng đôi khi không thể chạm vào màn hình, như khi đang ở dưới nước, dù máy hỗ trợ khả năng chống nước IP68. Nút bấm mới cũng cho phép sử dụng dễ dàng ở hai chế độ dọc và ngang.

Theo GSMArena, trước đây, Oppo từng đưa tính năng tương tự lên Find X7 Ultra, nhưng tận dụng phím âm lượng để kích hoạt camera và zoom, nhưng hoạt động không mượt mà trong quá trình sử dụng thực tế.

Một thay đổi lớn trên bộ bốn iPhone 16 là có thêm nút Camera Control. Ngoài hỗ trợ bấm để chụp hoặc quay video nhanh, nút còn trang bị khả năng cảm ứng, cho phép người dùng vuốt để điều khiển camera như đổi thông số chụp, lấy nét, thu phóng. Ngay sau sự kiện của Apple ngày 9/9, ít nhất ba thương hiệu Trung Quốc là Oppo, Nubia và Realme đều hé lộ kế hoạch đưa nút camera lên điện thoại thời gian tới.

Theo Android Authority, thực tế nút chụp chuyên dụng trên smartphone không mới. Nokia, HTC, Sony đã trang bị cho điện thoại Symbian, Windows Phone và Android của họ từ hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thiết bị Android có xu hướng tiếp tục “sao chép Apple”. “Sẽ không ngạc nhiên khi chứng kiến sự gia tăng của máy Android có phím chụp ảnh vào năm 2025”, trang này viết.

Huy Đức



Apple và Samsung bằng nhau về thị phần smartphone

Thị phần của các hãng điện thoại từ quý I/2021 đến III/2024. Nguồn: Canalys

Công ty nghiên cứu thị trường Canalys không đưa ra số lượng cụ thể, nhưng cho biết iPhone lập kỷ lục về doanh số quý vừa qua, tăng 1% thị phần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đối thủ của Apple là Samsung giảm 3%. Nhờ đó, cả hai cùng đạt 18% thị phần. Nhờ sự chênh lệch nhỏ, Samsung vẫn nắm giữ vị trí dẫn đầu về doanh số, nhưng kém Apple về lợi nhuận.


Thị phần của các hãng điện thoại từ quý I/2021 đến III/2024. Nguồn: Canalys

Thị phần của các hãng điện thoại từ quý I/2021 đến III/2024. Nguồn: Canalys

Runar Bjorhovde, nhà phân tích tại Canalys, đánh giá nhu cầu lớn đối với iPhone 15 cùng các model cũ đóng vai trò quan trọng vào thành tích của Apple. Người dùng đang hướng đến những thiết bị cao cấp hơn, cộng với chu kỳ nâng cấp thiết bị đã mua trong đại dịch đã thúc đẩy doanh số, đặc biệt tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, Samsung đã chỉ tạo khoảng cách nhỏ dù đã thay đổi lộ trình, công bố sớm dòng smartphone gập Galaxy Z Fold6 và Z Flip6 ngay đầu quý III/2024, còn iPhone 16 mở bán từ 20/9.

Canalys dự đoán iPhone 16 sẽ giúp Apple dẫn đầu trong quý cuối năm và duy trì đà tăng trưởng nửa đầu 2025 khi tính năng Apple Intelligence được phát hành toàn cầu.


Một cửa hàng Apple Store tại Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: Lưu Quý

Một cửa hàng Apple Store tại Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: Lưu Quý

Ngoài Samsung và Apple, ba vị trí còn lại thuộc về các công ty của Trung Quốc là Xiaomi, Oppo và Vivo. Trong đó, Xiaomi chiếm 14% còn Oppo và Vivo đều giữ 9% thị phần.

Theo Canalys, thị trường smartphone toàn cầu quý III/2024 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Công ty cũng nhận định thị trường sẽ bùng nổ vào dịp Black Friday hay 11/11 ở Trung Quốc sắp tới.

Huy Đức (theo AppleInsider)



Một số iPhone 16 bị lỗi tắt nguồn, chưa có cách xử lý

Dòng lỗi Panic Full trên một điện thoại iPhone 16 Pro Max. Ảnh: Hưng Thịnh

Thành Tiến (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết mới mua iPhone 16 Pro Max được 5 ngày nhưng máy liên tục tự khởi động không rõ nguyên nhân. “Tôi đã thử reset, cài đặt lại toàn bộ, tình trạng đỡ hơn nhưng vẫn xuất hiện. Cửa hàng đã kiểm tra và nói đây là lỗi Panic Full, cần chờ thêm một thời gian vì chưa có cách khắc phục triệt để, nhưng không cho đổi máy mới”, anh nói.

Trên nhiều hội nhóm sử dụng iPhone ở cả Việt Nam và thế giới, các chủ đề liên quan đến lỗi Panic Full của iPhone 16 đều đang thu hút hàng trăm lượt bình luận, một số người bày tỏ sự khó chịu hoặc hoang mang. Trong khi đó, Apple chưa lên tiếng về sự cố.

Panic Full là tình trạng điện thoại tự khởi động lại dù đang hoặc không sử dụng, cũng như tắt nguồn đột ngột, với tần suất không giống nhau. Không như hiện tượng treo ứng dụng, Panic Full ảnh hưởng tới hệ thống, dẫn đến treo toàn bộ máy. Nguyên nhân có thể do cả phần cứng, phần mềm hoặc sự cố với firmware.


Dòng lỗi Panic Full trên một điện thoại iPhone 16 Pro Max. Ảnh: Hưng Thịnh

Dòng báo lỗi Panic Full trên một chiếc iPhone 16 Pro Max. Ảnh: Hưng Thịnh

Một cửa hàng bán lẻ thiết bị Apple tại Hà Nội cho biết trong hơn hai tuần đã tiếp nhận gần 30 trường hợp lỗi Panic Full, đa số là iPhone 16 Pro Max, có thể do tỷ lệ mua phiên bản này cao nhất.

Một hệ thống bán lẻ khác cũng ghi nhận hàng chục khách hàng tới trung tâm bảo hành vì lỗi tương tự. “Panic Full cũng xuất hiện trên iPhone thế hệ cũ nhưng số lượng rất ít trong khi chủ yếu là iPhone 16”, đại diện đơn vị này nói.

Các bên đều cho biết sẽ hỗ trợ khách hàng nhưng chưa có phương án chính thức cho việc khắc phục, bảo hành.

“Các máy đều cài sẵn iOS 18 cho thấy có khả năng phần mềm hệ thống xung đột phần cứng gây ra lỗi”, Ngọc Linh, thợ sửa iPhone với hơn 10 năm kinh nghiệm, nhận định. Anh cho biết một số máy khi nâng cấp lên bản iOS 18 beta mới nhất không còn gặp hiện tượng này, nên có thể Panic Full là do phần mềm. Tuy nhiên, nếu do phần cứng, nhiều khả năng sẽ phải thay mainboard.

Việc chưa xác định được nguyên nhân chính xác khiến nhiều thợ e ngại xử lý lỗi. “Trong trường hợp do phần cứng, việc can thiệp có thể làm mất bảo hành máy, gây tốn kém cho người dùng. Nếu do phần mềm, người dùng cần chờ Apple ra bản nâng cấp”, anh Linh nói.

Nếu thấy iPhone thỉnh thoảng khởi động lại hoặc tắt đột ngột, người dùng có thể tự kiểm tra bằng cách truy cập Cài đặt > Quyền riêng tư & Bảo mật > Phân tích & Cải tiến > Dữ liệu phân tích. Trong các dòng file, nếu có dòng bắt đầu bằng panic-full… có nghĩa máy gặp lỗi trên.

Người dùng có thể xóa cài đặt, nâng cấp lên iOS 18 mới nhất để khắc phục. Nhiều cửa hàng khuyên không nên tự ý can thiệp phần cứng bởi sẽ bị mất bảo hành, gây khó cho các quy trình sau này.

Hoài Anh



Apple đầu tư chưa đủ, Indonesia không cho bán iPhone 16

Một người dùng đang cầm chiếc iPhone 16 Pro mới mua để chuyển dữ liệu, hôm 27/9. Ảnh: Lưu Quý

Đến ngày 12/10, iPhone 16 vẫn chưa xuất hiện trên trang web về TKDN của Bộ Công nghiệp Indonesia, đồng nghĩa sản phẩm chưa thể lên kệ tại thị trường này. TKDN là điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa của Indonesia, trong đó sản phẩm bán tại nước này phải có một tỷ lệ thành phần xuất xứ trong nước nhất định. Với sản phẩm điện tử như smartphone, tỷ lệ này tối thiểu 35%.

“iPhone 16 vẫn chưa thể vào thị trường Indonesia vì Apple đang trong quá trình lấy chứng chỉ TKDN, một trong những điều kiện nhập khẩu điện thoại”, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita nói ngày 8/10. Ông cho biết hãng điện thoại Mỹ từng có giấy phép, nhưng đã hết hạn và Indonesia đang yêu cầu gia hạn bằng việc bổ sung khoản đầu tư.

Theo báo chí địa phương, Apple cam kết đầu tư 1,71 nghìn tỷ IDR (110 triệu USD) và mới thực hiện 1,48 nghìn tỷ IDR, tức còn 240 tỷ INR (15,4 triệu USD).

“Sau khi họ tuân thủ, chúng tôi sẽ cấp giấy phép bán iPhone 16. Tất cả dựa trên sự công bằng cho các nhà đầu tư có cam kết cao vào Indonesia”, CNBC Indonesia dẫn lời ông Agus, cho rằng đây là khoản “tương đối nhỏ” so với những gì Apple có thể thu được từ thị trường gần 300 triệu dân này.

Theo Channelnewsasia, yêu cầu của Indonesia đã gây ra những ý kiến trái chiều từ người dùng trong nước. Nhiều người nói Apple và các công ty cần tuân thủ quy định khi hoạt động tại đây. Trong khi đó, số khác cho rằng quy định phức tạp cản trở việc tiếp cận công nghệ của người dùng, khiến họ phải mua iPhone 16 từ thị trường Singapore, Malaysia và mang lại lợi nhuận cho những nước đó.

Trang này dẫn chứng iPhone 16 tại Singapore có giá trung bình 1.000 USD, nhưng người dân Indonesia đang phải chi thêm 155 USD để sở hữu dưới dạng máy “xách tay”.


Một người dùng đang cầm chiếc iPhone 16 Pro mới mua để chuyển dữ liệu, hôm 27/9. Ảnh: Lưu Quý

Một người dùng đang cầm iPhone 16 Pro mới mua để chuyển dữ liệu, hôm 27/9 tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

“Apple muốn được ưu đãi như ở Việt Nam”

Có ba phương án để một hãng đạt điều kiện TKDN tại Indonesia, gồm có kế hoạch sản xuất thiết bị, kế hoạch sáng tạo ứng dụng, hoặc kế hoạch phát triển đổi mới sáng tạo trong nước. Apple chọn phương án thứ ba, thông qua xây dựng các học viện cho nhà phát triển.

Theo ông Agus, Apple “không nên chỉ thành lập học viện”, mà cần mở nhà máy hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển. Khi đó, hãng sẽ có tỷ lệ TKDN 40% và các sản phẩm dễ dàng vào thị trường. Apple là hãng điện thoại lớn duy nhất chưa có nhà máy ở Indonesia, trong khi Samsung và các công ty Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo đều đã sản xuất điện thoại tại đây.

Tuy nhiên, giải thích trên CNBC Indonesia, Budi Arie Setiadi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia cho biết Apple đề nghị được ưu đãi “tương tự họ đã nhận được tại Việt Nam”, trong đó có ưu đãi về thuế nếu đảm bảo cung cấp được hàng trăm nghìn việc làm.

Theo ông Budi, yêu cầu này “quá lớn” và có thể khiến các hãng khác đòi hỏi tương tự. “Điều đó không thể”, Budi nói.

Trả lời trang tin này ngày 11/10, Apple khẳng định “đã đầu tư đáng kể và tiếp tục phát triển” tại Indonesia. “Chúng tôi có cam kết lớn với Indonesia và rất nhiệt tình trong việc đưa ngay các sản phẩm mới nhất của mình, bao gồm iPhone 16 đến với khách hàng”, hãng này nói.

Trong chuyến thăm của CEO Tim Cook đến Indonesia hồi tháng 4, CEO Apple đã khai trương học viện thứ tư ở nước này tại Bali, đồng thời “cân nhắc thiết lập sản xuất”.

Khi thăm Việt Nam trước đó, Tim Cook cho biết Apple đã chi 400.000 tỷ đồng cho khoảng 150 nhà cung cấp tại Việt Nam từ 2019 tới nay, đồng thời cam kết mua nhiều hơn linh phụ kiện do đối tác sản xuất trong nước, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Hãng không có nhà máy sản xuất trực tiếp ở Việt Nam, nhưng thông qua hơn 70 nhà máy của đối tác sản xuất thiết bị gốc với hơn 250.000 lao động, chuyên cung cấp linh kiện điện tử như bảng điện, camera, màn hình và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm cho Apple.