Lưu trữ thẻ: NASA

Rò rỉ trên ISS đáng lo ngại nhất với an toàn của phi hành gia

Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh:SpaceX/NASA

Trong khi NASA và Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đang giải quyết vấn đề rò rỉ trên ISS, thì đây vẫn là “rủi ro an toàn” hàng đầu đối với các phi hành gia trên tàu, theo báo cáo của Văn phòng Tổng Thanh tra (OIG) của NASA công bố vào tháng trước.

Các quan chức NASA khi trả lời phỏng vấn trên Washington Post, cho biết họ đang theo dõi bốn vết nứt và 50 “khu vực đáng lo ngại” khác trên ISS. Các vết nứt đã được Roscosmos “che phủ bằng sự kết hợp của chất bịt kín và miếng vá”. Cùng với đó các biện pháp sửa chữa vẫn đang được thực hiện. Tuy nhiên, khu vực rò rỉ vẫn là nguy cơ hàng đầu, ở mức 5 trên thang điểm 5, trong các đánh giá rủi ro nội bộ của NASA, theo OIG.

“Chúng tôi đã nhiều lần truyền đạt sự nghiêm trọng của các vết rò rỉ, bao gồm cả khi tôi ở Nga đầu năm nay”, phó giám đốc Jim Free nói thêm trong cuộc phỏng vấn. Vì các vết rò rỉ nằm gần cửa trạm, Free cho biết Roscosmos đã đồng ý với yêu cầu của NASA để đóng cửa trạm càng nhiều càng tốt: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận họ đóng cửa vào buổi tối”.


Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh:SpaceX/NASA

Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh:SpaceX/NASA

Các phi hành gia của NASA cũng ở lại phía Mỹ của khu phức hợp quỹ đạo để gần với phương tiện thoát hiểm của họ, trong trường hợp cần phải sơ tán. Tuy nhiên, NASA đã nhiều lần nhấn mạnh rằng rò rỉ không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho các phi hành gia.

“Hiện tại không ảnh hưởng đến an toàn phi hành đoàn hay hoạt động của phương tiện, nhưng là điều mọi người cần chú ý”, giám đốc chương trình ISS Joel Montalbano nói trong một cuộc họp báo vào tháng 2/2024.

ISS bị rò rỉ chất làm mát ở đoạn cuối của module Nga khi tàu vũ trụ Progress ghép nối với trạm, quản lý chương trình ISS của NASA là Joel Mantalbano thông báo hồi tháng 2 tại Trung tâm vũ trụ Kennedy. Theo Montalbano, khu vực đó dài khoảng 0,9 m.

Rò rỉ đã kéo dài 5 năm và các biện pháp vá đã được triển khai từ khi phát hiện, các cơ quan chức năng Roscosmos cho biết trong một buổi họp báo trực tuyến vào 27/9. Hiện việc sửa chữa đã giảm đáng kể rò rỉ cao nhất quan sát được vào tháng 4/2024 (gần 1,7 kg mỗi ngày) xuống còn 2,4 pound (khoảng hơn 1 kg) mỗi ngày.


Sơ đồ Trạm vũ trụ quốc tế với đường hầm chuyển modul dịch vụ. Các phân đoạn của Nga, bao gồm cả đường hầm (màu đỏ). Rò rỉ từ khu vực này đã tăng lên mức đỉnh mới là 1,7 kg mỗi ngày tính đến tháng 4/2024. Ảnh: NASA OIG

Sơ đồ Trạm vũ trụ quốc tế với đường hầm chuyển modul dịch vụ. Các phân đoạn của Nga, bao gồm cả đường hầm (màu đỏ). Rò rỉ từ khu vực này đã tăng lên mức đỉnh mới là 1,7 kg mỗi ngày tính đến tháng 4/2024. Ảnh: NASA OIG

ISS dự kiến hoạt động đến 2030 để phục vụ nhu cầu nhân sự của NASA và cung cấp nghiên cứu thương mại ở quỹ đạo thấp của Trái Đất. Trong thập kỷ tiếp theo, NASA hy vọng sẽ có một loạt trạm không gian thương mại sẵn sàng tiếp quản hoạt động.

OIG của NASA đang theo dõi một số rủi ro khác có thể đe dọa việc duy trì ISS lâu dài, từ một cú va chạm đột ngột của vi thiên thạch đến vấn đề chuỗi cung ứng.

SpaceX đã được giao nhiệm vụ xây dựng một tàu vũ trụ loại Dragon lớn để loại bỏ ISS khỏi quỹ đạo, theo một hợp đồng được NASA trao đầu năm nay. OIG cho biết sẽ tìm hiểu thêm về lịch trình, chi phí và rủi ro liên quan đến phương tiện mới và kế hoạch dời trạm.

Bảo Anh (Theo Space)



Tàu lớn nhất của NASA sẽ tìm sự sống ở mặt trăng sao Mộc

NASA phóng tàu tới mặt trăng có thể chứa sự sống của sao Mộc

NASA phóng tàu tới mặt trăng có thể chứa sự sống của sao Mộc

 
 
NASA phóng tàu tới mặt trăng có thể chứa sự sống của sao Mộc

Tàu Europa Clipper cất cánh thành công từ Florida, Mỹ. Video: AFP

Tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA được thiết kế để thám hiểm mặt trăng Europa của sao Mộc, phóng trên tên lửa Falcon Heavy của SpaceX vào 12h06 ngày 14/10 giờ địa phương (23h cùng ngày giờ Hà Nội) từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, theo CNN. Ban đầu, tàu được lên lịch cất cánh ngày 10/10 nhưng bị trì hoãn do bão Milton. Đội ngũ tại trung tâm đã đánh giá cơ sở phóng sau bão và duyệt để tàu vũ trụ quay trở lại bệ phóng.

Hiện nay, tàu vũ trụ đã tiến vào quỹ đạo thành công và NASA xác nhận thu được tín hiệu từ Europa Clipper khoảng một giờ 10 phút sau khi phóng, có nghĩa đội kiểm soát nhiệm vụ đang duy trì liên lạc với tàu và nhận dữ liệu. Bộ pin quang điện lớn của Europa Clipper giúp cung cấp năng lượng cho tàu trong suốt hành trình, được triển khai ba giờ sau khi phóng.

Europa Clipper sẽ đóng vai trò tàu vũ trụ đầu tiên của NASA nghiên cứu một thế giới đại dương có băng bao phủ trong hệ Mặt Trời. Mục tiêu của nó là xác định liệu mặt trăng sao Mộc có thể phù hợp với sự sống hay không. Clipper sẽ mang theo 9 thiết bị và một thí nghiệm trọng lực để tìm hiểu đại dương bên dưới lớp vỏ băng dày của Europa. Đại dương của mặt trăng này được ước tính chứa nhiều nước lỏng gấp đôi so với đại dương trên Trái Đất. Theo Robert Pappalardo, nhà khoa học làm việc trong dự án tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực. Họ sẽ xem xét điều gì khiến Europa đặc biệt, từ lõi, đại dương và lớp vỏ băng, tới khí quyển rất mỏng và môi trường vũ trụ bao quanh. Tàu vũ trụ cũng mang theo hơn 2,6 triệu tên của mọi người đến từ nhiều nước trên khắp thế giới và một bài thơ của nhà thơ Mỹ Laureate Ada Limón.

Nhiệm vụ trị giá 5,2 tỷ USD ra đời dưới dạng một thiết kế vào năm 2013, nhưng đường dẫn tới thời khắc phóng tàu không phải luôn bằng phẳng. Hồi tháng 5, các kỹ sư phát hiện những bộ phận của tàu vũ trụ có thể không chịu được môi trường bức xạ khắc nghiệt của sao Mộc. Tuy nhiên, cả đội có thể hoàn thành thử nghiệm cần thiết kịp thời và được cấp phép hồi tháng 9 để chuẩn bị phóng.

Sau khi phóng, tàu vũ trụ sẽ di chuyển 2,9 tỷ km và dự kiến tới sao Mộc vào tháng 4/2030. Dọc đường, tàu sẽ tiến hành bay qua sao Hỏa, sau đó là Trái Đất, tận dụng lực hấp dẫn của mỗi hành tinh để sử dụng ít nhiên liệu hơn và tăng tốc trong hành trình tới sao Mộc. Europa Clipper sẽ hoạt động kết hợp với Juice (Jupiter Icy Moons Explorer), tàu vũ trụ phóng vào tháng 4/2023 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, sẽ bay tới nghiên cứu sao Mộc và những mặt trăng lớn nhất của nó vào tháng 7/2031.

Là tàu vũ trụ lớn nhất NASA từng chế tạo cho nhiệm vụ hành tinh, Clipper rộng 30,5 m, lớn hơn sân bóng rổ, nhờ bộ pin quang điện. Các tấm pin sẽ giúp thu thập ánh sáng Mặt Trời để cung cấp điện cho thiết bị và đồ điện tử trên tàu trong quá trình thám hiểm Europa.

Sau khi tới nơi, tàu vũ trụ sẽ tiến hành 49 lần bay sát Europa thay vì hạ cánh trên bề mặt mặt trăng này. Ban đầu, đội phụ trách nhiệm vụ lo lắng Clipper sẽ không thể chịu được môi trường khắc nghiệt của sao Mộc do từ trường của hành tinh khổng lồ hút và tăng tốc hạt tích điện, tạo ra bức xạ mạnh gấp 20.000 lần trên Trái Đất. Nhưng nhóm kỹ sư đã tìm ra cách khắc phục vấn đề.

Mỗi lần bay qua Europa dự kiến cách nhau 2 – 3 tuần, tàu vũ trụ sẽ trải qua gần một ngày làm quen với bức xạ khắc nghiệt của sao Mộc trước khi bay sát hành tinh. Thời gian giữa các lần bay có thể giúp bóng bán dẫn của tàu vũ trụ, bộ phận điều khiển dòng điện, phục hồi sau khi tiếp xúc với bức xạ. Trong khi đó, một vòm thiết kế đặc biệt từ titan và nhôm sẽ bảo vệ những thiết bị điện tử cực nhạy trước bức xạ.

Những chuyến bay sát sẽ đưa Clipper cách bề mặt Europa 25 km, mỗi lần ở một địa điểm khác nhau. Chiến thuật này cho phép tàu vũ trụ lập bản đồ gần như toàn bộ mặt trăng này. Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, hành trình của Europa sẽ kết thúc khi tàu đâm xuống bề mặt Ganymede, mặt trăng lớn nhất của sao Mộc. Europa Clipper không được thiết kế để tìm kiếm sự sống trên Europa, nhưng tàu sẽ sử dụng một loạt thiết bị nhằm xem xét liệu sự sống có khả năng tồn tại bên trong đại dương hay không.

Các nhà thiên văn học cho rằng yếu tố cần thiết cho sự sống, bao gồm nước, năng lượng và thành phần hóa học, có thể tồn tại sẵn trên Europa. Tàu vũ trụ có thể thu thập bằng chứng nhằm tìm hiểu liệu những yếu tố đó có cùng tồn tại theo cách giúp môi trường trên mặt trăng sao Mộc phù hợp với sự sống hay không. Nhiệm vụ sẽ nghiên cứu độ dày chính xác của lớp vỏ băng bao bọc mặt trăng và cách lớp vỏ đông cứng tương tác với đại dương bên dưới, cũng như tìm hiểu đặc điểm địa chất Mặt Trăng. Giới khoa học muốn biết chính xác thành phần của đại dương trên Europa và điều gì khiến cột phun nhô lên từ vết nứt trên băng, bắn các hạt vào không gian. Họ cũng cần xác định vật chất từ bề mặt Europa có nhỏ giọt xuống đại dương hay không.

Để tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, Europa Clipper trang bị camera và quang phổ kế để ghi lại ảnh độ phân giải cao cũng như lập bản đồ bề mặt và khí quyển mỏng của mặt trăng Europa. Tàu vũ trụ cũng mang theo thiết bị nhiệt để tìm vị trí cột phun hoạt động và nơi băng ấm hơn. Một từ kế sẽ nghiên cứu từ trường của Europa, xác nhận sự tồn tại của đại dương, độ sâu và nồng độ muối. Radar xuyên băng sẽ xem xét bên dưới vỏ băng, ước tính dày 15 – 25 km, tìm kiếm bằng chứng về đại dương. Nếu có cột phun đang hoạt động, khối phổ kế và thiết bị phân tích bụi có thể phát hiện các hạt chúng phun vào không gian và tìm hiểu thành phần cấu tạo của nó. Tất cả thiết bị sẽ được bật lên và hoạt động mỗi lần bay sát để thu thập nhiều dữ liệu hết mức có thể.

An Khang (Theo CNN)