Lưu trữ thẻ: Robot

Robot Optimus của Tesla lần đầu trình diễn trước công chúng

Optimus lần đầu trình diễn trước công chúng

Tại sự kiện Cybercab diễn ra ngày 11/10 ở Mỹ, bên cạnh việc Tesla ra mắt dòng xe mới Robovan, nhiều sự chú ý đổ dồn về Optimus. Mẫu robot hình người này xuất hiện phía dưới sân khấu và thực hiện nhiều động tác nhuần nhuyễn, như phát túi quà và đồ uống cho khách mời, trổ tài pha chế hay chơi oẳn tù tì với những người tham dự. Robot cũng thể hiện một số điệu nhảy, như nhảy trên bản phối lại của bài nhạc nổi tiếng What is love (Baby Don’t Hurt Me).

Optimus lần đầu trình diễn trước công chúng

 
 
Optimus lần đầu trình diễn trước công chúng

Roboot Optimus xuất hiện trước đám đông. Video: X/ChaudharyParvez

Theo QZ, việc Optimus xuất hiện và giao lưu với khán giả cho thấy nỗ lực của Tesla và Elon Musk với robot hình người. Cách đây ba năm, Musk giới thiệu Optimus thông qua một người hóa trang. Còn hiện tại, nó đã có thể làm được những việc phức tạp.

“Như bạn có thể thấy, chúng tôi bắt đầu với một người mặc bộ đồ robot, và chúng tôi đã tiến bộ đáng kể qua từng năm”, Musk nói tại sự kiện. Ông cho biết robot hình người sẽ được bán với giá từ 20.000 đến 30.000 USD trong “dài hạn”, một khi sản lượng tăng lên.

Hồi tháng 4, Musk từng mô tả việc Tesla bán Optimus giá từ 20.000 USD có thể giúp công ty đạt giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới với khoảng 25.000 tỷ USD. Ông cũng dự đoán cuối cùng robot này đông hơn con người.

“Nó sẽ là bất cứ thứ gì bạn muốn. Nó có thể là giáo viên, dắt chó đi dạo, cắt cỏ, mua đồ tạp hóa, phục vụ đồ uống. Bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ ra, nó sẽ làm được”, Musk nói khi đó. “Tôi nghĩ đây sẽ là sản phẩm lớn đột phá nhất từ trước đến nay”.

Sau khi công bố Optimus năm 2021, công ty ra mắt nguyên mẫu đầu tiên năm 2022, có chiều cao 173 cm, nặng 57 kg, trang bị màn hình trên mặt để hiển thị thông tin. Trong hai năm qua, Musk bắt đầu hiện thực hóa robot hình người và đạt được những thành tựu nhất định, như khả năng gấp quần áo, tập yoga hay tự di chuyển trong nhà máy của Tesla.

Dù vậy, mọi chia sẻ đều thông qua các video đăng trên X, chưa bao giờ Optimus biểu diễn trước công chúng. Tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo Thế giới diễn ra ngày 4-6/7 ở Thượng Hải, Tesla cũng trưng bày Optimus. Tuy vậy, cỗ máy nhanh chóng gây thất vọng khi được đặt trong tủ kính thay vì phô diễn tính năng.

Bảo Lâm



Robot thất nghiệp

Robot hình người lắp ráp xe cho BMW có thế hệ thứ hai

Nhiều giám đốc điều hành ở Mỹ cho biết nhu cầu sử dụng robot sản xuất không còn cao như ngay sau Covid-19, giai đoạn thiếu nhân lực và người lao động đòi tăng lương. Hiện nay, thị trường lao động phục hồi nhưng đơn đặt hàng giảm do ảnh hưởng kinh tế khiến nhiều máy móc tự động hóa “thất nghiệp, xếp xó”.

Số liệu của Hiệp hội Tự động hóa Tiên tiến (AAA) cho thấy đơn hàng robot nhà máy ở Bắc Mỹ năm 2023 giảm gần một phần ba so với năm trước đó và tiếp tục giảm mạnh trong sáu tháng đầu năm nay.

Paul Marcovecchio, Giám đốc công ty sản xuất thiết bị cho ngành công nghiệp ôtô Kawasaki Robotics, cho biết: “Các nhà máy từng mua nhiều robot vì sợ thiếu nhân lực nhưng giờ thấy không còn cần thiết”.

Robot hình người lắp ráp xe cho BMW có thế hệ thứ hai

 
 
Robot hình người lắp ráp xe cho BMW có thế hệ thứ hai

Robot hình người Figure 02 lắp ráp xe BMW. Video: Figure AI

Trên lý thuyết, robot là lựa chọn hợp lý cho những công việc đòi hỏi thể lực và tính tuần hoàn. Chúng có thể làm việc liên tục, không bị thương hay đòi nghỉ việc hoặc tăng lương.

Chủ tịch Jack Schron của nhà sản xuất linh kiện Jergens (Mỹ) cho rằng doanh nghiệp chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt nhưng không tính toán đến sự lâu dài, bởi chi phí bảo trì, lập trình cho những nhiệm vụ phức tạp của robot rất đắt. Hậu quả là những nhà máy mua quá nhiều robot hậu đại dịch sớm nhận ra tự động hóa không hoàn mỹ như tưởng tượng.

“Ứng dụng tự động hóa trong sản xuất không biến mất nhưng đang chậm lại”, ông Schron nói.

Bên cạnh đó, người lao động nhận ra được vị thế của mình bị đe dọa bởi tự động hóa nên đình công, buộc doanh nghiệp tăng lương và đảm bảo việc làm cho nhân công. Điều này làm xói mòn vị thế của robot trong nhà máy.

Nền kinh tế khó khăn cũng khiến doanh nghiệp kén chọn trong các khoản đầu tư. Lãi suất cao cùng nhu cầu thị trường yếu khiến các công ty mất nhiều thời gian mới có thể thu hồi khoản đầu tư vào robot.

Ví dụ, hãng Athena Manufacturing có trụ sở tại Austin, Texas mua 7 robot vào năm 2021 và 2022 khi thiếu công nhân làm đơn hàng bán dẫn, hàng không vũ trụ và năng lượng. Nhưng khi khối lượng sản xuất giảm 20% so với năm 2022, hãng chỉ mua thêm một robot trong năm nay. John Newman, Giám đốc của Athena Manufacturing, nói: “Robot vẫn được sử dụng nhưng không nhiều như thời kỳ Covid-19 và hậu đại dịch”.

Ngày nay, tìm kiếm lao động lành nghề vẫn còn khó khăn nhưng nhu cầu thị trường giảm khiến nhà máy không tuyển dụng nhiều nhân công như trước. Theo dữ liệu khảo sát của Cục thống kê Mỹ do giáo sư Jason Miller của Đại học bang Michigan cung cấp, chỉ 21% nhà máy sản xuất nhận định việc thiếu lao động cản trở sản xuất toàn diện trong quý II/2024, giảm so với mức 45% cùng kỳ năm 2022, dẫn đến việc không cần mua robot bù đắp vào tình trạng thiếu lao động.


Nhiều nhà máy tại Mỹ đang hạn chế sử dụng robot vào sản xuất bởi phí bảo trì lớn trong khi đơn hàng giảm, doanh thu sụt giảm. Ảnh: Freepik

Sử dụng robot tại một kho hàng. Ảnh: Freepik

Công nghiệp ôtô là ngành sử dụng nhiều robot nhất Bắc Mỹ. Tuy nhiên, theo báo cáo của AAA, đơn đặt hàng robot trong quý II/2024 của ngành giảm 20% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là một số đơn vị dừng sản xuất xe điện, doanh số sụt giảm mạnh, gây tình trạng robot “thất nghiệp”.

Chủ tịch Bill Adler của hãng cung ứng Stripmatich Products từng lên kế hoạch tự động hóa mảng hàn laser cho khung xe điện. Nhưng hiện ông lại thuê nhân công vì số đơn đặt hàng xe điện chỉ bằng 1/4 so với dự kiến, việc chi nhiều tiền cho tự động hóa trở nên bất hợp lý.

Giám đốc Scott Marsic của nhà sản xuất Robot Epson cho biết: “Xe điện được ưa chuộng ở giai đoạn đầu ra mắt, nhưng nay sự quan tâm không như kỳ vọng khiến doanh số robot cũng giảm theo”. Theo ông, nhu cầu robot vẫn có thể phục hồi sau khi lãi suất tại Mỹ giảm, khiến mức giá của sản phẩm này rẻ hơn.



Robot Optimus của Tesla bị nghi được điều khiển từ xa

Robot Optimus của Tesla trình diễn khả năng pha chế

Trong sự kiện We, Robot của Tesla tại Mỹ hôm 11/10, Elon Musk tuyên bố Optimus trong tương lai “có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn”, kể cả dắt chó đi dạo, mua đồ tạp hóa, trông trẻ, và kỳ vọng có thể bán robot với giá 20-30 nghìn USD.

Để trình diện khả năng của robot, Musk cho Optimus đi lại giữa đám đông, thể hiện sự khéo léo khi phục vụ đồ uống tại một quầy bar trong sự kiện.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội X, một số khách tham dự bày tỏ sự ngạc nhiên về sự linh hoạt của Optimus cũng như khả năng giao tiếp với con người, dấy lên nghi vấn robot được điều khiển từ xa thay vì là một sản phẩm tự vận hành nhờ AI.

Robot Optimus của Tesla trình diễn khả năng pha chế

 
 
Robot Optimus của Tesla trình diễn khả năng pha chế

Robot Optimus của Tesla trình diễn khả năng pha chế. Video: Robert Scoble

“Đây không hoàn toàn là AI. Con người đang hỗ trợ nó từ xa”, Robert Scoble, một chuyên gia công nghệ có mặt tại bữa tiệc chia sẻ, kèm video robot này phục vụ nước cho ông. Theo Scoble, quá trình đi bộ của Optimus có thể là tự động, nhưng các giao tiếp khác thì không. Ông cũng đặt câu hỏi cho một robot tại sự kiện rằng nó là AI hay do con người điều khiển, và câu trả lời phát ra từ loa là “có thể có một số AI tham gia”.

Theo các nhà phân tích, phản ứng này giống như một kiểu “văn mẫu” của những người đang cố thể hiện giống như họ ứng dụng AI chứ không phải của một công ty đang tự tin vì những tiến bộ công nghệ thực sự. Ngoài ra, trong các cuộc trò chuyện với khách mời tại bữa tiệc ở môi trường ồn ào, cách trả lời và thao tác tự nhiên của Optimus được đánh giá không giống của trí tuệ nhân tạo, mà là của con người.

Theo Arstechnica, với tính cách của Musk, nếu sản phẩm hoạt động độc lập hoàn toàn bằng AI, chắc chắn ông sẽ khoe khoang điều đó. Nhưng trong bài thuyết trình của mình, CEO này không đề cập đến việc chúng được điều khiển thế nào, có thể để tránh việc có thể bị phát hiện nói dối khi đưa robot hoạt động tại sự kiện.

Tesla chưa đưa ra bình luận về các ý kiến này.

Robot Optimus của Tesla la chơi oẳn tù tì với người dùng

 
 
Robot Optimus của Tesla la chơi oẳn tù tì với người dùng

Optimus chơi oẳn tù tì với người dùng. Video: Christian Keil

Bên cạnh các nghi vấn, robot của Tesla vẫn được đánh giá cao khi thực hiện các chuyển động mượt mà, cho thấy phần cứng và bộ truyền động hoạt động tốt.

“Xứng đáng để ăn mừng vì khả năng điều khiển từ xa với độ trễ thấp, nhưng không trung thực khi trình diễn chúng như những robot tự động”, Josh Wolfe, sáng lập quỹ đầu tự Lux Capital, đánh giá.

Thời gian qua, robot hình người chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều thị trường như Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng của các thiết bị này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt đến sự tự nhiên giống con người như nhiều hãng đang quảng cáo. Tại Hội nghị Robot thế giới hồi tháng 8 ở Trung Quốc, màn trình diễn của các nhân vật giống robot trên sâu khấu sự kiện cũng được cho là do con người hóa trang.

Lưu Quý



Đạo diễn phim nói Elon Musk vay mượn ý tưởng robot

Hình ảnh so sánh do đạo diễn Alex Proyas đăng trên X.

“Elon, tôi có thể lấy lại thiết kế của mình được không?”, Alex Proyas, đạo diễn I, Robot, viết trên X ngày 14/10 và hiện nhận hơn 7,5 triệu lượt xem.

Trong ảnh đăng kèm, Proyas so sánh lực lượng người máy của cảnh sát trong phim với robot hình người Optimus, phương tiện giao thông với robovan của Tesla và một chiếc xe tương lai bên cạnh taxi điện Cybercab.

Trước đó, tại sự kiện We, Robot ngày 10/10, Tesla trình diễn hai sản phẩm mới là taxi không người lái Cybercab và một mẫu xe tải robovan. Đây cũng là lần đầu công ty của Elon Musk trình diễn Optimus trước công chúng, nhưng cỗ máy này bị nghi được điều khiển từ xa.


Hình ảnh so sánh do đạo diễn Alex Proyas đăng trên X.

Đạo diễn Alex Proyas đăng trên X ảnh so sánh ý tưởng trong phim (trái) với các sản phẩm của Tesla.

Ở phần bình luận, nhiều người nhận xét sản phẩm của Musk có thiết kế tương tự trong phim của Proyas. Tuy nhiên, cũng có ý kiến rằng đạo diễn không nên quá khắt khe với những người đưa ý tưởng trong phim vào cuộc sống. “Ông đã truyền cảm hứng cho tương lai, nhưng đang cố gắng đổ lỗi cho người đã biến nó thành hiện thực”, tài khoản Stepfanie Tyler bình luận.

I, Robot ra mắt năm 2004, lấy cảm hứng từ bộ truyện ngắn năm 1950 của tác giả khoa học viễn tưởng nổi tiếng Isaac Asimov. Phim có sự tham gia của diễn viên Will Smith, lấy bối cảnh thế giới tương lai của Chicago năm 2035. Cốt truyện xoay quanh một thám tử đang cố gắng làm sáng tỏ một vụ giết người, nhưng bị lực lượng robot của cảnh sát ngăn cản. Robot không làm hại con người, nhưng khiến con người phụ thuộc ngày càng lớn vào chúng.

Trong phim, thám tử bị ngăn cản bởi “Ba định luật robot”: robot không được làm hại con người; robot phải tuân theo lệnh của con người trừ khi xung đột với định luật thứ nhất; và robot phải tự bảo vệ mình nếu nó không xung đột với định luật thứ nhất hoặc thứ hai. Thám tử xem các điều luật này là “ngớ ngẩn”, nhưng phải tự mình điều tra do đã nhận nhiệm vụ phá án.

Proyas nổi tiếng với vai trò đạo diễn các bộ phim như The Crow (1994), Dark City (1998). Ông gần đây cũng ấp ủ ý tưởng phim về AI và đang trong quá trình sản xuất phim khoa học viễn tưởng RUR.

Bảo Lâm