Lưu trữ thẻ: Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Tôi cũng giật mình vì giá hàng hóa trên Temu”

Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Tôi cũng giật mình vì giá hàng hóa trên Temu”

Thứ trưởng Bộ Công Thương: "Tôi cũng giật mình vì giá hàng hóa trên Temu"- Ảnh 1.

Chiều ngày 23/10, tại họp báo thường kỳ, đại diện Bộ Công Thương đã trả lời về những diễn biến mới trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam trước sự đổ bộ của hàng loạt sàn bán lẻ Trung Quốc như Temu, Shein, Taobao…

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đang lo ngại, sự đổ bộ của các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc sẽ đem theo hàng giá rẻ của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định các sàn thương mại điện tử nước ngoài khi vào Việt Nam đều phải đăng ký theo quy định.

Trước việc một số quốc gia quan ngại và cấm Temu như Indonesia, Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động.

Về nguyên tắc, Bộ Công Thương triển khai đề án đảm bảo quản lý chặt, chống gian lận hàng gian, hàng giả, hàng nhái. Bộ đã giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi chặt.

Về giá cả, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Bản thân tôi cũng giật mình vì thấy giá của họ (Temu) rất rẻ, nhưng chúng ta phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, chưa dám khẳng định giá đó là cho hàng thật hay không, vì tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường”.

Khi có kết quả nghiên cứu, Bộ Công Thương sẽ đề ra giải pháp nhằm kiểm soát.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: "Tôi cũng giật mình vì giá hàng hóa trên Temu"- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân (ở giữa) tại họp báo

Temu là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc), nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay. Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người dùng tuần gần đây.

Điểm nổi bật của Temu so với các sàn thương mại điện tử khác là giá sản phẩm rất rẻ, nhờ vào mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng, loại bỏ các chi phí trung gian.

Cách đây ít hôm, Uỷ ban châu Âu đã gửi văn bản yêu cầu Temu phải giải thích cơ chế ngăn chặn sản phẩm bất hợp pháp cũng như cách thức bảo vệ dữ liệu cá nhân khách hàng, theo đúng Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của Liên minh châu Âu.

Tờ Jyllands-Posten ra tại Đan Mạch cho biết rằng “Temu đã nhanh chóng phản hồi, rằng an toàn của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu”, nền tảng bán hàng trực tuyến cam kết hợp tác đầy đủ với giới chức châu Âu. 

Đạo luật Kỹ thuật số có hiệu lực từ tháng 2 năm nay quy định rõ, nếu một nền tảng trực tuyến lớn như Temu không tuân thủ quy tắc minh bạch, thì Ủy ban châu Âu có thể áp mức phạt lên tới 6% tổng doanh thu toàn cầu hàng năm của nền tảng đó.

Vẫn chưa ai có thể giải thích được mô hình kinh doanh của các nền tảng bán hàng trực tuyến như Temu hay Shein, giá bán sản phẩm tới tay khách hàng quá thấp, tới mức thậm chí chưa bằng chi phí bao bì và vận chuyển. Tờ Borsen hôm thứ Ba tuần trước viết: “22% người Đan Mạch đã mua sắm trên Temu trong nửa đầu năm nay”.

Bài báo đề xuất Đan Mạch và các nước châu Âu phải “sớm tạo lập một cơ chế, kết nối cơ quan thực thi pháp luật, đại diện doanh nghiệp và hiệp hội người tiêu dùng, để có thể nhanh chóng tìm hiểu bản chất và tìm giải pháp đối phó”. 

Bởi vì, theo bài báo, bảo vệ người tiêu dùng chỉ là một yếu tố, “cạnh tranh không lành mạnh gây ra hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp Đan Mạch, đồng nghĩa với phá sản và thất nghiệp”. Những món hàng nhập khẩu siêu rẻ chỉ bằng ly cà phê cần phải chịu thuế và tuân thủ tiêu chuẩn như mọi sản phẩm khác, thì mới bảo vệ được sản xuất và thương mại trong nước.