Lưu trữ thẻ: Tin nóng

Robot Optimus của Tesla lần đầu trình diễn trước công chúng

Optimus lần đầu trình diễn trước công chúng

Tại sự kiện Cybercab diễn ra ngày 11/10 ở Mỹ, bên cạnh việc Tesla ra mắt dòng xe mới Robovan, nhiều sự chú ý đổ dồn về Optimus. Mẫu robot hình người này xuất hiện phía dưới sân khấu và thực hiện nhiều động tác nhuần nhuyễn, như phát túi quà và đồ uống cho khách mời, trổ tài pha chế hay chơi oẳn tù tì với những người tham dự. Robot cũng thể hiện một số điệu nhảy, như nhảy trên bản phối lại của bài nhạc nổi tiếng What is love (Baby Don’t Hurt Me).

Optimus lần đầu trình diễn trước công chúng

 
 
Optimus lần đầu trình diễn trước công chúng

Roboot Optimus xuất hiện trước đám đông. Video: X/ChaudharyParvez

Theo QZ, việc Optimus xuất hiện và giao lưu với khán giả cho thấy nỗ lực của Tesla và Elon Musk với robot hình người. Cách đây ba năm, Musk giới thiệu Optimus thông qua một người hóa trang. Còn hiện tại, nó đã có thể làm được những việc phức tạp.

“Như bạn có thể thấy, chúng tôi bắt đầu với một người mặc bộ đồ robot, và chúng tôi đã tiến bộ đáng kể qua từng năm”, Musk nói tại sự kiện. Ông cho biết robot hình người sẽ được bán với giá từ 20.000 đến 30.000 USD trong “dài hạn”, một khi sản lượng tăng lên.

Hồi tháng 4, Musk từng mô tả việc Tesla bán Optimus giá từ 20.000 USD có thể giúp công ty đạt giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới với khoảng 25.000 tỷ USD. Ông cũng dự đoán cuối cùng robot này đông hơn con người.

“Nó sẽ là bất cứ thứ gì bạn muốn. Nó có thể là giáo viên, dắt chó đi dạo, cắt cỏ, mua đồ tạp hóa, phục vụ đồ uống. Bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ ra, nó sẽ làm được”, Musk nói khi đó. “Tôi nghĩ đây sẽ là sản phẩm lớn đột phá nhất từ trước đến nay”.

Sau khi công bố Optimus năm 2021, công ty ra mắt nguyên mẫu đầu tiên năm 2022, có chiều cao 173 cm, nặng 57 kg, trang bị màn hình trên mặt để hiển thị thông tin. Trong hai năm qua, Musk bắt đầu hiện thực hóa robot hình người và đạt được những thành tựu nhất định, như khả năng gấp quần áo, tập yoga hay tự di chuyển trong nhà máy của Tesla.

Dù vậy, mọi chia sẻ đều thông qua các video đăng trên X, chưa bao giờ Optimus biểu diễn trước công chúng. Tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo Thế giới diễn ra ngày 4-6/7 ở Thượng Hải, Tesla cũng trưng bày Optimus. Tuy vậy, cỗ máy nhanh chóng gây thất vọng khi được đặt trong tủ kính thay vì phô diễn tính năng.

Bảo Lâm



Robot thất nghiệp

Robot hình người lắp ráp xe cho BMW có thế hệ thứ hai

Nhiều giám đốc điều hành ở Mỹ cho biết nhu cầu sử dụng robot sản xuất không còn cao như ngay sau Covid-19, giai đoạn thiếu nhân lực và người lao động đòi tăng lương. Hiện nay, thị trường lao động phục hồi nhưng đơn đặt hàng giảm do ảnh hưởng kinh tế khiến nhiều máy móc tự động hóa “thất nghiệp, xếp xó”.

Số liệu của Hiệp hội Tự động hóa Tiên tiến (AAA) cho thấy đơn hàng robot nhà máy ở Bắc Mỹ năm 2023 giảm gần một phần ba so với năm trước đó và tiếp tục giảm mạnh trong sáu tháng đầu năm nay.

Paul Marcovecchio, Giám đốc công ty sản xuất thiết bị cho ngành công nghiệp ôtô Kawasaki Robotics, cho biết: “Các nhà máy từng mua nhiều robot vì sợ thiếu nhân lực nhưng giờ thấy không còn cần thiết”.

Robot hình người lắp ráp xe cho BMW có thế hệ thứ hai

 
 
Robot hình người lắp ráp xe cho BMW có thế hệ thứ hai

Robot hình người Figure 02 lắp ráp xe BMW. Video: Figure AI

Trên lý thuyết, robot là lựa chọn hợp lý cho những công việc đòi hỏi thể lực và tính tuần hoàn. Chúng có thể làm việc liên tục, không bị thương hay đòi nghỉ việc hoặc tăng lương.

Chủ tịch Jack Schron của nhà sản xuất linh kiện Jergens (Mỹ) cho rằng doanh nghiệp chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt nhưng không tính toán đến sự lâu dài, bởi chi phí bảo trì, lập trình cho những nhiệm vụ phức tạp của robot rất đắt. Hậu quả là những nhà máy mua quá nhiều robot hậu đại dịch sớm nhận ra tự động hóa không hoàn mỹ như tưởng tượng.

“Ứng dụng tự động hóa trong sản xuất không biến mất nhưng đang chậm lại”, ông Schron nói.

Bên cạnh đó, người lao động nhận ra được vị thế của mình bị đe dọa bởi tự động hóa nên đình công, buộc doanh nghiệp tăng lương và đảm bảo việc làm cho nhân công. Điều này làm xói mòn vị thế của robot trong nhà máy.

Nền kinh tế khó khăn cũng khiến doanh nghiệp kén chọn trong các khoản đầu tư. Lãi suất cao cùng nhu cầu thị trường yếu khiến các công ty mất nhiều thời gian mới có thể thu hồi khoản đầu tư vào robot.

Ví dụ, hãng Athena Manufacturing có trụ sở tại Austin, Texas mua 7 robot vào năm 2021 và 2022 khi thiếu công nhân làm đơn hàng bán dẫn, hàng không vũ trụ và năng lượng. Nhưng khi khối lượng sản xuất giảm 20% so với năm 2022, hãng chỉ mua thêm một robot trong năm nay. John Newman, Giám đốc của Athena Manufacturing, nói: “Robot vẫn được sử dụng nhưng không nhiều như thời kỳ Covid-19 và hậu đại dịch”.

Ngày nay, tìm kiếm lao động lành nghề vẫn còn khó khăn nhưng nhu cầu thị trường giảm khiến nhà máy không tuyển dụng nhiều nhân công như trước. Theo dữ liệu khảo sát của Cục thống kê Mỹ do giáo sư Jason Miller của Đại học bang Michigan cung cấp, chỉ 21% nhà máy sản xuất nhận định việc thiếu lao động cản trở sản xuất toàn diện trong quý II/2024, giảm so với mức 45% cùng kỳ năm 2022, dẫn đến việc không cần mua robot bù đắp vào tình trạng thiếu lao động.


Nhiều nhà máy tại Mỹ đang hạn chế sử dụng robot vào sản xuất bởi phí bảo trì lớn trong khi đơn hàng giảm, doanh thu sụt giảm. Ảnh: Freepik

Sử dụng robot tại một kho hàng. Ảnh: Freepik

Công nghiệp ôtô là ngành sử dụng nhiều robot nhất Bắc Mỹ. Tuy nhiên, theo báo cáo của AAA, đơn đặt hàng robot trong quý II/2024 của ngành giảm 20% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là một số đơn vị dừng sản xuất xe điện, doanh số sụt giảm mạnh, gây tình trạng robot “thất nghiệp”.

Chủ tịch Bill Adler của hãng cung ứng Stripmatich Products từng lên kế hoạch tự động hóa mảng hàn laser cho khung xe điện. Nhưng hiện ông lại thuê nhân công vì số đơn đặt hàng xe điện chỉ bằng 1/4 so với dự kiến, việc chi nhiều tiền cho tự động hóa trở nên bất hợp lý.

Giám đốc Scott Marsic của nhà sản xuất Robot Epson cho biết: “Xe điện được ưa chuộng ở giai đoạn đầu ra mắt, nhưng nay sự quan tâm không như kỳ vọng khiến doanh số robot cũng giảm theo”. Theo ông, nhu cầu robot vẫn có thể phục hồi sau khi lãi suất tại Mỹ giảm, khiến mức giá của sản phẩm này rẻ hơn.



Apple đầu tư chưa đủ, Indonesia không cho bán iPhone 16

Một người dùng đang cầm chiếc iPhone 16 Pro mới mua để chuyển dữ liệu, hôm 27/9. Ảnh: Lưu Quý

Đến ngày 12/10, iPhone 16 vẫn chưa xuất hiện trên trang web về TKDN của Bộ Công nghiệp Indonesia, đồng nghĩa sản phẩm chưa thể lên kệ tại thị trường này. TKDN là điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa của Indonesia, trong đó sản phẩm bán tại nước này phải có một tỷ lệ thành phần xuất xứ trong nước nhất định. Với sản phẩm điện tử như smartphone, tỷ lệ này tối thiểu 35%.

“iPhone 16 vẫn chưa thể vào thị trường Indonesia vì Apple đang trong quá trình lấy chứng chỉ TKDN, một trong những điều kiện nhập khẩu điện thoại”, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita nói ngày 8/10. Ông cho biết hãng điện thoại Mỹ từng có giấy phép, nhưng đã hết hạn và Indonesia đang yêu cầu gia hạn bằng việc bổ sung khoản đầu tư.

Theo báo chí địa phương, Apple cam kết đầu tư 1,71 nghìn tỷ IDR (110 triệu USD) và mới thực hiện 1,48 nghìn tỷ IDR, tức còn 240 tỷ INR (15,4 triệu USD).

“Sau khi họ tuân thủ, chúng tôi sẽ cấp giấy phép bán iPhone 16. Tất cả dựa trên sự công bằng cho các nhà đầu tư có cam kết cao vào Indonesia”, CNBC Indonesia dẫn lời ông Agus, cho rằng đây là khoản “tương đối nhỏ” so với những gì Apple có thể thu được từ thị trường gần 300 triệu dân này.

Theo Channelnewsasia, yêu cầu của Indonesia đã gây ra những ý kiến trái chiều từ người dùng trong nước. Nhiều người nói Apple và các công ty cần tuân thủ quy định khi hoạt động tại đây. Trong khi đó, số khác cho rằng quy định phức tạp cản trở việc tiếp cận công nghệ của người dùng, khiến họ phải mua iPhone 16 từ thị trường Singapore, Malaysia và mang lại lợi nhuận cho những nước đó.

Trang này dẫn chứng iPhone 16 tại Singapore có giá trung bình 1.000 USD, nhưng người dân Indonesia đang phải chi thêm 155 USD để sở hữu dưới dạng máy “xách tay”.


Một người dùng đang cầm chiếc iPhone 16 Pro mới mua để chuyển dữ liệu, hôm 27/9. Ảnh: Lưu Quý

Một người dùng đang cầm iPhone 16 Pro mới mua để chuyển dữ liệu, hôm 27/9 tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

“Apple muốn được ưu đãi như ở Việt Nam”

Có ba phương án để một hãng đạt điều kiện TKDN tại Indonesia, gồm có kế hoạch sản xuất thiết bị, kế hoạch sáng tạo ứng dụng, hoặc kế hoạch phát triển đổi mới sáng tạo trong nước. Apple chọn phương án thứ ba, thông qua xây dựng các học viện cho nhà phát triển.

Theo ông Agus, Apple “không nên chỉ thành lập học viện”, mà cần mở nhà máy hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển. Khi đó, hãng sẽ có tỷ lệ TKDN 40% và các sản phẩm dễ dàng vào thị trường. Apple là hãng điện thoại lớn duy nhất chưa có nhà máy ở Indonesia, trong khi Samsung và các công ty Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo đều đã sản xuất điện thoại tại đây.

Tuy nhiên, giải thích trên CNBC Indonesia, Budi Arie Setiadi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia cho biết Apple đề nghị được ưu đãi “tương tự họ đã nhận được tại Việt Nam”, trong đó có ưu đãi về thuế nếu đảm bảo cung cấp được hàng trăm nghìn việc làm.

Theo ông Budi, yêu cầu này “quá lớn” và có thể khiến các hãng khác đòi hỏi tương tự. “Điều đó không thể”, Budi nói.

Trả lời trang tin này ngày 11/10, Apple khẳng định “đã đầu tư đáng kể và tiếp tục phát triển” tại Indonesia. “Chúng tôi có cam kết lớn với Indonesia và rất nhiệt tình trong việc đưa ngay các sản phẩm mới nhất của mình, bao gồm iPhone 16 đến với khách hàng”, hãng này nói.

Trong chuyến thăm của CEO Tim Cook đến Indonesia hồi tháng 4, CEO Apple đã khai trương học viện thứ tư ở nước này tại Bali, đồng thời “cân nhắc thiết lập sản xuất”.

Khi thăm Việt Nam trước đó, Tim Cook cho biết Apple đã chi 400.000 tỷ đồng cho khoảng 150 nhà cung cấp tại Việt Nam từ 2019 tới nay, đồng thời cam kết mua nhiều hơn linh phụ kiện do đối tác sản xuất trong nước, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Hãng không có nhà máy sản xuất trực tiếp ở Việt Nam, nhưng thông qua hơn 70 nhà máy của đối tác sản xuất thiết bị gốc với hơn 250.000 lao động, chuyên cung cấp linh kiện điện tử như bảng điện, camera, màn hình và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm cho Apple.



Người dùng ba nhà mạng lớn có thể sử dụng 5G khi nào

Một điện thoại hiển thị sóng 5G. Ảnh: Lưu Quý

MobiFone là nhà mạng mới nhất tham gia vào cuộc đua 5G. Trong thông báo cuối tuần này, nhà mạng cho biết “đang tập trung triển khai các công việc, sẵn sàng cho thương mại hóa 5G”. Dự kiến, người dùng có thể trải nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11.

Trong khi đó, Vinaphone cho biết chương trình sử dụng thử 5G sẽ diễn ra từ 13/10 đến 15/11. Nếu đang sở hữu điện thoại 5G, khi đi qua các khu vực có sóng, người dùng sẽ nhận được tin nhắn mời trải nghiệm dịch vụ. Họ sẽ được tặng 50 GB data để dùng thử đường truyền tốc độ cao trong 30 ngày.

Kế hoạch thử nghiệm miễn phí của Vinaphone được thực hiện hai ngày trước khi Viettel chính thức thương mại hoá 5G. Trong thư gửi đến giới truyền thông, nhà mạng cho biết sẽ giới thiệu các sản phẩm dịch vụ 5G vào ngày 15/10, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập. Thực tế thời gian qua, Viettel Telecom đã âm thầm triển khai chương trình dùng thử, trước khi công bố gói cước 5G với giá từ 135.000 đồng.


Một điện thoại hiển thị sóng 5G. Ảnh: Lưu Quý

Một điện thoại hiển thị sóng 5G. Ảnh: Lưu Quý

Theo kế hoạch, Viettel sẽ triển khai 5G đồng loạt tại 63 tỉnh thành, nhưng chưa có thông tin về các khu vực cụ thể sẽ được phủ sóng. Vinaphone và MobiFone cũng chưa chia sẻ về những điểm sẽ tiến hành thử nghiệm.

Trong thông báo mới, VNPT khẳng định sẽ hoàn thành lắp đặt hơn 3.000 trạm phát sóng 5G cho Vinaphone trên cả nước, nhấn mạnh việc phủ sóng ở các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc. Trong khi đó, MobiFone cho biết đang triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tần 5G phù hợp. “Việc hợp tác không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn đem lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất”, đại diện nhà mạng nói.

Từ năm 2020, cả ba nhà mạng đều đã tiến hành thử nghiệm mạng 5G, nhưng chưa thương mại hóa. Đến tháng 3, quá trình này mới đi đến những bước cuối cùng, khi Viettel và VNPT đấu giá thành công tần số 5G, còn MobiFone vào tháng 7. Theo quy định, doanh nghiệp trúng đấu giá phải triển khai dịch vụ trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép và sau hai năm phải có tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G.

Theo chiến lược hạ tầng của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2025, 100% tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế sẽ có dịch vụ di động 5G. Tốc độ tối thiểu của mạng này cần đạt 100 Mbps.

Công nghệ 5G bắt đầu được triển khai thương mại trên thế giới cách đây 5 năm, mở ra kỷ nguyên siêu kết nối, cung cấp sức mạnh cho Internet vạn vật (IoT) và thúc đẩy các mô hình đòi hỏi tốc độ cao.

Đối với người dùng phổ thông, sự khác biệt lớn nhất của công nghệ 5G là tốc độ tối đa ở điều kiện lý tưởng đạt 10 Gbps. Trong thực tế, một số thử nghiệm với 5G tại Việt Nam cho tốc độ tải xuống có thể đạt 1 Gbps, cao hơn 10 lần mạng 4G ở cùng địa điểm. Ngoài ra, lợi thế của mạng thế hệ mới là độ trễ siêu thấp và khả năng hỗ trợ số lượng lớn thiết bị, thúc đẩy nhiều ứng dụng như xe tự hành, điều khiển từ xa thiết bị phẫu thuật, trải nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường… Tuy nhiên, do tần số được sử dụng cho 5G ở Việt Nam đều là các tần số lớn, trạm 5G có độ phủ nhỏ hơn, buộc các nhà mạng phải triển khai số lượng trạm nhiều hơn.

Để sử dụng, ngoài đăng ký gói cước, người dùng cần có thiết bị với công nghệ mạng thế hệ mới. Các điện thoại cao cấp từ iPhone 12, Galaxy S20 Ultra, Galaxy Z Fold2 trở về sau đã hỗ trợ 5G. Nhiều mẫu Android tầm trung và giá rẻ ra mắt khoảng 2-3 năm gần đây cũng đã trang bị kết nối này.

Lưu Quý



Hàng loạt robot hút bụi chửi thề

Một chiếc Ecovacs Deebot X2 Omni. Ảnh: Gadget Guy

Daniel Swenson, luật sư tại bang Minnesota, đang xem TV bỗng thấy điều bất thường trên robot hút bụi Ecovacs Deebot X2. “Nghe giống âm thanh vô tuyến bị nhiễu hay gì đó. Tôi loáng thoáng thấy tiếng nói trong loa”, ông nói với ABC News.

Thông qua ứng dụng Ecovacs, Swenson phát hiện người lạ đang tìm cách truy cập camera và tính năng điều khiển robot từ xa. Cho rằng là sự cố phần mềm, Swenson đổi mật khẩu và khởi động lại robot, sau đó ngồi xuống cùng vợ và con trai 13 tuổi.


Một chiếc Ecovacs Deebot X2 Omni. Ảnh: Gadget Guy

Một chiếc Ecovacs Deebot X2 Omni. Ảnh: Gadget Guy

Robot gần như lập tức di chuyển. Lần này tiếng nói phát từ loa rất rõ, là những câu chửi thề tục tĩu mang tính phân biệt chủng tộc. “Tôi nghĩ người nói có thể là thiếu niên. Có thể họ chỉ xâm nhập thiết bị để trêu đùa”, Swenson kể lại sự việc diễn ra ngày 24/5.

Robot được gia đình Swenson đặt cùng tầng với phòng tắm chung của gia đình. Ông cho rằng sự việc có thể tồi tệ hơn nếu hacker âm thầm theo dõi gia đình, thay vì phát ra những câu chửi để cho thấy robot đã bị xâm nhập.

“Tôi bị sốc, sợ hãi và ghê tởm”, Swenson nói. Con trai ông chưa hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của sự việc, nhưng luật sư Mỹ quyết định không mạo hiểm và vứt robot vào garage, không bao giờ bật lại.

Sự việc tương tự xảy ra ở hàng loạt thành phố Mỹ trong vài ngày hồi tháng 5, khi hacker chiếm quyền điều khiển và phát những câu nói khiếm nhã bằng loa tích hợp trên thiết bị. Tất cả sản phẩm bị tấn công đều là Deebot X2 của Ecovacs có trụ sở tại Trung Quốc.

Cùng ngày robot của Swenson bị tấn công, một chiếc Deebot X2 khác đã truy đuổi chó của một gia đình quanh ngôi nhà ở thành phố Los Angeles. Nó được điều khiển từ xa và liên tục phát ra những bình luận xúc phạm.

Không rõ tổng cộng bao nhiêu thiết bị đã bị kiểm soát. Ecovacs nói không có dấu hiệu cho thấy các tài khoản bị xâm nhập thông qua lỗ hổng trong hệ thống của công ty.

Các nhà nghiên cứu an ninh từng cảnh báo Ecovacs về lỗ hổng trên robot và ứng dụng điều khiển, nghiêm trọng nhất là vấn đề với kết nối Bluetooth, cho phép người lạ điều khiển robot từ khoảng cách 100 m. Tuy nhiên, mức độ phân tán rộng của đợt tấn công mới cho thấy một lỗ hổng khác đã bị khai thác.

Điệp Anh (Theo ABC News)



‘TikTok biết thuật toán của nền tảng gây hại cho trẻ em’

Ứng dụng TikTok trên một màn hình điện thoại. Ảnh: AFP

Theo tài liệu tòa án do kênh Kentucky Public Radio (KPR) thu thập và được NPR công bố liên quan đến vụ kiện tập thể từ 13 bang và một quận của Mỹ tuần trước, công cụ kiểm soát trên TikTok không hiệu quả trong việc giảm thời gian sử dụng của thanh thiếu niên. Các giám đốc TikTok cũng “nói về hàng loạt mối nguy đối với trẻ em” trên ứng dụng video ngắn nhưng không có biện pháp ngăn chặn triệt để.


Ứng dụng TikTok trên một màn hình điện thoại. Ảnh: AFP

Ứng dụng TikTok trên một màn hình điện thoại. Ảnh: AFP

Để hạn chế tác động của TikTok đối với sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên khi dành nhiều giờ lướt ứng dụng, nền tảng video của ByteDance đã tích hợp một số công cụ giới hạn thời gian đối với người dùng dưới 18 tuổi. Chẳng hạn, khi đạt 60 phút, người dùng ở nhóm tuổi này phải nhập mã mới có thể tiếp tục sử dụng ứng dụng.

Tuy nhiên, tài liệu nội bộ cho thấy một số giám đốc TikTok tự đánh giá vai trò của công cụ là “cải thiện lòng tin của công chúng vào nền tảng TikTok thông qua việc đưa tin truyền thông”, thay vì thực sự hướng đến mục tiêu giảm thời gian sử dụng. Tính năng chỉ làm giảm trung bình 1,5 phút sử dụng hàng ngày và công ty không có ý định khắc phục vấn đề.

Nền tảng cũng triển khai chiến dịch khuyến khích người dùng vị thành niên nghỉ ngơi. Tuy nhiên, một giám đốc nói biện pháp này “chỉ hữu ích để nói chuyện với các nhà lập pháp”.

Ngoài ra, bang Kentucky đã tiến hành một loạt điều tra trong hai năm và kết luận một người có thể nghiện TikTok chỉ sau 260 video. Mỗi video dài vài giây khiến người dùng nhanh chóng bị cuốn theo nền tảng trong thời gian ngắn.

“Chỉ trong vòng chưa đầy 35 phút, một người dùng trung bình có thể đã nghiện nền tảng này”, các nhà điều tra của Kentucky kết luận.

Thuật toán TikTok cũng được cho là “khuếch đại nội dung về những người được coi là xinh đẹp”. Tài liệu cũng cho thấy TikTok nhận thức được ứng dụng “gây ảnh hưởng đến vấn đề cá nhân thiết yếu như ngủ đủ giấc, trách nhiệm công việc, học tập và kết nối với người thân yêu”.

“Đáng tiếc, đơn khiếu nại chọn lọc những câu chuyện gây hiểu lầm và lấy tài liệu lỗi thời ra khỏi ngữ cảnh để xuyên tạc cam kết của chúng tôi với sự an toàn cộng đồng”, phát ngôn viên TikTok nói với CNN. “Chúng tôi có những biện pháp bảo vệ mạnh mẽ, trong đó chủ động loại bỏ người dùng dưới độ tuổi nếu đáng ngờ. Chúng tôi cam kết bảo vệ cộng đồng”.

Trong khi đó, nhiều tổ chức hoan nghênh việc tài liệu được công bố. Oversight Project, một nhóm chuyên giám sát mạng xã hội, cho biết TikTok đã không trung thực về mức độ an toàn đối với trẻ em trên ứng dụng.

“Những tài liệu này chứng minh TikTok biết chính xác những gì họ đang làm với trẻ em. Sự thối nát lan rộng đến tận cấp cao nhất”, nhóm này viết trên X cuối tuần qua.

Trong khi đó, hai thượng nghị sĩ Richard Blumenthal và Marsha Blackburn đã gửi thư cho TikTok, yêu cầu công ty giao nộp “tất cả tài liệu và thông tin” liên quan đến vấn đề an toàn trẻ em trên ứng dụng. Nền tảng video ngắn chưa đưa ra phản hồi.

Hoàng Oanh – Minh Châu



Sinh viên gốc Việt đưa ‘máy kiểm tra thông tin’ vào kính AR

Nhóm nam sinh đưa 'máy phát hiện nói dối' vào kính AR

“Không bao giờ thua trong tranh luận nữa”, Nguyen, 21 tuổi, viết trên Instagram kèm video mô tả công cụ. “DebateGPT là AI được đưa vào kính AR với khả năng kiểm tra nội dung các câu nói, định nghĩa những từ gây nhầm lẫn và nhiều hơn nữa theo thời gian thực”.

Nhóm nam sinh đưa 'máy phát hiện nói dối' vào kính AR

 
 
Nhóm nam sinh đưa ‘máy phát hiện nói dối’ vào kính AR

DebateGPT chuyển giọng nói thành văn bản, đồng thời kiểm tra nội dung đang nói là đúng hay sai theo thời gian thực cho người đeo kính VR. Video: Instagram/anhphunguyen5

Theo Business Insider, Nguyen cho biết hệ thống hoạt động bằng cách lắng nghe các cuộc trò chuyện, chuyển giọng nói thành văn bản để hiểu bối cảnh hội thoại nhanh chóng. Do kính kết nối Internet, AI sẽ đối chiếu dữ liệu người nói đưa ra với thông tin công khai trên mạng để xác định tính đúng sai hay còn thiếu sót ở đâu.

“Nhờ Internet, chúng ta có toàn bộ kiến thức trong tầm tay. Giải pháp của chúng tôi giúp tận dụng sức mạnh đó nhanh hơn, hiệu quả hơn và tự nhiên hơn bao giờ hết, tất cả đều bằng AR”, Nguyen cho biết.

Đầu tháng này, AnhPhu Nguyen và Caine Ardayfio cũng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội khi tích hợp AI vào kính thông minh Meta Ray-ban. Phần mềm I-XRAY do nhóm phát triển có thể sử dụng camera để quét khuôn mặt của người lạ để nhận diện và tìm kiếm tên của họ, thậm chí là thông tin như địa chỉ nhà, số điện thoại, thành viên gia đình nếu họ từng chia sẻ chúng lên Internet.

Cả hai cho biết đây là bước đầu cho dự án tham vọng hơn. Nguyen và Ardafiyo đã thành lập câu lạc bộ AR/VR tại Đại học Harvard từ năm thứ hai và nhanh chóng bắt tay vào các dự án thực tế. Hiện cả hai là sinh viên năm ba.

“Chúng tôi đã ở trong phòng thí nghiệm khoa học và kỹ thuật của trường suốt mùa hè để thực hiện các dự án ngẫu nhiên”, Ardafiyo nói với Business Insider. “Đầu tiên là súng phun lửa, sau đó là ván trượt điện có thể điều khiển bằng ngón tay. Chúng tôi còn chế tạo một xúc tu cho robot dài khoảng 1,2 mét, có thể chuyển động trong không khí”.

Cả hai đánh giá các mô hình AI ChatGPT của OpenAI và Claude của Anthropic đã đem đến “những cải tiến nhanh hơn mà trước đây con người chưa làm được”.

“Chẳng hạn, nếu một robot xây dựng tự động đang cố gắng đào hố, nhưng bị một người cản đường, trước đây nó cần một kỹ sư điều khiển chuyển động để tránh người đó”, Ardifiyo lấy ví dụ. “Tuy nhiên, robot theo chuẩn LLM có thể sẽ đợi người đó trong vài giây đến khi họ di chuyển. Nếu không, nó sẽ chủ động phân tích tình huống để đưa ra giải pháp tốt nhất”.

Trước đó, chia sẻ với VnExpress, AnhPhu Nguyen nói anh sinh năm 2003 tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), chuyển đến Mỹ từ năm 6 tuổi. Anh đang học ngành Công nghệ Tăng cường Năng lực con người (Human Augmentation) tại Đại học Harvard.

Bảo Lâm



Mạng 5G chính thức triển khai tại Việt Nam

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn Viettel phát biểu tại sự kiện khai trương mạng 5G, sáng 15/10. Ảnh: Lưu Quý

Trong sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập sáng 15/10 ở Hà Nội, Viettel tuyên bố trở thành doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G tại Việt Nam, sau sáu tháng đấu giá thành công quyền sử dụng khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với số tiền 7.533 tỷ đồng.

Viettel cho biết đã lắp đặt hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% “thủ phủ” của 63 tỉnh thành, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học. Tốc độ mạng có thể đạt 1 Gbps, gấp 10 lần so với 4G hiện nay và độ trễ gần như bằng 0. Nhà mạng cũng triển khai đồng thời trên hai nền tảng kiến trúc 5G NSA (Non-stand Alone) và 5G SA (Stand Alone).

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Viettel, cho biết Việt Nam từ chỗ đi sau trong việc tiếp cận 2G, 3G, 4G, nay đã có thể song hành với thế giới trong ứng dụng công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nằm trong top 5 nước có thể sản xuất thiết bị 5G.

“Một tương lai mới của di động sẽ bắt đầu từ hôm nay”, ông Thắng nói.


Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn Viettel phát biểu tại sự kiện khai trương mạng 5G, sáng 15/10. Ảnh: Lưu Quý

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn Viettel phát biểu tại sự kiện khai trương mạng 5G, sáng 15/10. Ảnh: Lưu Quý

Hiện nhà mạng cung cấp 11 gói cước trả trước khởi điểm từ 135 nghìn đồng, và 8 gói cước trả sau từ 200 nghìn đồng cho khách hàng cá nhân. Người đang sở dụng thiết bị hỗ trợ 5G có thể đăng ký dịch vụ mà không cần đổi sim. Ngoài ra, nhà mạng cũng phát triển sẵn các Open API để cung cấp dữ liệu, khả năng cấu hình và tương tác với mạng 5G theo chuẩn GSMA cho cộng đồng phát triển ứng dụng tại Việt Nam và trên thế giới.

“Điều này giúp nhà phát triển ứng dụng dễ dàng sáng tạo trên nền tảng 5G”, đại diện nhà mạng nói.

Trong khi đó, khách hàng doanh nghiệp được cung cấp hơn 130 kịch bản sử dụng (use case) là các ứng dụng và giải pháp thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, smart city, giao thông vận tải – logistics, nông nghiệp, y tế, giáo dục, năng lượng. Các giải pháp được “may đo” theo từng nhu cầu riêng, tích hợp công nghệ cloud, AI, IoT trên nền 5G với khả năng kết nối mật độ lớn, cũng được giới thiệu.

“Mạng 2G hướng tới mục tiêu mỗi người dân sở hữu một điện thoại di động, 4G là mỗi người dân sở hữu một điện thoại thông minh, còn 5G sẽ hướng đến mỗi người dân sở hữu một smartphone siêu tốc độ – siêu kết nối”, ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, nói. Mạng 5G được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những vấn đề lớn của xã hội, xây dựng xã hội số, kỷ nguyên thông minh tại Việt Nam.


Đo thử tốc độ mạng 5G sáng 15/10. Ảnh: Lưu Quý

Đo thử tốc độ mạng 5G sáng 15/10. Ảnh: Lưu Quý

Viettel bắt đầu thử nghiệm 5G từ năm 2019 trên nền tảng 4G, gọi là 5G NSA (Non-stand Alone). Giữa năm nay, họ tiếp tục thử nghiệm mạng 5G độc lập (SA). So với 5G NSA, ngoài cung cấp dịch vụ truyền tải dữ liệu tốc độ cao, 5G SA đáp ứng yêu cầu về độ trễ siêu thấp, khoảng 1ms, gấp 20 lần 4G truyền thống, giúp cung cấp các dịch vụ cần sự phản hồi tức thì.

Trong khi đó, cuối tuần trước, MobiFone thông báo “đang tập trung triển khai các công việc, sẵn sàng cho thương mại hóa 5G”. Dự kiến, người dùng có thể trải nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11.

Vinaphone cũng cho biết đang thực hiện chương trình sử dụng thử 5G, diễn ra từ 13/10 đến 15/11. Nếu sở hữu điện thoại 5G, khi đi qua các khu vực có sóng, người dùng sẽ nhận được tin nhắn mời trải nghiệm dịch vụ. Họ sẽ được tặng 50 GB data để dùng thử đường truyền tốc độ cao trong 30 ngày.

Công nghệ 5G bắt đầu được triển khai thương mại trên thế giới cách đây 5 năm, phổ biến nhất là tại Trung Quốc, Mỹ… trong khi nhiều nước khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Đối với người dùng phổ thông, sự khác biệt lớn nhất của công nghệ 5G là tốc độ tối đa ở điều kiện lý tưởng đạt 10 Gbps. Trong thực tế, một số thử nghiệm với 5G tại Việt Nam cho tốc độ tải xuống có thể đạt 1 Gbps, cao hơn 10 lần mạng 4G ở cùng địa điểm. Ngoài ra, lợi thế của mạng thế hệ mới là độ trễ siêu thấp và khả năng hỗ trợ số lượng lớn thiết bị, thúc đẩy nhiều ứng dụng như xe tự hành, điều khiển từ xa thiết bị phẫu thuật, trải nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường… Tuy nhiên, do tần số được sử dụng cho 5G ở Việt Nam đều là các tần số lớn, trạm 5G có độ phủ nhỏ hơn, buộc các nhà mạng phải triển khai số lượng trạm nhiều hơn.