Lưu trữ thẻ: trí tuệ nhân tạo

Samsung ra RAM GDDR7 3 GB đầu tiên trên thế giới

RAM GDDR7 3GB đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Samsung

Samsung cho biết sản phẩm hướng đến các trung tâm dữ liệu, máy trạm trí tuệ nhân tạo (AI), hay trang bị trong card đồ họa, máy chơi game và hệ thống lái tự động dành cho người dùng cuối. Các mô-đun RAM GDDR7 24 Gb đã được chào bán tới các nhà sản xuất GPU lớn và dự kiến đi vào sản xuất hàng loạt đầu năm sau.


RAM GDDR7 3GB đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Samsung

RAM GDDR7 3GB đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Samsung

Tháng 7 năm ngoái, hãng Hàn Quốc ra mắt RAM GDDR7 đầu tiên trên thế giới, nhưng tốc độ khiêm tốn 32 Gbps và dung lượng mỗi mô-đun 16 Gb (2 GB). Trong khi đó, GDDR7 3 GB có mức băng thông tăng 25% so với GDDR7 2 GB và gấp 2,36 lần so với GDDR6 18 Gbps. Bộ nhớ được sản xuất trên quy trình Công Nghệ 10 nm thế hệ thứ năm của công ty, giúp mật độ tăng lên 50% mà không thay đổi kích thước. Những mô-đun bộ nhớ mới có thể dễ dàng đạt tốc độ 40 Gbps và trong điều kiện cụ thể, có thể đạt 42,5 Gbps, nhanh hơn gần 80% so với GDDR6X (24 Gbps).

Samsung cho biết GDDR7 mới có hiệu suất cao hơn thế hệ trước 30% nhờ Công Nghệ như quản lý đồng hồ và thiết kế VDD kép. Hơn nữa, vấn đề rò rỉ dòng điện được giải quyết bằng cách ngắt nguồn điện cho các phần của chip không sử dụng.

Đối với các game thủ, Công Nghệ RAM mới sẽ giúp xóa bỏ các hạn chế về thiếu hụt dung lượng VRAM. Hiện các game có độ phân giải Full HD cũng cần hơn 8 GB bộ nhớ RAM. Tuy nhiên, loại RAM mới dự kiến chỉ có trên các mẫu GPU cao cấp trong khi GPU giá rẻ vẫn sử dụng RAM GDDR6 16 Gb vì chi phí sản xuất rẻ hơn.

Huy Đức (theo PhoneArena)



BXH công cụ AI được truy cập nhiều nhất 2024: ChatGPT vững ngôi số 1, Copilot không lọt top 5

BXH công cụ AI được truy cập nhiều nhất 2024: ChatGPT vững ngôi số 1, Copilot không lọt top 5- Ảnh 1.

    Sự quan tâm đến các công cụ AI đã chứng kiến sự gia tăng về mức độ phổ biến trong những năm gần đây, đặc biệt sau thời điểm ra mắt chatbot đột phá của OpenAI, ChatGPT.

    Đồ họa dưới đây là bảng xếp hạng 15 công cụ AI tạo sinh phổ biến nhất dựa trên lưu lượng truy cập web vào tháng 3 năm 2024.

    BXH công cụ AI được truy cập nhiều nhất 2024: ChatGPT vững ngôi số 1, Copilot không lọt top 5- Ảnh 1.

    Nổi bật nhất trong danh sách là ChatGPT của OpenAI, với 2.3 tỷ lượt truy cập và hơn 200 triệu người dùng hàng tuần tính đến tháng 8 năm 2024. ChatGPT được biết đến với khả năng tạo văn bản dựa trên các câu hỏi của người dùng, hỗ trợ từ viết nội dung, giải đáp thắc mắc cho đến thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến ngôn ngữ.

    ChatGPT cũng là công cụ AI tạo sinh duy nhất vượt quá 1 tỷ lượt truy cập trang web.

    Ngoài ChatGPT, công cụ AI nổi bật khác là Gemini của Google DeepMind với 133 triệu lượt truy cập, sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn để cải thiện trải nghiệm chatbot và hỗ trợ các lĩnh vực từ y tế đến kinh doanh.

    Các công cụ như Poe của Quora (43 triệu lượt truy cập) và Claude của Anthropic (32 triệu lượt truy cập) cũng được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng giao tiếp và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

    Ở mảng tạo hình ảnh, Midjourney có 25 triệu lượt truy cập, được yêu thích trong cộng đồng nghệ thuật kỹ thuật số và thiết kế, trong khi DALL-E của OpenAI cho phép tạo hình ảnh theo yêu cầu dựa trên mô tả bằng ngôn ngữ tự nhiên.

    Runway với 9 triệu lượt truy cập chuyên về chỉnh sửa video và hình ảnh bằng AI. Runway, được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư như Google và Nvidia, là công ty tạo video AI duy nhất lọt vào top 15. Mô hình nền tảng mới nhất của công ty, Gen-3 Alpha, đã ra mắt vào tháng 6/2024.

    Tuy nhiên, những công ty lớn khác cũng đang tham gia vào lĩnh vực video AI. Cùng với Sora của OpenAI, được công bố vào tháng 2 năm 2024, Meta gần đây đã công bố mô hình tạo video AI của riêng họ có tên là Movie Gen, có thể tạo các đoạn video và âm thanh chân thực dựa trên lời nhắc của người dùng.

    BXH công cụ AI được truy cập nhiều nhất 2024: ChatGPT vững ngôi số 1, Copilot không lọt top 5- Ảnh 2.

    Ngoài những công cụ nổi bật đã đề cập, một số công cụ AI khác trong danh sách này cũng thu hút lượng truy cập đáng kể và cung cấp các chức năng đa dạng. Chẳng hạn:

    Perplexity (40 triệu lượt truy cập): Là một công cụ hỏi đáp, sử dụng AI để tìm kiếm và tổng hợp câu trả lời từ các nguồn đáng tin cậy trên Internet, giúp người dùng tìm thấy thông tin nhanh chóng và chính xác hơn.

    DeepAI (31 triệu lượt truy cập): Được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, DeepAI cung cấp các dịch vụ từ xử lý ngôn ngữ tự nhiên đến tạo hình ảnh và dữ liệu. Công cụ này được ưa chuộng bởi sự đa dạng trong ứng dụng và dễ sử dụng.

    Copilot (26 triệu lượt truy cập): Copilot là một Công Nghệ trợ lý thông minh mới của Microsoft, sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người dùng trong quá trình làm việc trên máy tính. Được tích hợp trong hệ điều hành Windows 11, Copilot không chỉ cung cấp những gợi ý thông minh mà còn có khả năng thực hiện các tác vụ cụ thể, giúp tăng cường hiệu suất và tiện ích trong công việc hàng ngày.

    Prezi (18 triệu lượt truy cập): Đây là một nền tảng thuyết trình trực quan, cho phép người dùng tạo bài thuyết trình sinh động với các hiệu ứng đồ họa độc đáo. Prezi đã tích hợp AI để gợi ý các mẫu thiết kế và bố cục, giúp người dùng dễ dàng tạo ra các bài thuyết trình chuyên nghiệp.

    Gamma (12 triệu lượt truy cập): Một công cụ giúp tạo nội dung nhanh chóng cho các bản thuyết trình, bài báo, và nhiều định dạng khác. Gamma giúp người dùng tiết kiệm thời gian trong việc tạo nội dung có cấu trúc và phù hợp với mục tiêu truyền tải.

    Ideogram (4 triệu lượt truy cập): Là một công cụ AI giúp tạo hình ảnh từ văn bản (text-to-image). Ideogram có khả năng chuyển đổi ý tưởng hoặc mô tả của người dùng thành hình ảnh trực quan, hữu ích cho các nhà thiết kế và nghệ sĩ.

    Các công cụ AI này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, đáp ứng đa dạng các nhu cầu từ học tập, sáng tạo, đến công việc chuyên nghiệp. Mỗi công cụ đều có thế mạnh riêng, giúp cải thiện hiệu suất làm việc và tăng cường khả năng sáng tạo của người dùng.

    Việt Nam xây dựng cơ chế khuyến khích chuyển giao công nghệ mới nổi

    Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại họp báo chiều 17/11. Ảnh: TTTT

    Thông tin được ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ trả lời tại họp báo thường kỳ Bộ Khoa học và Công nghệ, chiều 17/10. Buổi họp báo do Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh chủ trì.

    Theo ông Linh, các công nghệ ưu tiên, hạn chế và cấm chuyển giao đang được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng tại dự thảo sửa đổi Nghị định 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

    Việc khuyến khích chuyển giao công nghệ mới nổi, theo ông Linh nhằm phù hợp xu thế liên tục phát triển của khoa học công nghệ trong nhiều năm qua. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ mới được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu triển khai, sản xuất đưa ra thị trường.

    Lãnh đạo Vụ Đánh giá, Thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng việc sửa đổi Nghị định 76 hướng đến tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên tinh thần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các trình tự, thủ tục của hoạt động chuyển giao công nghệ.


    Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại họp báo chiều 17/11. Ảnh: TTTT

    Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại họp báo chiều 17/10. Ảnh: TTTT

    Với công nghệ hạn chế chuyển giao, ban soạn thảo đề xuất theo hướng giảm các công nghệ ứng dụng vì mục đích thân thiện môi trường nhưng hiệu suất thấp. Cụ thể, pin năng lượng mặt trời nhưng hiệu suất dưới 20% mặc dù ứng dụng cho các sản phẩm thân thiện môi trường nhưng sẽ hạn chế chuyển giao. Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 76, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cấm các công nghệ được cho là cũ, lạc hậu như 1G, 2G và các công nghệ bất hợp pháp như tạo mã độc, virus máy tính. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, sửa đổi bổ sung Nghị định 76 và sẽ sớm trình Chính phủ thời gian tới.

    Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính với hoạt động khoa học và công nghệ. Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết cơ quan soạn thảo hướng tới tháo gỡ 3 – 4 nhóm chính sách về cơ chế tài chính. Dự thảo hướng đến tháo gỡ vướng mắc về sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho đầu tư hạ tầng mua sắm, hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức viện trường.


    Ông Nguyễn Nam Hải trả lời báo chí tại họp báo. Ảnh: TTTT

    Ông Nguyễn Nam Hải trả lời báo chí tại họp báo. Ảnh: TTTT

    Tại Nghị định 95 sửa đổi cũng điều chỉnh về việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp theo hướng mở rộng hơn, dựa trên nhu cầu của đơn vị đã trích lập quỹ. Việc sử dụng quỹ không chỉ cho hoạt động R&D mà còn phục vụ đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Điều này được cho sẽ gỡ khó cho việc quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp bị kết dư hàng nghìn tỷ đồng vì không có cơ chế sử dụng.

    Về các tồn tại trong cơ chế tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học, theo ông Hải sẽ được tháo gỡ khi Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2013. Theo ông Hải, Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung dự kiến sẽ được trình Chính phủ trong tháng 10 này. Tuy nhiên, sửa đổi Nghị định 95 phải đồng bộ với việc Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn về trình tự thủ tục về lập dự toán, quyết toán kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động mua sắm hiện trogn quá trình lấy ý kiến các Bộ ngành.


    Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ ưu tiên chuyển giao khi Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 76. Trong ảnh robot Trí Nhân do người Việt Nam nghiên cứu. Ảnh: Anh Phú

    Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ ưu tiên chuyển giao khi dự thảo sửa đổi Nghị định 76 được thông qua. Trong ảnh robot Trí Nhân do người Việt Nam nghiên cứu. Ảnh: Anh Phú

    Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thông tin các hoạt động nổi bật trong quý III và những công việc trọng điểm triển khai trong quý IV. Theo đó Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện các dự án luật chuyên ngành, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) và hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2025 và 2030, cùng với các chương trình ứng dụng công nghệ tại địa phương cũng được ưu tiên triển khai trong quý IV.

    Vĩnh Hà



    AI giúp mẫu động vật trong bảo tàng kể chuyện

    Bảo tàng có một trong những bộ xương chim dodo hoàn chỉnh nhất thế giới. Ảnh: Đại học Cambridge

    Hơn 12 mẫu vật, từ gián Mỹ, dodo đến gấu trúc đỏ và bộ xương cá voi vây, sẽ được trao tặng “khả năng trò chuyện” nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Động vật tại Bảo tàng Động vật học sẽ chia sẻ câu chuyện của chúng, thậm chí cả trải nghiệm sau khi chết.


    Bảo tàng có một trong những bộ xương chim dodo hoàn chỉnh nhất thế giới. Ảnh: Đại học Cambridge

    Bảo tàng có một trong những bộ xương chim dodo hoàn chỉnh nhất thế giới. Ảnh: Đại học Cambridge

    Được trang bị giọng nói và tính cách riêng, các mẫu vật có thể trò chuyện bằng giọng nói hoặc văn bản qua điện thoại của khách tham quan. Công nghệ này cho phép chúng mô tả thời gian sống trên Trái Đất và những thử thách gặp phải, với hy vọng đảo ngược sự thờ ơ của con người đối với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học.

    Jack Ashby, trợ lý giám đốc bảo tàng, cho biết nhiều bảo tàng sử dụng AI theo nhiều cách khác nhau, nhưng “đây là ứng dụng đầu tiên cho phép các mẫu vật tự nói lên quan điểm của mình”. “Một phần của thử nghiệm là xem liệu việc cho động vật tiếng nói riêng có khiến mọi người nghĩ khác về chúng hay không. Liệu có thể thay đổi nhận thức của công chúng về một con gián bằng cách cho nó một giọng nói?”, Jack Ashby nói.

    Dự án do Nature Perspectives, một công ty đang xây dựng các mô hình AI để tăng cường kết nối giữa con người và thế giới tự nhiên, phát triển. Đối với mỗi mẫu vật, AI được cung cấp thông tin chi tiết về nơi sinh sống, môi trường sống tự nhiên, cách nó được đưa vào bộ sưu tập, cùng với tất cả thông tin về loài mà nó đại diện.


    Bộ xương cá voi vây treo trên mái của bảo tàng. Ảnh: Đại học Cambridge

    Bộ xương cá voi vây treo trên mái của bảo tàng. Ảnh: Đại học Cambridge

    Các mẫu vật thay đổi giọng điệu và ngôn ngữ để phù hợp với độ tuổi của người đối thoại và có thể trò chuyện bằng hơn 20 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nhật. Thú mỏ vịt có giọng Australia, gấu trúc đỏ có giọng Himalaya, và vịt trời có giọng Anh. Thông qua các cuộc trò chuyện trực tiếp, Ashby hy vọng khách tham quan sẽ học được nhiều hơn những gì có trên nhãn của mẫu vật.

    Các cuộc trò chuyện giữa khách tham quan và mẫu vật sẽ được phân tích để hiểu rõ hơn về thông tin mà mọi người muốn biết. AI gợi ý một số câu hỏi, chẳng hạn như hỏi cá voi vây “hãy kể cho tôi nghe về cuộc sống ở đại dương”, nhưng khách tham quan có thể hỏi bất cứ điều gì họ muốn.

    Ashby chia sẻ: “Khi bạn nói chuyện với những động vật này, chúng thực sự hiện lên như những cá thể có tính cách riêng, đó là một trải nghiệm rất kỳ lạ.

    Minh Thư (Theo Guardian)



    Apple tiết lộ sự thật “gây sốc” về trí thông minh của các mô hình AI

    Apple tiết lộ sự thật "gây sốc" về trí thông minh của các mô hình AI- Ảnh 1.

    Apple tiết lộ sự thật "gây sốc" về trí thông minh của các mô hình AI- Ảnh 1.

    Chứng kiến những khả năng độc đáo của các mô hình Ngôn ngữ lớn – các LLMs – công nghệ nền tảng cho những chatbot AI đình đám hiện nay như ChatGPT, Gemini và Copilot, nhiều người đang lo ngại về một tương lai u ám khi các cỗ máy này có thể suy nghĩ như con người. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu AI tại Apple lại không nghĩ vậy. Theo một nghiên cứu của họ mới được công bố, các LLMs hiện tại còn xa mới đạt tới khả năng suy luận như con người.

    Thay vì các công cụ thông thường, người đứng đầu nghiên cứu này của Apple, ông Samy Bengio, đã sử dụng một công cụ mới có tên GSM-Symbolic. Phương pháp này được xây dựng dựa trên các tập dữ liệu như GSM8K, nhưng bổ sung thêm các mẫu ký hiệu phức tạp hơn để đánh giá hiệu năng AI.

    Bài kiểm tra được các nhà nghiên cứu AI của Apple thực hiện đối với cả những mô hình mã nguồn mở như Llama của hãng Meta cũng như các mô hình độc quyền như dòng o1 mới của OpenAI. Kết quả cho thấy, ngay cả mô hình có điểm chuẩn cao nhất như o1 của OpenAI cũng không đạt được các kỹ năng suy luận thông thường.

    Apple tiết lộ sự thật

    Một bài toán đơn giản “Oliver hái được 44 quả kiwi vào thứ Sáu. Sau đó, cậu ấy hái được 58 quả kiwi vào thứ Bảy. Vào Chủ Nhật, cậu ấy hái được gấp đôi số quả kiwi mà anh ấy hái được vào thứ Sáu, Oliver có bao nhiêu quả kiwi?” Nhưng việc bổ sung một câu vu vơ “nhưng 5 quả trong số đó nhỏ hơn một chút so với mức trung bình” đã khiến cả 2 mô hình đều đưa ra các câu trả lời ngớ ngẩn.

    Một điều thú vị mà nhóm nghiên cứu nhận thấy là khả năng trả lời câu hỏi của các mô hình này có thể dễ dàng bị phá hỏng chỉ với một số thay đổi nhỏ. Ví dụ họ chỉ cần thêm vào một câu vu vơ nào đó vào bài toán – một tinh chỉnh nhỏ nào đó – cũng có thể làm hỏng câu trả lời của hầu hết các mô hình, bao gồm cả o1 mới của OpenAI.

    Trưởng nhóm dự án, ông Mehrdad Farajtabar, nhấn mạnh rằng ngay cả một thay đổi nhỏ như vậy cũng gây ra sự sụt giảm đáng kể về độ chính xác. Ông Farajtabar cho biết điều này sẽ không thể xảy ra trong suy luận của con người – việc thay đổi tên trong một bài toán không ảnh hưởng đến khả năng giải bài của học sinh. Tuy nhiên, đối với các mô hình AI này, những thay đổi như vậy dẫn đến sự sụt giảm độ chính xác từ 10% trở lên, gây ra những lo ngại nghiêm trọng về tính ổn định của chúng.

    Apple tiết lộ sự thật

    Một bài toán khác “Liam muốn mua một số đồ dùng học tập. Cậu ấy mua 24 cục tẩy hiện có giá 6,75 USD mỗi cục, 10 quyển vở hiện có giá 11,0 USD mỗi quyển và một tập giấy bìa cứng hiện có giá 19 USD. Liam nên trả bao nhiêu tiền bây giờ, giả sử rằng do lạm phát, giá rẻ hơn 10% vào năm ngoái?” Một bài toán đơn giản nhưng việc thêm một câu về lạm phát đã làm mô hình o1 của OpenAI bối rối trong câu trả lời.

    Nói cách khác, khó có thể gọi các mô hình LLMs hiện nay là có khả năng suy luận, chúng chỉ đơn thuần làm theo các khuôn mẫu phức tạp có sẵn trong kho dữ liệu mà thôi.

    Những phát hiện này đặt ra một số vấn đề đáng lo ngại cho các ứng dụng AI trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, ra quyết định và giáo dục, nơi tính nhất quán logic là điều bắt buộc. Nếu không cải thiện khả năng suy luận logic, các hệ thống AI hiện tại có thể gặp khó khăn khi hoạt động trong môi trường phức tạp hoặc quan trọng hơn.

    Nghiên cứu cũng đặt câu hỏi về độ tin cậy của các tiêu chuẩn như GSM8K, nơi các mô hình AI như GPT-4o đạt điểm cao tới 95%, một bước nhảy vọt so với 35% của GPT-3 chỉ vài năm trước đây. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu của Apple, những cải tiến này có thể do việc đưa dữ liệu huấn luyện vào các bộ kiểm tra.

    Sự bất đồng giữa hai tổ chức nghiên cứu AI hàng đầu là đáng chú ý. Hiện tại OpenAI coi mô hình o1 của mình là một bước đột phá trong suy luận, tuyên bố đây là một trong những bước đầu tiên hướng tới việc phát triển các tác nhân AI thực sự có logic. Trong khi đó, nhóm của Apple, được hỗ trợ bởi các nghiên cứu khác, lập luận rằng có rất ít bằng chứng để ủng hộ tuyên bố này.

    Garcy Marcus, một nhà phê bình lâu năm về các mạng nơ-ron nhân tạo, đã đồng tình với những lo ngại này trong nghiên cứu của Apple. Ông chỉ ra rằng nếu không có một số hình thức suy luận ký hiệu được tích hợp vào hệ thống AI, các mô hình như o1 của OpenAI sẽ tiếp tục thiếu sót trong các lĩnh vực đòi hỏi tư duy logic, bất kể chúng được đào tạo với bao nhiêu dữ liệu.

    Vừa đoạt giải Nobel, “Cha đỡ đầu của AI” đã thẳng thừng chỉ trích Sam Altman, tuyên dương một học trò cũ vì từng sa thải CEO OpenAI

    Vừa đoạt giải Nobel, “Cha đỡ đầu của AI” đã thẳng thừng chỉ trích Sam Altman, tuyên dương một học trò cũ vì từng sa thải CEO OpenAI- Ảnh 1.

    Vừa đoạt giải Nobel, “Cha đỡ đầu của AI” đã thẳng thừng chỉ trích Sam Altman, tuyên dương một học trò cũ vì từng sa thải CEO OpenAI- Ảnh 1.

    Ông Geoffrey Hinton, nhà khoa học vừa nhận giải Nobel Vật lý vì những cống hiến trong lĩnh vực học máy, trí tuệ nhân tạo – Ảnh: The New York Times.

    Geoffrey Hinton, người đang được báo giới mệnh danh là Cha đỡ đầu của Trí tuệ nhân tạo, vừa đoạt giải Nobel Vật lý 2024 vì những cống hiến của mình trong ngành học máy. Theo tuyên bố của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, những cống hiến của nhà khoa học máy tính và tâm lý học nhận thức đóng vai trò tối quan trọng trong ngành AI, và “những khám phá và phát minh mang tính nền tảng đã cấp thêm khả năng cho học máy và mạng trí tuệ nhân tạo”.

    Tuy nhiên, trong buổi họp báo diễn ra không lâu sau khi ông Hinton nhận giải Nobel, ông có một phát biểu khiến người nghe suy nghĩ. Cụ thể, ông tán dương một trong những cựu sinh viên của mình, anh Ilya Sutskever vì đã đuổi việc Sam Altman.

    Nội dung phát biểu của ông Geoffrey Hinton như sau:

    Ông Geoffrey Hinton ca ngợi Ilya Sutskever, đồng thời chỉ trích Sam Altman – Video: Tsarnick.

    Năm 2013, Sutskever lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học Toronto, và chính ông Hinton là người giám sát quá trình này. Theo lời nhận xét của Hinton, được đưa ra trong một bài phỏng vấn với Nikkei Asia diễn ra hồi tháng Ba, thì Sutskever là một nhân tài đã sớm nhận ra được cả tiềm năng và hiểm họa tới từ trí tuệ nhân tạo.

    Năm 2012, dường như những trí tuệ số này vẫn chưa giỏi bằng con người. Chúng có thể tới được tầm nhận biết vật thể và hình ảnh, lúc đương thời chúng ta không nghĩ rằng chúng có thể giải quyết được vấn đề ngôn ngữ, và hiểu những thứ phức tạp”, ông Hinton trả lời phỏng vấn. “Ilya đã thay đổi suy nghĩ của mình trước khi tôi làm được điều đó. Hóa ra, cậu ấy đã đúng”.

    Khi còn công tác tại OpenAI, nhà đồng sáng lập Ilya Sutskever đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban khoa học, và đóng vai trò tối quan trọng trong quá trình phát triển ChatGPT. Vào ngày 17/11 năm ngoái, hội đồng quản trị OpenAI bất ngờ tuyên bố sa thải nhà đồng sáng lập và CEO, Sam Altman. Lý do được đưa ra lúc ấy là Sam Altman “không duy trì được sự thẳng thắn trong giao tiếp với hội đồng”.

    Sau đó ít lâu, anh Sutskever tỏ ra hối tiếc vì quyết định của mình, và Altman nhanh chóng quay lại cầm quyền tại OpenAI. Tháng 5/2024, Sutskever rời OpenAI, dự định mở một công ty trí tuệ nhân tạo khác có tên Safe Superintelligence.

    Vừa đoạt giải Nobel, “Cha đỡ đầu của AI” đã thẳng thừng chỉ trích Sam Altman, tuyên dương một học trò cũ vì từng sa thải CEO OpenAI- Ảnh 2.

    Sam Altman (trái) và Ilya Sutskever (phải) – Ảnh: Internet.

    Bình luận của ông Hinton lập tức khiến người ta nhớ lại vụ việc xảy ra trước đây. Cho tới giờ, lý do chính xác của việc sa thải Sam Altman vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, dựa trên những diễn biến gần đây, người ngoài cuộc có thể đoán ra phần nào câu chuyện đằng sau bức rèm màu tối.

    Hôm 26/9 vừa qua, Reuters đưa tin rằng OpenAI đang tái cấu trúc công ty, nhằm hướng tới thành lập công ty vì lợi nhuận với quyền lực tập trung trong tay CEO Sam Altman. Một ngày trước thông tin này, Giám đốc công nghệ của công ty, ông Mira Murati tuyên bố từ chức, Giám đốc nghiên cứu Bob McGrew và Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu Barret Zoph cũng nghỉ việc.

    Có thể thấy, OpenAI đã không còn giữ tôn chỉ của ngày mới thành lập, là một công ty phi lợi nhuận và mã nguồn mở hoạt động trong lĩnh vực AI; công ty được hứa hẹn là sẽ không bị chi phối bởi đồng tiền, nhắm tới việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo an toàn và cho mọi người. Ilya Sutskever và Sam Altman dường như đã bất đồng về nhiều điểm trong tôn chỉ này, thế nên mới xảy ra sự xáo trộn quyền lực lớn tại OpenAI cuối năm vừa rồi.

    Chính Elon Musk, một trong những cá nhân đã đầu tư vào OpenAI từ ngày đầu nhưng đã cắt đứt quan hệ với công ty không lâu, cũng nhiều lần chỉ trích OpenAI cũng như Sam Altman. Ông cũng cho rằng công ty trí tuệ nhân tạo này không còn giữ trọng tâm phát triển của thời kỳ đầu, là đảm bảo an toàn trong phát triển AI.

    Bản thân nhà khoa học, nhà nghiên cứu Geoffrey Hinton cũng đã nhiều lần cảnh báo về mối nguy hiểm tới từ AI. Trong buổi phỏng vấn trên truyền hình, phát sóng vào tháng 10/2023, ông Hinton nhận định rằng có khả năng AI sẽ thao túng được con người.

    Và chúng sẽ rất giỏi việc thuyết phục người khác, bởi lẽ chúng đã học được từ tất cả những cuốn tiểu thuyết chúng ta từng viết – tất cả những tác phẩm của Machiavelli [Niccolò Machiavelli, triết gia, nhà ngoại giao nổi tiếng với những chính sách hữu hiệu nhưng cực đoan], tất cả những âm mưu chính trị, chúng sẽ thấu hiểu hết từng ấy thứ. Và chúng sẽ biết cách làm những điều đó”, ông Hinton nói.