Lưu trữ thẻ: xe điện

Cơn cuồng xe điện tại một quốc gia Nam Á: Taxi xanh trở thành phương tiện di chuyển chính, nhu cầu đột biến, không thể sản xuất đủ

    Rahul Mathur thề trung thành với BluSmart ngay từ những ngày đầu thành lập. Công ty taxi điện này là lựa chọn ưa thích của anh khi còn là người sáng lập công ty khởi nghiệp tại Delhi cách đây 2 năm, đến nỗi Mathur đã trở thành thành viên Prive — nhóm trung thành độc quyền dành riêng cho những người được chọn.

    Tuy nhiên, gần đây, Mathur gặp khó khăn hơn trong việc gọi xe.

    “Mặc dù là thành viên BluSmart Prive, là nhóm cao cấp nhất, nhưng tôi vẫn có một số lúc không thể tìm được taxi theo lịch trình”, anh chia sẻ với Rest of World.

    Tại Ấn Độ, các công ty taxi điện như BluSmart đang chiếm lĩnh thị phần ngành gọi xe từ 2 thế lực lâu đời là Ola và Uber. Đội xe hoàn toàn chạy bằng điện của BluSmart vừa hấp dẫn những khách hàng có ý thức bảo vệ môi trường, vừa thu hút những người yêu thích sự tiện lợi.

    Ứng dụng đảm bảo không hủy chuyến và không tăng giá đột biến. Xe của BluSmart cũng sạch sẽ, được bảo dưỡng tốt kèm theo phục vụ nước đóng chai và kẹo bạc hà. Một lượng lớn khách hàng trung thành được ghi nhận tại New Delhi và Bengaluru – Thung lũng Silicon của Ấn Độ.

    Vào năm 2022, BluSmart lên kế hoạch đưa 100.000 xe taxi điện lên đường vào năm 2025. Năm ngoái, công ty giảm mục tiêu xuống còn 10.000 xe điện vào đầu năm 2024 và hiện tại, hãng chỉ có khoảng 8.000 chiếc. BluSmart từ chối bình luận về nguồn cung xe điện của mình. Các chuyên gia cho rằng không có đủ nhà sản xuất xe điện để theo kịp nhu cầu ngày càng tăng.

    Shivani Palepu, một nhà phân tích chính tại công ty tư vấn quản lý Gartner chuyên về vận tải, cho biết với Rest of World: “Nguồn cung chắc chắn sẽ là một vấn đề, bất kể bạn hợp tác nhiều bao nhiêu”.

    Các công ty gọi xe truyền thống thường phụ thuộc vào tài xế đã sở hữu xe chạy bằng xăng và dầu diesel. Mặt khác, các công ty taxi điện phải tự mua xe mới, Pawan Mulukutla, giám đốc điều hành chương trình vận tải tích hợp tại Viện Tài nguyên Thế giới Ấn Độ nói.

    Được biết, phạm vi hoạt động của xe điện thấp hơn 50%–60% so với các mẫu xe động cơ đốt trong; công suất động cơ thấp hơn khoảng 30%. Ở Ấn Độ, xe điện cũng có giá cao hơn khoảng 50% so với những chiếc xe chạy bằng xăng tương tự.

    BluSmart và các công ty gọi xe điện khác giải quyết vấn đề này bằng cách duy trì đội xe của riêng mình. Điều này mang lại một số lợi thế về giá: chiết khấu theo khối lượng và khấu trừ lãi suất cho các khoản vay xanh. BluSmart sở hữu 5.000 bộ sạc và điều hành các đội bảo trì của riêng mình.

    Ola và Uber cũng đang giới thiệu chiến dịch xe điện đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và tuân thủ yêu cầu của chính phủ. Kế hoạch của Ola về một đội xe điện vẫn chưa tiến xa, trong khi Uber đẩy mạnh hợp tác với các nhà khai thác đội xe điện thương mại địa phương bao gồm Lithium Urban Technologies, Everest Fleet và Moove. Tháng 6 năm ngoái, Uber còn đầu tư 20 triệu USD vào Everest, nhà khai thác đội xe thương mại lớn nhất Ấn Độ với 19.000 xe điện do Tata Motors sản xuất.

    Anirudh Damani, giám đốc điều hành tại Artha Venture Fund, đơn vị đã bơm 2 triệu USD vào Everest Fleet, cho biết nguồn cung sẽ sớm ổn định hơn, đặc biệt là với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Ấn Độ. Ông dự đoán về sự xuất hiện của mô hình dịch vụ pin, trong đó pin ô tô được cho thuê với chi phí cố định theo km.

    Ngành công nghiệp xe điện hướng đến người tiêu dùng đang tràn ngập tiền đầu tư. BluSmart, được định giá 245 triệu USD, đã huy động được 24 triệu USD vào tháng 5 từ hơn 20 nhà đầu tư, bao gồm SoftBank, theo dữ liệu từ nền tảng thông tin thị trường Tracxn. Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông địa phương, công ty này có kế hoạch huy động thêm 100 triệu USD nữa trong thời gian tới. Vào năm 2024, ít nhất hai công ty khởi nghiệp xe điện khu vực khác — Snap-E ở Kolkata và Shoffr ở Bengaluru — cũng đã huy động được vốn.

    Tuy nhiên, số lượng nhà sản xuất ít và sự cạnh tranh ngày càng tăng đã làm giảm nguồn cung xe điện. Danh sách đơn đặt hàng của Tata Motors được cho là vượt xa năng lực sản xuất. Việc thiếu trợ cấp cho xe điện thương mại cũng hạn chế tốc độ và khối lượng sản xuất.

    Một số công ty nhỏ hơn dựa vào một đội xe duy nhất. Ví dụ, Snap-E có trụ sở tại Kolkata hiện đang vận hành 600 xe, chủ yếu là Tata XPres-T và đang cố gắng đạt 10.000 xe trong năm năm tới. Tata, đã ký hợp đồng với các công ty lớn hơn, là nhà cung cấp duy nhất của công ty.

    Shoffr ra mắt vào năm 2022 chỉ với hai chiếc xe từ nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD. Đội xe của công ty hiện có hơn 100 chiếc — tất cả đều là mẫu BYD E6. Cam kết với một đội xe duy nhất chắc chắn tồn tại nhiều rủi ro. Một lỗi ghi nhận ở một mẫu xe có thể khiến toàn đội hỏng cùng một lúc.

    Kislay Verma, đồng sáng lập của Shoffr, cho biết công ty có mối quan hệ tốt với BYD và các nhà sản xuất Trung Quốc là cốt lõi của ngành công nghiệp xe điện. Tuy nhiên, Shoffr vẫn sẽ tiếp tục giữ các lựa chọn mở với các nhà cung cấp khác.

    “Chúng tôi tiếp tục thử nghiệm những chiếc xe khác khi chúng ra mắt thị trường”, Verma cho biết.

    Ban đầu, BluSmart lấy toàn bộ đội xe của mình từ Tata. Công ty đã bổ sung thêm một hạng xe cao cấp khác, bao gồm các xe từ Mahindra, Hyundai và MG. Sự đa dạng hóa như vậy đi kèm với những thách thức, bao gồm việc điều chỉnh cơ sở hạ tầng cho từng thương hiệu, giúp nhân viên bảo dưỡng làm quen với các mẫu xe và đảm bảo tài xế cảm thấy thoải mái khi sử dụng.

    Mitesh Shah, cựu giám đốc tài chính tại Ola kiêm đồng sáng lập của Inflection Point Ventures, đã ủng hộ cả BluSmart và Snap-E. “Đây sẽ không bao giờ là thị trường mà người chiến thắng sẽ giành được tất cả”, ông nói với Rest of World. “Một số công ty sẽ thành công ở cấp độ khu vực. Vấn đề là sử dụng hiệu quả đội xe hiện có của bạn, đảm bảo rằng tỷ lệ đó không bao giờ giảm”.

    Theo: Rest of World

    Xe điện sẽ khiến 5,5 triệu người mất việc làm, 2,9% GDP bốc hơi: Lời cảnh báo của chủ tịch Toyota về tương lai ngành ô tô Nhật Bản

    Xe điện sẽ khiến 5,5 triệu người mất việc làm, 2,9% GDP bốc hơi: Lời cảnh báo của chủ tịch Toyota về tương lai ngành ô tô Nhật Bản- Ảnh 1.

      Xe điện sẽ khiến 5,5 triệu người mất việc làm, 2,9% GDP bốc hơi: Lời cảnh báo của chủ tịch Toyota về tương lai ngành ô tô Nhật Bản- Ảnh 1.

      Gánh nặng 5,5 triệu việc làm

      “Hiện có khoảng 5,5 triệu lao động trong ngành sản xuất ô tô Nhật Bản, rất nhiều người trong số họ đã làm việc với động cơ đốt trong suốt nhiều năm. Bởi vậy nếu xe điện trở thành lựa chọn duy nhất cho chúng tôi lẫn những nhà cung ứng thì những lao động trên sẽ mất việc làm”, Chủ tịch Akio Toyoda của Toyota, hãng xe hơi lớn nhất thế giới cho biết.

      Theo tờ Financial Times (FT), cái tên Toyota không chỉ là một thương hiệu mà còn đại diện cho 5,5 triệu việc làm trong chuỗi cung ứng xe hơi của Nhật Bản, toàn ngành này đóng góp đến 2,9% GDP cho nền kinh tế.

      Bởi vậy lời cảnh báo của Chủ tịch Toyoda là có cơ sở khi ngành xe hơi Nhật Bản lẫn nền kinh tế này sẽ chịu ảnh hưởng nặng với việc chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện.

      Tờ FT cho hay Toyota ở trên đỉnh kim tự tháp chuỗi cung ứng ngành ô tô Nhật Bản khi ký hợp đồng trực tiếp với khoảng 100 nhà cung ứng cấp 1 và vô số những doanh nghiệp bám theo sau đó, tạo nên một mạng lưới đồ sộ của toàn ngành.

      Xe điện sẽ khiến 5,5 triệu người mất việc làm, 2,9% GDP bốc hơi: Lời cảnh báo của chủ tịch Toyota về tương lai ngành ô tô Nhật Bản- Ảnh 2.

      Bởi vậy, từng quyết định của Toyota có thể ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng và đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến hãng xe Nhật Bản không vội vàng chuyển hướng ô tô điện.

      Tuy nhiên một nguyên nhân nữa là văn hóa “Sản xuất vừa đúng lúc” (Just in time: là sản xuất đúng sản phẩm, đúng số lượng, đúng nơi, đúng thời điểm, kiểm soát tồn kho ở mức tối thiểu cần thiết) cùng chuỗi cung ứng luôn chỉn chu, đúng hẹn đến từng chi tiết của ngành ô tô Nhật Bản đã nổi tiếng từ lâu trên thế giới, qua đó làm nên thành công cho các tên tuổi như Toyota.

      Việc phát triển phương pháp sản xuất tinh gọn, hạn chế hàng tồn kho và độ trễ trong sản xuất, cung ứng đã trở thành tiêu chuẩn của toàn ngành xe hơi trên thế giới.

      Thế nhưng văn hóa này lại đang trở thành gánh nặng cho ngành xe hơi Nhật Bản đổi mới khi họ cảm thấy phải có nghĩa vụ duy trì 5,5 triệu việc làm cho cả nước cùng vô số những hệ lụy đi kèm trong từng quyết định.

      “Việc Toyota bảo vệ chuỗi cung ứng xe xăng của mình hiện tại khá hợp lý do nhu cầu xe Hybrid tăng cao. Thế nhưng trong tương lai, điều này có thể trở thành gánh nặng, gây ảnh hưởng không chỉ đến Toyota mà còn toàn ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản”, Chuyên gia phân tích James Hong của Macquarie nhận định.

      Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà nhiều hãng xe hơi truyền thống nổi tiếng của Đức, Pháp và Mỹ cũng đang phải đối mặt. Cuộc cách mạng xe điện đang tác động lớn đến toàn ngành khi lao động sợ mất việc làm, doanh nghiệp sợ bị thua lỗ còn cổ đông thì gây áp lực để có lợi nhuận.

      Trong khi đó hãng tin Reuters nhận định Toyota là hãng xe lớn hiếm hoi trên thế giới giữ thái độ cẩn trọng về cuộc cách mạng xe điện. Tập đoàn này ước tính xe điện, bao gồm cả dòng Hybrid mà hãng phát triển sẽ chỉ chiếm 30% thị phần toàn cầu trong tương lai, số còn lại vẫn là ô tô dùng động cơ đốt trong.

      Xe điện sẽ khiến 5,5 triệu người mất việc làm, 2,9% GDP bốc hơi: Lời cảnh báo của chủ tịch Toyota về tương lai ngành ô tô Nhật Bản- Ảnh 3.

      Tâm điểm chỉ trích

      Theo Financial Times (FT), hoạt động của các hãng ô tô hàng đầu thế giới thường có tác động đến toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi của một quốc gia. Sự phát triển của tập đoàn đó ảnh hưởng trực tiếp đến trợ cấp lao động, viện trợ của chính phủ hay thậm chí là tăng trưởng của cả nền kinh tế.

      Điều này cũng tương tự như các tập đoàn gia đình trị (Chaebol) tại Hàn Quốc khi những cái tên như Samsung, SK…có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và người dân.

      Xin được nhắc rằng ngành công nghiệp ô tô cần rất nhiều lao động, không chỉ ở khâu sản xuất mà còn lan rộng trong chuỗi cung ứng toàn ngành. Bởi vậy giữ được đà tăng trưởng đồng nghĩa với sự ổn định trên thị trường việc làm.

      Tuy nhiên nếu mọi chuyện xấu đi thì chẳng khác nào vụ bê bối của một ngân hàng lớn, tác động dây chuyền ra toàn ngành tài chính khiến ai cũng cố gắng bảo vệ lợi ích cho riêng mình.

      Khi đó, Toyota có thể trở thành tâm điểm chỉ trích của các chính trị gia, giới truyền thông, cổ đông và người lao động.

      “Cho dù là ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Châu Âu thì sản xuất ô tô đều là một ngành chủ chốt. Tôi hiếm thấy quốc gia nào chấp nhận hy sinh ngành công nghiệp ô tô của mình. Điều này cũng tương tư như ngành ngân hàng, luyện thép, đóng tàu thủy…”, giám đốc Thomas Besson của Kepler Cheuvreux cho biết.

      Bất kể là Renault của Pháp, Volkswagen ở Đức, BYD tại Trung Quốc hay Ford và GM của Mỹ thì đều là những thương hiệu cực kỳ quan trọng với nền kinh tế mà chính phủ chắc chắn không bao giờ bỏ mặc.

      Xe điện sẽ khiến 5,5 triệu người mất việc làm, 2,9% GDP bốc hơi: Lời cảnh báo của chủ tịch Toyota về tương lai ngành ô tô Nhật Bản- Ảnh 4.

      Điều này cũng tương tự với Toyota của Nhật Bản và chắc chắn hãng xe này sẽ phải bảo vệ chuỗi cung ứng của mình do liên quan quá nhiều nhóm lợi ích. Trớ trêu thay, điều này lại làm chậm quá trình đổi mới và có thể tạo gánh nặng trong tương lai.

      Thách thức này thậm chí đang ngày càng rõ ràng trước sự hỗn loạn từ xe điện.

      Tại Châu Âu, nghiên cứu của PwC cho thấy ngành ô tô truyền thống sẽ mất 500.000 việc làm vào năm 2035 và chỉ được bù đắp bằng 226.000 việc làm mới từ ngành xe điện.

      “Điều nguy hiểm hơn cả là Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng xe điện, trong khi ngành này thì không cần nhiều nhà cung ứng như sản xuất ô tô truyền thống và rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa”, chuyên gia Hong của Macquarie cảnh báo.

      *Nguồn: Reuters, FT