Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam- Ảnh 1.

Temu được cấp mã số thuế số 9000001289

Hiện nay, dư luận quan tâm về công tác quản lý thuế đối với một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) có tính chất xuyên biên giới mới xuất hiện và đang được quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian vừa qua, điển hình như sàn Temu.

Thông tin về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết, ngày 04/09/2024, sàn TMĐT Temu đã được công ty chủ sở hữu là Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế. Temu được cấp mã số thuế số 9000001289.

Về thời hạn khai thuế, nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC, sàn Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý III năm 2024 (thời hạn kê khai thuế của tờ khai quý III năm 2024 là 31/10/2024) kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.

Như vậy, theo quy định, dự kiến tháng 10/2024 mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý IV/2024 thời hạn nộp là 31/01/2025 nếu được cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương cấp phép hoạt động.

Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam- Ảnh 2.

Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam nhưng chưa được Bộ Công Thương cấp phép

Tổng cục Thuế khẳng định, theo quy định Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) thì hoạt động kinh doanh sàn TMĐT là hoạt động phải được cấp phép và chịu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Còn đối với công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số được cơ quan thuế quản lý theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021/TT-BTC. Theo đó các nhà quản lý sàn TMĐT có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế.

Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT kinh doanh trên nền tảng số có tính chất xuyên biên giới, nhà cung cấp nước ngoài nếu có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thuế, cơ quan thuế sẽ thực hiện rà soát và có các biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, minh bạch và công bằng đối với các hoạt động kinh doanh truyền thống.

Trường hợp, nhà cung cấp nước ngoài chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục đánh giá tình hình thực tiễn quản lý thu đối với các nhà cung cấp nước ngoài và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung một số luật, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 123/NĐ-CP về hóa đơn để quản lý thuế đối với hoạt động này đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, thu đúng, thu đủ đối với các nhà cung cấp nước ngoài khi thực hiện kinh doanh tại Việt Nam.

Các sàn TMĐT hoạt động tại Việt Nam đều được quản lý cấp phép và quản lý thuế chặt chẽ nhưng cũng tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế trên cơ sở thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế trên các nền tảng Cổng TTĐT của ngành Thuế

Đồng thời Tổng cục Thuế cũng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách thuế đến các chủ thể, đặc biệt là các chủ thể mới có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ yên tâm sản xuất kinh doanh và có đóng góp nghĩa vụ thuế vào ngân sách của Nhà nước.