Theo báo cáo The Connected Consumer trong quý III/2024 do Decision Lab công bố, trình duyệt web của Việt Nam giữ vị trí top 2 thị phần trình duyệt trên máy tính và top 3 trên di động. Ngoài ra, lần đầu tiên Cốc Cốc dẫn đầu về chỉ số NPS – thể hiện sự hài lòng và khả năng giới thiệu cho người khác cùng sử dụng.

Khảo sát được Decision Lab – công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại TP HCM và đối tác của YouGov, thực hiện. Cốc Cốc là trình duyệt Việt Nam duy nhất nằm trong top 10 về tỷ lệ thâm nhập, đồng thời cũng là sản phẩm hiếm hoi không phải trình duyệt mặc định của thiết bị, nằm trong danh sách.

Tỷ lệ thâm nhập của các trình duyệt web phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Decision Lab

Tỷ lệ thâm nhập của các trình duyệt web phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Decision Lab

Hiện có hơn 10 trình duyệt web phổ biến tại Việt Nam và người dùng sử dụng trung bình khoảng hai ứng dụng duyệt web cho nhu cầu trên máy tính và di động. Trong đó, Cốc Cốc được 59% người dùng trên PC sử dụng, thấp hơn mức 83% của Chrome, nhưng cao hơn hai lần trình duyệt mặc định của Microsoft là Edge. Trên di động, trình duyệt Việt đứng vị trí thứ ba với 21%, sau Chrome (75%) và Safari (30%), cao hơn Samsung Internet (15). Chỉ số NPS của Cốc Cốc trên di động đạt 66%, hơn mức 65% của đối thủ từ Google.

Theo Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab, trình duyệt Việt “đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu”.

Tuy nhiên, các tính năng cạnh tranh của Cốc Cốc cũng gây tranh cãi. Trình duyệt cũng liên tục đối đầu với các nền tảng video như YouTube khi vượt qua thuật toán chặn quảng cáo hay cho phép phát video, âm thanh dưới nền. Bên cạnh đó, việc tải video vốn không được khuyến khích trên các nền tảng, cũng được tích hợp vào Cốc Cốc. Năm 2021, trình duyệt cũng bị Google “làm khó” khi hạn chế đăng nhập và đồng bộ tài khoản Google, buộc nhà phát triển phải sử dụng User Agent của Chrome.

Biểu tượng của một số ứng dụng trình duyệt web phổ biến trên điện thoại. Ảnh: Lưu Quý

Biểu tượng của một số ứng dụng trình duyệt web phổ biến trên điện thoại. Ảnh: Lưu Quý

Cốc Cốc ra đời năm 2013, sử dụng nền tảng mã nguồn mở Chromium tương tự Google Chrome, Edge và Opera. Theo thống kê vào tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng người dùng trung bình trong quý III/2024 của trình duyệt đạt gần 30,7 triệu, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Công cụ tìm kiếm trên trình duyệt này cũng thu hút hơn 600 triệu lượt truy vấn hàng tháng.

Ngoài trình duyệt, báo cáo của Decision Lab cũng cung cấp thông tin về một số nhóm ngành khác, cho thấy các nền tảng từ Việt Nam đang dần thu hẹp khoảng cách với quốc tế. Ví dụ ở nhu cầu đọc tin tức, người dùng có xu hướng gia tăng trở lại việc đọc từ website, ứng dụng Việt với tỷ lệ 28%, tương đương mức 29% của việc đọc tin từ Facebook. Zalo xếp trên Messenger ở hạng mục ứng dụng nhắn tin, với tỷ lệ thâm nhập 85% và tỷ lệ dùng thường xuyên 57%. Ở mảng gọi taxi, XanhSM tăng trưởng 7% lên mức 25%, trong khi GrabCar tăng 1% lên 47%. Ở mảng tài chính số, MoMo dẫn đầu với tỷ lệ 43%.

Lưu Quý