Đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc cắt đứt hoàn toàn với hệ thống Công Nghệ phương Tây – điều mà cả thế giới đang dựa vào.
Hệ điều hành thuần Trung Quốc
Khi gã khổng lồ Công Nghệ Trung Quốc Huawei ra mắt điện thoại thông minh Mate 70 trong tháng này, các chuyên gia Công Nghệ sẽ tháo rời nó để tìm hiểu về con chip bên trong – thứ sẽ tiết lộ mức độ tiến bộ mà Trung Quốc đạt được trong việc chế tạo chip tự thân và phá vỡ sự phụ thuộc vào Công Nghệ nước ngoài.
Nhưng phần mềm trong điện thoại mới là thứ chứng minh được tầm quan trọng hơn cả phần cứng.
Huawei dự kiến sẽ cài đặt Harmony OS NEXT, hệ điều hành cũng do hãng tự phát triển, trên thiết bị mới. Đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc cắt đứt hoàn toàn với hệ thống Công Nghệ phương Tây – điều mà cả thế giới đang dựa vào.
Trung Quốc muốn đất nước trở nên tự chủ về mặt Công Nghệ trong mọi mặt, từ phân bón, máy bay chở khách đến chip và mạng lưới thanh toán. Họ coi sự kìm kẹp của phương Tây với các Công Nghệ quan trọng là rủi ro an ninh quốc gia, có thể đặc biệt nguy hiểm đối với Trung Quốc nếu có xung đột bùng nổ.
Những nỗ lực của Huawei nhằm hỗ trợ khả năng tự chủ của Trung Quốc gần đây tập trung vào chất bán dẫn. Nhưng đất nước này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hệ điều hành di động của Mỹ. Android, thuộc sở hữu của Google, và iOS, hệ điều hành của Apple, có mặt trên 98% điện thoại thông minh toàn cầu, bao gồm hầu hết các điện thoại ở Trung Quốc.
Nền tảng mới của Huawei sẽ trở thành kẻ đối chọi thứ ba. Hệ thống này đã được ra mắt thử nghiệm vào tháng trước và sẽ trở nên phổ biến hơn khi Mate 70 được phát hành.
Phiên bản hiện tại vẫn dựa trên mã mở từ Android và phần mềm từ Linux nhưng phiên bản mới dự kiến sẽ loại bỏ các thành phần nước ngoài và thay thế hoàn toàn bằng “hàng nội địa”.
Các ứng dụng được phát triển cho Android sẽ không hoạt động trên phiên bản mới. Truyền thông Trung Quốc mô tả Harmony OS Next là một hệ thống “thuần chủng”.
Huawei bắt đầu phát triển Harmony vào năm 2012 cho các thiết bị internet vạn vật, không phải cho điện thoại thông minh. Nhưng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty vào năm 2019 đã cắt đứt quyền truy cập vào Google Mobile Services, bao gồm cả cửa hàng ứng dụng, cùng với các chất bán dẫn cần thiết để sản xuất điện thoại 5G.
Điều này đã tàn phá sự phổ biến của điện thoại Huawei bên ngoài Trung Quốc nhưng cũng khởi động nỗ lực của công ty để chuyển sang phát triển hệ thống riêng và bản địa hóa sản xuất chất bán dẫn.
Vào tháng 8 năm ngoái, Huawei đã khiến các nhà phân tích ngạc nhiên khi phát hành Mate 60, điện thoại thông minh có chip bảy nanomet tiên tiến được sản xuất trong nước, cho phép công ty này quay trở lại thị trường điện thoại 5G.
Mate 70 được kỳ vọng sẽ còn đánh dấu một cột mốc lớn lao hơn trong nỗ lực của công ty nhằm giảm sự phụ thuộc vào các công ty phương Tây.
Cơ hội nào cho Huawei?
Xây dựng một hệ điều hành không phải là một kỳ tích dễ dàng. Thách thức chính là thu hút nhiều nhà phát triển bên ngoài để thiết kế các ứng dụng chạy trên đó. Điều này đòi hỏi phải thuyết phục họ rằng hệ thống sẽ thành công và việc phát triển một ứng dụng xứng đáng với công sức bỏ ra.
Nhiều công ty đã thử và thất bại trong việc tạo ra các hệ điều hành mới trong nhiều năm qua. Các nhà phát triển ứng dụng thường gắn bó với những nền tảng phổ biến.
Đây được coi là một ván cược lớn của Huawei khi cắt đứt quan hệ với Android. Đến tháng 8 năm ngoái, khi Mate 60 được phát hành, các nhà phát triển đã tạo ra khoảng 100 ứng dụng dành riêng cho hệ điều hành.
Sự phổ biến của các thiết bị mới đã thuyết phục nhiều nhà phát triển bắt đầu tạo các ứng dụng cho điện thoại của Huawei, với hơn 15.000 ứng dụng và dịch vụ gốc được tạo ra kể từ khi Mate 60 được phát hành.
Các cuộc thử nghiệm của Harmony OS NEXT càng làm tăng thêm sự hào hứng. Tuy nhiên, việc chuyển sang hệ thống mới có nguy cơ làm tổn hại đến doanh số bán điện thoại thông minh của Huawei.
Android cung cấp cho người dùng hàng triệu ứng dụng; nếu người Trung Quốc không thể tìm thấy ứng dụng yêu thích, họ có thể sẽ chọn một thiết bị khác. Các nhà báo Trung Quốc đã thử nghiệm một số ứng dụng gốc phàn nàn rằng chúng thiếu các chức năng quan trọng.
Huawei hy vọng có thể tạo thêm động lực cho hệ điều hành của mình bằng cách thuyết phục các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc khác cùng sử dụng.
Nhưng để thuyết phục là không dễ dàng. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh đối thủ như Xiaomi, Vivo và Oppo cạnh tranh quyết liệt với Huawei và một số đang phát triển hệ điều hành riêng của họ dựa trên Android.
Cơ hội vẫn để ngỏ khi các nhà phân tích tại Jefferies cho biết, nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ yêu cầu các đối thủ của Huawei chuyển từ Android sang Harmony.
Tham vọng của Huawei đối với Harmony vượt ra ngoài ranh giới điện thoại thông minh. Hệ thống này sẽ sớm thay thế Windows trên máy tính xách tay của công ty. Nó có thể sử dụng trên tất cả các thiết bị, bao gồm cả những chiếc ô tô mà Huawei hỗ trợ thiết kế.
Điều đó sẽ giúp xoa dịu nỗi lo ngại của Trung Quốc về sự phụ thuộc của đất nước vào Công Nghệ nước ngoài – và khiến các gã khổng lồ Công Nghệ phương Tây không thể ngồi yên một chỗ.