Lưu trữ tác giả: Nguyễn Võ

Điện thoại giá rẻ Samsung vừa ra mắt ở Việt Nam: Giá 6 triệu, “được khen” vì có thứ không kém S24 Ultra

- Ảnh 1.

Galaxy A16 5G chính thức ra mắt ở thị trường Việt Nam sau khi nhận được rất nhiều kỳ vọng lớn trước đó về giá bán phải chăng cùng hỗ trợ cập nhật hệ điều hành chưa từng có: 6 năm.

Ngay từ khi có thông tin rò rỉ khoảng một tháng trước, Galaxy A16 5G đã gây sự chú ý và được ca ngợi là mẫu điện thoại giá rẻ đáng mua nhất 2024, xét đến giá trị sử dụng lâu dài mà Samsung đem lại trên mẫu máy giá chỉ 6 triệu.

Trên thực tế, dòng Galaxy A1X luôn nằm trong số những điện thoại bán chạy nhất thế giới trong nhiều năm. Sự ra mắt chính thức của Galaxy A16 5G được rất nhiều người mong chờ. Nhưng khi cầm máy trên tay, kỳ vọng của người dùng có như tưởng tượng hay không? Trang Phone Arena đã có bài phân tích mẫu máy giá rẻ mới của Samsung.

Màn to hơn, camera ít cải tiến

Galaxy A16 5G có màn hình AMOLED đẹp mắt, tốc độ làm tươi 90Hz, dung lượng lưu trữ lớn, chipset nhanh hơn và thậm chí còn hứa hẹn cập nhật phần mềm trong sáu năm – một giá trị chưa từng có trên các điện thoại giá rẻ từ trước đến nay.

- Ảnh 1.

Trên lý thuyết, mọi điều nói trên đều nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng sau khi sử dụng một thời gian, chiếc máy này vẫn còn nhiều vấn đề cần cân nhắc.

Galaxy A16 5G gia tăng về mặt kích thước so với trước, khi có màn hình 6,7 inch, cùng phần viền siêu lớn khiến kích thước tổng thể là tăng hơn đáng kể. Phần khung vẫn được làm bằng nhựa mang lại cảm giác rẻ tiền nhưng giúp máy nhẹ hơn so với ngoại hình.

Các nút bấm nằm ở phía bên phải, hơi nhô lên so với các cạnh của điện thoại. Phím nguồn kiêm luôn chức năng đọc dấu vân tay, với độ chính xác khá ổn nhưng phải mất một nhịp để phản hồi.

Màn hình AMOLED 6,7 inch được coi là điểm nhấn với màu sắc đẹp và độ sáng khoảng 750 nits, có thể chấp nhận được trong mức giá.

Theo điểm số camera của PhoneArena, Galaxy A16 5G đạt điểm tổng thể tốt hơn một chút so với thế hệ trước, nhưng điều ngạc nhiên là những thay đổi về chất lượng ảnh lại tệ hơn khi có nhiều vấn đề về cân bằng trắng và màu sắc. Tuy nhiên, chất lượng video đã được cải thiện đáng kể.

Ở mặt sau là hệ thống ba camera, với ống kính thứ ba là camera macro 2MP, cùng camera chính 50MP và camera góc siêu rộng 5MP.

- Ảnh 2.

Camera chính trên A16 5G có sự thay đổi về màu sắc so với thế hệ trước. Ảnh chụp thiên về tông lạnh, lượng chi tiết và dải động tốt, nhưng tông màu ấm hơn của A15 5G đời trước vốn dĩ mang lại cảm giác nịnh mắt hơn.

Vì không có camera tele chuyên dụng trên máy nên Galaxy A16 5G không có bước tiến lớn nào về chất lượng zoom. Camera góc siêu rộng 5MP sử dụng ổn vào ban ngày, không quá nhiều đặc biệt.

Galaxy A16 5G có thể quay video 4K, chất lượng cao và thậm chí còn có tính năng ổn định video khá tốt. A16 5G giờ đây có thể chuyển đổi qua lại giữa camera chính và camera siêu rộng, điều mà trước đây không làm được.

Hiệu suất chậm chạp

Là mẫu điện thoại giá rẻ, Galaxy A15 5G năm ngoái bị phàn nàn về hiệu suất chậm chạp và mọi thứ có vẻ chưa được khắc phục trên A16 5G.

Về mặt kỹ thuật, A16 5G đi kèm với chipset nhanh hơn, nhưng không đủ lớn để loại bỏ tình trạng giật lag liên tục trong quá trình sử dụng. Điều này nhanh chóng trở nên cực kỳ khó chịu. Tình trạng giật hình xuất hiện ngay cả khi mở khóa điện thoại, khi sử dụng ứng dụng, khi lướt xem mọi thứ và đó không phải là trải nghiệm tốt.

A16 5G cũng chỉ có 4GB RAM, không đủ đáp ứng nhu cầu đa nhiệm của Android.

- Ảnh 3.

Hiệu suất CPU lõi đơn được cải thiện gần 50%, đây là sự thay đổi đáng chú ý so với A15 5G và giúp A16 5G ngang bằng với dòng A2x đắt tiền hơn.

Nhưng hầu như không có cải tiến nào về hiệu suất CPU đa lõi và nhìn chung, hiệu suất thực tế của A16 5G vẫn chỉ là trải nghiệm giật lag dù có cải thiện đôi chút.

Về đồ họa, hầu như không có cải tiến nào dành cho các game thủ.

Ít nhất thì máy cũng có được dung lượng lưu trữ khá ổn là 128GB, dù điều này đang ngày càng trở thành thông số tiêu chuẩn.

Điểm sáng giá nhất của Galaxy A16 5G là cài sẵn Android 14 với giao diện tùy chỉnh One UI 6.1 của Samsung, hứa hẹn sáu năm cập nhật phần mềm, một cam kết lớn đối với một chiếc điện thoại giá rẻ.

Với chỉ 4GB RAM, tất nhiên sẽ không có tính năng Galaxy AI thời thượng nào ở đây.

Mặc dù có kích thước lớn hơn là 6,7 inch, Galaxy A16 5G vẫn giữ nguyên dung lượng pin 5.000 mAh như phiên bản trước. Dung lượng này có thể giúp máy dễ dàng duy trì khả năng sử dụng trong một ngày.

- Ảnh 4.

Bài kiểm tra pin của Phone Arena ghi nhận điện thoại có thời lượng pin kém hơn một chút so với đời trước. Trong bài kiểm tra duyệt web, A16 5G chỉ đạt dưới 10 giờ, đây là một trong những điểm số tệ nhất trong năm.

Tuy nhiên, máy cho kết quả khá tốt trong bài kiểm tra phát trực tuyến video trên YouTube và chơi game 3D. Nhìn chung, máy đạt mức 6 giờ 11 phút thời gian sử dụng màn hình, ít hơn nửa giờ so với mẫu máy năm ngoái.

Galaxy A16 5G có giá khoảng 200 USD (giá bán ở Việt Nam khoảng 5,8 triệu). Mức giá này không thể đòi hỏi ở một mẫu smartphone có đủ mọi tính năng cao cấp đi cùng với trải nghiệm mượt mà.

Ở một số khía cạnh, Galaxy A16 5G vượt qua kỳ vọng khi có màn hình đẹp và lớn hơn, thời lượng pin ổn và camera giờ đây có thể quay video tốt hơn. Một lần nữa cần phải nhấn mạnh là máy có sáu năm cập nhật phần mềm, thứ gần ngang với các mẫu flagship của Samsung như Galaxy S24 Ultra (7 năm).

Nhưng điều đáng tiếc là điện thoại vẫn cho cảm giác hơi chậm và giật, và đây là vấn đề lớn có thể khiến người dùng cân nhắc khi lựa chọn.

5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh

5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh- Ảnh 1.

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, với dự báo đến năm 2050, 70% dân số sẽ sống ở các thành phố lớn. Điều này tạo ra cơ hội cũng như đặt ra thách thức đối với công tác quản lý và phát triển bền vững của các thành phố như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và sự khan hiếm tài nguyên, chất lượng cuộc sống giảm sút… Thành phố thông minh ra đời là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh- Ảnh 1.

Mạng thiết bị IoT bao gồm cảm biến, thiết bị không người lái như xe tự hành, drone, thiết bị giám sát từ xa (camera, drone…) là thành phần quan trọng trong hạ tầng Vật lý – Số, nền tảng của thành phố thông minh. Tuy nhiên mạng thiết bị này rất đa dạng về chủng loại, số lượng lớn thiết bị, không gian trải dài và có các yêu cầu khác nhau trong sử dụng như độ trễ, băng thông,…

Khi số lượng kết nối lớn và khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra, mạng 4G hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu truyền dữ liệu. Công nghệ 5G ra đời là lời giải cho bài toán siêu kết nối.

Mạng 5G đang trở thành “mạch máu” trong đô thị thông minh thế giới

Theo Ủy ban châu Âu nhận định, có 6 lĩnh vực quan trọng để hoàn thiện thành phố thông minh. Đó là Chính quyền điện tử, Kinh tế thông minh, Giao thông thông minh, Môi trường thông minh, Cư dân thông minh, Cuộc sống thông minh.

Trên thực tế, không ít dự án triển khai thành phố thông minh đã và đang được thực hiện tại các quốc gia đi đầu trong cuộc đua Công Nghệ 5G như Hàn Quốc, Mỹ…

Thành phố Seoul đã triển khai hệ thống quản lý giao thông dựa trên 5G sử dụng dữ liệu thời gian thực để tối ưu hóa lưu lượng giao thông. Hệ thống này đã giảm đáng kể thời gian di chuyển và lượng khí thải carbon trong thành phố.

Thành phố New York sử dụng 5G để tăng cường an toàn công cộng thông qua việc triển khai camera có độ phân giải cao và hệ thống phân tích video thời gian thực. Điều này đã tăng khả năng phản ứng của lực lượng thực thi pháp luật và giảm tội phạm trong thành phố.

5G sẽ thúc đẩy sự phát triển của thành phố thông minh tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, Việt Nam nói chung và các tỉnh thành phố nói riêng đã có những bước tiến đáng kể trong việc triển khai các đô thị thông minh. Các thành phố thông minh đã và đang sử dụng Công Nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy các hoạt động phát triển, góp phần giải quyết thách thức của đô thị và tạo cơ sở hạ tầng bền vững, hỗ trợ Công Nghệ liên kết. 

5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh- Ảnh 2.

Thực hiện hành động trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, hiện tại đã có 48/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng đề án phát triển thành phố thông minh.

Trong giai đoạn tới, việc khai thác sâu hơn tiềm năng của các ứng dụng thành phố thông minh sẽ bước sang trang mới với sự “nhập cuộc” của Công Nghệ 5G tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn. 

Mới đây, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) đã cho ra mắt hệ sinh thái Viettel 5G2B (5G to Business) với trên 100 sản phẩm, bao phủ 7 lĩnh vực trọng điểm chuyển đổi số quốc gia, trong đó có thành phố thông minh. Hệ sinh thái này sẽ thúc đẩy việc chuyển dịch sang các Công Nghệ hiện đại, mở ra các dịch vụ và kết nối chưa từng có.

Hệ sinh thái 5G2B sẽ giải quyết các bài toán tự động hoá và tối ưu quản lý cho thành phố thông minh với ưu thế vượt trội về băng thông rộng, kết nối mật độ cực lớn (cho hàng triệu, thậm chí hàng tỷ thiết bị đồng thời) và độ trễ thấp (có thể đạt ngưỡng 1-5ms) đảm bảo cho hệ thống cảm biến, robot/xe tự hành, camera AI và drone giám sát truyền nhận thông tin về trung tâm điều hành để ra quyết định xử lý tức thời.

Giao thông thông minh là yếu tố then chốt tạo nên giao thông bền vững. Hạ tầng giao thông với số lượng lớn các camera, cảm biến quan trắc, đèn tín hiệu và bảng thông báo thực hiện thu thập dữ liệu giao thông theo thời gian thực truyền tải qua kết nối 5G đến hệ thống giao thông thông minh, tích hợp AI phân tích, giúp đưa ra cảnh báo và lên phương án đảm bảo giao thông cho đơn vị điều hành giao thông.

5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh- Ảnh 3.

Một trong những ứng dụng 5G nổi bật trong giao thông thông minh chính là xe tự lái và điều khiển phương tiện từ xa. Tài xế có thể điều khiển phương tiện từ xa đến địa điểm mục tiêu ở những nơi nguy hiểm như mỏ khai thác, khu vực thiên tai, giúp giảm thiểu rủi ro và tai nạn lao động. Xe tự lái không chỉ đơn thuần di chuyển mà còn có thể giao tiếp với nhau và với hệ thống giao thông, giúp giảm thiểu tai nạn và ùn tắc.

5G cũng sẽ đóng vai trò kết nối then chốt trong việc xây dựng môi trường thông minh, an toàn cho người dân thông qua các giải pháp về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, quản lý mạng lưới điện, nguồn nước… hay quản lý công tác cứu hộ cứu nạn.

Hệ thống cảm biến môi trường được lắp đặt khắp thành phố, cho phép giám sát liên tục chất lượng không khí, nước và đất, phát hiện sớm các vấn đề ô nhiễm. Hệ thống cảnh báo sớm dựa trên 5G hỗ trợ khả năng ứng phó nhanh cho cơ quan quản lý và người dân với các tình huống khẩn cấp như ngập lụt và hạn hán.

5G thúc đẩy việc sử dụng năng lượng xanh. Hệ thống quản lý năng lượng thông minh, kết nối với hàng triệu thiết bị trong thành phố, sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng, giảm thiểu tiêu thụ điện. Việc sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo trở nên dễ dàng hơn. Các tấm pin năng lượng mặt trời được kết nối với mạng lưới điện thông minh, tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời.

5G góp phần xây dựng một thành phố an toàn. Hệ thống camera giám sát thông minh, kết hợp với trí tuệ nhân tạo AI trên hạ tầng 5G, sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn tội phạm hiệu quả. Với sự phát triển của AI, VR/AR, nhận dạng hình ảnh độ nét cao và các Công Nghệ 4.0 khác, các thiết bị giám sát trên khắp thành phố ngày càng được trang bị nguồn cấp dữ liệu độ nét cao và Công Nghệ thông minh.

5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh- Ảnh 4.

Chú thích ảnh

Hiện nay, Viettel Solutions đang tiên phong triển khai hơn 40 hệ thống trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại các tỉnh thành trên cả nước. IOC đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần giúp cho việc điều hành, chỉ đạo của các địa phương được minh bạch, có các bộ KPI giám sát để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.

Bên cạnh đó, IOC cũng giúp cho các địa phương đạt được các giải thưởng trong nước và quốc tế về thành phố thông minh, góp phần nâng hạng trong các báo cáo, xếp hạng về chuyển đổi số, Công Nghệ thông tin.

Đến nay, với việc thương mại hoá 5G phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học, Viettel sẵn sàng cung cấp một hệ sinh thái 5G2B cho thành phố thông minh, giúp khai phóng tiềm năng số, thúc đẩy sự đổi mới trên hạ tầng siêu kết nối 5G để tối ưu hóa quản lý, tự động hóa quy trình, an toàn bảo mật, hướng tới mục tiêu kiến tạo hạ tầng số, xã hội số và cuộc sống số.

Có thể nói, với 5G2B, thành phố thông minh thực sự trở thành nơi mà Công Nghệ phục vụ con người. Trong tương lai, hệ thống đô thị thông minh được vận hành trên nền tảng hạ tầng 5G sẽ thu thập, giám sát nhiều loại thông tin khác nhau và đưa ra hành động quản lý điều hành phù hợp tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.

PV

Chim khủng bố tiền sử cao hơn 3 m

Hình ảnh phục dựng của chim khủng bố tiền sử. Ảnh: A-Z Animal
Hình ảnh phục dựng của chim khủng bố tiền sử. Ảnh: A-Z Animal

Hình ảnh phục dựng của chim khủng bố tiền sử. Ảnh: A-Z Animal

Khúc xương đùi dưới của loài chim khổng lồ được tìm thấy bởi một quản lý bảo tàng ở sa mạc Tatacoa giàu hóa thạch của Colombia cách đây 20 năm, nhưng giới chuyên gia không nhận ra nó thuộc về chim khủng bố cho tới năm 2023. Năm nay, các nhà nghiên cứu tạo ra mô hình 3D của mẫu vật, sử dụng máy scan di động, cho phép họ phân tích hóa thạch kỹ hơn. “Chúng ta đang nói về một loài cao hơn 2,5 m và nặng hơn 150 kg”, Newsweek hôm 4/11 dẫn lời tác giả nghiên cứu là Federico Javier Degrange ở Trung tâm nghiên cứu khoa học Trái Đất tại Argentina.

Phorusrhacid, thường được biết tới với tên gọi “chim khủng bố” thuộc một họ chim ăn thịt từ cỡ vừa tới cực lớn đã tuyệt chủng. Chúng là động vật ăn thịt đầu bảng trong thời gian dài ở Đại Tân sinh cách đây 66 triệu năm. Loài chim này chủ yếu được tìm thấy ở phía nam Nam Mỹ, có cơ thể thuôn dài và thích nghi độc đáo để chạy trên mặt đất. Chiếc mỏ ngoại cỡ của chúng và cấu tạo hộp sọ cho thấy chúng là động vật săn mồi hiệu quả. Theo Siobhán Cooke, phó giáo sư giải phẫu chức năng và tiến hóa ở Trường Y Đại học Johns Hopkins, chim khủng bố sống trên mặt đất, có các chi thích nghi để chạy bộ và chủ yếu ăn động vật khác.

Trong bài báo công bố trên tạp chí Papers in Palaeontology, nhóm nghiên cứu xác định khúc xương hóa thạch là bằng chứng đầu tiên về một loài chim khủng bố lớn từ giữa thế Trung Tân (khoảng 11,6 – 16 triệu năm trước) ở mỏ hóa thạch tại trung tâm Colombia. Dù mẫu vật chỉ bao gồm một mảnh xương đùi dưới gọi là xương chày trái, kích thước của nó khiến các nhà nghiên cứu suy đoán đây là một trong những loài chim khủng bố lớn nhất từng tồn tại, có thể nặng hơn 154 kg. Hóa thạch này là bằng chứng ở gần phương bắc nhất của chim khủng bố ở Nam Phi từ trước tới nay.

Nhóm nghiên cứu ước tính con vật lớn hơn 5 – 20% so với các loài chim khủng bố đã biết, cao 1 – 3 m dựa trên hóa thạch đã phát hiện trước đây. Tuy nhiên, vật liệu di truyền hạn chế khiến họ không thể xác định loài mới thuộc chi nào. Điều đặc biệt là hóa thạch có dấu răng nhiều khả năng thuộc về một loài cá sấu đã tuyệt chủng tên purussaurus có thể dài hơn 9 m. Do đó, các chuyên gia nghi ngờ con chim khủng bố chết do vết thương gây ra bởi cá sấu.

An Khang (Theo Newsweek)

Top 5 phát minh từ thế kỷ 18 làm thay đổi bộ mặt của nhân loại

Scotland James Watt và phát minh động cơ từ hơi nước.

Những phát minh đã mang đến đột phá, cũng như sự gia tăng về năng suất lao động trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất.

Chúng ta đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, hay còn gọi là cuộc cách mạng số, với những Công Nghệ hiện đại, hứa hẹn sẽ làm thay đổi hình thái kinh tế – xã hội của nhân loại.

Thế nhưng, tất cả những tiến bộ ấy có lẽ đã không trở thành hiện thực, nếu như nhân loại không trải qua một bước chuyển đổi vĩ đại kéo dài từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.

Trong thời kỳ này, thế giới đã sản sinh ra hàng loạt các nhà bác học nổi tiếng như Isaac Newton, James Watt, hay Thomas Edison với những phát kiến vĩ đại trong toán học, vật lý, hóa học… tạo ra nền tảng tri thức cho các tiến bộ trong kỹ nghệ sản xuất.

Dưới đây là 5 trong số các phát minh hàng đầu, đã mang đến những đột phá, cũng như sự gia tăng về năng suất lao động, góp phần đưa nhân loại tiến đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sáng chế bởi: Scotland James Watt

Scotland James Watt và phát minh động cơ từ hơi nước.
Scotland James Watt và phát minh động cơ từ hơi nước.

Động cơ hơi nước là động cơ nhiệt, thực hiện công việc cơ học khi sử dụng hơi nước chuyển hóa thành cơ năng. Nó còn được gọi là động cơ đốt ngoài, nhằm phân biệt với động cơ đốt trong sau này.

Trước khi động cơ hơi nước được chế tạo, ngành vận tải vẫn hoạt động dựa trên xe ngựa; còn ngành công nghiệp nặng như khai thác, chế tạo… vẫn sử dụng lao động là sức người. Phương pháp này nhìn chung kém hiệu quả, và tồn tại nhiều mặt trái.

Với việc tạo ra động cơ hơi nước đầu tiên, Scotland James Watt đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nhân loại nói chung, và nước Anh nói riêng. Tại đó, con người không còn là “nguồn cung cấp năng lượng” nữa, mà trở thành người điều hành các cỗ máy có khả năng làm việc hiệu quả hơn.

Năm 1860, Lancashire – một thành phố tại Anh thậm chí đã đóng góp số sản lượng vải bông bằng một nửa trên thế giới. Anh được công nhận là nước công nghiệp mạnh nhất, giàu nhất, và thường được gọi bằng cái tên “công xưởng của toàn thế giới”.

Những phiên bản cải tiến sau này của động cơ hơi nước giúp nó lần lượt thay thế một lượng lớn nhân công tại các nhà máy, tạo ra đầu máy tàu lửa, thuyền chở hàng… và tuabin hơi nước.

Sáng chế bởi: Nicolas Appert

Công nhân gắn mã và hàn lon thực phẩm ở Pháp vào năm 1870.
Công nhân gắn mã và hàn lon thực phẩm ở Pháp vào năm 1870.

Nhìn vào căn bếp hiện đại, chúng ta có thể thấy một phát minh đặc biệt hữu ích đã được sáng chế từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất. Đó chính là Công Nghệ bảo quản thực phẩm.

Vào năm 1795, một đầu bếp người Pháp tên là NicolaAppert bị thu hút bởi một giải thưởng được trao cho người có thể tìm ra cách bảo quản thực phẩm để vận chuyển trong nhiều ngày.

Thời bấy giờ, thực phẩm có thể được bảo quản thông qua các phương pháp như sấy khô và lên men, nhưng chúng lại không giữ được hương vị, và cũng không thực sự hiệu quả 100%.

Appert đã dành 14 năm để giải câu đố này. Rốt cuộc, ông đã nghiên cứu thành công kỹ thuật bảo quản thực phẩm chín bằng cách cho vào lọ, rồi đậy kín lại.

Sau đó, ông đun sôi lọ này trong nước nhằm tạo ra một lớp chân không, giúp thực phẩm tránh tiếp xúc trực tiếp với oxy trong không khí, qua đó bảo quản được lâu hơn.

Sáng chế bởi: Samuel Morse

Một máy điện báo sử dụng mã Morse để liên lạc.
Một máy điện báo sử dụng mã Morse để liên lạc.

Trước thời đại của điện thoại thông minh và máy tính xách tay, con người vẫn sử dụng Công Nghệ để liên lạc nhờ một phát minh được gọi là điện báo.

Điện báo được sáng chế vào những năm 1830 bởi Samuel Morse. Lúc bấy giờ, Morse phát hiện ra rằng ông có thể liên lạc với những người bạn thông qua truyền đi tín hiệu của dòng điện bằng dây nối.

Thấy được sự thú vị của phương pháp này, ông đã sáng chế hẳn một bảng mã sử dụng dấu chấm và dấu gạch ngang, còn gọi là mã Morse để tiện cho việc gửi đi các thông điệp.

Cách thức thực hiện rất đơn giản, đó là chỉ cần tắt, rồi bật công tắc điện theo đúng “nhịp độ”, nhằm truyền tải một thông điệp ngắn, đã được quy ước từ trước. Trong đó, thời lượng của dấu gạch ngang dài gấp ba lần so với dấu chấm.

Ngoài việc dùng dòng điện, mã Morse còn có thể áp dụng cho sóng vô tuyến, ánh sáng nhìn thấy hoặc sóng âm thanh.

Sự phát triển mạnh mẽ vào những năm 1840 của phương pháp này thậm chí đã giúp tạo nên dịch vụ tin tức điện tử đầu tiên tại Mỹ, Associated Press. Phát minh của Morse cũng giúp kết nối liên lạc giữa Mỹ và châu Âu – một kỳ tích toàn cầu vào thời điểm bấy giờ.

Sáng chế bởi: Thomas Edison

Máy quay đĩa là một trong những phát minh vĩ đại của Thomas Edison.
Máy quay đĩa là một trong những phát minh vĩ đại của Thomas Edison.

Tính đến khi Edison giới thiệu sáng chế của mình, chúng ta chưa có cách nào lưu lại lời bài hát, hay dù chỉ là một đoạn nhạc. Cách duy nhất để thưởng thức âm nhạc là đi nghe trực tiếp.

Thomas Edison đã thay đổi điều này với một ý tưởng rất đơn giản, nhưng vô cùng hiệu quả. Bí quyết là sử dụng một cây kim để tạo nên các rãnh trên đĩa nhạc dựa vào độ biến thiên của tín hiệu âm thanh.

Ở máy quay đĩa, người ta xử lý âm thanh theo cách ngược lại, tức là chuyển hóa các xung động cơ học thành tín hiệu âm thanh loại nhỏ, rồi được khuếch đại lên qua loa.

Sáng chế bởi: Louis Daguerre

Một trong những bức ảnh được chụp vào năm 1838 bởi nhà phát minh Louis Daguerre
Một trong những bức ảnh được chụp vào năm 1838 bởi nhà phát minh Louis Daguerre cho thấy khung cảnh một con phố tại Pháp.

Mặc dù chiếc máy ảnh đầu tiên đã ra đời từ khá lâu, song mãi tới những năm 30 của thế kỷ 18, khái niệm về nhiếp ảnh mới thực sự ra đời.

Tại thời điểm ấy, Louis Daguerre – một nhà vật lý người Pháp cùng với cộng sự của ông – Josep Nicéphore, được xem là những người đầu tiên phát minh ra daguerreotype, hình thức nhiếp ảnh hiện đại đầu tiên.

Đây là một quá trình dương bản trực tiếp, nhằm tạo ra hình ảnh có độ chi tiết cao trên một tấm đồng được mạ một lớp bạc mỏng, và đánh bóng như gương. Điều đặc biệt của phương pháp này là nó không cần sử dụng tới âm bản.

Sau khi tiếp xúc với ánh sáng, tấm đồng được hơ trên thủy ngân nóng cho đến khi các hình ảnh xuất hiện. Để cố định chúng, Daguerre nhúng tấm đồng vào dung dịch natrthiosunfat, và sau đó mài bằng vàng clorua.

Phát minh của Daguerre được xem là một đóng góp lớn cho nền văn hóa đương đại, khi tạo ra cơ hội cho tầng lớp trung lưu có được những bức chân dung với giá cả phải chăng.

Tuần sau ra mắt công cụ AI kiểm soát mua bán trên sàn thương mại điện tử

Tuần sau ra mắt công cụ AI kiểm soát mua bán trên sàn thương mại điện tử- Ảnh 1.

Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Tuần sau ra mắt công cụ AI kiểm soát mua bán trên sàn thương mại điện tử- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Như Ý

Liên quan đến sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã thu hơn 18.600 tỷ đồng thuế với 102 doanh nghiệp Công Nghệ thông tin nước ngoài như Google, Facebook …

“Riêng thành phố Hà Nội đã thu khoảng 35.000 tỷ đồng”, ông Phớc thông tin.

Với các sàn thương mại điện tử trong nước, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, trong tuần sau, sẽ ra mắt công cụ dùng AI để kiểm soát vấn đề doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử.

Việc quản lý và thu thuế đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, đang là vấn đề quan tâm của dư luận xã hội trong thời gian qua, điển hình như sàn Temu . Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), ngày 4/9, sàn thương mại điện tử Temu đã được công ty chủ sở hữu đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

Về thời hạn khai thuế, nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định, sàn Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý III/2024 (thời hạn kê khai thuế là ngày 31/10) kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.

Như vậy, theo quy định, tháng 10/2024, sàn mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý IV/2024, thời hạn nộp là 31/1/2025, nếu được cơ quan quản lý nhà nước – Bộ Công Thương cấp phép hoạt động.

Tổng cục Thuế khẳng định, công tác quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử cả trong nước và sàn có yếu tố xuyên biên giới đều được cơ quan thuế Việt Nam thực hiện quản lý thuế chặt chẽ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, công bằng, minh bạch.

Khâu xác định giá đất đang là “mấu chốt vấn đề”

Về thủ tục thu tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng cho biết, thực tiễn thủ tục này không phức tạp, mà chỉ chậm do việc xác định giá đất tiến hành chậm. Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất.

Do đó, khâu xác định giá đất đang là mấu chốt vấn đề. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất của cả nước chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước, đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc. “Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ”, ông khẳng định.

Về tự chủ tài chính , Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện.

Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ.

“Đối với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của nhà nước”, ông Phớc cho hay.

Núi Phú Sĩ có tuyết trở lại

Ảnh chụp màn hình từ video trực tiếp do chính quyền thành phố Shizuoka phát sóng ngày 6/11 cho thấy núi Phú Sĩ (phía sau bên trái) phủ một lớp tuyết trên đỉnh, nhìn từ phía thành phố Shizuoka. Ảnh: AFP/Shizuoka City Government
Ảnh chụp màn hình từ video trực tiếp do chính quyền thành phố Shizuoka phát sóng ngày 6/11 cho thấy núi Phú Sĩ (phía sau bên trái) phủ một lớp tuyết trên đỉnh, nhìn từ phía thành phố Shizuoka. Ảnh: AFP/Shizuoka City Government

Ảnh chụp màn hình từ video trực tiếp do chính quyền thành phố Shizuoka phát sóng ngày 6/11 cho thấy, núi Phú Sĩ (phía sau bên trái) phủ một lớp tuyết trên đỉnh nhìn từ phía thành phố Shizuoka. Ảnh: AFP/Shizuoka City Government

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản – cơ quan so sánh các điều kiện tại cùng một địa điểm hàng năm – chưa công bố kỷ lục mới về thời gian đỉnh núi Phú Sĩ phủ tuyết muộn nhất do điều kiện mây mù gần trạm quan trắc. Tuy nhiên, ảnh chụp từ những vị trí khác nhau xung quanh ngọn núi sáng ngày 6/11 với bầu trời quang đãng hơn cho thấy, đỉnh núi đã có tuyết phủ.

“Đây là những bức ảnh của núi Phú Sĩ nhìn từ tòa thị chính sáng nay. Chúng tôi có thể thấy một lớp tuyết mỏng gần đỉnh núi”, tài khoản chính thức của thành phố Fuji thuộc vùng Shizuoka, miền trung Nhật Bản, đăng trên mạng xã hội X hôm nay. Nhiều người khác trong vùng cũng đăng những bức ảnh chụp tuyết trên ngọn núi cao nhất Nhật Bản.

Tuyết trên đỉnh Phú Sĩ bắt đầu xuất hiện trung bình vào ngày 2/10. Năm ngoái, các nhà khí tượng tại thành phố Kofu phát hiện tuyết rơi lần đầu tiên vào ngày 5/10. 2024 là năm tuyết rơi muộn nhất kể từ 1894, khi các nhà khoa học bắt đầu thống kê dữ liệu, vượt qua kỷ lục cũ là ngày 26/10 xảy ra hai lần vào năm 1955 và 2016.

Theo một chuyên gia tại văn phòng Kofu, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, trời vẫn còn nhiều mây mù nên chưa thể tuyên bố kỷ lục mới, nhưng hy vọng bầu trời sẽ dần quang đãng hơn. Ông cho biết thêm, nhiệt độ hôm nay thấp nên lớp tuyết trên núi nhiều khả năng sẽ tạm thời giữ nguyên.

Ấm lên toàn cầu là một trong nhiều yếu tố khiến tuyết phủ chậm. “Nhiệt độ tháng 10 trên đỉnh núi Phú Sĩ ấm hơn trung bình”, chuyên gia tại văn phòng Kofu nói.

Mùa hè năm nay và 2023 là những mùa hè nóng nhất từng ghi nhận tại Nhật Bản. Những đợt nắng nóng cực đoan do biến đổi khí hậu cũng hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới.

Núi Phú Sĩ cao 3.776 m so với mực nước biển. Trong mùa leo núi tháng 7 – 9, có hơn 220.000 du khách leo lên những sườn núi đá dốc, trong đó nhiều người leo qua đêm để trải nghiệm ngắm bình minh. Ngọn núi lửa đối xứng này đã được ghi lại trong vô số tác phẩm nghệ thuật, bao gồm “Great Waves” của Hokusai. Lần cuối núi Phú Sĩ phun trào là khoảng 300 năm trước.

Thu Thảo (Theo AFP)

Bắn 15 mũi tên trong 10 giây: Đây là vũ khí đáng sợ do Gia Cát Lượng phát minh

Vũ khí uy lực thời cổ đại

Nỏ liên hoàn của Gia Cát Lượng có thể bắn tới 15 mũi tên trong 10 giây, trở thành vũ khí đáng sợ trên các chiến trường của Trung Quốc thời cổ đại.

Nỏ là một loại vũ khí cổ được dùng để phóng tên, có sức ảnh hưởng lớn đến các trận chiến trong thời cổ đại. Trước khi được sử dụng rộng rãi, nỏ ban đầu là vũ khí có thiết kế khá đơn giản, bao gồm cây cung và số lượng mũi tên mang theo có giới hạn.

Để sử dụng cung tên một cách hiệu quả, những đội quân trước khi chinh chiến cần phải đào tạo một số lượng cung thủ có sức mạnh thể chất cũng như kỹ năng sử dụng thành thạo.

Trong khi đó, sử dụng nỏ liên hoàn thường chỉ cần ít người có kỹ thuật và hao tốn sức mạnh thể chất ít hơn nhiều so với cung tên.

Hơn nữa, chúng có thể được tạo ra với chi phí rẻ hơn. Do đó, những người lính được giao phó nhiệm vụ điều khiển nỏ (dù không được huấn luyện nhuần nhuyễn với cung tên) cũng có thể sử dụng vũ khí này một cách hiệu quả trên sa trường.

Nỏ có thể đã được phát minh từ rất sớm ở Trung Quốc thời cổ đại. Một số sử gia tin rằng, nỏ là vũ khí quân sự được phát minh lần đầu tiên ở quốc gia này vào đầu những năm 2.000 TCN.

Điều này có thể nhận thấy dựa trên một số hiện vật như xương, đá, hay vật liệu dùng để kích hoạt nỏ. Tuy nhiên, theo một số bằng chứng kết luận thì nỏ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 6 TCN ở Trung Quốc cổ đại.

Vũ khí uy lực thời cổ đại
Nỏ là một vũ khí cổ được sử dụng trên chiến trường thời cổ đại và Trung Cổ. (Ảnh: Intenet).

Bên cạnh đó, nỏ cũng được cho là phát minh đầu tiên ở Đông Á, Trung Á, nên thực sự rất khó để xác định chính xác nguồn gốc của loại vũ khí này.

Tuy nhiên, hầu hết các bằng chứng trong văn học và khảo cổ học, lại cho thấy nỏ xuất hiện sớm nhất là ở Trung Quốc.

Nỏ cũng được cho là phát minh đầu tiên ở Đông Á
Ảnh: Public Domain.

Về văn học, hai minh chứng đầu tiên có đề cập đến sử dụng nỏ, bao gồm Binh Pháp Tôn Tử, Học thuyết Mặc Tử (khoảng thế kỷ 4 – 3TCN), vào một tài liệu có liên quan đến việc sử dụng nỏ khổng lồ trong giai đoạn khoảng thế kỷ 6 – 5 TCN, thuộc cuối thời kỳ Xuân Thu (770-476 TCN).

Đối với các bằng chứng khảo cổ, các chuyên gia phát hiện một bộ phận bằng đồng của nỏ được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ ở Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.

Những cổ vật nhỏ này có niên đại vào khoảng năm 600 TCN, và khu vực này khi đó là một phần của nước Lỗ, một nước chư hầu của Nhà Chu thời Xuân Thu.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng phát hiện thấy những mũi nỏ bằng đồng có niên đại giữa thế kỷ thứ 5 TCN, tại tỉnh Hồ Bắc (trước đó từng là một phần của Nhà Chu).

Cung tên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Cung tên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Ancientorigins)

Đặc biệt, vào năm 2015, giới nghiên cứu bất ngờ khi phát hiện chiếc nỏ hoàn chỉnh đầu tiên có niên đại từ triều đại nhà Tần, được tìm thấy trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên và nổi tiếng bí ẩn trong lịch sử Trung Quốc.

Chiếc nỏ cổ hơn 2.000 năm tuổi với chiều dài khoảng 1,5 mét, và có tầm bắn khoảng gần 800 mét.

Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng nỏ cũng là vũ khí có một số nhược điểm nghiêm trọng. Một trong số đó là tốc độ bắn chậm. Hơn nữa, vào thời Trung Cổ, các quốc gia ở châu Âu thường sử dụng những mũi tên nặng.

Theo đó, tốc độ trung bình của nỏ bắn ra là khoảng 2 mũi tên trong một phút. Tuy nhiên, nếu một người lính thành thạo, thì có thể bắn từ 10-12 mũi tên/phút.

Theo các chuyên gia, dường như nỏ Trung Quốc thời cổ đại cũng gặp với vấn đề tương tự giống như những quốc gia châu Âu thời Trung Cổ.

Nỏ liên hoàn, phát minh tuyệt vời của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc
Nỏ liên hoàn, phát minh tuyệt vời của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. (Ảnh: BRLSI).

Như mọi người đã biết, Gia Cát Lượng không chỉ giỏi nhìn xa trông rộng và góp ý đắc lực cho quân vương, ông còn khá giỏi trong việc cải tiến công cụ chiến đấu trong chiến tranh. Dưới sự hướng dẫn của ông, ngay từ thời Tam Quốc, ông đã sáng chế ra một loại nỏ cho phép bắn liên tục những mũi tên sắc bén, đó chính là “Nỏ thần Gia Cát Lượng” hay, “nỏ liên hoàn, “nỏ Gia Cát” mà chúng ta thường thấy trong nhiều tiểu thuyết. Bạn biết đấy, trong thời đại vũ khí lạnh cổ đại, tính sát thương của các công cụ chiến đấu như “Thang mây” “Nỏ thần Gia Cát” có thể tăng gấp đôi hiệu quả chiến đấu trong chiến tranh, chắc chắn có thể so sánh với súng máy và xe tăng trong thời hiện đại.

Nỏ liên hoàn là một phát minh nổi tiếng của Gia Cát Lượng (181-234), nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất của Trung Quốc thời Tam Quốc (220-280). Phát minh đặc biệt này của Gia Cát Lượng được sáng chế khi ông chuẩn bị phạt Ngụy.

Trước tình hình phải giao đấu với đội quân kỵ binh đông đảo của Ngụy, Gia Cát Lượng đã tạo ra loại vũ khí có uy lực mạnh mẽ với tính sát thương lớn hàng đầu lúc bấy giờ. Theo một số ghi chép lịch sử, loại nỏ này sử dụng tên làm bằng sắt, dài khoảng 80cm.

Nỏ liên hoàn có những cải tiến ưu việt so với nỏ truyền thống
Nỏ liên hoàn có những cải tiến ưu việt so với nỏ truyền thống. (Ảnh: Ancientorigins).

Trong tình hình thực tế, người ta có thể nhận thấy những cải tiến vượt trội của chiếc nỏ liên hoàn so với những vũ khí trước đó.

Đúng như tên gọi, nỏ liên hoàn có thể bắn được số lượng đáng kể mũi tên trước khi cần phải nạp lại.

Tần suất bắn nhanh đáng kinh ngạc của nỏ liên hoàn đã khiến chúng trở thành một loại vũ khí tầm xa đáng sợ trên các chiến trường ở Trung Quốc thời cổ đại.

Khác với các loại nỏ thông thường, nỏ liên hoàn được thiết kế tự động đưa các mũi tên vào rãnh bắn. Điều này giúp giảm thiểu đáng kể thời gian ngắt quãng giữa các lần bắn và thao tác của cung thủ.

Nỏ liên hoàn

Dây cung của nỏ liên hoàn được căng bằng cần gạt thay vì kéo tay
Dây cung của nỏ liên hoàn được căng bằng cần gạt thay vì kéo tay. (Ảnh: Baike).

Bên cạnh đó, dây cung được căng bằng cần gạt thay vì kéo tay, cũng giúp các thao tác của cung thủ hay người lính điều khiển nỏ tăng tốc độ, tiết kiệm thời gian và sức lực.

Cụ thể, trong tay một người lính hoặc một cung thủ điêu luyện, nỏ liên hoàn có thể bắn được liên tiếp 15 mũi tên chỉ trong 10 giây, nhanh hơn rất nhiều lần so với tốc độ của nỏ thông thường.

Tốc độ chiến đấu và khả năng sát thương lớn khiến nỏ liên hoàn được ví như “súng máy” của binh lính Trung Quốc thời cổ đại.

Sự kết hợp giữa tốc độ và sức mạnh đã khiến nỏ Gia Cát trở thành một trong những vũ khí tối ưu nhất, đáp ứng được yêu cầu chiến thuật và chiến lược trong chiến tranh, từ đó góp phần thay đổi cục diện nhiều trận chiến lớn thời cổ đại.

Tần suất bắn nhanh khiến nỏ liên hoàn trở thành một vũ khí tầm xa đáng sợ trên chiến trường.
Tần suất bắn nhanh khiến nỏ liên hoàn trở thành một vũ khí tầm xa đáng sợ trên chiến trường. (Ảnh: Sohu)

Nỏ Gia Cát được xem là vũ khí đỉnh cao thời cổ đại vì nhiều lý do:

Nỏ Gia Cát chính là sự kết hợp giữa kiến thức kỹ thuật và chiến thuật quân sự, thể hiện sự sáng tạo và tiến bộ trong sản xuất vũ khí thời cổ đại.

Bitcoin cán mốc kỷ lục 75.000 USD khi nhà đầu tư đặt cược ông Trump đắc cử

Bitcoin cán mốc kỷ lục 75.000 USD khi nhà đầu tư đặt cược ông Trump đắc cử- Ảnh 1.
Bitcoin cán mốc kỷ lục 75.000 USD khi nhà đầu tư đặt cược ông Trump đắc cử- Ảnh 1.

Bitcoin tăng lên mức cao kỷ lục vào tối thứ Ba giờ địa phương (5/11) khi các nhà đầu tư kỳ vọng cựu Tổng thống Donald Trump đang giành được lợi thế trong cuộc bầu cử Mỹ 2024.

Theo Coin Metrics, giá đồng tiền điện tử này chạm đỉnh 75.000 USD/bitcoin khi ông Trump vươn lên dẫn trước bà Harris về số phiếu đại cử tri đoàn.

Các nhà đầu tư dự đoán giao dịch bitcoin sẽ biến động cho đến khi người chiến thắng thực sự được công bố. Nếu Phó Tổng thống Kamala Harris thắng, giá bitcoin dự kiến giảm. Còn nếu ông Trump thắng, các nhà giao dịch dự đoán giá bitcoin sẽ tăng đột biến.

“Cuộc bầu cử đang có ảnh hưởng lớn đến tiền điện tử”, Ryan Rasmussen, giám đốc nghiên cứu tại Bitwise Asset Management cho biết. “Dự kiến bitcoin và tiền điện tử nói chung sẽ biến động trong những ngày tới cho đến khi chúng ta có kết quả bầu cử chắc chắn”.

“Nếu ông Trump thắng, tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy mức cao kỷ lục mới”, Rasmussen nói thêm. “Nếu Harris thắng, tôi dự báo sẽ có một đợt bán tháo ngắn hạn và giá sẽ mất 1-2 tháng để phục hồi”.

Trong các cuộc bầu cử năm 2012, 2016 và 2020, bitcoin đã chứng kiến lợi suất tăng lần lượt 87%, 44% và 145% trong 90 ngày sau ngày bầu cử. Một phần là do các năm bầu cử vô tình rơi vào những năm Bitcoin halving, khi nguồn cung tiền điện tử giảm mạnh.

Theo CNBC

Loài gấu nước có thể chịu bức xạ gấp 1.000 lần con người

Gấu nước có độ dài chỉ một mm nhưng sở hữu nhiều siêu năng lực giúp chúng trở thành loài sống dai nhất hành tinh. Ảnh: iStock
Gấu nước có độ dài chỉ một mm nhưng sở hữu nhiều siêu năng lực giúp chúng trở thành loài sống dai nhất hành tinh. Ảnh: iStock

Gấu nước có độ dài chỉ một mm nhưng sở hữu nhiều siêu năng lực giúp chúng trở thành loài sống dai nhất hành tinh. Ảnh: iStock

Khi các nhà nghiên cứu đến từ nhiều viện trên khắp Trung Quốc xem xét kỹ hệ gene của loài gấu nước mới là Hypsibius henanensis phát hiện cách đây 6 năm,họ tìm thấy 14.701 gene mã hóa protein, trong đó 4.436 gene (chiếm 30,2%) chỉ có ở gấu nước. Họ cũng để loài vật tí hon này tiếp xúc với những luồng bức xạ nhằm theo dõi biểu hiện gene và sản xuất protein sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào, cùng với siêu năng lực sinh học mà các gene này cung cấp cho gấu nước, Science Alert hôm 5/11 đưa tin.

“Nghiên cứu trên một số loài gấu nước ghi nhận chúng là động vật chịu bức xạ tốt nhất trên Trái Đất”, nhóm nghiên cứu chia sẻ trong bài báo công bố trên tạp chí Science. “Chúng thể hiện khả năng kháng bức xạ gamma từ 3.000 tới 5.000 gray (Gy), cao gấp khoảng 1.000 lần mức gây chết người”.

Các nhà nghiên cứu có 3 quan sát chủ chốt. Đầu tiên, một gene gọi là DODA1, có khả năng được truyền từ vi khuẩn, sản sinh sắc tố betalain giúp vô hiệu hóa phân tử có hại tạo bởi bức xạ. Thứ hai, ADN được sửa chữa nhanh hơn nhiều so với thông thường nhờ một protein chỉ có ở gấu nước gọi là TRID1. Thứ ba là việc tăng sản xuất hai protein khác là BCS1 và NDUFB8 (giúp cung cấp năng lượng).

Quá trình phân tích kỹ lưỡng H. henanensis cung cấp thêm chi tiết hé lộ gấu nước sống dai như vậy bằng cách nào. Kết hợp với nhau, cả ba yếu tố giúp bảo vệ gấu nước trước tác động nguy hiểm của bức xạ. Bước tiếp theo là xem xét những biện pháp bảo vệ này diễn ra như thế nào ở mọi loài gấu nước.

Giới nghiên cứu đã biết 1.500 loài gấu nước. Gấu nước được cho là xuất hiện lần đầu tiên trước kỷ Cambri cách đây khoảng 541 triệu năm. Khả năng sống sót qua những điều kiện khắc nghiệt nhất của chúng tiếp tục thay đổi định nghĩa của con người về các giới hạn đối với động vật trên Trái Đất. Những gene kháng bức xạ của gấu nước có tiềm năng ứng dụng to lớn trong lĩnh vực sức khỏe, khám phá vũ trụ, nông nghiệp và y học. Thông qua nghiên cứu cách gấu nước bảo vệ bản thân trước bức xạ, nhà khoa học có thể phát triển vật liệu và Công Nghệ mới giúp phi hành gia tránh những tác động có hại của bức xạ không gian trên Mặt Trăng.

Mặt Trăng không có khí quyển bảo vệ trước bức xạ có hại từ Mặt Trời, đặc biệt trong các đợt lóa mặt trời. Mặt Trăng cũng bị bắn phá bởi tia vũ trụ, những hạt năng lượng cao từ thiên hà xa xôi. Không có lớp bảo vệ, chúng có thể xuyên qua cơ thể người và gây tổn thương tế bào. Gấu nước có thể mở đường tới nhiều thành tựu Công Nghệ sinh học có lợi cho phi hành gia, như phát triển thuốc giúp đối phó ảnh hưởng của bức xạ vũ trụ hoặc kỹ thuật chỉnh sửa gene tăng cường sức chịu đựng của con người.

An Khang (Theo Science Alert/Interesting Engineering)

‘Nối’ dây chằng bằng vít tự hủy

Nỗi lo lắng về những ca phẫu thuật để chữa lành chấn thương dây chằng của các vận động viên được giảm bớt với phát minh mới của các nhà khoa học thuộc Học viện Fraunhofer, Benmen về loại vít sinh học tự hủy.

Đối với những cầu thủ bóng đá, vận động viên trượt tuyết hay những người chơi tennis, nỗi lo lắng và sợ hãi nhất của họ là việc dính phải chấn thương dẫn đến đứt dây chằng chữ thập ở đầu gối.

Khi đó, họ phải trải qua một ca phẫu thuật nhằm phục hồi sự ổn định của mối nối. Trong quá trình phẫu thuật, dây chằng bị đứt hay tổn thương được thay thế bởi một mảnh dây chằng khác từ chân, được cố định với xương bằng các vít giao thoa.

Vấn đề ở đây là việc các vít này làm bằng titanium. Điều này có nghĩa là, sau một thời gian nhất định, bệnh nhân lại phải trải qua một phẫu thuật đau đớn nữa để gỡ bỏ vít đó.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu vật liệu ứng dụng và kĩ thuật sản xuất (IFAM) thuộc học viện Fraunhofer ở Bremen vừa phát triển một loại vít cố định có khả năng thích nghi sinh học với cơ thể và có khả năng tự phân hủy sau một thời gian mà không độc hại với cơ thể. Các nhà khoa học muốn giảm bớt nỗi đau cũng như thời gian của những bệnh nhân đứt dây chằng hay các bệnh nhân có vấn đề liên quan đến xương.

Tiến sĩ Philip Imgrund, trưởng khoa Công Nghệ vật liệu sinh học cơ thể của IFAM phát biểu: “Chúng tôi đã tạo ra loại vật chất sinh học cơ mới ở dạng sinh hóa mạnh mẽ nhưng có khả năng tự phân hủy. Tùy thuộc vào điều kiện và cấu thành, những chiếc vít sinh học tự hủy trong vòng khoảng 24 tháng”.

Loại vít sinh học mới có khả năng tự hủy nên bệnh nhân không cần phải phẫu thuật lấy nó ra.

Những chiếc vít tự phân hủy này được làm từ axit polylactic-loại chất được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, trước đây, chúng thể hiện nhược điểm là khi mòn dần do thời gian sử dụng, chúng có thể để lại những lỗ trên xương.

Nhóm nghiên cứu của IFAM đã bổ sung cho vật liệu và phát triển một hỗn hợp giữa axit polylactic và hydroxylapatite-một loại sứ là thành phần chính trong xương. Loại vật liệu mới làm vít này có tỉ lệ hydroxylapatite cao hơn cũng như thúc đẩy sự phát triển của xương dưới mô cấy.

Loại vít sinh học mới này có độ cứng gần tương đương với xương thật. Nếu xương bình thường có thể chịu được sức nén 130-170 N/mm2 thì loại vít này có độ cứng lên tới 130 N/mm2, một đột phá thực sự.

Để có thể tạo nên loại vít này, các nhà khoa học không nghiền nhỏ vật chất mà sử dụng phương pháp định khung và nén ở 140 độ C. Trong khi việc ép khung dạng chất bột phải thực hiện ở điều kiện ép ở nhiệt độ rất cao, lên tới 1.400 độ C.

Trong tương lai, các kĩ sư đang muốn tiếp tục phát triển các kiểu mô cấy sinh học tương tự thế này bằng quá trình tiết kiệm năng lượng vừa nêu trên.