HieuTV là kênh YouTube được xây dựng bởi ông Nguyễn Ngọc Hiếu từ năm 2019 với nội dung về tự do tài chính, quản lý tiền bạc cá nhân, kinh nghiệm đầu tư. Hiện, kênh có hơn 850.000 người theo dõi và hơn 66 triệu lượt xem. Ngoài kênh Youtube, nhà sáng tạo nội dung này còn có kênh Podcast cùng cộng đồng thành viên gần 10.000 người trên Facebook.
Mới đây, HieuTV đã thông báo sẽ dừng sản xuất podcast trên kênh bởi cảm thấy quá tải sau quãng thời gian dài làm nhiều việc, cũng như đã chia sẻ hết những kiến thức và kinh nghiệm đã tích luỹ trong quãng thời gian đi làm. Cuối clip, nhà sáng tạo này cho biết những người yêu mến vẫn có thể gặp thông qua những khoá học đầu tư mà nam YouTuber đang bán.
Hiện, khóa học về chủ đề đầu tư của HieuTV có giá 250 USD (khoảng hơn 6 triệu đồng) trong 6 tháng.
Tuy nhiên, trái với lời quảng cáo, khóa học của HieuTV lại nhận được nhiều phản hồi tiêu cực như: chất lượng khóa học không được như kỳ vọng; bỏ bê học viên, không xây dựng được công đồng đầu tư như đã hứa; một số thành viên trong khoá học bị xoá hoặc tạm dừng tài khoản; hứa nhiều nhưng không làm.
Trước lùm xùm liên quan đến khóa học, mới đây, HieuTV đã đưa ra lời giải thích trên trang cộng đồng về những sự việc trong thời gian qua.
Ông cảm thấy hối tiếc vì đã gây hoang mang cho các thành viên về việc liệu họ có đang tin tưởng đúng người hay không, đồng thời gửi lời xin lỗi đến những học viên đã lên tiếng phàn nàn.
“Ở góc độ người đang quản lý cộng đồng, tôi xin nhận những khuyết điểm của mình, thời gian qua tôi đã không sâu sát sinh hoạt cùng các anh chị trên cộng đồng này. Dù với lý do gì đi nữa thì đây cũng là một điều tôi chưa làm tốt. Do đó đầu tiên tôi muốn gửi lời xin lỗi đến các anh chị – sau là đưa ra những giải pháp để khắc phục cho thời gian tới”, ông Nguyễn Ngọc Hiếu nói.
Về ý kiến chất lượng kiến thức trong khoá học không đạt chất lượng, HieuTV cho biết, sẽ cố gắng lắng nghe góp ý của học viên nhiều hơn bởi sự kì vọng của mỗi người khác nhau nên có nhiều trường hợp, khoá học không đáp ứng được nhu cầu.
HieuTV cũng thừa nhận chưa thực hiện được những lời hứa với học viên như tạo podcast cho khoá học. Ông Hiếu cũng đưa ra giải pháp và hứa sẽ team hoàn thiện nhanh các podcast này để gửi tới học viên.
Dù hứa tổ chức gặp mặt cho các thành viên, song HieuTV cho biết: “Tôi không biết làm sao để tổ chức một buổi họp mặt với quá đông người. Và đến nay, thú thật tôi vẫn chưa có giải pháp cho việc này”. Ông Hiếu chia sẻcũng mong thành viên trong cộng đồng sẽ cùng nghĩ ra giải pháp.
Theo giới thiệu, Nguyễn Ngọc Hiếu làm việc tại Australia, là cố vấn về Digital Strategy. Trong podcast nói về một triệu đô đầu tiên kiếm được, ông Hiếu kể về thương vụ giúp ông nhân 1,5 triệu USD khi tham gia cố vấn và điều hành cho một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Edtech ở Australia.
Hiệp hội An ninh mạng quốc gia hôm nay chính thức ra mắt phần mềm phòng chống lừa đảo nTrust. Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí dành cho điện thoại thông minh, giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR. Phần mềm cũng hỗ trợ chức năng rà soát các ứng dụng trên điện thoại để phát hiện mã độc hoặc phần mềm giả mạo. Người dùng có thể tải phần mềm từ hai chợ ứng dụng phổ biến là Google Play (cho Android) và App Store (cho iOS).
nTrust là dự án phần mềm phi lợi nhuận, không sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí được huy động từ nguồn tài trợ xã hội. Phần mềm này đã được giới thiệu vào ngày 13/5 tại Hội thảo Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức. Phiên bản mới ra mắt được cập nhật và hoàn thiện tính năng theo các góp ý từ hàng trăm tình nguyện viên đã tham gia bản thử nghiệm (Beta) trong tháng 6/2024, cải thiện đáng kể khả năng quét mã độc và tối ưu hiệu năng hoạt động của phần mềm.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu tư vấn phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho biết: “Hiện tại, cơ sở dữ liệu phòng chống lừa đảo nTrust đã có hơn 1 triệu bản ghi được xác minh, tổng hợp từ nguồn dữ liệu của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức an ninh mạng thành viên của Hiệp hội. Chúng tôi hy vọng sau khi ra mắt, với sự tham gia của cộng đồng người dùng, bộ dữ liệu này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.”
Người dùng có thể tải nTrust bắt đầu từ hôm nay để bảo vệ điện thoại và tham gia cộng đồng phòng chống lừa đảo nTrust. Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào về lừa đảo, người dùng có thể gửi báo cáo số điện thoại, số tài khoản, đường link, ứng dụng nghi ngờ về trung tâm thông qua tính năng tích hợp sẵn trên phần mềm. Các dữ liệu báo cáo này sẽ được tập hợp, xác minh và cập nhật cho toàn bộ cộng đồng người sử dụng nTrust.
Phần mềm nTrust đề cao việc đảm bảo tính riêng tư, cho phép người dùng chủ động hoàn toàn trong việc kiểm soát và lựa chọn các thông tin cần kiểm tra, báo cáo. Đặc biệt, khác với các phần mềm nước ngoài có tính năng tương tự trên thị trường, toàn bộ quá trình xử lý liên quan đến kiểm tra cuộc gọi lừa đảo, làm phiền sẽ chỉ được thực hiện trên điện thoại, không gửi bất cứ thông tin gì về máy chủ.
Thời gian qua, các biện pháp phòng chống lừa đảo từ cơ quan quản lý như chuẩn hoá thuê bao viễn thông, phổ biến hướng dẫn về bảo vệ dữ liệu cá nhân và yêu cầu xác thực sinh trắc học đã thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục có những biến tướng với các hình thức công nghệ mới xuất hiện. nTrust sẽ góp phần như một tấm khiên bảo vệ hữu hiệu, hỗ trợ người dùng phát hiện sớm các nguy cơ lừa đảo trước khi giao dịch trên không gian mạng.
Thông tin chi tiết về phần mềm và hướng dẫn sử dụng có thể xem tại https://nTrust.vn.
“Nằm lướt TikTok” cũng có thể mua gà KFC, nhận hàng trong 1 giờ
Hôm 13/6, KFC Việt Nam trở thành thương hiệu đầu tiên trong ngành nhà hàng phục vụ nhanh tham gia livestream bán hàng trên nền tảng TikTok. Người dùng có thể vừa đặt món trên livestream vừa tương tác, giải trí và nhận đồ ăn trong 1 giờ, với phí giao hàng chỉ 10.000 đồng.
Livestream diễn ra vào khung giờ trưa và chiều tối, phù hợp với nhu cầu dùng bữa ăn của khách hàng, thực đơn đa dạng, và không thể thiếu “đặc sản” của TikTok là hàng loạt mã giảm giá để thu hút các thực khách “chốt đơn”.
Theo đại diện của KFC, bán hàng qua kênh online tạo ra sự trực quan, giúp khách hàng dễ hình dung và lựa chọn món ăn ưng ý, khâu giao hàng cũng có thể được thực hiện chỉ trong thời gian ngắn
“Đây là bước tiến mới trong xu hướng tăng trải nghiệm của khách hàng mà KFC muốn mang đến cho tất cả mọi người. Từ nay, mọi người có thể tiếp cận món gà rán KFC không chỉ tại hệ thống nhà hàng, mà còn thông qua livestream trên nền tảng TikTok được thực hiện thường xuyên và liên tục“, phía KFC Việt Nam cho hay.
Theo kết quả nghiên cứu do TikTok uỷ quyền Kantar thực hiện vào đầu năm 2024, 81% người mua hàng tại Việt Nam cho biết họ có xu hướng thường xuyên mua sắm trên TikTok Shop. Lý do kích thích người dùng TikTok “chốt đơn” là vừa được tiếp cận các nội dung giải trí, vừa có trải nghiệm mua sắm dễ dàng, liền mạch.
Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 của Metric cũng chứng minh sự lên ngôi của TikTok Shop, khi đây là sàn TMĐT duy nhất có doanh số 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng dương so với 6 tháng cuối năm 2023, ở mức 24,49%. Xét về doanh số và sản lượng so với 6 tháng đầu năm 2023, TikTok Shop cũng tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các sàn, lần lượt ở mức 150,54% và 242,15%.
Một kỷ nguyên mới sắp bắt đầu?
Việc một thương hiệu đồ ăn nhanh lớn mạnh như KFC cũng bắt đầu gia nhập “cuộc đua livestream” trên TikTok dường như cho thấy “chiến địa” này vẫn còn vô vàn tiềm năng để các nhãn hàng khai thác.
Tại sự kiện Việt Nam Mega Sales 2024 do TikTok tổ chức mới đây, ông Stephen Nguyễn, Co-founder & CGO Byte Media – đơn vị phụ trách triển khai chiến dịch cho KFC Việt Nam – tiết lộ rằng đằng sau những phiên livestream thu hút đông đảo chú ý của thương hiệu này là một chiến lược sản phẩm rõ ràng.
“Nếu chiến lược sản phẩm tốt, chúng ta sẽ có tới 60-70% cơ hội bán hàng“, ông Stephen nhấn mạnh.
Trong trường hợp của KFC, ông Stephen cho biết các sản phẩm đã được chia làm nhiều nhóm. Trước hết là những sản phẩm giá trị thấp, dễ mua, quá trình mua nhanh nhất có thể để “đẩy số”.
“Trung bình cứ 10 phút chúng ta phải bằng mọi giá đẩy một con số nhất định về doanh số, nếu không sẽ không có organic traffic (lượng truy cập tự nhiên). Sau đó chúng ta mới đi đến những sản phẩm tạo ra doanh số và biên độ lợi nhuận.
Đối với KFC, những sản phẩm thuần gà – combo 6 miếng, 10 miếng gà – là những sản phẩm kéo số. Cứ đưa những sản phẩm này lên flash sale thì ngay lập tức doanh số chạy rất nhanh“, ông Stephen phân tích.
Chuyên gia này cho biết thêm rằng những sản phẩm đem lại lợi nhuận tốt là những món khách hàng chưa biết đến nhiều và muốn thử. Ví dụ như KFC tạo ra những combo khác nhau vào buổi trưa, buổi tối, buổi chiều, thứ 7 và chủ nhật.
“Điều này khiến người mua nghĩ rằng hình như combo này cứ đúng khung giờ đó mới có. Họ sẽ có cảm giác đây chắc là món hời và ngon. Đúng là vậy, và sự thật đây là những sản phẩm đem lại lợi nhuận cao hơn. Yếu tố quan trọng nữa là thúc đẩy mọi người mua nhanh hơn.
Sau 4 phiên livestream của KFC, ROAS (tỷ lệ doanh thu trên chi phí quảng cáo) đã tăng từ 400% lên hơn 1.000% so với trước đây. Tôi cũng không nghĩ con số sẽ tăng đến mức đó
Đây là một mô hình rất mới, hy vọng sắp tới sẽ có nhiều sản phẩm đồ ăn nhanh gia nhập. Tôi tin điều này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới“, ông Stephen kết luận.
Thứ Sáu, ngày 17 tháng Bảy năm 2024, người dùng máy tính toàn cầu đối diện với sự kiện đang được gọi là “khủng hoảng kỹ thuật số tệ nhất mọi thời đại”. Bản cập nhật phần mềm từ công ty an ninh mạng CrowdStrike khiến xấp xỉ 8,5 triệu máy tính sử dụng Windows toàn cầu dừng hoạt động, liên tục hiển thị “màn hình xanh tử thần – blue screen of death (BOSD)”.
Dữ liệu từ FlightAware cho thấy các hãng hàng không đã phải hủy 46.000 chuyến bay nội trong một ngày, một hãng hàng không Ấn Độ đã phải viết vé giấy cho khách hàng. Nhiều bệnh viện phải hoãn phẫu thuật. Tại Mỹ, dịch vụ khẩn cấp 911 bị gián đoạn, một số dịch vụ thương mại khác phải chuyển sang sử dụng tiền mặt như những năm 2000.
Microsoft và CrowdStrike nhanh chóng cung cấp giải pháp nhưng không triệt để vào thời điểm ấy, và trục trặc phần mềm kéo dài tới gần một tuần. Các chuyên gia IT lại một lần nữa rao giảng lại bài cũ (mà rõ ràng là chưa được thấm nhuần), là đừng đẩy bản cập nhật lớn vào ngày thứ Sáu.
Cơ sở hạ tầng hiện đại liên kết ngày một chặt chẽ với mạng internet, chắc chắn khủng hoảng CrowdStrike sẽ không phải sự cố cuối cùng. Nhưng hiển nhiên, người dùng Internet đã trải nghiệm nhiều sự kiện khủng hoảng trước CrowdStrike. Lịch sử ngành điện toán rải rác đầy những sự cố để lại nhiều bài học quý giá cho hậu thế, thậm chí hé lộ cho chúng ta thấy thế giới sẽ ra sao nếu một ngày Internet biến mất.
“Có một cái giá phải trả cho những tiện ích ta đang hưởng thụ”, Ritesh Kotak, một nhà phân tích làm trong ngành an ninh mạng cho hay. “Sự kiện sẽ diễn ra lần nữa, và từ góc nhìn công nghệ mà nói, thì việc khắc phục sự cố CrowdStrike còn tương đối dễ đấy. Lần tới có lẽ ta sẽ không may mắn vậy đâu”.
Thế còn những lần trước thì sao?
Khi phần mềm gặp lỗi
Một trong những sự cố mất mạng quy mô lớn diễn ra hồi năm 1997, xuất phát từ lỗi phần mềm trên hệ thống của Network Solutions Inc., một trong những công ty chịu trách nhiệm quản lý và phân phối tên miền cho các trang web. Theo New York Times đưa tin, lỗi trong cơ sở dữ liệu đã đánh sập MỌI trang web có đuôi “.com” hay “.net”.
Ước tính, lỗi này khiến gần 1 triệu website dừng hoạt động, một con số khổng lồ ở thời điểm 1997. Email không đến đích, nhiều dịch vụ phải dừng hoạt động, nhưng nhìn chung hậu quả đã không mấy nặng nề.
Nhưng nếu xét trong bối cảnh hiện đại, nếu lỗi của năm 1997 này tái diễn, chúng ta sẽ khó có thể đo đếm chính xác hệ quả của nó. Điển hình vào năm 2018, một vụ tấn công bằng malware tại một cộng đồng nhỏ tại Matanuska-Susitna, Alaska đã khiến 100.000 người phải “du hành ngược thời gian”.
Nhân viên không thể truy cập được máy tính làm việc, thư viện địa phương đã phải tắt toàn bộ thiết bị có kết nối mạng. Tại một cơ quan chính phủ, nhân viên đã phải sử dụng máy đánh chữ để tiếp tục làm việc. Sự cố kéo dài tới 10 tuần đã ảnh hưởng lớn tới cộng đồng nhỏ.
Khi cá mập và phụ nữ luống tuổi cùng một phe: không biết Internet là gì
Đôi khi lỗi không ở phần mềm, mà ở “phần cứng”. Trong câu chuyện dưới đây, “phần cứng” được nhắc tới không phải cỗ máy tính bạn vẫn biết hay những server khổng lồ, mà là cá mập và người cao tuổi.
Cách đây ít lâu, kết nối internet trên toàn cõi Armenia phụ thuộc vào một đường cáp quang duy nhất chạy ngang qua Georgia, và điều người ta lo sợ cuối cùng cũng đến. Năm 2011, một người phụ nữ 75 tuổi ngắt kết nối Internet của 2,9 triệu người Armenia bằng một cái xẻng. Khi đào đất tìm phế thải kim loại gần ngôi làng Ksani, bà đã lỡ tay cắt đứt đường cáp quang mong manh.
Sau sự cố, cảnh sát đã tạm giữ bà cụ nhưng cũng sớm thả ra vì tuổi bà đã cao. Hậu quả bà gây ra cũng không quá nặng nề, khi kết nối internet của Armenia được khôi phục ngay trong đêm hôm đó. Trả lời phỏng vấn, bà cụ 75 tuổi nói: “Tôi chẳng biết internet là gì”.
Trong một biến cố trên cạn khác tại Châu Phi hồi năm 2017, một chiếc máy kéo đã làm đứt một đường cáp ngầm tại Nam Phi, khiến toàn bộ người dân Zimbabwe mất kết nối internet trong 12 giờ.
Những đường cáp nổi có thể dễ dàng bảo trì chỉ là một phần nhỏ trong cơ sở hạ tầng cung cấp internet toàn cầu. Dưới đáy biển, hàng ngàn kilomet cáp mạng phải đối mặt với những kẻ săn mồi khét tiếng của đại dương: cá mập. Trên những trang sử về internet còn chưa ráo mực, không chỉ cá mập được “vinh danh” mà còn nhiều loài cá khác cũng đam mê gặm cáp. Những hàm răng sắc nhọn có thể xuyên phá vỏ cáp và gây hiện tượng đoản mạch.
Video cho thấy câu chuyện cá mập cắn cáp hoàn toàn có thật.
Từ những năm 1964, người ta đã ghi nhận những trường hợp sinh vật đại dương cắn đường dây điện thoại và điện tín. Ngày nay, Google đã đang bọc cáp biển bằng vật liệu vốn dùng trong sản xuất áo chống đạn để đảm bảo kết nối được an toàn.
Khi sự cố mất mạng do “nhà đài”
Mới chỉ 2 năm trước, hơn một phần tư cư dân Canada mất kết nối dịch vụ điện thoại và internet khi sự cố xảy đến với Rogers Communications, một trong những nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất đất nước Bắc Mỹ. Ước tính, 11 triệu người đã nếm thử trải nghiệm mất kết nối giống với sự cố CrowdStrike vừa qua.
Nhiều dịch vụ công dừng hoạt động, bệnh viện không thể tiếp nhận bệnh nhân, thậm chí siêu sao Weeknd phải hủy một show diễn vì sự cố mất mạng. Theo lời kể của một nhân chứng sống qua thời khắc lịch sử, bạn của anh này đã lỡ bài kiểm tra chuyên môn vì lưu toàn bộ thông tin về buổi thi trên email.
Bỏ trứng vào một giỏ sẽ thường dẫn đến những hệ lụy quy mô lớn, nhưng buồn thay chỉ những doanh nghiệp lớn mới có khả năng cung cấp dịch vụ rộng rãi.
Y2K – Sự cố đi vào sử sách
Sau nhiều năm đầu tư phát triển internet, người dùng có thể nghĩ rằng các công ty, tập đoàn lớn đã sẵn sàng đối phó với những sự cố, đảm bảo mạng kết nối liên tục và xuyên suốt. Nhưng theo nhận định của Casey Oppenheim, giám đốc điều hành công ty an ninh mạng Disconnect, ngành viễn thông đang đối mặt với điều ngược lại.
“Theo tôi, đây mới thực sự là bài học rút ra được từ sự kiện CrowdStrike”, Oppenheim nói. Công ty CrowdStrike nắm trong tay một mảng an ninh mạng lớn, cung cấp dịch vụ cho phân nửa số công ty có mặt trong danh sách Fortune 500 – danh sách 500 doanh nghiệp có tổng doanh thu cao nhất tại Mỹ.
“Hệ sinh thái càng kém đa dạng, bạn càng dễ tổn thương, và sự đa dạng không hề tồn tại ở hạ tầng cấp cao nhất của chuỗi cung ứng internet. Bạn có thể chọn bất cứ lĩnh vực chủ chốt nào của internet, và sẽ chỉ thấy một danh sách ngắn những công ty quản lý nó”.
Nói một cách khác, khi xảy ra một màn mất mạng quy mô lớn để lại hậu quả nặng nề, nó là hệ quả tất yếu của việc quyền lực tập trung vào một số thế lực trong ngành công nghệ. Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn, và khi những thế lực cầm quyền mắc sai lầm, họ sẽ khó gánh nổi trách nhiệm.
Trong lịch sử internet, có một sự cố được cho là sẽ đánh sập hệ thống toàn cầu nhưng thực tế, chỉ là nỗi sợ bị truyền thông thổi phồng. Ấy là 25 năm về trước, công chúng lo sợ lỗi Y2K sẽ khiến hạ tầng internet sụp đổ. Cụ thể, nhiều người nhận định rằng việc nền văn minh bước sang thiên niên kỷ thứ 2, bước vào năm 2000, sẽ khiến máy tính toàn cầu dừng hoạt động.
Những kỹ sư máy tính đương thời tiết kiệm bộ nhớ và họ sử dụng số có hai chữ số để đếm năm, thế nên người ta lo sợ rằng máy móc có thể nhầm lẫn năm 2000 với năm 1900 hay một giá trị vô định, từ đó phát sinh đại họa. Hiện tượng chưa có tiền lệ khiến người trong cuộc không biết rõ chuyện gì có thể xảy ra, và họ đặt cho nó một cái tên rất kêu là Y2K (ký tự “y” trong từ “year – năm”, 2 là số 2, còn K là thuật ngữ chỉ hàng nghìn).
Thông qua một cái tên dễ nhớ và dễ đọc, nỗi sợ xoay quanh sự kiện Y2K lan truyền với một tốc độ khủng khiếp. Ngọn lửa lo lắng càng bùng lên dưới sức quạt của các đơn vị truyền thông, khi dẫn lời nhiều những chuyên gia thuộc nhiều ngành nghề liên quan tới công nghệ thông tin: các ban quản lý tòa nhà lo rằng thang máy sẽ dừng chạy; các chuyên gia kinh tế e ngại hệ thống tài chính toàn cầu sẽ sụp đổ; quản giáo sợ cửa buồng giam sẽ tự động bật mở, trả tự do cho những kẻ vẫn đang thụ án.
Nhiều cộng đồng lo lắng về việc mất điện và mất nước, và sẵn sàng phương án ứng phó: họ xả nước vào tất cả những thiết bị có sức chứa, từ xô chậu cho tới bồn tắm.
Nhưng hành động này lại khiến vấn đề thêm tệ hại. Ở những thành phố lớn, hệ thống cấp nước không thể tải được nỗi lo của một lượng lớn dân cư, và không thể một lúc đổ đầy hàng trăm ngàn bồn tắm. Khi người dân thấy mất nước, họ lại càng lo lắng rằng chính Y2K đã cắt mất nguồn nước ngọt.
Có những người dựng hẳn hầm trú ẩn và dự trữ nhu yếu phẩm, sẵn sàng đối mặt với viễn cảnh hậu tận thế do hai số “00” gây ra. Ước tính, chính phủ các nước đã chi khoảng 300-500 tỷ USD để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu.
Nỗi sợ mang tên Y2K lan tỏa với một tốc độ khủng khiếp, người dân toàn cầu đón giao thừa năm 2000 với một tâm trạng thấp thỏm. Nhưng rồi sự cố người ta ghi lại được gồm có tàu cập bến chậm giờ, máy bán hàng tự động dừng chạy, một số thông báo hiển thị sai ngày, người dân cũng như chính phủ tốn tiền vô ích. Cuối cùng, tận thế đã không xảy ra.
Sự cố CrowdStrike vừa diễn ra khiến chúng ta mường tượng ra một “tiền cảnh” xấu, nơi Y2K đã có sức tàn phá khủng khiếp như lời đồn đại. Bản cập nhật phần mềm tai hại đã khiến nhiều sân bay tê liệt, nhiều dịch vụ dừng hoạt động, và làm vô số máy tính chạy Windows đối diện với “màn hình xanh chết chóc”.
Tuy nhiên, hậu quả chỉ kéo dài trong vài ngày, và sự cố CrowdStrike cho chúng ta nếm thử mùi vị của đại họa mất mạng trên diện rộng. Sau sự cố CrowdStrike, giới chuyên gia vẫn đang sẵn sàng tinh thần đón chờ một sự cố mới – một sự cố chắc chắn sẽ diễn ra, xét trên độ mong manh của cơ sở hạ tầng internet hiện tại.
Apple vừa công bố kết quả tài chính cho quý 3 năm 2024, kết thúc vào ngày 29 tháng 6 năm 2024 vừa qua. Theo đó, công ty đã đạt doanh thu 85,8 tỷ USD trong quý, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái khi ghi nhận doanh thu 81,8 tỷ USD. Lợi nhuận ròng của Apple đạt 21,4 tỷ USD trong quý, so với 19,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số iPhone trong quý đạt 39,2 tỷ USD, giảm nhẹ so với 39,6 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Doanh số các máy Mac đạt 7 tỷ USD trong quý, tăng nhẹ so với 6,8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Doanh số iPad đạt 7,2 tỷ USD trong quý, tăng mạnh so với 5,8 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Mảng Thiết bị đeo, Nhà và Phụ kiện, bao gồm Apple Watch và kính Apple Vision Pro, đạt doanh thu 8,1 tỷ USD trong quý, giảm so với 8,3 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Mảng Dịch vụ của Apple, bao gồm Apple Music, Apple TV+ và các dịch vụ khác, đạt doanh thu 24,2 tỷ USD, tăng đáng kể so với 21,2 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, được trích dẫn trong thông cáo báo chí cho biết: “Trong quý này, chúng tôi rất vui mừng được công bố các bản cập nhật cho các nền tảng phần mềm của mình tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu WWDC, bao gồm Apple Intelligence, một hệ thống trí tuệ nhân tạo đột phá sử dụng các mô hình AI tạo sinh mạnh mẽ, riêng tư làm cốt lõi của iPhone, iPad và máy Mac. Chúng tôi rất mong muốn được chia sẻ các công cụ này với người dùng của mình và chúng tôi tiếp tục đầu tư đáng kể vào các cải tiến sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của khách hàng, đồng thời dẫn đầu với các giá trị thúc đẩy công việc của chúng tôi.”
Sắp tới đây vào khoảng tháng 9, Apple sẽ giới thiệu dòng sản phẩm iPhone 16 hoàn toàn mới cùng với việc phát hành chính thức iOS 18, hứa hẹn sẽ khiến thị trường công nghệ nói chung trong giai đoạn quý cuối năm trở nên biến động mạnh.
Ngày hôm qua, cổ phiếu của Intel đã trải qua một cú sốc lớn khi giảm 30% chỉ trong vòng 24 giờ, kéo theo thiệt hại 39 tỷ USD về vốn hóa thị trường. Vụ việc này xảy ra cùng lúc với việc Intel phải đối mặt với các vụ kiện tập thể liên quan đến sự cố của dòng vi xử lý Raptor Lake.
Theo báo cáo từ Tom’s Hardware, các vụ kiện tập thể này liên quan đến việc Intel bị cáo buộc bán các vi xử lý Raptor Lake thế hệ 13 và 14 bị lỗi, gây ra tình trạng không ổn định và hư hỏng không thể khắc phục. Nhiều người dùng và nhà phát triển game đã phản ánh về tình trạng các hệ thống sử dụng vi xử lý này thường xuyên bị sập và gặp lỗi nghiêm trọng.
Trong một động thái nhằm xoa dịu khách hàng, Intel đã thông báo sẽ gia hạn bảo hành thêm hai năm cho các vi xử lý bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng và các nhà đầu tư vẫn không yên tâm về quyết định này cũng như cách mà Intel giải quyết triệt để vấn đề.
Tình hình của Intel còn trở nên nghiêm trọng hơn khi công ty phải đối mặt với sự suy giảm niềm tin từ phía cổ đông và khách hàng. Báo cáo từ OSnews cho thấy rằng các bản cập nhật microcode và BIOS mới nhất của Intel vẫn không thể khắc phục hoàn toàn các vấn đề ổn định của dòng vi xử lý Raptor Lake. Thậm chí, nhiều công ty đã bắt đầu chuyển sang sử dụng vi xử lý của AMD do tỷ lệ lỗi thấp hơn rất nhiều.
Ngoài ra, Intel cũng đã thông báo kế hoạch cắt giảm 15.000 nhân viên trên toàn cầu và báo cáo lỗ trong quý II năm nay, càng làm tăng thêm lo ngại từ phía cổ đông về khả năng duy trì vị thế của công ty trong thị trường vi xử lý.
Trước tình hình này, Intel cần phải có những biện pháp khắc phục mạnh mẽ và hiệu quả để khôi phục lại niềm tin từ phía khách hàng và cổ đông, nếu không muốn đối mặt với nguy cơ bị các đối thủ vượt mặt trong cuộc đua công nghệ vi xử lý.
Google đã rút quảng cáo “Dear Sydney” sau làn sóng phản đối mạnh mẽ, chỉ trích Google vì đánh giá sai mức độ quan trọng của biểu hiện chân thành từ con người. Quảng cáo này giới thiệu một người cha sử dụng chatbot Google Gemini để giúp con gái mình viết một bức thư người hâm mộ gửi đến ngôi sao điền kinh Olympic Sydney McLaughlin-Levrone. “Tôi khá giỏi trong việc sử dụng từ ngữ,” người cha nói, “nhưng lần này phải thật hoàn hảo.” Sau đó, chatbot Gemini viết một bức thư, nhưng vì nó là một bot, nó không thể hiểu được các khái niệm như ngưỡng mộ, cảm hứng, hay chỉ đơn giản là trải nghiệm của một đứa trẻ.
Đại diện Google nói với Mashable:“Chúng tôi tin rằng AI có thể là một công cụ tuyệt vời để nâng cao sự sáng tạo của con người, nhưng không bao giờ có thể thay thế nó. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một câu chuyện chân thực tôn vinh Đội tuyển Mỹ. Quảng cáo này giới thiệu một người hâm mộ điền kinh thực sự và cha cô bé, và nhằm mục đích cho thấy cách ứng dụng Gemini có thể cung cấp điểm khởi đầu, ý tưởng hoặc bản thảo ban đầu cho những ai tìm kiếm ý tưởng cho bài viết của họ.”
Phản ứng tiêu cực từ cộng đồng
Tuy nhiên, với phản ứng tiêu cực từ cộng đồng mạng, Google đã bỏ lỡ thông điệp. Thông điệp của quảng cáo bị lu mờ bởi một chủ đề phổ biến trong kỷ nguyên AI: các công ty đã nhanh chóng áp dụng AI tổng hợp với hy vọng thu hút người dùng. Nhưng trong một trường hợp cổ điển của giải pháp công nghệ tìm kiếm vấn đề, chúng đôi khi làm người tiêu dùng kinh tởm và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ứng dụng thực sự hữu ích. Đầu tuần này, Meta đã hủy bỏ các nhân vật AI nổi tiếng của mình, trong khi Taco Bell đã mở rộng hệ thống đặt hàng tự động bằng giọng nói AI bất chấp thất bại của McDonald’s với trải nghiệm tương tự.
Ngay cả khi Gemini đã nắm bắt được giọng điệu và mô phỏng thành công giọng điệu và trình độ đọc hiểu của bé gái, người dùng mạng vẫn kinh hoàng với ý tưởng sử dụng AI để viết một bức thư người hâm mộ. Giáo sư truyền thông nâng cao tại trường Đại học Syracuse Newhouse Shelly Palmer viết:“Đây là một trong những quảng cáo đáng lo ngại nhất mà tôi từng thấy. Đây chính xác là điều chúng tôi không muốn ai đó làm với AI. Không bao giờ.”
Người dùng X có tên @chikkadee chia sẻ:“Tôi không thể nghĩ ra một quảng cáo ít cảm hứng hơn. Ngay cả việc gửi bức thư đó có ý nghĩa gì?”
Những câu hỏi đặt ra về vai trò của AI
Người dùng khác có tên @Aerocles đề cập đến một quảng cáo tương tự của Apple:“Quảng cáo ‘Dear Sydney’ AI của Google – giống như quảng cáo ‘Crush’ của Apple, câu hỏi chúng ta cần đặt ra không phải là ‘AI hay công nghệ có thể làm gì cho chúng ta?’ mà là ‘chúng ta muốn nó đóng vai trò gì trong cuộc sống của chúng ta?’ Chỉ vì AIcó thểlàm được điều gì đó, không có nghĩa là chúng ta muốn nó làm.”
Cây bút của Washington Post, Alexandra Petri, tức giận đến mức viết cả một bài báo về nó, rằng:“Quảng cáo này khiến tôi muốn ném búa vào tivi mỗi khi thấy nó.”
Thật khó để có thể tóm tắt hết về những gì mà công chúng đang cảm nhận về video quảng cáo này. Dù là bị chỉ trích vì ngụ ý rằng văn bản từ con bot có giá trị hơn cách diễn đạt thật của trẻ em, khiến chúng lười viết hơn, hay đơn giản chỉ là tín hiệu cho phụ huynh thấy rằng đây là một cách sử dụng AI tổng hợp tốt, thì nó vẫn có quá nhiều vấn đề. Nhà báo của Los Angeles Times, Ryan Faughnder, mới đây cũng đã tóm tắt khá chính xác tâm trạng chung trong một bài đăng trên X: “Hóa ra cũng thật khó để tiếp thị về sự tận thế của AI.”
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 – 150 tỉ đồng mỗi phiên. Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội.
Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho biết tại tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử” do cơ quan này phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) và Công ty Cổ phần MISA (MISA) tổ chức ngày 2-8.
Theo bà Cúc, các hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai. Bà Cúc nhấn mạnh, nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ.
“Các cá nhân livestream bán hàng cũng cần chú ý chọn lọc những sản phẩm chất lượng thuộc những nhãn hàng uy tín để đảm bảo quyền lợi người dùng”- bà Cúc cho hay.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế nêu rõ, trong những năm gần đây, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã quyết liệt chỉ đạo cục thuế các tỉnh thành phố tăng cường quản lý thuế, thanh tra kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro, trong đó có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Số tiền từ truy thu thuế, tiền phạt của các tố chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cũng cho biết với mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết hiện đang rất phổ biến hiện nay, các vấn đề về thuế được nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đặc biệt quan tâm.
“Có thể kể đến những khoản thuế phải nộp của nhà bán hàng và người sáng tạo khi có doanh thu, thu nhập từ TikTok Shop; nghĩa vụ nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đối với thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động tiếp thị liên kết”- ông Thanh cho hay.
Đánh giá về thực trạng bán hàng trên thương mại điện tử, bà Bùi Thị Trang, Giám đốc Khối Nền tảng Kế toán dịch vụ, Công ty Cổ phần MISA cho biết, thực tế kinh doanh thương mại điện tử hiện nay dẫn tới khó quản lý hàng hoá, doanh thu của hàng hóa vì bán hàng trên nhiều sàn, nhiều nền tảng khác nhau.
Với thực tế này, việc thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ tốn nhiều nhân sự để xuất hóa đơn và khi xuất hóa đơn phải thủ công khi thông tin trên sàn và thông tin trên phần mềm quản lý khác nhau; số lượng về hóa đơn phải xuất hàng ngày rất lớn, dễ rủi ro xuất hóa đơn sai thời điểm vì thực trạng bán hàng không cố định thời gian.
Với các hộ kinh doanh kê khai và doanh nghiệp, bà Bùi Thị Trang cho biết, việc thông tin rời rạc ở nhiều giải pháp quản lý khác nhau tới kế toán dễ dẫn tới việc sai sót số liệu; việc lập tờ khai thủ công và đối chiếu các tờ khai báo cáo thuế dẫn tới rủi ro về thuế; thiếu thông tin cập nhật về thuế, dẫn tới việc xử lý sai sót và rủi ro về thuế. Theo bà Trang, hiện MISA đã phát triển bộ giải pháp khắc phục các bất cập này.
Mới đây, Tổng cục Thuế vừa có thư ngỏ gửi đến người nộp thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Để đảm bảo sự tôn nghiêm, bình đẳng, minh bạch trong chấp hành pháp luật về thuế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giữa các loại hình kinh doanh, Tổng cục Thuế đề nghị và khuyến cáo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử chủ động tiếp cận, tìm hiểu về quy định pháp luật thuế và chấp hành việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo đúng quy định.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã, đang kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa thực hiện đăng ký thuế cần khẩn trương đăng ký, kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế. Ngành Thuế cho biết sẽ lập kế hoạch kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, các hình thức lừa đảo của tội phạm ngày càng tinh vi và luôn thay đổi theo xu hướng thời sự, khiến nhiều người bị mất cảnh giác và bị chiếm đoạt tiền chỉ trong vài phút. Đáng lo ngại, tất cả những hình thức lừa đảo này đều dẫn dụ người dân cung cấp thông tin mật khẩu, mã OTP hoặc bị chiếm quyền điện thoại để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng.
Chính vì vậy, trong một tháng trở lại đây, các ngân hàng lại tiếp tục gửi email thông báo đến khách hàng để cảnh báo các hình thức lừa đảo mới, giúp mọi người nâng cao cảnh giác. Cụ thể, ngày 30/7 vừa qua, ngân hàng Vietcombank phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo khách hàng phát hành thẻ, mục đích đánh cắp thông tin thẻ để liên kết ví điện tử và chiếm đoạt tiền.
Thủ đoạn của chúng là gọi điện, gửi tin nhắn điện thoại (SMS), Zalo… thuyết phục khách hàng chủ động mở thẻ ghi nợ phi vật lý hoặc làm hồ sơ phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng. Theo đó, kẻ gian yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ và mã OTP được gửi tới số điện thoại của khách hàng để liên kết thẻ đó với một số ví điện tử. Tuy nhiên, kẻ gian đã liên kết thẻ của khách hàng với ví điện tử của chúng, từ đó chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng cách sử dụng ví để mua hàng hóa, dịch vụ.
Đáng chú ý, khi Quyết định số 2345 của NHNN về các giao dịch trên 10 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học khuôn mặt bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7, hình thức lừa đảo mới cũng nổi lên mạnh mẽ. Theo ghi nhận của các chuyên gia Bkav, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng, kẻ xấu giả danh cán bộ ngân hàng vờ hỗ trợ cài đặt để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Cụ thể, kẻ gian đã mạo danh cán bộ ngân hàng gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua Zalo, Facebook với khách hàng… lừa hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Trong nhiều trường hợp, kẻ xấu yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt, thậm chí cả giọng nói và cử chỉ của khách hàng… để được hỗ trợ. Khi có được thông tin cá nhân và tài khoản người dùng, chúng dễ dàng đăng nhập tài khoản đánh cắp toàn bộ tiền của nạn nhân.
Ngoài ra, kẻ gian cũng lừa thu thập thông tin của người dùng bằng cách dụ họ bấm vào đường link giả mạo do chúng tạo ra để tải và cài đặt ứng dụng thu thập sinh trắc học, nhưng thực chất là tải về file có chứa mã độc, phần mềm gián điệp, nhằm khai thác sâu hơn nữa các thông tin của nạn nhân.
Trước đó, ngày 19/7, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhận được thông tin từ BHXH tỉnh Bình Dương về việc có một văn bản giả mạo BHXH Việt Nam với số ký hiệu 2133/BHXH-CSYT ngày 1/7/2024 được gửi đến 1 trường tiểu học thuộc tỉnh Bình Dương qua email. Trong văn bản này có nội dung: “Điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP và triển khai Bảo hiểm số VssID 4.0. Đồng thời hủy sổ bảo hiểm, thẻ y tế và chuyển đổi số đồng loạt sang ứng dụng VssID 4.0 bằng căn cước công dân gắn chíp”.
Theo đó, văn bản giả mạo còn yêu cầu BHXH các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0 theo đúng quy định của Bộ LĐ-TB-XH. Người dân cần nhanh chóng cập nhật mới theo sự hướng dẫn của cơ quan BHXH tỉnh bằng thiết bị di động cá nhân để đảm bảo được nhận đầy đủ thông tin và đầy đủ các quyền lợi của BHXH về sau.
Trước thông tin trên, BHXH Việt Nam khẳng định: Văn bản với nội dung nêu trên là giả mạo nhằm thông tin về ứng dụng VssID 4.0 mà đối tượng lừa đảo đã lập trên app nhằm đánh cắp thông tin cá nhân; tiếp đó là đánh cắp tài khoản cá nhân, gây thiệt hại về tài chính của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành BHXH.
Sự kiện thể thao quy mô lớn như Olympic Paris 2024, Euro 2024 cũng là dịp để tội phạm mạng “tung hoành”. Nhóm nghiên cứu bảo mật Unit 42 của Palo Alto Networks đã chỉ rõ, các cuộc tấn công này chủ yếu nhắm vào các dịch vụ quan trọng trong mùa Olympic, chẳng hạn như vận tải, khách sạn, viễn thông, phương tiện truyền thông, xử lý thanh toán, tiện ích, an toàn và an ninh, có thể làm tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của sự kiện.
Lừa đảo tài chính, phá hoại với động cơ chính trị, các hoạt động gián điệp – tất cả đều đặt ra những thách thức to lớn đối với an ninh và tính toàn vẹn của sự kiện. Trong đó, tấn công mã độc (Ransomware) tống tiền là chủ yếu; tiếp đến xâm phạm email của doanh nghiệp (BEC) để đánh cắp tài chính; lừa đảo đặt vé bằng cách tạo các tên miền giả mạo website hợp pháp của Olympic, những ứng dụng di động giả mạo ngụy trang dưới hình thức ứng dụng vận tải, đặt chỗ hoặc lên lịch trình…
Nhận diện và nâng cao năng lực bảo mật thông tin
Theo báo cáo về rủi ro thanh toán vừa được công bố mới đây của Visa, đơn vị này cũng chỉ ra nhiều hình thức lừa đảo khác cần nhận diện. Đầu tiên là hình thức lừa đảo kiểu “mổ lợn”, nhắm vào các dịp lễ đặc biệt như Lễ Tình nhân và Giao thừa. Cụ thể, đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng mạng xã hội và các nền tảng hẹn hò trực tuyến để xây dựng quan hệ tình cảm với nạn nhân, sau đó dụ dỗ họ đầu tư hoặc tham gia vào nền tảng giao dịch tiền số giả mạo. Bằng việc tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra dự án với nội dung có tính thuyết phục cao hơn, các vụ lừa đảo kiểu “mổ lợn” ước tính đã gây thiệt hại hàng tỉ đô la cho người tiêu dùng.
Tiếp đến là hình thức lừa đảo thừa kế. Điển hình trong dạng lừa đảo này, nạn nhân sẽ nhận được thông tin về khoản tài sản thừa kế bất ngờ do một người họ hàng đã mất từ lâu để lại, thông báo thường được gửi đi từ một đơn vị giả danh công ty luật hoặc tổ chức có hình thức chuyên nghiệp và hợp pháp. Một số dấu hiệu được chuyên gia khuyến cáo để nhận biết dạng lừa đảo này bao gồm: Tính bí mật, yếu tố gấp rút về thời gian, yêu cầu thông tin cá nhân và đề nghị thanh toán khoản phí đảm bảo ban đầu. Thống kê từ Visa cũng cho thấy, 15% số người khảo sát ở Hoa Kỳ đang trở thành mục tiêu của các vụ lừa đảo thừa kế.
Lừa đảo cứu trợ nhân đạo, kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội nhằm lừa gạt những nhà tài trợ cả tin; hay tam giác gian lận, bằng cách đối tượng lừa đảo tạo ra gian hàng trực tuyến bất hợp pháp, chào bán các sản phẩm với giá thấp để thu thập dữ liệu của người tiêu dùng. Kẻ gian sau đó sử dụng thông tin của họ để mua hàng tại một nhà bán lẻ hợp pháp và thực hiện việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng đã bị ăn cắp. Tam giác gian lận hiện khiến các nhà bán lẻ thiệt hại tới 1 tỉ đôla Mỹ chỉ trong 1 tháng.
Bên cạnh chủ thẻ cá nhân, kẻ gian hiện cũng liên tục thăm dò nhóm đối tượng lớn hơn như các tổ chức hay mạng lưới công ty để tìm ra điểm yếu, cũng như tận dụng các công nghệ mới để khai thác những lỗ hổng an ninh có khả năng ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động vận hành của doanh nghiệp và mạng lưới. Một số xu hướng gian lận tập trung vào tổ chức đang tác động đáng kể đến hệ sinh thái thanh toán, có thể kể đến chuỗi cung ứng và dịch vụ của các bên thứ ba. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được kẻ gian tận dụng nhiều hơn, từ đó xác định những điểm yếu trong hệ thống kiểm soát gian lận của các ngân hàng mục tiêu và thực hiện hành vi lừa đảo.
Để nâng cao ứng phó với các mối đe dọa trên không gian mạng, ngày 1/8, Công ty an toàn thông tin mạng toàn cầu Kaspersky đã phối hợp cùng với Cục An toàn thông tin của Việt Nam (Cục ATTT) – Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sự kiện trao đổi chuyên môn và thực hành điều phối chiến lược ứng phó với các mối đe dọa trên không gian mạng, một trong số các hoạt động là nâng cao năng lực phòng thủ mạng cho Việt Nam.
Bà Genie Sugene Gan, Giám đốc phụ trách Quan hệ Chính phủ và Chính sách công khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi tại Kaspersky, cho biết: “An toàn thông tin mạng không chỉ thuộc trách nhiệm của các nhóm kỹ thuật mà phải được coi là vấn đề của tất cả các bộ phận, phòng ban trong doanh nghiệp, bắt đầu từ lãnh đạo cấp cao đưa ra quyết định chiến lược và các biện pháp toàn diện để bảo vệ tổng thể hoạt động, dữ liệu của doanh nghiệp”.
Theo đó, tại sự kiện này, các công ty an ninh mạng đã tiến hành một phiên Mô phỏng bảo vệ tương tác của Kaspersky (KIPS) dành cho lãnh đạo và đội ngũ kỹ thuật của doanh nghiệp nhằm thử thách những người ra quyết định về an toàn thông tin mạng, cũng như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các đơn vị trong doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục ATTT ghi nhận, khóa tập huấn KIPS đánh dấu một bước tiến trong việc xây dựng năng lực bảo đảm an toàn thông tin mạng, góp phần quan trọng cho một tương lai số an toàn hơn.
Theo Cục ATTT, các cuộc tấn công mạng đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây, với 1.723 vụ tấn công mạng chỉ riêng trong tháng 6/2024, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, riêng 6 tháng đầu năm 2024, số sự cố nghiêm trọng mà Cục ATTT phải điều phối, xử lý tăng gần 60% so với cả năm 2023.
Việc đối phó lại những sự cố này đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thực hiện các thủ tục ứng phó và cảnh báo để đảm bảo an toàn cho tài sản doanh nghiệp và thông tin kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp cần được trang bị cách thức để thiết lập các giao thức đối phó với các cuộc tấn công mạng.
Nền tảng này có tên là Russian Coms, nhưng không có mối liên hệ nào với Nga – là một hoạt động dịch vụ cho phép tội phạm mạo danh người gọi hợp pháp như ngân hàng, hoặc công ty thẻ tín dụng để lừa đảo nạn nhân qua điện thoại.
Nền tảng này đã tạo điều kiện cho 1,3 triệu cuộc gọi đến các số điện thoại ở Anh từ năm 2021 – 2024 và gây ra thiệt hại tài chính lên tới hàng chục triệu bảng Anh. Chỉ tính riêng nước Anh, ước tính có tới 170.000 nạn nhân.
Russian Coms được bán dưới dạng điện thoại di động, hoặc ứng dụng web và chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử. Một ảnh chụp màn hình do NCA chia sẻ quảng cáo dịch vụ hàng tháng với giá 350 bảng Anh (tương đương 446 USD), cung cấp các tính năng như 5.000 phút gọi điện được mã hóa từ mọi nơi và hỗ trợ khách hàng 24/7. Các tính năng bổ sung được quảng cáo bao gồm “giữ nhạc” và dịch vụ thay đổi giọng nói.
Theo các quan chức của NCA, các nhà chức trách Anh đã bắt giữ 3 người ở London vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, hiện tại họ đang được tại ngoại có điều kiện. Hai trong số họ được cho là đã giúp tạo ra và phát triển nền tảng trực tuyến Russian Coms.
Gian lận hiện chiếm 40% tổng số tội phạm ở Anh và xứ Wales, trong đó hơn 80% là do công nghệ gây ra. Trong những năm gần đây, chính quyền Anh đã liên tục triệt phá được các nền tảng trực tuyến lừa đảo tương tự như iSpoof và LabHost…