Tiền thưởng thường được đưa ra dựa trên các yếu tố khác nhau như hiệu suất cá nhân của nhân viên và lợi nhuận của công ty. Các nhân viên chắc chắn mong đợi nó hàng năm và Samsung đang mang đến cho công nhân tại bộ phận chip của mình một điều gì đó để hào hứng.
Theo báo cáo mới nhất từ Investor, công ty được cho là đang xem xét cung cấp một khoản tiền thưởng lớn hàng năm cho nhân viên của bộ phận chip. Không quá ngạc nhiên, bộ phận chip vẫn là một trong những mảng kinh doanh có lãi nhất của Samsung.
Samsung gọi chương trình thưởng của mình là Khuyến khích hiệu suất tổng thể (OPI). Công ty đã thông báo cho các giám đốc điều hành và nhân viên về kế hoạch chi tiết cho các khoản tiền thưởng năm nay. Đây rõ ràng là món quà tốt nhất để bắt đầu năm mới, bất chấp tình hình kinh tế chung có dấu hiệu khó khăn.
Cụ thể, nhân viên tại bộ phận chip của Samsung sẽ nhận được tối đa 50% tiền lương hàng năm của họ dưới dạng tiền thưởng. Công ty sẽ bắt đầu giải ngân khoản thưởng vào cuối tháng này.
Nhân viên của Samsung Display cũng sẽ nhận được một khoản thưởng đáng kể so với năm ngoái, bởi vì họ cũng sẽ được nhận 47-50% tiền lương hàng năm. Nhân viên của bộ phận di động cũng sẽ nhận được mức thưởng từ 29-33% tiền lương hàng năm. Những người ở bộ phận giải pháp mạng sẽ được trả tiền thưởng lên tới 22-26% tổng lương của họ.
Cuối cùng, nhân viên bộ phận Visual Display và điện tử tiêu dùng sẽ nhận được tiền thưởng tương đối thấp với tỷ lệ lần lượt là 18-22% và 5-7%.
Ngoài chương trình phần thưởng OPI, Samsung còn thực hiện cái gọi là chương trình khuyến khích thành tích mục tiêu hay còn gọi là chương trình TAI, cung cấp cho người lao động tới 100% tiền lương hàng tháng của họ trong nửa đầu và nửa cuối năm.
Vào năm 2023, nếu mảng kinh doanh thiết bị di động của Samsung có thể giành lại thị phần đã mất, gã khổng lồ Hàn Quốc có thể cho phép một phần thưởng thậm chí còn lớn hơn nữa cho các nhân viên của mình.
Trong những năm gần đây, Google thường coi sự kiện Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) là nơi để giới thiệu tầm nhìn về cái gọi là “Better Together” – một ý tưởng về việc tất cả các thiết bị nên kết nối và hoạt động với nhau. Thông thường, điều đó có nghĩa là hãng sẽ đưa ra thông báo xung quanh các tính năng như định vị kết nối Fast Pair, hay mở rộng khả năng tương thích của Google Cast với nhiều sản phẩm của các bên thứ ba.
Tại CES 2023 năm nay, công ty đã chia sẻ rằng họ đang hợp tác với Spotify để tích hợp công cụ phát trực tuyến Connect vào giao diện người dùng Android. Hãng cũng giới thiệu bản xem trước của tính năng chuyển giao âm thanh, ứng dụng sẽ đề xuất các thiết bị khác nhau để chuyển nhạc của người dùng lên tùy thuộc vào thói quen và vị trí của họ. Ví dụ, bạn có thể nhấn nút để bắt đầu việc nghe một podcast trong ô tô, sau đó tiếp tục nghe chúng trên điện thoại bằng tai nghe, rồi kết thúc ở trên TV khi về nhà.
Nhưng sự kiện CES năm nay là một triển lãm ô tô siêu lớn và Google cũng đem tới các sản phẩm dành cho thị trường này. Cụ thể, Google đã công bố các bản đồ có độ phân giải cao hơn sẽ ra mắt trên Polestar 3 và lần đầu tiên kể từ khi được công bố tại I/O 2022, hãng đã giới thiệu giao diện Android Auto mới nhất ra công chúng.
Có hai phương tiện được đặt tại gian hàng của Google tại CES 2023, đó là một chiếc BMW i7 với trải nghiệm Android Auto mới và một chiếc Volvo EX90 tích hợp sẵn công cụ của Google.
Như được giới thiệu tại sự kiện I/O trước đây, giao diện cập nhật sẽ thích ứng với các kích thước màn hình lớn hơn và cả bố cục chia đôi màn hình. Thiết kế mới ưu tiên ba mục tiêu quan trọng cho người lái xe: định hướng nơi bạn sắp đến, giao tiếp với bạn bè và gia đình cũng như phát nhạc hoặc podcast.
Google đã loại bỏ thanh trạng thái, đặt các biểu tượng chỉ báo trong một ô vuông nhỏ ở trên cùng bên trái, cũng như thêm một hàng phím tắt bên dưới. Giờ đây, bản đồ ở gần chỗ ngồi của người lái hơn để bạn có thể xem tuyến đường của mình. Bảng điều khiển bên trái sẽ chứa ứng dụng Spotify và với thao tác vuốt từ bên phải, hệ thống sẽ hiển thị danh sách các danh sách phát được đề xuất.
Bảng điều khiển bên trái này cũng đóng vai trò là nơi chứa các cảnh báo mà tài xế không có thời gian để xử lý trong khi lái xe. Ví dụ: nếu có thông báo đến, họ có thể vuốt sang phải trên thông báo đó để chuyển đến thanh công cụ và thông báo sẽ đợi ở đó cho đến khi sẵn sàng xử lý. Việc thực hiện các tác vụ giờ đây cũng dễ dàng hơn với sự trợ giúp của Trợ lý Google khi cung cấp các đề xuất thông minh bao gồm lời nhắc cuộc gọi nhỡ, chia sẻ thời gian đến nhanh chóng và truy cập tức thì vào thư mục nhạc hoặc podcast. WhatsApp hiện cũng sẽ khả dụng trong Android Audio, bắt đầu với điện thoại Pixel của Google và smartphone Samsung.
Bên cạnh đó, tính năng chia sẻ chìa khóa ô tô kỹ thuật số sẽ sớm được mở rộng để hoạt động với điện thoại Samsung, cũng như điện thoại Google Pixel và iPhone. Người dùng thiết bị Xiaomi cũng sẽ có thể sử dụng và trao đổi khóa tự động kỹ thuật số vào cuối năm nay. Với chìa khóa kỹ thuật số, bạn có thể dễ dàng cấp cho bạn bè và người thân trong gia đình quyền truy cập vào ô tô của mình. Hiện BMW đã hỗ trợ tính năng này, và hứa hẹn danh sách các hãng hỗ trợ sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) không chỉ là một sự kiện tuyệt vời để khám phá tất cả công nghệ mới nhất. Mà nó còn là một cái phong vũ biểu, có thể dự báo xu hướng trong tương lai. Bạn có thể biết khi nào một làn sóng phát triển công nghệ mới nào đó đang bắt đầu, khi sau mỗi năm ngày càng có nhiều người chơi nhảy vào lĩnh vực đó. Ngược lại, đôi khi bạn có thể thấy khi nào một công nghệ nhất định không còn được ưa chuộng, khi ngày càng có ít sản phẩm và dịch vụ đề cập đến công nghệ đó trong hoạt động tiếp thị của họ.
Và năm nay, xu hướng thứ hai đó đang thể hiện ở TV 8K.
Cuộc chơi của 1 người
Nhiều người có thể cho rằng sự kiện CES năm nay có thể đã biến thành một showroom về công nghệ xe hơi, nhưng trên thực tế nó vẫn là sân chơi lớn cho công nghệ TV và truyền hình. Nếu một thương hiệu TV sắp công bố một sản phẩm mới, thì đây vẫn là nơi đáng để họ thể hiện các công nghệ mới nhất.
Nhưng năm nay, TCL và Hisense hoàn toàn không ra mắt TV hoặc máy chiếu hỗ trợ 8K trong dòng sản phẩm của mình. Năm ngoái, TCL đã gây được tiếng vang khá lớn khi giới thiệu TV LED mini 6-Series 8K đầu tiên và điều đó cho chúng ta mọi lý do để nghĩ rằng một mẫu 8K mới sẽ hiện diện trong dòng sản phẩm cao cấp mới nhất của công ty. Nhưng không, mặc dù flagship QM8 mới của hãng sẽ có kích thước màn hình khổng lồ 98 inch, nhưng nó không phải là TV 8K.
Chỉ 16 tháng trước, Hisense đã ra mắt TV 8K đầu tiên của mình, U800GR. Nhưng năm nay, công ty dường như quan tâm nhiều hơn đến việc tăng cường hiệu suất 4K, khi công bố một mẫu TV mới 85 inch mang tên UX với độ sáng tối đa lên tới 2.500 nit.
Ngay cả những thương hiệu như Panasonic và Sharp, dù chưa có nhiều sự hiện diện ở Mỹ (nơi sự kiện CES tổ chức) nhưng vẫn phổ biến ở các thị trường toàn cầu khác, cũng không có sản phẩm TV 8K nào tại triển lãm. Vizio không tham dự CES, nhưng thương hiệu TV này cũng đã chỉ ra rằng không có sản phẩm hoạt động trong lĩnh vực 8K cho năm 2023.
Còn lại Samsung, LG và Sony. Cả ba đều đã đặt cược lớn vào 8K trong quá khứ. Nhưng năm nay, LG dường như khá miễn cưỡng nói về 8K. Dòng OLED 8K Z chỉ xứng đáng có một chú thích ở cuối trang trong thông cáo báo chí của công ty, với nội dung đơn giản nói rằng Z3 mới sẽ lần đầu tiên được hưởng lợi từ công nghệ tấm nền OLED evo của LG vào năm 2023.
Sony thì bất ngờ bỏ qua truyền thống kéo dài hàng thập kỷ của mình và từ chối đưa ra bất kỳ thông báo nào liên quan đến TV. Chỉ có Samsung thực sự ra mắt sản phẩm hỗ trợ 8K tại CES 2023. Hãng công nghệ Hàn Quốc đã giới thiệu hai TV Neo QLED 8K mới (QN900C và QN800C) cũng như máy chiếu 8K siêu gần đầu tiên của mình, Premiere 8K, nổi bật với kích thước hình ảnh ấn tượng lên tới 150 inch.
Vấn đề không chỉ ở nội dung
Tại sao TV 8K lại có màn thể hiện mờ nhạt đến như vậy tại CES 2023? Nhìn vào doanh số bán sản phẩm này trong năm qua, có thể bạn sẽ hiểu được phần nào nguyên nhân.
Công ty nghiên cứu Omdia đã công bố dữ liệu vào tháng 4 năm 2022 về TV 8K và nó đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm. Các lô hàng TV 8K chỉ chiếm 0,15% tổng số lô hàng TV xuất xưởng vào năm 2021 và Samsung – công ty dẫn đầu thị trường TV 8K với 65% thị phần – bán được ít hơn 18% TV 8K trong 2021 so với năm 2020.
Vấn đề có thể ở việc giá của TV 8K quá cao. Chúng thường được bán với giá cao hơn khi so sánh với các mẫu 4K có kích thước và thông số kỹ thuật tương tự, với mức chênh lệch trong khoảng từ 1.000 đến 2.500 USD, tùy thuộc vào từng dòng sản phẩm.
Trong quá khứ, người mua đã chứng tỏ họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn khi nhận thấy lợi ích thực sự. Một trường hợp điển hình là sự trỗi dậy và bùng nổ của TV OLED, một công nghệ từng khiến người dùng tiêu tốn hàng ngàn USD cho một mẫu sản phẩm chỉ 50 inch với độ phân giải 1080p. Do đó, các con số đang nói rằng lợi ích thực sự mà 8K mang lại chưa xứng với giá thành.
Bên cạnh đó, các phán quyết gần đây của EU liên quan đến mức tiêu thụ điện năng đã khiến nhiều người quay lưng lại với TV 8K. Bởi ít người sẵn sàng đầu tư vào một sản phẩm mà dường như việc sử dụng nó có thể bị cấm theo các quy định, trong khi các nhà sản xuất chưa có giải pháp tương ứng nào để cải thiện vấn đề.
Cuối cùng, nhiều khả năng là sự thất bại bắt nguồn từ việc thị trường đang thiếu hoàn toàn nội dung 8K gốc. Điều này đặc biệt đúng ở Mỹ, nơi không có dịch vụ phát trực tuyến qua cáp, vệ tinh, vô tuyến hoặc thuê bao nào cung cấp chương trình 8K.
Điện thoại di động có thể là cứu cánh?
Tất cả những điều trên có dẫn đến cái chết của công nghệ 8K không? Câu trả lời là không. Nhưng chúng ta có thể bước vào một “mùa đông 8K” mà không có một tương lai rõ ràng.
Vấn đề “con gà và quả trứng” đang hiện diện và gây ra sự luẩn quẩn, khi mọi người không muốn mua TV 8K cho đến khi có một lượng lớn nội dung 8K, trong khi các nhà phân phối nội dung không muốn phát sóng/truyền phát 8K cho đến khi có một lượng khán giả tối thiểu là các hộ gia đình có TV 8K.
Trớ trêu thay, những chiếc smartphone màn hình nhỏ có thể trở thành thứ cứu cánh cho những chiếc màn hình lớn này khỏi ngày tận thế. Cả Samsung và Sony đều đang đầu tư rất nhiều vào 8K từ quan điểm sáng tạo nội dung. Ở mảng thiết bị di động, Samsung từ dòng Galaxy S20 đã hỗ trợ khả năng quay video 8K, còn ở mảng máy ảnh chuyên nghiệp, Sony cũng đang đưa ra ngày càng nhiều các mẫu máy có thể quay ở định dạng 8K.
Sẽ không hợp lý nếu các công ty này tiếp tục nói về lợi ích của các thiết bị có thể quay ở độ phân giải 8K nếu họ không tạo ra TV có khả năng hiển thị những cảnh quay đó. Đúng là sẽ có một lượng khán giả rất nhỏ muốn tạo và sử dụng cảnh quay 8K của riêng mình, nhưng điều đó có thể đủ để giữ cho 8K tồn tại, cho đến khi các đơn vị sản xuất và phân phối nội dung có thể bắt kịp dòng chảy xu hướng.
Lớn hơn vẫn tốt hơn
Một vị cứu tinh tiềm năng khác của 8K là mong muốn dường như vô tận của người dùng về một cái màn hình lớn hơn trong ngôi nhà của mình. Một xu hướng chưa bao giờ bị đảo ngược tại CES là sự gia tăng kích thước màn hình và giảm chi phí để mua chúng. TV 85 inch, từng được coi là khổng lồ, giờ gần như đã trở nên phổ biến.
Một báo cáo gần đây dựa trên dự báo của NPD cho biết: “Khi chỉ xem xét kích thước màn hình, doanh số bán TV 65 inch trở lên dự kiến sẽ tăng từ dưới một phần tư thị trường vào năm 2020 lên hơn một phần ba vào năm 2024.”
Và TV của bạn càng lớn thì 8K càng có ý nghĩa. Bởi mỗi inch tăng thêm đó đều yêu cầu nhiều điểm ảnh hơn để duy trì, so với mỗi inch trên TV 4K có kích thước nhỏ hơn. Khi TV lớn hơn 85 inch trở nên phổ biến hơn, 8K sẽ là điều khó để cưỡng lại.
Vì thế, 8K cuối cùng sẽ tồn tại. Nhưng hiện tại, có vẻ như nó sẽ phải ngồi trên… băng ghế dự bị, trong khi chờ đến lượt được mọi người chú ý.
Phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Samsung Electronics, Han Jong-hee, gần đây đã nói rằng công ty đang chuẩn bị cho một năm khó khăn phía trước. Các chia sẻ được Han, người giám sát mảng kinh doanh điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng của Samsung, phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề sự kiện CES 2023.
Theo vị giám đốc điều hành này, nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hãng trong năm nay. Thậm chí toàn bộ ngành đang phải hứng chịu “suy thoái kinh tế kéo dài, căng thẳng địa chính trị, rủi ro chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu”.
Những cuộc khủng hoảng chồng chéo này đã gây ra sự bất ổn nghiêm trọng trên thị trường, dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế bị đình trệ. Điều đó khiến cho người tiêu dùng đã trở nên có ý thức hơn về chi tiêu của họ, dẫn đến nhu cầu về các mặt hàng sụt giảm.
CEO Samsung cho rằng năm 2023 có thể sẽ là năm quyết định sự thành bại của nhiều công ty trong những năm tới. Ông cho biết cách một công ty vượt qua những cuộc khủng hoảng này sẽ quyết định tương lai trước mắt của nó.
Và để đạt được mục tiêu đó, tập đoàn công nghệ khổng lồ Hàn Quốc có kế hoạch tiếp tục tập trung vào các “giá trị cơ bản”, đồng thời đổi mới và mở rộng đầu tư vào các công nghệ tương lai như metaverse và robot.
Samsung gần đây đã đầu tư khoảng 46 triệu USD vào nhà sản xuất robot Rainbow Robotics của Hàn Quốc. Công ty dường như cũng nhìn thấy một tương lai tươi sáng trong lĩnh vực metaverse khi có kế hoạch phát triển các công nghệ và giải pháp xung quanh nó.
“Cũng giống như tất cả các công nghệ, nó luôn thu hút sự chú ý khi mới bắt đầu. Nhưng công nghệ sẽ đi đến nơi cần thiết nhất và tôi nghĩ metaverse cũng nằm trong dòng chảy đó”, ông Han chia sẻ. Ông nói thêm rằng nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác cũng đang tích cực làm việc trên các giải pháp metaverse.
Nhận xét về triển vọng năm 2023 của Samsung của giám đốc điều hành Han được đưa ra vào cùng ngày mà gã khổng lồ Hàn Quốc công bố ước tính lợi nhuận hoạt động của họ trong ba tháng cuối năm 2022 sẽ giảm tới gần 70%. Công ty dự kiến lợi nhuận của mình sẽ giảm xuống khoảng 3,4 tỷ USD, từ con số 11 tỷ USD mà công ty kiếm được một năm trước đó. Sức mua yếu và giá chip bán dẫn thấp được cho là đã dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận lớn này.
Tập đoàn Hàn Quốc cũng đang gặp khó khăn trên thị trường smartphone. Hãng được cho là không đạt được mục tiêu doanh số vào năm ngoái. Một trong những lý do lớn nhất dẫn đến điều đó là việc Samsung không thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc. Thị phần của Samsung ở quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ là 2%. Tuy nhiên, Han cho biết công ty đã tìm ra vấn đề và đang chuẩn bị tung ra các sản phẩm mới phù hợp với thị trường này trong những năm tới. Samsung thậm chí đã thành lập một nhóm đổi mới kinh doanh dành riêng cho thị trường Trung Quốc.
Mặc dù có nhiều thông tin không tốt, nhưng cổ phiếu của Samsung vẫn đang tăng do kỳ vọng về cuộc đàm phán sáp nhập giữa nhà sản xuất chip Kioxia của Nhật Bản và Western Digital của Mỹ. Nếu thành công, đây sẽ là cơ hội để chấm dứt sự cạnh tranh trong lĩnh vực chip nhớ NAND. thị trường mà Samsung vốn đang là người dẫn đầu.
Theo nhà phân tích Dan Ives của ngân hàng đầu tư Wedbush, đợt giảm giá mới nhất của Tesla là một dấu hiệu cho thấy công ty đang trở nên “hung hăng” hơn khi cuộc cạnh tranh về xe điện ngày một nóng lên.
Giá của Model 3 và Model Y giảm từ 6% đến 20%. Trong một thông báo hôm 13/1, ông Ives lưu ý rằng nhu cầu đang suy yếu. Mặc dù việc giảm giá ban đầu sẽ bị Phố Wall coi là tiêu cực, nhưng “đây là nước cờ chiến lược ‘đúng người đúng thời điểm’ của Musk và công ty”.
Wedbush duy trì xếp hạng vượt trội đối với cổ phiếu Tesla với mục tiêu 12 tháng là 175 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu Tesla đã giảm 4% xuống còn 118,25 USD trong đầu phiên giao dịch ngày 13/1.
Ông Ives cho biết thêm rằng Tesla đã xây dựng được quy mô sản xuất lớn trên toàn thế giới và có lời lãi linh hoạt để chấp nhận được các đợt giảm giá. Trong khi đó, các khoản tín dụng thuế mới sẽ tạo ra một luồng gió thuận lợi hơn nữa.
Vị chuyên gia nói: “Chúng tôi tin rằng tất cả những đợt giảm giá này có thể thúc đẩy nhu cầu/số lượng giao hàng tăng 12% -15% trên toàn cầu vào năm 2023. Điều này cho thấy Tesla và Musk đang ‘tấn công’ để thúc đẩy nhu cầu trong bối cảnh suy yếu. Đây là một ‘phát súng’ rõ ràng nhắm vào các nhà sản xuất ô tô châu Âu và các công ty lớn của Mỹ (GM và Ford) rằng Tesla sẽ không chơi đẹp với các đối thủ trong cuộc chiến giá xe điện đang diễn ra”.
Tesla đã phải đối mặt với những cơn gió ngược ngày càng lớn trong một thị trường xe điện cạnh tranh gay gắt. Công ty cũng phải trì hoãn kế hoạch mở rộng nhà máy ở Thượng Hải. Tesla Model 3 vẫn là xe điện bán chạy nhất ở Đức vào tháng trước và việc giảm giá sẽ khiến giá của mẫu xe này phù hợp hơn so với mức giá của Volkswagen ID.4.
Trong khi đó, Tesla đã giảm giá xe trên diện rộng tại Mỹ vào đầu tháng 1. Mức giá mới cho Model Y LR giảm 13.000 USD trước tính thuế xe điện và giảm 20.500 USD sau khi đã bao gồm thuế.
Sau khi thông tin xe điện Tesla được giảm giá, người tiêu dùng có những phản ứng không mấy vui vẻ. Đối với những khách hàng đã từng sở hữu xe Tesla, việc giảm giá những mẫu xe mới khiến chiếc xe hiện tại họ dùng bị mất giá.
Marianne Simmons, một cô gái hâm mộ Tesla cho biết rằng cô cảm thấy mình như bị lừa, bị lợi dụng. Cô từng mua một chiếc Tesla Model Y màu trắng với giá hơn 77.000 USD. Sau khi công ty giảm giá, mẫu xe cô mua hiện có giá hiện rẻ hơn tới 13.000 USD. Simmons nói rằng như vậy là cô đã mất bay hơn chục nghìn đô.
Giám đốc thông tin Ivan Drury của trang nghiên cứu Edmunds.com cho biết đối với các chủ xe hiện tại, động thái giảm giá của công ty chẳng khác nào một cú đấm vào mặt họ. Bất kỳ ai mới mua Tesla trước đây sẽ cảm nhận được sự ảnh hưởng ngay lập tức và họ ước rằng giá mà họ chỉ thuê chúng.
Nước lọc nghe thật nhàm chán! Dù cần thiết cho sức khỏe nhưng hầu hết các nhãn hiệu nước đóng chai hiện nay đều thể hiện sự nhạt nhòa và không có nhiều ý tưởng marketing thú vị.
Hơn một thập kỷ trước, Mike Cessario bắt đầu tự hỏi liệu anh có thể thay đổi điều đó không. Điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta thực sự có thể làm cho nước đóng chai trở nên “ngầu” hơn?
Đó là câu chuyện nguồn gốc tương đối đơn giản đằng sau Liquid Death, nhãn hiệu nước đóng lon mà Cessario đã đăng ký nhãn hiệu vào năm 2017 và chính thức ra mắt hai năm sau đó. Liquid Death đã nhanh chóng trở thành một trong những nhãn hiệu thống trị thị trường nước đóng chai trị giá tới 350 tỷ USD trên toàn cầu.
Năm 2019, công ty đạt doanh thu 2,8 triệu USD và doanh thu năm 2022 ước tính đạt khoảng 130 triệu USD.
Thành công ngày hôm nay của Liquid Death phần lớn là nhờ tài làm marketing của Cessario. Anh từng có thời gian làm giám đốc sáng tạo của một số công ty nổi tiếng, trong đó có Netflix.
Cessario đã đạt được thành công trong sự nghiệp, có tiền nhưng đó chưa phải là điều mà anh thực sự đam mê. CEO cho biết anh có đam mê với ngàng fitness và rất mệt mỏi với các thương hiệu đồ uống không mấy lành mạnh như bia và nước tăng lực.
Tuy nhiên, Liquid Death không thành công chỉ sau một đêm. Cessario đã nghĩ ra một chiến dịch thiên tài để xem cách mọi người phản ứng với thương hiệu. Cessario nói: “Chúng tôi đã tung ra Liquid Death trên Facebook trước dù chưa thực sự có sản phẩm. Chúng tôi đã quay một quảng cáo nhỏ với chi phí 1.500 USD, làm cho mọi thứ có vẻ như thật chỉ để kiểm tra phản ứng thế nào. Mục đích là để xem liệu nó có hiệu quả hay không với chi phí thấp. Và sau 4 tháng, video đó có khoảng 3 triệu lượt xem. Và fanpage của Liquid Death có 80.000 người theo dõi”.
Cessario tiếp tục: “Ban đầu, chúng tôi là một công ty giải trí. Chúng tôi không muốn làm marketing lộ liễu mà chỉ muốn làm cho mọi người cười vui vẻ. Khi bắt đầu, chúng tôi băn khoăn tại sao các loại đồ uống đóng lon hiện nay cứ phải đi theo quy luật quảng cáo nhàm chán từ nhiều năm qua trong khi họ hoàn toàn có thể khiến sản phẩm trở nên thú vị hơn. Nhóm khách hàng dễ nhắm đến nhất của chúng tôi là những người thích heavy metal và punk rock bởi họ có thể hiểu ngay sự hài hước của chúng tôi”.
Và mọi thứ đã hoạt động tốt, đem lại thành công cho Liquid Death. Cuối năm 2022, công ty của Cessario được định giá 700 triệu USD, con số khá ấn tượng với một startup ra đời từ năm 2019. Theo Forbes, công ty đang bán hàng triệu USD hàng hóa mỗi năm và chứng kiến mức tăng trưởng 100% hàng năm.
Thậm chí, hình ảnh thương hiệu của Liquid Death tốt đến nỗi họ còn bán được cả áo hoodie và một số sản phẩm khác. Công ty cũng hợp tác với nhiều người nổi tiếng và thương hiệu lớn trong thời gian gần đây.
Bên cạnh việc là một startup thành công, Liquid Death còn thực sự quan tâm đến môi trường. Đó là lý do tại sao nước của họ được đóng trong lon.
Theo globalrecycle.net, chỉ có 9% nhựa trên thế giới được tái chế. Có 80.000 loại hạt nhựa nhưng chỉ có 4 loại có thể tái chế. Phần còn lại của chúng cực kỳ khó tái chế vì tất cả chúng sẽ yêu cầu các quy trình khác nhau.
Chính vì thế, Cessario quyết định sử dụng lon – thứ có thể tái chế dễ dàng. Liquid Death cũng quyên góp một phần doanh thu để chống ô nhiễm nhựa.
Mới đây, một blogger chuyên về xe hơi và công nghệ ở Trung Quốc đã chia sẻ lên mạng xã hội Weibo một chùm ảnh về buổi thử nghiệm xe điện Xiaomi. Do khoảng cách chụp quá xa nên cư dân mạng không thể xác nhận được những ai đã tham gia buổi thử nghiệm, tuy nhiên blogger này sau đó đã cho biết đó là chính CEO Xiaomi Lôi Quân. Đích thân vị giám đốc điều hành này đã tham gia đoàn xe để kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Các bức ảnh cho thấy địa điểm thử nghiệm bị bao phủ bởi lớp băng tuyết dày, nhiều khả năng là một vùng ở khu vực phía Bắc Trung Quốc. Khu vực lạnh giá này cũng là nơi thường được hầu hết các công ty xe hơi chọn để tiến hành các bài kiểm tra độ bền trên các mẫu xe điện mới. Mục đích chính là để đánh giá xem quãng đường đi được trong mùa đông thực tế của sản phẩm có đáp ứng tiêu chuẩn hay không. Bên cạnh đó là các tính năng khác của xe điện, thường bị người dùng phàn nàn là hay “dở chứng” vào mùa đông như tay nắm mở cửa, cửa sau, công tắc khởi động… có hoạt động tốt hay không.
Ngoài ra, theo đánh giá từ các bức ảnh, thiết kế thân xe của chiếc xe điện mới đang được Xiaomi thử nghiệm dự kiến sẽ là kiểu “coupe” và mui xe cũng áp dụng thiết kế trượt về phía sau, dáng gầm thấp. Những điều này cho thấy đây nhiều khả năng là mẫu xe dành cho nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi. Đối thủ mục tiêu của nó cũng được cho là dòng Model 3 của Tesla.
Theo các tin tức liên quan trước đó, cách đây không lâu, một chiếc ô tô thử nghiệm của Xiaomi đã xuất hiện gần Công viên Khoa học và Công nghệ Xiaomi, tuy nhiên ngoại thất đã được che phủ. Chiếc xe thử nghiệm bị lộ diện lần này gần như giữ nguyên thiết kế về ngoại hình cùng các đường nét như trước đó.
Mặt khác, cũng chính blogger này trước đó đã đưa tin rằng dự án nhà máy ô tô Xiaomi đặt tại Khu phát triển kinh tế Yizhuang, Bắc Kinh, sẽ được xây dựng theo hai giai đoạn. Dự kiến công suất sản xuất là 150.000 xe trong mỗi giai đoạn. Giai đoạn 1 của nhà máy đã được khởi công xây dựng vào tháng 4/2021 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm nay.
Chia sẻ về điểm mạnh của xe điện Xiaomi, các blogger về ô tô từng tham gia nghiên cứu phát triển và trải nghiệm đều cho biết tư thế ngồi của sản phẩm này gần giống với tư thế ngồi của ô tô chạy bằng nhiên liệu nhất. Và hiệu suất hoạt động của nó cũng vô cùng mạnh mẽ.
Vào tháng 3/2021, Xiaomi bất ngờ đưa ra thông báo rằng họ sẽ tham gia vào ngành công nghiệp ô tô, với khoản đầu tư đầu tiên là 1,5 tỷ USD và tổng các khoản đầu tư dự kiến là 10 tỷ USD trong 10 năm tiếp theo.
Công ty được cho là đang phát triển cùng lúc 2 phiên bản khác nhau của một chiếc xe. Phiên bản thương mại bán ra công chúng sẽ có giá khởi điểm quanh mức 40.000 USD, còn một phiên bản cao cấp hơn có giá từ khoảng 50.000 USD. Phiên bản thứ hai dù sử dụng cùng một nền tảng với phiên bản đầu nhưng sẽ ra mắt sau, vào năm 2025, do sử dụng các công nghệ cao cấp hơn, hệ thống ba động cơ cùng phần mềm điều khiển do hãng tự phát triển.
Tháng 12/2022, VinFast VF 8 City Edition chính thức đặt chân tới Mỹ với mức giá khởi điểm 55.500 USD. Chuyện đáng nói là, phiên bản này chỉ có quãng đường di chuyển 288 km mỗi lần sạc, thấp hơn đáng kể so với công bố trước đây là 469 km. Thời điểm đó, VinFast đã cam kết, quãng đường di chuyển của phiên bản City Edition sẽ tăng lên khi hãng tiến hành cập nhật phần mềm, dự kiến vào cuối tháng 1/2023.
VinFast đã giữ đúng lời hứa. Hãng vừa đưa ra bản cập nhật mới giúp quãng đường di chuyển của VinFast VF 8 Eco City Edition tại Mỹ tăng thêm 45 km, tối đa 333 km/sạc, theo ước tính của EPA.
Ngoài việc cập nhật phần mềm, VinFast VF 8 Eco City Edition còn được khuyến mãi thêm 6.500 USD. Giá xe giảm xuống còn 49.000 USD. Tương tự với phiên bản Plus, giá bán giảm từ 62.500 USD xuống 56.000 USD.
Khuyến mãi trên chưa bao gồm mức giảm chung 3.000 USD cho khách hàng mua phiên bản City Edition và phí vận chuyển khoảng 1.200 USD. Đồng thời, việc giảm giá bán sẽ đi kèm với hợp đồng thuê pin rẻ hơn.
Theo Carscoops, mặc dù VinFast VF 8 City Edition được giảm giá và tăng quãng đường di chuyển nhưng mẫu xe điện Việt Nam vẫn còn khiến khách hàng xứ cờ hoa đắn đo. Lý do là vì Tesla gần đây đã giảm giá mẫu Model Y xuống còn 53.490 USD (chưa bao gồm 1.300 USD phí vận chuyển). Như vậy, Tesla Model Y chỉ đắt hơn VinFast VF 8 Eco City Edition khoảng 7.680 USD.
Coca-Cola là tập đoàn của Mỹ được thành lập vào ngày 29/1/1892. Ngày nay, công ty chủ yếu tham gia vào việc sản xuất và bán sirô tạo nên Coca-Cola, một loại nước ngọt giải khát có ga. Loại nước uống này đã trở thành một biểu tượng văn hóa ở Mỹ và thịnh hành trên toàn cầu.
Công ty cũng sản xuất và bán các loại nước ngọt và đồ uống có ga khác. Với hơn 2.800 sản phẩm có mặt tại hơn 200 quốc gia, Coca-Cola là nhà sản xuất và phân phối nước giải khát lớn nhất thế giới và là một trong những tập đoàn lớn nhất tại Mỹ. Trụ sở chính của công ty đặt tại Atlanta, Georgia.
Thức uống Coca-Cola được một dược sĩ có tên John S. Pemberton pha chế vào năm 1886 tại Công ty Hóa chất Pemberton. Pemberton ban đầu quảng cáo đồ uống của ông như một loại thuốc bổ giúp giảm đau đầu và tạo cảm giác sảng khoái.
Thành phần của món đồ uống này bao gồm cocaine từ lá coca và chất chiết xuất giàu caffeine của hạt kola. Cocaine sau này bị loại khỏi công thức của Coca-Cola vào khoảng năm 1903. Pemberton bán sirô cho các quán bán đồ uống địa phương. Nhờ quảng cáo thành công, thức uống này trở nên phổ biến phi thường.
Đến năm 1891, một dược sĩ khác là Asa Griggs Candler đã gom 2.300 USD để mua đứt công thức và bản quyền pha chế Coca-Cola. Một năm sau, ông thành lập Công ty Coca-Cola. Nhãn hiệu Coca-Cola được đăng ký tại Văn phòng Bằng Sáng chế Mỹ vào năm 1893.
Dưới sự dẫn dắt của Candler, doanh số bán hàng tăng từ khoảng 34.000 lít sirô vào năm 1890 lên hơn 1 triệu lít vào năm 1900. Cũng trong thập kỷ đó, các nhà máy sản xuất sirô được thành lập ở Dallas, Los Angeles và Philadelphia. Sản phẩm từ các nhà máy được bán trên khắp nước Mỹ và nhiều tiểu bang của Canada.
Năm 1899, Công ty Coca-Cola đã ký thỏa thuận đầu tiên với một công ty đóng chai độc lập, được phép mua sirô và sản xuất, đóng chai và phân phối đồ uống Coca-Cola. Những thỏa thuận cấp phép như vậy đã hình thành cơ sở của một hệ thống phân phối độc nhất hiện nay.
Với định giá 100.000 USD vào năm 1892, Công ty Coca-Cola được bán lại cho một nhóm các nhà đầu tư do doanh nhân người Atlanta Ernest Woodruff đứng đầu. Con trai ông là Robert Winship Woodruff đã dẫn dắt công ty trong hơn ba thập kỷ (1923–1955).
Chai Coca-Cola thủy tinh có đường viền được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1916 và được đăng ký vào năm 1960. Những thị trường mới mở ra cho Coca-Cola vào đầu những năm 1990. Công ty bắt đầu bán sản phẩm ở Đông Đức vào năm 1990 và ở Ấn Độ vào năm 1993. Năm 1992, công ty giới thiệu loại chai đầu tiên được làm một phần từ nhựa tái chế, một cải tiến lớn trong ngành vào thời điểm đó.
Sau nhiều sóng gió, có thành công và cả những thất bại, câu chuyện về công ty Coca-Cola và thức uống độc đáo đã để lại nhiều bài học quý giá. Công thức pha chế món đồ uống này vẫn là một trong những bí mật kinh doanh được gìn giữ cần thận nhất thế giới. Nhiều người cho rằng chỉ có hai vị giám đốc cấp cao của Coca-Cola được quyền tiếp cận phòng pha chế.
Lĩnh vực sản xuất chip nhớ, vốn nổi tiếng với các chu kỳ bùng nổ và suy thoái đều đặn, đã bất ngờ thay đổi cách thức vận hành của nó. Trong quá khứ, sự kết hợp giữa việc quản lý kỷ luật và chặt chẽ các thị trường mới cho sản phẩm của mình – bao gồm cả công nghệ 5G và dịch vụ đám mây – sẽ đảm bảo rằng các công ty dễ dự đoán thu nhập mang lại.
Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau khi các công ty chip nhớ lớn đưa ra những tuyên bố như vậy, ngành công nghiệp trị giá 160 tỷ USD đang phải hứng chịu một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay. Hiện tại, chip trong kho đang vô cùng dư thừa, nhưng khách hàng lại liên tiếp cắt giảm đơn đặt hàng và giá sản phẩm giảm mạnh.
“Ngành công nghiệp chip nghĩ rằng các nhà cung cấp sẽ có khả năng kiểm soát mọi thứ tốt hơn”,Avril Wu, phó chủ tịch nghiên cứu cấp cao của TrendForce cho biết.“Sự suy thoái này đã chứng minh rằng mọi người đều đã sai.”
Cuộc khủng hoảng chưa từng có này đang không chỉ hút sạch tiền mặt của các công ty lãnh đạo ngành như SK Hynix và Micron Technology, mà nó còn đang gây bất ổn cho các nhà cung cấp của họ. Chưa kể, ảnh hưởng của nó cũng đang dần làm sứt mẻ các nền kinh tế châu Á vốn dựa vào xuất khẩu công nghệ, đồng thời buộc một số công ty chip nhớ còn lại phải thành lập liên minh hoặc thậm chí cân nhắc tới việc sáp nhập để vượt qua khó khăn.
Mọi thứ bắt đầu từ sự gia tăng doanh số bán hàng trong thời gian ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khi nhu cầu được thúc đẩy bởi những người mua sắm trang bị cho văn phòng tại nhà và mua máy vi tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh. Nhưng giờ đây, sự sụt giảm mạnh mẽ đã xuất hiện khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang trì hoãn các giao dịch mua lớn khi phải tìm cách đối phó với lạm phát và lãi suất tăng. Các nhà sản xuất những thiết bị nói trên, những đối tác mua chip nhớ chính, đột nhiên bị mắc kẹt với các kho hàng dự trữ linh kiện và việc không ai có nhu cầu mua sắm thêm.
Hiện tại, Samsung Electronics và các đối thủ của hãng đang chấp nhận thua lỗ trên mỗi con chip họ sản xuất ra. Khoản lỗ hoạt động tập thể này được dự đoán sẽ đạt mức kỷ lục 5 tỷ USD trong năm nay. Hàng tồn kho – một chỉ số quan trọng về nhu cầu đối với chip nhớ – đã tăng hơn gấp ba lần lên mức kỷ lục, đạt mức đủ dư thừa để cung cấp từ ba đến bốn tháng.
Samsung có vẻ là công ty duy nhất sẽ thoát khỏi tình trạng này một cách nguyên vẹn, nhờ các hoạt động kinh doanh đa dạng và mạnh mẽ của mình. Nhưng ngay cả bộ phận bán dẫn của gã khổng lồ Hàn Quốc cũng đang hướng tới việc sẽ thua lỗ. Và mọi thứ sẽ hiển hiện trong báo cáo thu nhập hàng quý sắp tới.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp này cũng đang phải chịu đựng sự kết hợp độc đáo giữa các hoàn cảnh bất lợi liên tiếp, từ đại dịch, cuộc khủng hoảng ở Ukraine, lạm phát cho tới sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Và mọi thứ đã khiến cho sự sụt giảm trở nên tồi tệ hơn nhiều so với quá trình suy thoái theo chu kỳ thông thường.
Micron, nhà sản xuất chip nhớ duy nhất của Mỹ, đã có các phản ứng mạnh mẽ trước việc nhu cầu mua giảm mạnh. Công ty cho biết vào cuối tháng trước rằng họ sẽ cắt giảm ngân sách cho các nhà máy và thiết bị mới bên cạnh việc giảm sản lượng. Giám đốc điều hành Sanjay Mehrotra cho biết mức ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào việc các đối tác của công ty thực hiện các động thái tương tự nhanh như thế nào.
“Chúng ta phải vượt qua chu kỳ này”, ông nói.“Tôi tin rằng xu hướng tăng trưởng xuyên chu kỳ và lợi nhuận vẫn còn.”
Tại Hàn Quốc, Hynix cũng đã cắt giảm đầu tư và thu hẹp sản lượng. Tình trạng dư thừa hàng tồn kho của công ty một phần là kết quả của việc mua lại mảng kinh doanh bộ nhớ flash của Intel Corp – một thỏa thuận được thực hiện trước khi ngành này rơi vào suy thoái.
Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào ông vua chip nhớ Samsung, hãng cho đến nay vẫn chưa nói nhiều về triển vọng ngắn hạn của ngành. Nhà sản xuất chip, điện thoại thông minh và màn hình lớn nhất thế giới chuẩn bị đưa ra báo cáo thu nhập quý IV/2022. Sau đó là một cuộc gọi đầu tư trong đó các nhà phân tích có thể đặt câu hỏi về các kế hoạch quản lý của họ.
Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc có thói quen không ngại chi tiêu trong thời kỳ suy thoái, với hy vọng thoát khỏi chúng nhờ khả năng sản xuất vượt trội và lợi nhuận cao hơn khi nhu cầu tăng lên.
Tuần trước, nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Lam Research Corp cho biết họ đang chứng kiến lượng đơn đặt hàng giảm chưa từng thấy do các khách hàng mua bộ nhớ cắt giảm và hoãn chi tiêu. Các giám đốc điều hành của công ty, vốn coi Samsung, SK Hynix và Micron là những khách hàng hàng đầu của mình, đã từ chối dự đoán khi nào những hành động như vậy có thể giúp thị trường bộ nhớ phục hồi.
“Chúng tôi đã thấy các biện pháp phi thường trong thị trường này”,CEO Tim Archer cho biết trong một cuộc gọi với các nhà đầu tư.“Đó là mức độ mà chúng ta chưa từng thấy trong 25 năm qua.”
Các nhà sản xuất bộ nhớ luôn gặp khó khăn trong việc xử lý các đợt tăng đột biến và sụt giảm nhu cầu. Việc đưa các nhà máy mới vào hệ thống vận hành thường mất nhiều năm và hàng tỷ USD, vì vậy rất khó để chọn đúng thời điểm đầu tư. Những rủi ro đã khiến các công ty trong ngành trở nên thận trọng hơn. Họ tập trung vào lợi nhuận hơn là cố gắng tăng trưởng nhanh chóng và giành thị phần.
Shin Jinho, đồng giám đốc điều hành của Midas International Asset Management, cho biết điều đó đặc biệt đúng đối với cái gọi là chip DRAM, nơi ba nhà cung cấp chính – Samsung, Hynix và Micron – đang giảm nguồn cung. Và theo ông, một phần quan trọng khác của thị trường bộ nhớ, chip NAND, đang bị phân mảnh nhiều hơn và sẽ trải qua một cuộc chiến khốc liệt hơn khi nhiều đối thủ tranh giành cơ hội sống còn.
“Thị trường NAND đang trải qua sự cạnh tranh khốc liệt và sự phục hồi sẽ diễn ra sau một quý khi thị trường DRAM phục hồi”, ông Shin cho biết.“Nếu tình hình kéo dài hơn, cuối cùng, chúng ta sẽ thấy sự hợp nhất trên thị trường NAND.”
Ngành công nghiệp bộ nhớ đã có những vụ sáp nhập trong thời kỳ suy thoái trước đây và lần này có thể không phải là ngoại lệ. Các nhà sản xuất NAND Western Digital Corp và Kioxia Holdings Corp đang cho thấy dấu hiệu tiến triển trong các cuộc đàm phán thỏa thuận của họ, theo những người quen thuộc với vấn đề này cho biết. Tuy nhiên, các công ty đã cùng nhau sản xuất và do đó việc sáp nhập sẽ không nhất thiết dẫn đến việc giảm sản lượng.
Nhưng một câu hỏi dài hạn hơn là khi nào nhu cầu của khách hàng sẽ phục hồi trở lại. Theo Greg Roh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ tại HMC Investment & Securities, cho biết việc thay đổi chính sách quản lý ở Trung Quốc gần đây có thể là một chất xúc tác giúp ích cho ngành, vì các nhà sản xuất thiết bị sẽ có thể đưa các nhà máy sản xuất trở lại nhịp điệu hoạt động bình thường.
“Sẽ có nhu cầu bị dồn nén đối với các sản phẩm tiện ích”,Roh nói.“Quan điểm của chúng tôi là thị trường bộ nhớ sẽ phục hồi trong nửa còn lại của năm.”