Mới đây, việc Indonesia hoãn cấp phép bán iPhone 16 tại quốc gia này đang làm xôn xao dư luận.
Cụ thể Apple có kế hoạch mở bán iPhone 16 vào ngày 10/9/2024 nhưng bị buộc phải hoãn lại do chưa xin được giấy phép từ Bộ công nghiệp Indonesia.
Sự trì hoãn này chủ yếu đến từ việc Apple cần gia hạn giấy phép TKDN do Bộ công nghiệp Indonesia cấp, nhưng việc không đầu tư đủ 1,71 nghìn tỷ Rupiah, tương đương 109,5 triệu USD như đã hứa vào nền kinh tế này khiến nhà táo khuyết bị trì hoãn các thủ tục hành chính.
“Apple từng có giấy chứng nhận này nhưng giờ đã hết hạn”, Bộ trưởng bộ công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết khi nói thêm rằng bộ này đang chờ khoản đầu tư như đã hứa từ nhà táo khuyết.
Cho đến hiện tại, Apple mới giải ngân 1,48 nghìn tỷ Rupiah (94,53 triệu USD) và còn thiếu 240 tỷ Rupiah nữa mới đủ số tiền cam kết.
Bảo hộ hay quan liêu?
Việc iPhone 16 bị trì hoãn cấp phép ra mắt tại Indonesia đang tạo nên cuộc tranh cãi trên cộng đồng mạng.
Giấy phép TKDN của Indonesia chủ yếu nhắm đến các thành phần của một sản phẩm có được làm nội địa hay không. Theo quy định, các sản phẩm như của Apple muốn được cấp giấy chứng nhận này phải có đủ ít nhất 40% linh kiện sản xuất tại Indonesia.
Động thái này của Indonesia đang tạo nên những ý kiến trái chiều khi một số người cho rằng Apple sẽ không chấp nhận lỗ nếu đầu tư vào Indonesia và người chịu thiệt chỉ là khách hàng và người lao động.
Thay vì chờ đợi trong nước, các cửa hàng bán iPhone tại Malaysia và Singapore thường là điểm đến ưa thích của những người buôn hàng Apple tại Indonesia. Các sản phẩm nhà táo khuyết được ra mắt tại đây sớm hơn và thường có giá rẻ hơn so với việc chờ đợi tại Indonesia.
Theo tính toán, tổng chi phí để mang một chiếc iPhone 16 rẻ nhất từ Singapore về Indonesia kể cả tiền thuế và phí đăng ký nhận dạng thiết bị di động (IMEI) có thể lên đến 18 triệu Rupiah (1.155 USD).
Một chiếc iPhone 16 rẻ nhất cũng có giá 1.299 Dollar Singapore, tương đương 994 USD tại Singapore. Thế nhưng những người mua từ Indonesia sẽ phải trả thêm 155 USD phí nhập khẩu.
Ở phía ngược lại, nhiều người dân ủng hộ chính sách mạnh tay của chính phủ nhằm bảo hộ quyền lợi quốc gia.
Theo quy định, Apple có thể đạt đủ tiêu chuẩn được cấp phép TKDN tại Indonesia với 1 trong 3 phương án là sản xuất thiết bị tại địa phương, phát triển ứng dụng tại Indonesia hoặc phát triển đổi mới sáng tạo trong nước.
Phía Apple đã lựa chọn phương án thứ 3 bằng cách xây dựng các học viện cho nhà phát triển tại Tangerang, Sidoarjo và Batam.
Trong chuyến thăm Indonesia vào tháng 4 năm nay, CEO Tim Cook của Apple cho biết đang có kế hoạch mở học viện thứ 4 tại Bali.
Như ở Việt Nam
Hãng tin CNBC cho hay Apple là hãng điện thoại di động lớn duy nhất chưa có nhà máy ở Indonesia trong khi các đối thủ như Samsung, Xiaomi, Oppo đều có nhà máy ở đây.
Chính điều này đã khiến chính phủ Indonesia không hài lòng khi Bộ trưởng Agus khuyến nghị Apple không chỉ nên xây học viện mà còn cần mở nhà máy hay các trung tâm nghiên cứu để có thể lấy được chứng nhận TKDN dài hạn.
Tuy nhiên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia, ông Budi Arie Setiadi cho biết Apple đòi được ưu đãi tương tự như ở Việt Nam, ví dụ như các ưu đãi thuế. Thế nhưng Bộ trưởng Budi cho biết điều này là không thể vì có thể khiến các hãng đối thủ đã mở nhà máy ở Indonesia đòi hỏi tương tự.
*Nguồn: CNBC